- Tính toán của Bộ GD-ĐT đưa ra tại hội nghị sơ kết 3 năm đổi mới công tác tổ chức cán bộ và quản lý cơ sở GD tổ chức ngày 12/5 cho thấy, bậc giáo dục ĐH thiếu khoảng 2 vạn giảng viên. Cách bù cấp tốc là kéo dài tuổi làm việc quá 60 với giáo sư, tiến sĩ. Về lâu dài, cần thêm Luật Nhà giáo và vận hành hệ thống đào tạo sư phạm thực sự trở thành "máy cái".
20 sinh viên/1 giảng viên: Xa thực tế
Mục tiêu của Chính phủ đặt ra đến năm 2015 các trường ĐH phải có 60% giảng viên trình độ thạc sĩ, 20% là tiến sĩ. Đồng thời, đảm bảo tỷ lệ 20 sinh viên (SV)/ 1 giảng viên.
Chỉ số "20/1" là ngưỡng khó đạt - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận xét sau khi so sánh với chỉ số hiện tại là 30,89/1.
Một giờ học tại Trường ĐH Xây dựng. Ảnh: Lan Hương |
Nhận xét này xuất phát từ thực tế, trong 3 năm qua, số giảng viên tăng 9.390 so với năm học 2004-2005.
Riêng năm 2006-2007 đã tuyển được 2.700 giảng viên ĐH, bằng với số giảng viên tuyển được của 5 năm về trước.
Ở một số trường, chỉ số này vẫn còn 50/1. Thậm chí, có trường thuộc khối kinh tế, tính trung bình 100 sinh viên mới có 1 giảng viên.
Từ đó, ông Hiển đề nghị điều chỉnh chỉ số là 25 sinh viên/ 1 giảng viên.
Dẫu vậy, Giám đốc ĐH Đà Nẵng Bùi Văn Ga cho rằng không khả thi vì tỷ lệ này ở ĐH Đà Nẵng không giảm mà nguy cơ còn tăng (hiện tại là 31,6/1).
Lý do, bổ sung đội ngũ giảng viên thiếu hụt không dễ vì đào tạo phải có thời gian và tốn kinh phí.
Tiến sĩ, giáo sư sẽ làm việc quá 60 tuổi
Thống kê của Bộ GD-ĐT đưa ra tại hội nghị cho thấy, tỷ lệ giảng viên có trình độ sau ĐH đã tăng từ 36,53% năm học 2005-2006, nhưng tỷ lệ có trình độ tiến sĩ lại giảm từ 15,56% xuống 14,77%.
Nguyên nhân là do số giảng viên có trình độ tiến sĩ đến tuổi nghỉ hưu nhiều hơn số giảng viên kế cận có trình độ tiến sĩ trong khi mạng lưới các trường được mở rộng.
"Thiếu nguồn lực kế cận" dù đội ngũ nhà giáo tính đến năm học 2007-2008 tăng gần 80.000 người - Tình trạng chung này càng đặc biệt rõ ở bậc ĐH.
Với đội ngũ hiện có trên 38.000 người, bậc đào tạo này thiếu khoảng 20.000.
Lĩnh vực dạy nghề, nếu đạt yêu cầu đến năm 2015 cũng phải bổ sung thêm 10.000 giáo viên.
Để phát triển đội ngũ giảng viên các trường ĐH, CĐ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sẽ bàn bạc với các trường để có cơ chế để huy động giảng viên có trình độ tiến sĩ, PGS, GS kéo dài thời gian làm việc chứ không cứng nhắc "cho dừng" ở tuổi 60 mà có thể huy động sức cống hiến tới tuổi 65.
Thiếu giảng viên "đủ chuẩn": Xem xét ngưng tuyển sinh
Ông Nhân cũng cho hay, Bộ sẽ yêu cầu các trường phải bám sát quy định tỷ lệ giảng viên/SV, quy định về trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
"Các trường không đạt yêu cầu thì phải khắc phục, nếu không thì phải xử lý vấn đề tuyển sinh".
