- Chúng tôi đề nghị mà học sinh và phụ huynh không đồng tình thì số tiền 115 triệu đồng bỏ ra mua vở sẽ thuộc về trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường và bộ phận hành chính - Ông Phan Xuân Nho, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Kỳ 3 (Nghệ An).
Phải mua vở trường bán, không chấp nhận vở mua ngoài chợ?
Hàng ngàn học sinh Trường THPT Tân Kỳ 3 (Nghệ An) ngỡ ngàng khi nghe nhà trường thông báo phải đăng ký mua vở cho năm học mới có logo, hình ảnh quy chuẩn riêng biệt của nhà trường với giá 3.900 đồng/cuốn trong khi giá ở chợ chỉ có 3.000 đồng/cuốn.
Những quyển vở có hình ảnh của nhà trường, có giá bán 3.900/cuốn. Ảnh: Q. Huy
Nhiều học sinh mới vào lớp 10 đành chấp nhận chủ trương của nhà trường đề ra.
Ý kiến của em Nguyễn Thị Lan (lớp 10) cho rằng: “Đa số học sinh lớp 10 như em mới vào trường mọi thứ còn lạ lẫm nên đành phải chấp hành. Hơn nữa, nếu vở không có cái bìa của nhà trường thì coi như... không có vở”.
Phụ huynh của học sinh Nguyễn Thành Long cho biết: "Đầu năm học 2009–2010, mấy đứa bạn của Long đều mượn vở của con tôi để đối phó với giáo viên kiểm tra. Một số em phải đi mua nhãn vở về ghi tên mình để dán chồng lên vở của bạn, nhằm qua mặt đội kiểm tra của nhà trường, vì gia đình đã mua vở loại khác với giá rẻ hơn.
Mặc dầu tôi không đồng ý chủ trương kiểu ép buộc như thế, nhưng vì con vừa mới vào học lớp 10 nên phải mua cho yên chuyện”.
Kho chứa gần 40 ngàn quyển vở có hình ảnh, logo của nhà trường đang được "ép" bán dần cho hơn 1.700 học sinh Trường THPT Tân Kỳ 3. Ảnh: Q. Huy
Gặp hàng chục học sinh Trường THPT Tân Kỳ 3 như Nghĩa, Vinh, Nam, Tiếp, Trung, Phúc… là học sinh (lớp 11, 12), các em đều cho rằng: Nhà trường bắt buộc phải mua mỗi em ít nhất là 22 quyển vở và khi nào họp phụ huynh thì thu tiền.
Với quy định của riêng trường THPT Tân Kỳ 3, mỗi học sinh bị “mất oan” vào chủ trương mua vở có hình ảnh nhà trường gần 20.000 đồng.
Khi được hỏi, nhiều phụ huynh và học sinh khác đều có chung ý kiến là không đồng tình chủ trương bắt buộc mua vở theo kiểu ép buộc như vậy. Cũng là cuốn vở để viết, tại sao mua ngoài chợ thì không được chấp nhận?
Chiều 29/8, trao đổi với VietNamNet, Ông Phan Xuân Nho, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Kỳ 3 cho biết: “Trong lộ trình xây dựng thành trường chuẩn Quốc gia dự kiến vào năm 2012, Ban Giám hiệu nhà trường khẩn thiết đề nghị các em học sinh ủng hộ chủ trương chung xây dựng trường “chuẩn”.
Tôi nghĩ chủ trương này là đúng, nên mỗi học sinh phải đồng phục từ quần áo đến sách vở, phải tạo ra một nét riêng biệt, không nên giống trường khác. Mặc dầu tôi biết các em học sinh không được đồng thuận lắm”.
Ông Phan Xuân Nho - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Kỳ 3, muốn tiến đến xây dựng trường “chuẩn” thì phải kêu gọi các em học sinh ủng hộ. Ảnh: Q. Huy |
Trước khi nghỉ hè tháng 5/2009, Ban Giám hiệu trường Tân Kỳ 3 đã bàn bằng… miệng về lộ trình xây dựng trường “chuẩn”. Sau đó, kêu gọi học sinh trước khi vào năm học mới nhà trường sẽ bán vở cho học sinh theo một mẫu chung cho hơn 1.700 học sinh.
Ông Nho cho rằng: “Việc bán gần 40 ngàn quyển vở có một hình ảnh riêng của trường Tân Kỳ 3 không cần phải thông qua Sở Giáo dục Nghệ An. Tôi nghĩ Sở Giáo dục làm gì quan tâm đến vấn đề nhỏ này?
Mặc dầu không nằm trong chủ trương của Sở Giáo dục chỉ đạo, nhưng chúng tôi muốn tạo một nét riêng cho trường.
Hơn nữa, kỷ cương tiến đến xây dựng trường “chuẩn” 2012, chúng tôi phải bắt đầu từ cái nhỏ nhất để giáo viên và học sinh đi đến lộ trình.
Nếu năm học 2009 - 2010, chúng tôi đề nghị mà học sinh và phụ huynh không đồng tình thì số tiền 115 triệu đồng bỏ ra mua vở sẽ thuộc về trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường và bộ phận hành chính”.
Ông Nho còn cho biết thêm: “Năm học 2006 đến nay, nhiều năm liền trường chúng tôi vẫn bán trên 40 ngàn cuốn vở cho học sinh có ảnh trường, nhưng có thấy Sở Giáo dục phản ứng gì đâu?”.
- Quốc Huy