- Chỉ còn 1 ngày nữa, trận chung kết đặc biệt với sự tham gia của 5 thí sinh trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9 sẽ diễn ra. Tại buổi tổng duyệt cuối cùng, tuy rất hồi hộp nhưng tất cả đã sẵn sàng để nhập cuộc.
VietNamNet đã có cuộc trao đổi ngắn với các bạn trước giờ G.
Bạch Đình Thắng (Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ - Hà Đông - Hà Nội): Thí sinh được “chăm chút” nhiều nhất
Lọt vào vòng chung kết sau “sự cố” hy hữu trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia quý 3 năm 2009, Bạch Đình Thắng bỗng trở thành thí sinh được chú ý nhiều nhất trong 5 gương mặt dự thi.
Bạch Đình Thắng - thí sinh ấn tượng nhất khi trận chung kết chưa bắt đầu
Trước sự “chăm chút” của mọi người, cảm giác của Thắng khá thoải mái: “Em tự nhận thấy và hiểu vì sao mọi người dành cho em sự quan tâm đặc biệt này. Đối với em, điều đó không là áp lực mà là động lực để em buộc phải cố gắng hơn nữa”.
Bằng sự tự tin, quyết đoán, Thắng bày tỏ hi vọng của mình là trả lời được tất cả các câu hỏi của cuộc thi.
Thắng còn là thí sinh đặc biệt ở chỗ cậu là người duy nhất được chơi trên … sân nhà!
Toàn bộ 4 bạn còn lại đều đến từ các miền khác của đất nước.
“Đây có thể sẽ là lợi thế tâm lý của em. Hi vọng em sẽ không làm mọi người thất vọng”, Thắng tràn đầy hứng khởi.
So với 4 bạn thi cùng, Thắng hơn hẳn ở điểm ăn nói lưu loát, chững chạc, điềm đạm. Theo chia sẻ của cậu học sinh chuyên toán rất đặc biệt này thì các câu hỏi ở lĩnh vực xã hội, lịch sử, … sẽ không phải là trở ngại vì trong học tập cũng như cuộc sống bình thường, đây là những lĩnh vực Thắng rất đam mê.
Mơ ước của Thắng là sẽ trở thành một kỹ sư xây dựng và tự mình mở một công ty xây dựng riêng.
Đào Thị Hương (Trường THPT Bỉm Sơn - Thanh Hóa): Không ngại các bạn nam
Với điểm số 265 ở cuộc thi quý đầu tiên, bạn Đào Thị Hương đã vượt qua 3 thí sinh nam trở thành người đầu tiên giành tấm vé vào chung kết năm của Olympia 9.
Đào Thị Hương - thí sinh đầu tiên giành tấm vé vào chung kết năm
Nói về tâm trạng của mình, Hương cho biết: “Dù có thời gian chuẩn bị lâu nhất, em vẫn lo lắng, run và hồi hộp. Những bạn đến đây đều rất xuất sắc”.
Hương là học sinh thứ 4 của trường THPT Bỉm Sơn – Thanh Hóa đi đến vòng chung kết của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.
Là con gái nhưng Hương tỏ ra không e ngại các bạn nam: “Mỗi người mạnh một mảng. Đây là cuộc thi kiến thức trên diện rộng nên em không lo”.
Tỏ ra cứng rắn như vậy, nhưng Hương là một cô gái khá yếu đuối và rất dễ khóc! Trong cuộc thi quý, sau khi hoàn thành phần thi Về đích, dù chưa biết kết quả ra sao nhưng Hương đã khóc rất tự nhiên. Rất nhiều thầy cô và bè bạn về sau đã "trêu" Hương vì kỉ niệm khó quên này.
Mơ ước của cô học trò xứ Thanh là trở thành một giáo viên giỏi.
Hương đã chuẩn bị đầy đủ hành trang để sẵn sàng bước vào trận chung kết.
Trên gương mặt lấm tấm mồ hôi sau buổi tổng duyệt của cô bé ánh lên niềm tự hào: “Những bạn nào đi được đến đây đều là những nhà leo núi giỏi!”.
Hồ Ngọc Hân (Trường THPT Quốc học Huế): Nhận được một bình đựng lời chúc
Cậu bạn gầy và … hiền khô này cười suốt buổi tổng duyệt chương trình.
Hồ Ngọc Hân
Hân vui vẻ chia sẻ: “Đến bây giờ, có lo lắng cũng không giải quyết được điều gì. Em tạo cho mình tâm lý nhẹ nhàng để nhập cuộc cho tốt”.
Trước khi ra Hà Nội dự thi, các bạn trong lớp đã gửi cho Hân một bình đựng toàn lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Đến hôm nay Hân đã đọc được hơn một nửa.
“Em đã thực sự cảm động, … và cảm thấy có một trọng trách đang đặt trên vai mình”, cậu học sinh chia sẻ.
