221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1227209
Thủ khoa điểm 30 mong thành Bộ trưởng Giáo dục
0
Article
null
Thủ khoa điểm 30 mong thành Bộ trưởng Giáo dục
,

 - "Em muốn thay đổi cuộc sống này" là chia sẻ của cô học trò người Bắc Ninh. Còn bí quyết của chàng trai quê lúa Thái Bình - Phạm Mạnh Cường - thì "thành công là không đầu hàng". Với ứng viên xứ Nghệ, học để không phí công của bố. Và thí sinh đến từ đất Tổ lại có mong muốn rất đặc biệt: trở thành Bộ trưởng GD-ĐT trong tương lai.

Đây là những phác hoạ về 5 thủ khoa điểm tuyệt đối 30/30 của trường ĐH Ngoại thương. Đến thời điểm này, ĐH Ngoại thương đang giữ ngôi "quán quân" về số lượng thí sinh có 3 bài thi đều điểm 10.

"Em muốn thay đổi cuộc sống này"

Căn nhà 3 tầng của anh Nguyễn Văn Tấn và chị Lê Thị Quyên ở thôn Hoài Thượng (Bắc Ninh) những ngày này nhiều tiếng nói cười hơn bởi con gái Nguyễn Thị Nguyệt đỗ thủ khoa ĐH Ngoại Thương.   

Nguyet
Nguyễn Thị Nguyệt.

Cô thủ khoa nhỏ nhắn, xinh xắn dường như đã biết trước được điểm của mình nên cả gia đình đã “khao” con gái bằng chuyến picnic Hạ Long 3 ngày.

Nguyệt tâm sự: “Từ năm lớp 10, em phải sống xa nhà, lên thành phố học lớp toán của Trường THPT chuyên Bắc Ninh. Là con gái, phải tự lập ở tuổi 15, nhiều đêm khóc thầm ướt cả gối nên em đã hạ quyết tâm phải học sao cho xứng đáng với những kỳ tích 9 năm học trước”. 

12 năm liên tục Nguyệt đạt danh hiệu HSG, hơn chục lần đi thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh môn Toán tính từ năm lớp 4. Bố của Nguyệt tâm sự: “Nói vui vui, tính ra số lần Nguyệt đi thi HSG và liên tiếp đạt giải nhất, nhì nhiều hơn tuổi em trai Nguyễn Tiến Đạt chuẩn bị vào lớp 4”. 

Nguyệt đi học thêm Lý và Hóa vì "sợ bạn bè biết nhiều hơn mình". Em nói: “Đi học thêm cũng có cái lợi. Lúc ấy thầy cô ra nhiều dạng bài hơn, khi ấy trong lớp sẽ có không khí tranh luận – một điều hiếm thấy ở lớp học chính khóa vì thầy dạy sao, trò vẫn chép vậy”.  

Với Nguyệt, những bài tập về cơ và phần vĩ mô, vi mô ở môn Lý có nhiều kiến thức mới cần người học chú ý hơn cả. Môn Hóa có nhiều lý thuyết nên cần phải chăm chỉ và phải có trí nhớ tốt. 

Lý do cô gái đất quan họ này đăng ký học Khoa Kinh tế đối ngoại là vì: "Em muốn thay đổi cuộc sống này. Những điều em làm được có thể làm bố mẹ em tự hào nhưng với em, em chưa bằng lòng”.  

Thành công là không đầu hàng

Biết tin mình đạt điểm tuyệt đối, một trong 5 thủ khoa của ĐH Ngoại thương HN song Phạm Mạnh Cường, THPT chuyên Thái Bình (Thái Bình) vẫn tỏ ra rất "bình thường".

Pham Cuong
Phạm Mạnh Cường
Đặc biệt yêu thích môn Toán, Cường cho biết: "Để học Toán tốt, trước hết phải có hứng thú - tức là phải yêu thích nó thực sự. 

Điều quan trọng nữa là không có tâm lý chán nản hay "buông xuôi" trước một bài toán khó. Đó cũng tựa như những "đỉnh núi nhỏ", nếu vượt qua, cảm giác rất vui sướng".  

Để "tự tin" trước mỗi "thử thách", Cường luôn tự trang bị cho mình một nền tảng kiến thức cơ bản vững chắc, từ đó đào sâu nghiên cứu các dạng bài Toán khác nhau. Bởi thế mà cũng dễ hiểu trước bảng thành tích dày đặc của Cường từ cấp tiểu học, THCS cho tới THPT ở môn Toán như: giải nhất toàn tỉnh các năm lớp 6,7,9; giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia năm lớp 12.  

Đăng ký vào ngành Kinh tế Đối ngoại của ĐH Ngoại thương HN, Cường không giấu giếm ước mơ trở thành một nhà kinh tế "giàu" cả về vật chất cũng như trình độ hiểu biết về lĩnh vực kinh tế. Cường tin mình sẽ sớm bắt nhịp được với "môi trường đầy năng động, sáng tạo" như ĐH Ngoại thương HN.

Khó khăn lớn nhất với em lúc này vẫn là vốn ngoại ngữ. Ngay từ lúc này em đã lên cho mình kế hoạch ôn tập lại kiến thức tiếng Anh cơ bản: "Vào năm học mới, chắc chắn tiếng Anh sẽ là môn được em "ưu tiên" nhất trong các môn".  

Toán học còn dạy cho Cường tính cẩn thận và chu đáo trong cuộc sống. Từ nhỏ, Cường đã học được cho mình tính tự giác, chủ động trước mỗi việc làm. Suốt từ năm lớp 2 đến lớp 12, em đều được bạn bè tín nhiệm chọn làm lớp trưởng.  

