- Vũ Thị Phương - thủ khoa trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội là người có điểm khối C cao nhất cả nước, với 27 điểm (Văn: 9, Sử: 8,5, Địa: 9,5).
Liên tục là học sinh giỏi trong 12 năm, Phương còn "ẵm" thêm các giải thi học sinh giỏi Văn, giải nhì huyện, giải ba (lớp 8 & 9) và giải khuyến khích cấp tỉnh (lớp 12).
Vũ Thị Phương
Em thành thật: “Giải nhất quốc gia Văn là niềm mong mỏi của em nhưng em không làm được. Cái đích cuối cùng vẫn là vào đại học, nếu đạt giải quốc gia mà thi trượt đại học thì giải ấy cũng xếp... xó”.
Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, Phương là chị của một em trai đang học lớp 10.
Bố là công nhân lắp máy ở Bãi Bằng, thường xuyên vắng nhà. Mọi việc nhà cửa, bếp núc đều đặt lên đôi vai mẹ Phương.
Cô Phạm Thị Mai ngày ngày vẫn bám quán nước nhỏ ngoài hiên nhà để lấy chút tiền rau tương mắm muối nuôi hai con ăn học.
Phương tâm sự: “Là con gái, lại là dân khối C nên rất nhạy cảm về tâm hồn, mẹ là nguồn động viên to lớn nhưng học xa nhà từ 3 năm nay nên em cũng tủi thân. Chủ nhật bắt xe về quê thì không gặp được bố. Chỉ có 3 mẹ con ngồi ăn bữa cơm chiều mà nghẹn ngào cho xong bữa”.
Phương chia sẻ, kỳ thi ĐH vừa qua, sở dĩ em đạt điểm 9 môn Văn cũng là do cách làm bài khoa học.
Trước hết, phải chia tách ý rõ ràng, đâu là ý lớn, đâu là ý nhỏ. Khi làm bài chỉ cần lần theo các ý đó có mạch cảm xúc dẫn dắt câu cú thì tự nhiên bài sẽ đạt yêu cầu.
Trong bài cần liên hệ, mở rộng để bài viết phong phú hơn, khác hẳn các bài Văn đã tập viết trước khi thi. Học dẫn chứng cũng là một “chiêu” mà cô thủ khoa này ngấm rất lâu bằng cách ghi ra giấy nháp đoạn thơ, câu Văn cần học thuộc.
Ghi khoảng 20 lần, bỗng dưng sẽ lằn trong đầu, nếu chưa thuộc rõ, cần ghi lại và dán nó lên góc học tập để thỉnh thoảng liếc qua.
Khi làm bài mà bị tắc dẫn chứng, theo Phương không nên đặt nó vào trong ngoặc kép mà dẫn theo lối Văn của riêng mình.
Không chỉ "đỉnh" môn Văn mà Sử và Địa cũng là hai môn Phương rất "khoái" học. Ở môn Địa, cần xem nhiều bản đồ để trong trí nhớ người học sẽ hình thành tư duy bản đồ, tránh “râu ông nọ cắm cằm bà kia” như một số trường hợp thí sinh nhầm vùng Tây Nguyên có... giáp biển. Số liệu của Sử và Địa cũng cần ghi ra giấy nháp nhiều lần. Học Sử cần học theo giai đoạn, học Địa nên học theo vùng, theo chuyên đề để không bị loạn số liệu.
Phương nói: do bị “say” mấy môn xã hội nên em chọn thi vào khoa Quốc tế học để thỏa mãn sự tò mò của mình.
“Em cần đi nhiều nơi để chứng thực những thông tin em đã học với thực tế” – Phương tâm sự. Vũ Thị Phương không "quên" ước mơ trở thành nhà báo, em hiện đang sinh hoạt trong bút nhóm Mặt trời xanh của tỉnh Phú Thọ.
-
Đức Chính