Trường ĐH của mọi người (UoPeople) là trường ĐH trực tuyến, phi lợi nhuận và không thu học phí đầu tiên trên thế giới, đã bắt đầu tuyển sinh từ đầu tháng 5/2009.
Tính đến thời điểm này, đã có 200 người đến từ 51 quốc gia khác nhau trên thế giới đăng ký tham gia các khóa học, ông Shai Reshef, một doanh nhân người Israel, người sáng lập và cũng là Hiệu trưởng của trường đã tiết lộ với giới báo chí hôm 19/5.
Hiện nay, bạn hoàn toàn có thể học đại học miễn phí (Ảnh: Corbis) |
Đây là một ngôi trường với hai chuyên ngành – Khoa học máy tính và Quản trị kinh doanh, đào tạo giáo dục đại học cho tất cả mọi người qua một chiếc máy tính nối mạng.
“Học đại học vẫn là một giấc mơ có thể không bao giờ trở thành hiện thực đối với hàng ngàn trong hàng triệu con người trên toàn thế giới”, ông Reshef nói. “Có nhiều người không được học đại học do bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và cũng có những người không thực hiện được giấc mơ trở thành sinh viên vì quê hương họ không có những ngôi trường đại học.
Đó chính là một thiệt thòi rất lớn. Hi vọng trường của chúng tôi sẽ thu hút được 15.000 sinh viên trong vòng 4 năm”.
Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái của nền kinh tế, nhiều nước đang phát triển tập trung đầu tư chủ yếu vào việc nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Chính vì vậy, các trường đại học trực tuyến có cơ hội tốt để phục vụ công chúng, những người không có điều kiện học tập tại những ngôi trường đại học chính thống.
Theo dự kiến, từ ngày 2-4/9, Khối liên minh Công nghệ thông tin và truyền thông toàn cầu của Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức một cuộc hội thảo tại Monterey, Mexico để bàn bạc một số vấn đề liên quan đến cơ chế vận hành, tuyển sinh của trường UoPeople và tập trung vào mối quan hệ giữa Công nghệ thông tin và truyền thông với giáo dục.
Tuy nhiên, cuộc hội thảo này đã bị hoãn lại vì dịch cúm A/H1N1.
Thành lập Trường ĐH UoPeople có lẽ là một trong những bước đổi mới trong sự phát triển ngành công nghệ thông tin truyền thông và giáo dục.
Ông Reshef cho biết, ông đã nghĩ ra ý tưởng này từ khi bắt đầu trở thành người lãnh đạo của Cramster.com, một trang web học trực tuyến miễn phí, nơi sinh viên có thể giúp đỡ nhau làm bài tập.
“Nhìn vào thực trạng hiện nay, thế giới đang phải “vật lộn” với cơn suy thoái, giá cả leo thang, hàng vạn người mất việc làm, trẻ em không được đến trường… Và tôi nghĩ rằng một trường đại học trực tuyến với chi phí thấp chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người”.
Để trúng tuyển, sinh viên phải có bằng tốt nghiệp THPT và vượt qua kì thi đọc - viết bằng tiếng Anh, và tất nhiên, sinh viên phải có một máy tính nối mạng và ông Reshef thừa nhận, trường đại học này không thể phục vụ cho sinh viên ở những vùng nông thôn không có Internet.
Vì Trường ĐH UoPeople là một trường không thu học phí nên sinh viên chỉ phải trả một khoản phí nhỏ khi nộp hồ sơ dự tuyển vào trường, khoảng 15 đến 50 đô la và phí thi tuyển, khoảng 10 đến 100 đô la mỗi kì thi. (Sinh viên phải trải qua 40 kì thi trong suốt khóa học).
Chỉ cần một máy tính cá nhân nối mạng, bạn đã có thể học đại học mà không cần mất học phí. (Ảnh: Corbis) |
Như vậy, tổng chi phí nhiều nhất mà sinh viên phải chi cho một khóa học là 450 đô la, đó là mức chi phí thấp nhất, thấp hơn cả mức chi trung bình cho giáo dục đại học trên thế giới trong hơn một thập kỉ qua.