Học để không phí công của bố

Nguyễn Thị Trà là một  trong 5 thí sinh thi vào Trường ĐH Ngoại thương đạt điểm tối đa 3 môn khối A. Nhưng ngay cả khi biết kết quả, em vẫn chưa tin đó là sự thật vì sau buổi thi, Trà chấm điểm cho mình chỉ đạt 28 điểm.

Nguyễn Thị Trà
Nguyễn Thị Trà.

Trà chia sẻ: Để có kết quả cao trong môn tự luận thì phải học hết trong sách giáo khoa, thường xuyên làm bài. Còn làm trắc nghiệm tốt thì phải làm tự luận thật nhiều. Bởi càng làm nhiều thì nhận rõ đề càng dễ và tiết kiệm được thời gian.

Không dừng lại đó, một khi tìm hiểu vấn đề nào thì dù là không thi, nhưng em muốn hiểu sâu, làm kỹ vấn đề mình quan tâm. Nếu chưa làm được thì tìm mọi cách đến với bạn bè, thầy cô để tìm hiểu bằng được.

Học đến lớp 9 gia đình và Trà quyết định cho em thi và theo học Trường THPT Phan Bội Châu. Trúng tuyển trong niềm vui, nhưng gần 2 năm ngày nào bố của Trà cũng đưa em đi học gần 20km sáng đi, chiều về. Trong dáng vẻ rụt rè cò phần yếu ớt Trà luôn được bố mình động viên vượt khó.

Năm 2007, bố Trà bị tai nạn chấn thương nặng. Niềm vui được bố đưa đi học hằng ngày chấm dứt. Trà quyết định ở trọ. Chính từ lần bố bị tai nạn, Trà càng quyết tâm học hơn bao giờ hết. Chỉ có học để không phí những thời gian bố miệt mài chở em tới trường khi trước.

Đậu đại học với danh hiệu thủ khoa, Nguyễn Thị Trà ước muốn sẽ trở thành một nữ doanh nhân hợp tác với các công ty liên doanh với nước ngoài. Đó là niềm mơ ước em đã ấp ủ từ lâu.

Ước mơ trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Lê Minh Thông không thể diễn tả được cảm xúc của mình khi trở thành thủ khoa của ĐH Ngoại thương HN. Niềm vui này quá bất ngờ với cậu trò khối chuyên Toán ĐHKHTN – ĐHQGHN.

Lê Minh Thông
Lê Minh Thông.
Thông cười xòa: "Quê em ở đất Tổ, nên rất hiếu học đó".

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại phải sống xa nhà để theo học ở Hà Nội, Thông chia sẻ: Nếu chỉ dựa vào gia đình thì em khó có kết quả như ngày hôm nay: "Lớp 10 em đã xuống Hà Nội học, em ở với bà, và bác. Gia đình em khó khăn, chỉ trông mong vào mấy sào ruộng ở nhà lo ăn vẫn chưa đủ".

Phương châm của Thông học hiệu quả  là chính. Không cần học nhiều. Em luôn định hướng trước là mình sẽ thu được gì khi học.

Ở trường tập trung nghe giảng, có thể thuộc bài ngay tại lớp. Thời gian ở nhà ôn lại bài, làm thêm bài tập. Đi thi thử nhiều để có thêm kinh nghiệm làm bài thi. Em thường thu thập đề thi của những năm trước và tự làm rồi so đáp án. Phân chia thành các dạng bài làm, rồi học chắc từng dạng bài.

Mặc dù thi đậu vào ĐH Ngoại thương, nhưng Thông lại có mong muốn rất đặc biệt: trở thành Bộ trưởng Giáo dục trong tương lai: "Em muốn đóng góp sức lực nhỏ bé của mình giúp đất nước phát triển hơn. Vì đất nước có phát triển được thì giáo dục phải đi đầu".

Võ Mai Hương: 3 lần đứng đầu bảng

Cách đây gần ba năm, Võ Thị Mai Hương là thủ khoa chuyên hóa trong kỳ tuyển sinh lớp 10 của Trường chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị. Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT Mai Hương là thủ khoa của tỉnh Quảng Trị với kết quả 57 điểm.

Trong kỳ thi ĐH, một lần nữa cô nhận được tin là một trong ba thủ khoa đạt điểm tuyệt đối vào ngành kinh tế đối ngoại ĐH Ngoại thương Hà Nội. Dè dặt nói về gia đình mình nhưng Mai Hương lại rất sôi nổi khi kể về vai trò lớp trưởng ở trường trung học. Vai trò lớp trưởng choán không ít thời gian của Hương nhưng cô vẫn luôn là một học sinh giỏi, với giải thưởng cao nhất đạt được là nhì môn hóa trong kỳ thi quốc gia năm lớp 11.

Hương kể: “Làm lớp trưởng em có cơ hội gần gũi với bạn bè và thấy mình luôn phải sống có trách nhiệm hơn”. Còn bí quyết học tập của cô gái ba lần thủ khoa lại là “chơi thì chơi thật thoải mái, nhưng khi học thì gác lại tất cả những chuyện khác, chỉ tập trung duy nhất vào bài học”.

Hương nói mình chọn ĐH Ngoại thương bởi qua các anh chị lớp trước, Hương được biết đó là ngôi trường năng động và môi trường học tập rất tốt trong hệ thống đại học VN. Cô tân thủ khoa không chỉ giỏi các môn tự nhiên mà còn rất yêu thơ Tố Hữu, vừa chăm đọc tiểu thuyết của các văn hào và cũng rất mê... Harry Porter.

Theo Tuổi trẻ

  • Đức Chính - Văn Chung - Đức Huy - Kim Oanh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,