Hoặc, phải chấp nhận tinh thần không duy trì các trường ĐH, CĐ kém chất lượng, đồng nghĩa với việc có thể phải đóng cửa – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để nâng cao chất lượng và bổ sung đội ngũ giảng viên thiếu hụt, ông Bùi Văn Ga cho rằng, Bộ GD-ĐT thực hiện đơn độc thì khó thành công.
Khi Bộ Tài chính không cấp tăng kinh phí thì sẽ không giải quyết được chuyện đào tạo giảng viên.
Hiện, ngân sách Bộ Tài chính cấp chi thường xuyên dựa vào thống kê của 6 năm về trước (năm 2003). Trong khi, mức lương thay đổi nhiều.
Cả 2 bộ Giáo dục - Đào tạo và Tài chính cần có đánh giá năng lực đào tạo của tất cả các trường ĐH để có thông số tăng, giảm kinh phí phù hợp.
Cho rằng, nhiều giảng viên được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ nhưng nhấp nhổm “nhảy” chỗ khác, ông Ga kiến nghị cần sớm ban hành Luật Nhà giáo để các trường có cơ sở quản lý đội ngũ cán bộ đã qua đào tạo sau ĐH.
Vực dậy "máy cái"
Một số ý kiến khác tại hội nghị góp ý, để nâng chất lượng đội ngũ thì hệ thống các trường sư phạm phải đi đầu cả về phương pháp lẫn chương trình, giáo trình giảng dạy.
Liên quan đến kế hoạch phát triển các trường ĐH, CĐ sư phạm, Phó Thủ tướng nhìn nhận, thời gian qua ngành đã xác định những nội dung phải làm nhưng khâu chỉ đạo của Bộ cũng chưa cương quyết, đã có triển khai nhưng còn chậm.
Ông cũng chỉ đạo, cần sớm có giải pháp để hình thành Hội đồng Hiệu trưởng các trường sư phạm, hình thành Ban chỉ đạo của Bộ về phát triển các trường ĐH sư phạm.
Sắp tới lãnh đạo Bộ sẽ phân công 1 Thứ trưởng trực tiếp phụ trách việc phát triển các trường sư phạm và đội ngũ nhà giáo của ngành. Hàng năm, có đánh giá trong chương trình báo cáo công tác.
Từ nay đến 2010, cần rà soát lại để có chương trình phối hợp phát triển đồng bộ các trường sư phạm.
"Trường sư phạm phải là “đầu tàu” của quá trình đổi mới nội dung, phương pháp. Chấm dứt tình trạng “các trường sư phạm lại lạc hậu về nội dung phương pháp so với thực tiễn” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
-
Kiều Oanh
*****************************
Ho ten: Ha Nguyen
Dia chi: Hà Nội
Tieu de: Đừng chỉ nên nghĩ cách trói buộc giảng viên bằng luật
Tôi cũng là một giảng viên và đang ở trong tình trạng cảm thấy chán nản mỗi khi đi làm. Lương thấp, giờ chuẩn tăng, và đủ thứ thủ tục hành chính, giấy tờ mất thì giờ, cộng thêm cảm giác người thầy không được thật sự tôn trọng.
Người học thật cũng bị đánh đồng với học giả. Mà ở trong các trường ĐH, CĐ bây giờ nhiều thứ giả lắm. Thiên hạ đồn rằng bằng tiến sỹ giờ cũng mua được chứ chả phải thạc sỹ không. Những người giỏi, tâm huyết với nghề sống và làm việc trong môi trường này không nhấp nhổm mới là chuyện lạ.
Bộ hãy nghĩ cách làm sao để nâng cao đời sống giảng viên, làm sao để người giảng viên thấy mình được thật sự tôn trọng, và làm sao để chắc chắn 100% những tấm bằng thạc sỹ, tiến sỹ đều là học thật chứ không phải học giả. Chứ đừng có mỗi việc nghĩ cách "cấm" với "trói" mỗi khi bộ cảm thấy bất lực không kiểm soát được tình hình.
