221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1226837
Trường "như nêm cối", trường "chùa Bà Đanh"
0
Article
null
Tuyển sinh lớp 1:
Trường 'như nêm cối', trường 'chùa Bà Đanh'
,

 - Nghịch cảnh giữa lòng Hà Nội: Hai trường tiểu học trên cùng một địa bàn nhưng trường thì phải mở thêm 3 lớp (60 HS/lớp), trong khi trường kia cố gắng lắm cũng chỉ tuyển được khoảng 70-80% HS đúng tuyến với sĩ số 35 HS/lớp.

Sắp chuẩn quốc gia vẫn... ế

TruongVan-Phuc.jpg
Khuôn viên khang trang, sạch đẹp của Trường Tiểu học Vạn Phúc, quận Ba Đình, HN.
Theo quy định, việc tuyển sinh vào đầu cấp ở các trường tiểu học cả đúng tuyến và trái tuyến đã hoàn tất (cuối tháng 7). Tuy nhiên, nhiều trường trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn chưa tuyển được đủ số chỉ tiêu được giao.

Trường Tiểu học Vạn Phúc (phường Kim Mã, Q. Ba Đình, Hà Nội) mới chỉ có 55 HS ra xin học. Trong khi chỉ tiêu của trường là 2 lớp với 70 HS. Các thầy cô của trường không ngạc nhiên, bởi đây là tình trạng thường thấy mọi mùa tuyển sinh.

Tuy nhiên, năm nay theo dự báo HS tuổi Quý Mùi tỷ lệ sinh rất đông nên các cô cũng đã hy vọng mùa tuyển sinh này số HS sẽ tăng. Song khi được biết các trường bạn xung quanh đã được tăng quy mô lớp thì niềm hy vọng của các cô đã vụt tắt.

Trường Tiểu học Vạn Phúc chỉ có 10 lớp, sĩ số trung bình bao giờ cũng ở mức 35 HS/lớp. Trường có đầy đủ các phòng chức năng như tin học, mỹ thuật, âm nhạc, thể chất và vẫn còn thừa 2 phòng học. Đặc biệt, trường đang chờ thành phố ra quyết định trường chuẩn quốc gia. Nhưng năm nào trường cũng thiếu trò, học sinh trái tuyến hầu như không có. 

Giải thích lý do "ế" học sinh, cô Bích không nói, chỉ đưa tay chỉ đường vào trường - ngõ 194 Đội Cấn, con đường nhỏ hẹp dài khoảng 100m dẫn vào trường không có biển chỉ dẫn, chợ cóc họp 2 bên đường đúng giờ cha mẹ HS đưa con đến trường.

Chúng tôi dạo một vòng quanh trường và địa bàn các vùng lân cận thì nhận thấy trường tuyển sinh HS phường Kim Mã nhưng lại nằm trên địa giới phường Đội Cấn. Vị trí này bị ngăn cách với địa bàn Kim Mã bởi một con kênh nên cha mẹ HS hay tìm đến những trường xung quanh thuận tiện hơn như Đại Yên, Phan Chu Trinh, Ngọc Khánh... 

Bị cô lập bởi đường tắc, chợ đông, nhiều trường tiểu học khác như Trường Nguyễn Bá Ngọc (Ba Đình) chỉ luôn tuyển 2 lớp 1. Cùng với các trường tiểu học Minh Khai, Trung Hiền, Quỳnh Lôi, Quỳnh Mai (Q.Hai Bà Trưng), Trường Nguyễn Bá Ngọc nhờ năm Quý Mùi "đông dân" mới đạt chỉ tiêu đúng tuyến. Trường Tiểu học Tam Khương là trường chuẩn quốc gia nhờ năm Quý Mùi, đã tuyển được 100 HS, trong khi chỉ tiêu là 90.