"Chúng tôi vẫn có thể tồn tại được với số tiền ít ỏi này vì trường đại học của mọi người sử dụng công nghệ nguồn mở và dựa chủ yếu vào những người tình nguyện”, ông Reshef cho biết thêm.
Đã có rất nhiều các giáo sư có uy tín tình nguyện đăng kí tham gia giảng dạy tại trường như Jack Balkin, Giáo sư dạy khoa Luật Trường Luật Yale và Russell S. Winer, Chủ nhiệm khoa Marketing của Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York.
Đại sứ của Bangladesh ở LHQ và hiện là cố vấn cho trường UoPeople, ông Humayun Kabir tin tưởng trường UoPeople sẽ là một bước đổi mới tuyệt vời và sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai”.
Trường Đại học của mọi người UoPeople Trường Đại học cho mọi người (UoPeople) là trường đại học trực tuyến phi lợi nhuận và không thu học phí đầu tiên trên thế giới với mục đích tạo ra sự tiến bộ và dân chủ hóa nền Giáo dục Đại học. Với mô hình đào tạo có chất lượng cao, chi phí thấp và cùng với sự hiện diện của mạng Internet trên toàn thế giới, ngôi trường này hứa hẹn sẽ mở ra những cánh cửa tri thức cho cả những người nghèo nhất và ở những vùng xa xôi nhất trên địa cầu. Được sự ủng hộ của các học viện, các trường ĐH danh tiếng nhất và mọi người trên thế giới, Trường ĐH UoPeople đang trở thành một làn sóng mới trong hệ thống giáo dục toàn cầu. Mô hình học tập của Trường ĐH của mọi người là gì? Trường ĐH của mọi người tuyển sinh trên toàn thế giới, ở đây, sinh viên sẽ được “học tập bằng cách giảng dạy cho người khác” dưới sự hướng dẫn của những giáo sư nổi tiếng. Mục đích của phương pháp học này là đặt môn học vào đúng hoàn cảnh thực tế giúp sinh viên dễ hiểu hơn, dễ nắm bắt hơn. Mỗi giờ học, sinh viên sẽ cùng chia sẻ các nguồn tin, trao đổi ý kiến, mỗi tuần tiến hành thảo luận một lần, cùng làm bài tập và cùng thi kiểm tra. Trường Đại học này có trụ sở ở đâu? Qua trang web: www.uopeople.org, Trường Đại học cho mọi người có mặt ở khắp mọi nơi có máy tính và mạng Internet. Sẽ không có các tòa nhà, lớp học, cây cối và những thảm cỏ xanh để sinh viên có thể nghỉ ngơi sau những giờ học căng thẳng – tất cả nhu cầu của sinh viên đều được trao đổi qua mạng. Trường đại học này có tài sản là sinh viên tham gia học học tập qua hệ thống Internet và những vật dụng mà họ dùng. Trường ĐH này có hướng phát triển như thế nào? Học ĐH từ xa đang trở thành một xu hướng phát triển mạnh trên toàn thế giới. Trường ĐH UoPeople là một mô hình có tiềm năng giúp thực hiện một nền Giáo dục Đại học công bằng hơn vì nó tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người, kể cả những người không có điều kiện học tại các trường đại học chính thống. Là một trường đại học không thu học phí nên trong tương lai, nó chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư và mọi người. Làm thế nào đánh giá thành công của sinh viên? Chương trình học của trường cũng bao gồm các bài giảng, lớp học, thảo luận, bài đọc, bài tập làm thêm và các kì thi giống như các trường ĐH khác, chỉ khác một điều là sinh viên được tự do tối đa về thời gian và địa điểm. Mỗi lớp học có một diễn đàn riêng để thảo luận. Mỗi môn học có một diễn đàn riêng để thảo luận, trong đó, không chỉ sinh viên của trường mà sinh viên của các trường khác cũng có thể truy cập vào, thảo luận để tìm ra câu trả lời cho mọi vấn đề. Hàng tuần, sinh viên đều nhận được bài tập làm thêm và phải làm kiểm tra. |
-
Nhật Anh (Theo THX, UoPeople)