Ho ten: Hải
Dia chi: TP.HCM
Tieu de: Hãy để môi trường sư phạm hấp dẫn hơn?
Đã từng là giảng viên của một trường đại học, tôi thấu hiểu cảm giác "chậm chạp" và "nhàm chán" ở môi trường sư phạm.
Kiến thức của giảng viên chậm cập nhật (hoặc không cần cập nhật) vì cho rằng đó là các "nguyên tắc bất di bất dịch", mang nặng tính lý thuyết (không tạo cơ hội để giảng viên tiếp cận thực tế), giờ giảng quá nhiều làm việc giảng bài như máy, công việc sự vụ quá nhiều (lại bị xem là để kiếm thêm thu nhập) v.v... khiến môi trường làm việc trong trường đại học mất đi tính hấp dẫn.
Nhìn hình ảnh "cần mẫn" của vị trưởng bộ môn mà tôi quyết định phải chuyển nghề để thấy mình năng động, và được trọng dụng thật sự.
Ho ten: Huỳnh Thị Trúc
Dia chi: ĐH Cần Thơ
Tieu de: Suy nghĩ của một sinh viên
Tôi là sinh viên, hiểu được chuyện thiếu giảng viên. Vì vậy, ngay chính trong trường ĐH Cần Thơ, mà cụ thể hơn là trong bộ môn của tôi cũng đang thiếu giảng viên.
Có một việc tôi không hiểu là tại sao những sinh viên được giữ lại trường không được đưa đi học liền sau đó. Bởi khi vừa mới ra trường, nếu cho họ đi học liền, với sức trẻ và tinh thần học tập đang còn dư âm, họ sẽ học tốt hơn.
Tôi thấy Việt Nam còn nặng chủ nghĩa xếp hàng. Những người mới ra trường được giữ lại phải đợi những người ra trường trước đi học xong, quay về thì mới đến lượt đi học.
Ho ten: Quang Vinh
Dia chi: TP.HCM
Tieu de: Tuỳ năng lực
Tôi nghĩ rằng, cần phải cân nhắc việc kéo dài thời gian làmviệc của GS, PGS, TS. Chỉ những GS, PGS, TS nào khi đến tuổi 60 mà vẫn có các công trình nghiên cứu công bố trên các tạp chí quốc tế trong hai năm gần đây thì mới xem xét kéo dài thới gian làm việc, và không nhất thiết phải là kéo dài đến 65 mà có thể là 62, 67, 70, ...tùy năng lực của họ theo tuổi tác (đáng tiếc là phần lớn GS, PGS, TS của ta hiện nay không đáp ứng được yêu cầu này).
Những người không đáp ứng yêu cầu này thì không nên giữ họ lại làm gì, chỉ gây thêm tai họa cho nền giáo dục nước nhà mà thôi.
Ho ten: Nguyễn Ngọc Hoàng
Dia chi: Hưng Yên
Tieu de: Có cần không một cái danh hão
Theo ý kiến của riêng tôi thì không nhất thiết là giảng viên ĐH phải có trình độ. Vẫn biết rằng giảng viên đại học thì trình độ phải cao hơn hẳn sinh viên nhưng trong xã hộiViệt Nam hiện nay vẫn chuộng bằng cấp.
Người ta có thể dễ dàng thi cao học ,nếu không nói thẳng ra là mua bằng. Rất nhiều người bằng thạc sỹ, tiến sỹ hẳn hoi nhưng chưa chắc đã phản ánh đúng thực lực của họ.
Theo ý kiến chủ quan của riêng tôi thì giảng viên của các trường đại học, cao đẳng quan trọng nhất vẫn là phải có kinh nghiệm, sau đó mới là trình độ đặc biệt là trong các trường cao đẳng, đại học khối kỹ thuật.