Nếu đoạt ngôi quán quân, việc đầu tiên cậu học sinh đặc biệt mê cây cảnh này sẽ làm là gọi điện cho ba đang mong ngóng cậu từng ngày trong Huế.
Năm 2008, Nguyễn Mạnh Tấn - học sinh trường Quốc học Huế, đã mang một đầu cầu truyền hình về ngôi trường này và đoạt giải 3 chung cuộc. Năm nay, cầu truyền hình một lần nữa lại về đây.
“Đó sẽ là động lực lớn để em phấn đấu và tự tin hơn”, Hân nói.
Hân cho biết các bạn của cậu ở Huế hiện đang "sôi sùng sục" vì trận chung kết sắp tới, hứa hẹn một buổi cổ vũ nhiệt thành, hết mình với số lượng đông đảo.
Nguyễn Thị Thu Trang (Học sinh lớp 12A7, Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng): Người cuối cùng giành vé vào chung kết
Dù đã đứng trên sân khấu của Olympia nhiều lần, nhưng lần nào với Trang cũng là một cảm giác mới.
Nguyễn Thị Thu Trang
Trang là người cuối cùng nhận tấm vé vào chung kết Olympia năm nay, là học sinh đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng lọt vào chung kết Olympia.
Cô gái nhỏ nhắn này tâm sự: “Em rất hồi hộp, lo lắng và có một chút tự tin. Em sẽ cố gắng trả lời tốt những câu mình biết, làm hết sức và nếu kết quả như thế nào cũng không hối tiếc.
Nếu có điều gì đó để nói lúc này, thì em chỉ có thể nói là em lo lắng về tâm lý. Kiến thức em đã có cả một quá trình tích lũy”.
Trang là người thường “lội ngược dòng” ở phần thi Về đích. Vì vậy, trong trận chung kết, Trang hi vọng không chỉ phần thi này mà các phần thi khác, Trang có đủ bình tĩnh để suy nghĩ và trả lời chính xác.
“Có những lần sai rất ngớ ngẩn, rồi em về khóc suốt, dù vẫn là người đoạt giải nhất. Nhưng có những lúc, cơ hội chỉ có một mà thôi”, Trang nói.
Tại trường THPT Bảo Lộc, Trang nổi tiếng là con ngoan trò giỏi. Bố mẹ Trang đều là công chức nhà nước. Trang tham gia hoạt động Đoàn sôi nổi, là nhân tố tích cực trong các phong trào học tập rèn luyện của học sinh tại trường.
Bùi Tứ Quý (Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TPHCM): Càng hồi hộp vì bốc thăm trúng vị trí số 1
Quý bốc thăm đúng vị trí số 1. Điều này có nghĩa là Quý sẽ là người đầu tiên trả lời câu hỏi trong trận chung kết. “Em càng hồi hộp hơn”, Quý nói.
Bùi Tứ Quý (bên trái) sẽ là người đầu tiên trả lời câu hỏi
Hiện nay, tại trường PT Năng Khiếu, ĐHQG TP HCM, Quý đang là một “hiện tượng” được bàn tán sôi nổi ở khắp mọi nơi: giảng đường, kí túc xá, diễn đàn, … với niềm hi vọng tràn trề.
Quý bày tỏ: “Em đi đến vòng này là đã hoàn thành mong muốn ban đầu đặt ra nên tự dặn mình là không để mình quá bị áp lực bởi sự trông đợi của thầy cô, bè bạn và gia đình. Thay vào đó, những hi vọng này sẽ là động lực cho em”.
Lần thi này, chỉ có mẹ và thầy hiệu phó đi cùng Quý ra Hà Nội. Mẹ Quý đang rất căng thẳng, nhưng không muốn để Quý biết điều đó.
Trong cuộc thi quý, Quý đã đạt được 350 điểm – cách người đang giữ kỉ lục điểm số cuộc thi Olympia 2008 chỉ 35 điểm. Trong trận chung kết, mục tiêu Quý đặt ra là đạt ít nhất 250 điểm.
“Các bạn thi cùng em đều là những xuất sắc, cơ hội đoạt vòng nguyệt quế chia đều cho tất cả. Em và mọi người sẽ cố gắng hết sức có thể để người chiến thắng sẽ là người thực sự xứng đáng”, Quý chia sẻ.
Cuộc thi này là cơ hội để Quý gặp gỡ và làm quen với bạn bè ở nhiều nơi: “ Các bạn đã hòa đồng và giúp đỡ nhau rất nhiều. Dù kết quả có thế nào thì đây vẫn sẽ là kỉ niệm đáng nhớ với em”.
Cả 5 bạn đều đã sẵn sàng với tinh thần tràn đầy phấn khởi, tự tin |
-
Cẩm Quyên