Chung cư tăng tầng, trường học quá tải

Nằm trên địa bàn quận Ba Đình, Trường Tiểu học Kim Đồng được biết đến với "danh tiếng" năm nào tuyển sinh cũng "căng như dây đàn", với số HS đúng tuyến và cả trái tuyến chen chân vào trường.

Nếu như năm học trước, chỉ có khoảng hơn 300 HS đúng tuyến, 164 HS trái tuyến thì năm học này, số đúng tuyến lên đến hơn 400 HS và trái tuyến cũng tăng lên hơn 200 HS.

Cô Hiệu trưởng Bùi Thị Minh Hằng cho biết, chỉ tiêu được giao là 8 lớp nhưng nay phát sinh thêm 3 lớp nữa thành 11 lớp và trung bình mỗi lớp hơn 60 trẻ.

Để chống chọi tình trạng quá tải, năm nay trường phải xây thêm 4 phòng học mới mong đủ chỗ. Còn các phòng chức năng thì đã dành chỗ cho lớp học từ lâu.

Nguyên nhân thì ai cũng nhận thấy, năm nay HS tuổi Quý Mùi đông. Một nguyên nhân khác, cô Hằng nói rõ, chung cư quanh đây từ 5 tầng đã được thay thế bằng 15-17 tầng, trong khi vẫn chỉ có một trường tiểu học nên lượng trẻ dồn về đông.

Đối với số trái tuyến, là một trong những trường "điểm" trên địa bàn quận không thể tránh khỏi lượng HS này, cô Hằng nói. Đó là những trường hợp đối ngoại của UBND quận, của phòng, Sở, Bộ và con cháu giáo viên.

Bên cạnh Trường Kim Đồng (Q. Ba Đình) căng thẳng mỗi mùa tuyển sinh vì quá nhiều phụ huynh "mến mộ", trên địa bàn Hà Nội có khoảng hơn chục trường như vậy. Các trường này, cứ đến mùa là có hiện tượng "chạy trường" mà báo chí đã phản ánh trước mỗi mùa tuyển sinh như: Lê Văn Tám, Lê Ngọc Hân (Q. Hai Bà Trưng), Kim Liên, Nam Thành Công (Q. Đống Đa), Quang Trung, Thăng Long (Q. Hoàn Kiếm),...
Bó tay "đông cứ đông, ế mặc ế"

TruongNBN.jpg
Đường vào Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, quận Ba Đình, HN.

"Nếu việc phân luồng và thực hiện phân luồng tốt hơn trong các địa bàn phường giáp ranh thì sẽ giảm thiểu được sự chênh lệch quá tải và quá vắng giữa các trường", cô Bích nói.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình, Hà Nội, ngành đã tổ chức phân luồng kỹ lưỡng, phường nào có một trường thì tuyển HS phường đó, có 2 trường thì chia theo cụm dân cư.

"Chúng tôi có khuyến cáo các trường lân cận không được nhận HS của vùng liền kề, nhưng phụ huynh hoặc chạy hộ khẩu hoặc lý do nhà gần trường để xin con em vào trường như ý", ông Vũ cho hay.

Theo ông Vũ, phụ huynh hay "kén cá chọn canh", thường tìm mọi cách cho con vào học các trường gần nhà, gần cơ quan để tiện đưa đón. Nên  các trường ở sâu, xa trong ngõ như Trường Vạn Phúc tuyển sinh rất khó khăn, trong khi những trường ở mặt đường như Kim Đồng lại rất vất vả để hạn chế sĩ số, ngăn làn sóng học sinh trái tuyến là con cháu giáo viên, các tổ chức cá nhân, đơn vị, các mối quan hệ khác của nhà trường...

Để mô tả tình trạng quá tải ở một số điểm trường, ông Trưởng phòng GD-ĐT quận còn đưa ra các lý do khác, như số HS năm nay tăng 1,2-1,3 lần so với các năm trước, nhập khẩu dễ dàng hơn. Hoặc việc xây thành chung cư cao tầng nhưng quên "bài toán" hạ tầng phúc lợi cho nhân dân như trường học...