Tôi đã từng học và cũng đã từng nghe rất nhiều sinh viên đã từng nói rằng học 4,5 năm đại học ra có khi kiến thức chỉ được khoảng 30% còn lại khi đi làm gần như
bắt đầu lại từ đầu.
Ho ten: Vũ Thanh
Dia chi: Yonsei University, Seoul, South Korea
Tieu de: Quý hồ tinh
Chúng ta luôn đặt ra những câu hỏi thu hút nhân tài thế nào và sử dụng họ ra sao? Sau đó, lại tự mò mẫm tìm những lời giải, có lời giải sai cũng mang vào áp dụng.
Tại sao chúng ta không học hỏi từ những nước có nền giáo dục phát triển hơn? Hãy xem họ làm thế nào.
Tôi đồng ý với một số ý kiến ở trên cho rằng một số người lấy bằng tiến sỹ rồi làm quản lý, bỏ bê nghiên cứu là một thực tế ở nước ta. Phải chăng các vị trí quản lý khá béo bở, người ta tranh nhau vào rồi tận dụng nó tối đa, và hậu quả là làm cản trở, trì trệ cả một hệ thống.
Tại sao tỷ lệ TS, ThS không đảm bảo? Lý do đơn giản là sai lầm từ khâu tuyển mộ. Một sinh viên mới ra trường được giữ lại làm giảng viên, hỏi khi nào họ là TS. Nếu nói quá là một số không bao giờ đủ trình độ làm TS - chuyên môn và ngoại ngữ kém.
Làm thế nào? Phải chăng chúng ta nên làm theo câu nói của các cụ ngày xưa "Quý hồ tinh bất quý hồ đa". Những người được tuyển ở lại phải đủ trình độ để có thể được cử đi học ngay, và phải chấp nhận đi học ngay (tốt nghiệp loại giỏi, đủ điềukiện ngoại ngữ). Thêm vào đó mức lương cho Giảng viên (đã làThS, hoặc TS) phải đáp ứng được nhu cầu của họ (tối thiểu hiện tại phải là >500USD/tháng - tương đương mức trung bình của họ khi đi làm cho các doanh nghiệp.
Để giảm thiểu quan liêu, không có cách nào khác là phải "điện tử hóa hệ thống quản lý". Khi đó, số người lãnh đạo sẽ ít hơn rất nhiều. Môt bộ phận thì có một người lãnh đào và 3-4 người làm công tác văn phòng là đủ. Trưởng khoa sẽ thực hiện theo cơ chế luân phiên - 2 năm 1 lần.
Ho ten: Nguyen Van Khoa
Dia chi: Đà Nẵng
Tieu de: Không phải chúng ta thiếu nhân tài trẻ
Không phải là chúng ta thiếu giảng viên trẻ. Cái cơ bản là ngành giáo dục chưa tận dụng hết tiềm lực của mình mà thôi.
SV các trường ĐH tốt nghiệp loại Khá trở lên, có chuyên môn đúng chuyên ngành và có nhiệt tình tâm huyết yêu nghề nhưng họ chỉ thiếu 1 chút phương pháp sư phạm, chúng ta cần mạnh dạn sử dụng họ và chỉ cần 1 thời gian thử việc hoặc đào tạo thêm là họ sẽ trở thành các giảng viên giỏi về chuyên môn và có phương pháp sư phạm.
Với xu hướng hội nhập và phát triển như hiện nay và trung bình mỗi năm có hàng ngàn giáo viên trẻ ra trường nhưng sự phân công chưa hợp lý và đâu phải trường nào cũng mở rộng cánh cửa để chào đón họ. Và như thế, họ phải tự tìm cho mình một "bến đỗ” khác để tự nuôi sống bản thân mặc dù biết rằng đó là trái ngành trái nghề được đào tạo hàng hàng năm trời.
Câu hỏi đặt ra là liệu có thật sự thiếu hay là chưa có cơ chế hợp lý để thu hút nhân tài trong lĩnh vực giáo dục. Trong khi đó, việc phong GS, PGS cho cán bộ cao tuổi lại quá dễ. Có nhiều TS sau khi hoàn thành luận án nhưng không chủ trì nổi một đề tài cấp trường và không viết được một bài báo cho ra hồn. Thậm chí nhiều GS, PGS, TS sau khi đạt đủ tiêu chí thì chỉ muốn trở thành trở thành ông nọ bà kia trong lĩnh vực quản lý mà không chuyên tâm đến việc tìm tòi nghiên cứu để nâng cao trình độ.
Theo tôi, nếu có chủ trương yêu cầu các GS, PGS, TS làm việc đến tuổi 65 thì chỉ nên xét tuyển những ai liên tục nghiên cứu KHCN và giảng dạy. Nếu không, ngành giáo dục sẽ phải khắc phục hậu quả bởi một số vị tranh thủ ở lại trường cho vui, kìm hãm và làm khổ thế hệ trẻ mà thôi.
Một lực lượng giảng viên trẻ có trình độ không được trọng dụng, họ chỉ đóng vai trò làm trợ giảng hoặc làm hướng dẫn ở phòng thí nghiệm hoặc trông coi thư viện.
Có nhiều giảng viên được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ thậm chí tu nghiệp ở nước ngoài nhưng khi học xong thì nhấp nhổm “nhảy” chỗ này chỗ khác.
Tóm lại, nhân tài trẻ được xếp vào lớp trẻ, chưa có đủ kinh nghiệm mà chỉ có những bậc lão thành mới đủ năng lực để giảng dạy. Chính vì sự "cố vị" này mà nhân tài trẻ chưa phát huy được năng lực của mình và rồi dần dần họ sẽ phải tìm một nơi khác phù hợp hơn với trình độ và tâm huyết mà mình có.
Ho ten: Nguyễn Văn An
Dia chi: Thái Nguyên
Tieu de: Vẫn sử dụng chưa hợp lý
Là giảng viên ở ĐH Thái Nguyên, tôi thấy còn một thực trạng là mọi người đua nhau làm tiến sĩ để nhảy vào vị trí quản lý. Có nên chăng cần duy trì một đội ngũ TS, GS hùng hậu như vậy để làm các côngviệc quản lý, công văn giấy tờ không?
Tôi thiết nghĩ, chỉ cần một người có trình độ đứng đầu một lĩnh vực còn lại những người giúp việc có khi chỉ cần có trình độ đại học và có kỹ năng làm việc tốt là được.
Ho ten: Hoàng Tư
Dia chi: Thanh Hoá
Tieu de: Chỉ tiêu như vậy có ảnh hưởng gì đến đào tạo giảng viên?
Theo tôi được biết, hiện nay có một số trường ĐH nhận và đào tạo trình độ sau đại học một cách hết sức ồ ạt, kém chất lượng.
Chính vì vậy, việc đặt ra chỉ tiêu 20SV/1GV vào năm 2015 là điều không làm được (nếu chỉ tuyển đội ngũ GV có chất lượng và trình độ).
Theo tôi, bằng cấp chỉ là hình thức, không nói lên được giảng viên đó trình độ như thế nào. Thực tế ,tôi được biết có nhiều người đào tạo ĐH học không chính quy và tiếp tục học lên Thạc sỹ để "xoá bằng ĐH tại chức..."- nói vậy vì tôi học vớikhá nhiều trường hợp tương tự. Tôi cũng thấy rằng "đa số" trường hợp đó sau khi lấy tấm bằng Thạc sỹ thì trình độ của họ không khác trước khi lấy bằng là bao nhiêu.
Tóm lại, theo tôi thì các trường ĐH nên tuyển dụng theo năng lực chứ đừng nên theo bằng cấp và các "mối quan hệ" khác.