Cho đến khi Phòng GD-ĐT tìm giải pháp phân luồng hợp lý, dàn đều HS giữa các trường thì việc trường tất bật đón HS, trường thì "ế ẩm" sẽ vẫn còn diễn ra mỗi mùa tuyển sinh.

  • Bảo Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc

Chuyện chênh lệch tuyển sinh giữa các trường là hợp lý và luôn xảy ra. Mỗi trường có cách phát triển khác nhau nên mức độ phục vụ cũng khác nhau (coi giáo dục như dịch vụ). Điều kiện tự nhiên của mỗi trường cũng khác nhau gần sông, gần chợ, ngõ nhỏ... Sức hút mỗi trường khác nhau là tất yếu.
Các nhà quản lý cần hiểu rằng có một cái bánh thôi, chia cho người này nhiều hơn một tý thì sẽ làm mất phần của một hay nhiều người khác. Cho trường khác mở thêm lớp thì sẽ làm trường bên cạnh thiếu một số học sinh. Lớp mới sẽ hút học sinh về, hút giáo viên về. Nếu cứ tiếp tục như vậy, đến lúc nào đó trường bên cạnh sẽ bị một tình cảnh gần như bị "xóa sổ". Nhiều công sức, tiền bạc sẽ lãng phí.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là công việc chung của xã hội. Nhưng một số hình ảnh mô tả như trên đã không đúng như vậy. Quốc sách hàng đầu gì mà trường lại ở trong ngõ nhỏ chật chội, có chợ cóc lấn chiếm đường, trường cách khu dân cư một con kênh... Vấn đề này cần có sự thống nhất giữa Phòng GD và chính quyền. Các nhà quản lý giáo dục và xã hội nên ngồi lại xem để giải quyết.
.

,
Hoàng Văn Thể, Thái Nguyên, gửi lúc 02/08/2009 07:26:49

Nhà tôi ở trong ngõ 194 Đội Cấn có trường tiểu học Vạn Phúc nhưng hộ khẩu của nhà tôi lại là Đội Cấn, trong khi trường Vạn Phúc tuyển học sinh thuộc phường Kim Mã. Đúng như cô hiệu trưởng nói, mặc dù khuôn viên, cơ sở vật chất của trường rất tốt nhưng trường lại nằm quá sâu trong ngõ, xung quang đường sá đi lại rất bất tiện, cạnh lại là một con mương nữa.
Con tôi phải đi xin học ở 1 trường khác của quận, mỗi lớp hơn 50 cháu với 10 lớp 1.
Đúng là nghịch cảnh.

,
Hà Trang, gửi lúc 01/08/2009 16:56:43

Quả thật là quá tải, nhưng thôi đành chấp nhận vì con tôi cũng phải học trái tuyến, các trường gần đều đã quá tải.

,
Quảng Văn Trường, 194, Bạch Đằng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, gửi lúc 01/08/2009 16:36:52

Đó là hiện tượng hay xảy ra tại các trường trên địa bàn Hà Nội. Chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền phải chịu trách nhiệm về con đường đến trường của học sinh. Hình như bây giờ chính quyền cơ sở thờ ơ với việc đó. Câu trả lời thường là khó lắm, nhiều việc quan trọng hơn. Đề nghị Thành phố nên có kế hoạch kiểm tra các con đường vào trường để từ đó có chỉ đạo cụ thể.

,
Nguyễn Kim Hoàng, THCS Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội, gửi lúc 01/08/2009 15:59:43
Trang trước 1 Trang sau
,
,
,
© Báo VietNamNet, số 141 Bà Triệu, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Cơ quan chủ quản: Bộ Thông tin và Truyền thông.
Số giấy phép: 1285/GP - BTTTT cấp ngày 27/8/2008. Tổng biên tập: Nguyễn Văn Bá
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.
,