Ho ten: Hằng
Dia chi: ĐHSP Hà Nội
Tieu de: Không phải
Nếu cứ giữ lại GS,TS trên 60 tuổi thì đến một lúc nào đó đội ngũ giảng viên ĐH sẽ bị"lão hoá".Vì sao chúng ta không tận dụng nhưng người trẻ tuổi và đào tạo họ?Giải pháp tăng thời gian làm việc của GS,TS không mang tính lâu dài, đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Ho ten: Ha
Dia chi: Hà Nội
Tieu de: Ai muốn làm giảng viên đại học không?
Lương giảng viên trẻ, trình độ thạc sĩ hệ số 2,16 x 650.000 đồng + 25% đứng lớp, tính ra được gần 1.5 triệu đồng/tháng. Thu nhập còn kém bác xe ôm, hỏi ai muốn làm giảng viên đại học?
Ho ten: Nguyễn Tuấn Anh
Dia chi: Hà Nội
Tieu de: Một đội ngũ tiến sỹ trẻ rất muốn được về giảng dạy tại các trường
Theo tôi, có một đội ngũ tiến sỹ trẻ từ các viện nghiên cứu đã và đang được đào tạo ở các nước phát triển, và đây chính là nguồn sức mạnh cho các trường đại học trong nước nếu nhà nước có chính sách rõ ràng. Nếu họ được mời về thỉnh giảng thì rất có lợi cho SV vì kiến thức của họ rất mới, cập nhật từ các nước phát triển. Họ cũng mong muốn được kết hợp với cá trường để đào tạo SV nhưng không hiểu chế độ đãi ngộ và cách tiếp cận với lãnh đạo các trường thế nào để được về kết hợp giảng dạy.
Ho ten: culkin
Dia chi: 8 Mount Street, Auckland, New Zealand
Tieu de: Suy nghĩ của thế hệ trẻ 8x
Tôi là người còn rất trẻ. Sau khi đọc những trăn trở, băn khoăn ở trên, tôi xin mạn phép đưa ra một số ý kiến cá nhân với tư cách là một sinh viên đang ngồi ghế trường đại học.
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc đội ngũ Giáo sư nên tạo điều kiện để họ có thể cống hiến cho ngành giáo dục sao tuổi 60 vì các lý do sau:
1. Gừng càng già càng cay, ông cha ta đã có câu như vậy. Điều này hoàn toàn đúng và chính xác đối với đội ngũ PGS. GS những người có rất nhiều kinh nhiệm, và là kho kiến thức quí báu cho sinh viên.
2. Tôi có cơ hội học tập ở nước ngòai, New Zealand, ở đây họ hoàn toàn không giới hạn tuổi nghỉ hưu của GS, PGS chừng nào đội ngũ này còn đủ sức khỏe công hiến. Hiển nhiên, họ phải có cơ sở khoa học và thực tiễn cho vấn đề này.
3. Ban hành qui định rõ ràng là cần thiết. Nếu để mỗi trường tự thấy cần thì yêu cầu, điều này chỉ tạo thêm những tiêu cực cụ bộ, và phát sinh tình trạng ban phát là chính (thích thì mời, không thích thì thôi) điều này không hợp lý.
4. Nếu đội ngũ GS, PGS, đã nghỉ hưu, chúng ta càng nên mời họ quay lại giảng dạy, cống hiến chứ không chỉ những người sắp nghỉ hưu hoặc gần đến tưổi nghỉ hưu.
Ho ten: Ba Duong
Dia chi: 30 A. Trường Chinh, Hà Nội
Tieu de: Đã huy động hết chưa?
Thiếu giảng viên đại học có trình độ là có thật. Nhưng thử hỏi, chúng ta đã sử dụng hết nguồn lực chưa? Tôi thấy ở các Viện Nghiên cứu, hiện có hàng ngàn người trình độ TS trở lên mà phần đông chưa được huy động vào việc giảng dạy. Công việc ở đó cũng rất ít. Ngoài ra, bộ phận các nhà khoa học Việt kiều cũng chưa được sử dụng. Tôi nghĩ nếu sử dụng hết nguồn lực, chúng ta cũng không đến nỗi thiếu trầm trọng. Vấn đề là ở việc tổ chức.
Ho ten: Hải
Dia chi: Hà Nội
Tieu de: Góp ý
Tôi nghĩ không nên có quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu của các GS,TS ở các trường ĐH. Trường nào có nhu cầu thực sự thì thỏa thuận với các GS, TS trên cơ sở tự nguyện ( đương nhiên có
các quy định cụ thể về trình độ,chế độ...). Tất nhiên, lúc đầu sẽ có thể thiếu, nhưng về sau này, các cán bộ trẻ sẽ đảm đang tốt. Điều quan trọng là nhà nước, một mặt tiêu chuẩn hóa cán bộ giảng viên hay quản lý theo tiêu chuẩn. Mặt khác, có chế độ chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần phù hợp.
Không chỉ trong ngành giáo dục, cả trong nhiều ngành nghề khác, rất nhiều cán bộ,TS...đến tuổi hưu nhưng vẫn còn sức khỏe, trình độ tốt, có thể đóng góp nhiều cho đất nước và xã hội. Nếu đều muốn giữ họ lại thì lớp trẻ lấy đâu ra cơ hội để tiến lên?
Ho ten: vbhsvutc
Dia chi: Đống Đa - Hà Nội
Tieu de: Cái cơ bản là không biết tận dụng
Không phải là chúng ta thiếu giảng viên trẻ. Cái cơ bản là chúng ta chưa tận dụng hết các tiềm lực của mình thôi.
Nếu đặt ra 2 bài toán:
- SV sư phạm sau khi tốt nghiệp đã có việc làm phù hợp hay chưa.
- SV các trường tốt nghiệp loại Khá trở lên, có chuyên môn đúng chuyên ngành, có nhiệt tình tâm huyết yêu nghề yêu SV và thế hệ trẻ chỉ thiếu 1 chút phương pháp sư phạm, chúng ta có thể sử dụng họ mà chỉ cần 1 thời gian thử việc hoặc đào tạo là họ sẽ trở thành các giảng viên Giỏi về chuyên môn, yêu nghề, đúng chuyên ngành, và có phương pháp sư phạm.
Ho ten: Nguyễn Văn Minh
Dia chi: Thái Nguyên
Tieu de: PGS phải "chay" mới được kéo dài
Nếu nói như ở trên thì nhà trường mời PGS, GS, TS ở lại đến 65 tuổi. Nhưng thực tế ở chỗ chúng tôi thì sao?
Năm 1998(kể cũng hơi lâu rồi),ở trường Đại học Đại cương-ĐHTN có hai nhà giáo, một nhà giáo là PGS-PTS (hồi đó gọi TS là PTS) về sinh học, Nhà giáo Ưu tú. Năm 1998, ĐH Đại cương bị giải tán, toàn bộ Giáo viên của trường được điều về trường ĐHSPTN. Cũng năm đó, ông 60 tuổi. Ông đã làm đơn xin kéo dài nhưng không được.
Ông thứ hai là PGS-PTS ngành toán học,ông cũng làm đơn xin kéo dài 5 năm nhưng được "duyệt" có 3 năm.
Qua sự việc trên, tôi thấy, Bộ GD&ĐT nên ban thành luật, đã là TS,TSKH, PGS, GS nghiễm nhiên là làm việc đến 65 tuổi, nếu các vị đó muốn. Hoặc, các cơ sở đào tạo nếu thấy cần mời ai thì nên có thư mời, các vị được mời chỉ cần điền vào chỗ "đồng ý" hay không.
Ho ten: Trần Khánh Dinh
Dia chi: Long Biên Hà Nội
Tieu de: Người có Đức + Tài
Tôi là nhà khoa học chuyên ngành Hoá Vi sinh công tác tại Viện nghiên cứu rau quả. Theo tôi, đào tạo ĐH hệ chính quy tốt là cốt lõi của nghiên cứu khoa học, phục vụ đắc lực cho xã hội. Còn Ths, TS, PGS, GS cũng chỉ là một phần của chuyên môn. Do vậy, không nhất thiết cứ có tấm bằng sau ĐH mới giảng dạy ĐH.
Hồi tôi học ĐH Nông nghiệp I, thầy cô chủ yếu là Kỹ sư nhưng đều có đức, tài nhưng không ngược lại. Chúng ta không câu nệ về việc đó. Suy cho cùng con người cứ đưa ra "tiêu chuẩn " này khác nhưng lại ít để ý đến "sản phảm "làm ra để góp phần cho đất nước phát triển.
Ho ten: DHXD
Dia chi: DHXD
Tieu de: Cần phải thực tế
Có nhieu nguyên nhân dẫn đến thiếu giảng viên và cũng có nhiều phương án của bộ giáo dục. Nhưng giải quyết được vấn đề hay không thì phải chờ thực tế đánh giá . Ví dụ như về lưong của
giảng viên là yếu tố rât quan trọng , tình trạng giảng viên xin nghỉ để ra ngoài lam cũng dã xuat hiên nhiều chỉ vì LƯƠNG mà thôi. Phưong án của Bộ có tốt nhưng vẫn có thể không giải quyết
được vấn đề.
Ho ten: Lê Quý Tuyên
Dia chi: Hưng Yên
Tieu de: Cần có cơ chế thu nhập cho học vị
Theo tôi được biết thì hiện nay, có học bằng thạc sĩ hay tiến sĩ thì cũng không có cơ chế thu nhập. Trong văn bản chỉ nói đến việc ưu tiên trong trên con đường thăng tiến mà thôi. Thế nhưng con đường thăng tiến ấy để ngồi được vào chỗ nọ, chỗ kia thì lại cần bao nhiêu năm kinh nghiệm rồi chuyên viên chính, cao cấp chính trị (những thứ cử đi thi ý mà). Thế là bằng thạc sĩ, tiến sĩ cũng chỉ để để tượng trưng thôi. Còn chỗ nọ, chỗ kia thì để cho chuyên tu, tại chức.
Ho ten: Huyen Nguyen
Dia chi: Pháp
Tieu de: Cần nhiều giải pháp cùng lúc
Việc kéo dài thời gian giảng dạy của các GS, TS là phù hợp. Tuy nhiên, phải theo nguyện vọng của từng người. Thời lượng giảng dạy của các GS, TS có thâm niên cũng phải hợp lý vì ở độ tuổi đấy họ không thể đảm nhận cùng khối lượng công việc trước đó.
Theo tôi, nên tập trung đội ngũ này cho việc đào tạo lực lượng giáo viên hay sau ĐH.
Ngoài ra, ở các trường không thuộc khối sư phạm, các giáo viên trẻ đa số tốt nghiệp từ những trường cùng chuyên ngành. Ngoài việc chưa có nhiều kinh nghiệm, họ còn có rất nhiều khó khăn trong nghiệp vụ sư phạm vì không hề được đào tạo cho công việc này.
Điều này cũng làm hạn chế khả năng giảng dạy của họ.
Ở trường DH hiện nay tôi đang làm NCS, để đứng lớp, giáo viên tối thiểu phải bảo vệ công trình nghiên cứu sau TS, còn các buổi chữa bài tập hay thực hành thường do NCS đảm nhận. Như vậy cho đến khi chính thức giảng dạy, các giáo viên đã có rất nhiều năm kinh nghiệm về phương pháp sư phạm.
Điều cuối cùng tôi muốn đề cập, là căn cứ vào đâu Bộ Giáo dục cấp chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH hay chỉ tính tăng so với năm trước. Theo quan sát của tôi, cơ sở vật chất của các trường không theo kịp mức tăng sinh viên. Nếu chúng ta tiếp tục những dự án trên giấy thì sẽ mãi chẳng tiến lên được.
Ho ten: baothanhthien
Dia chi: Hà Nội
Tieu de: Không nên gia hạn phục vụ cho GS, PGS, TS
Đã có luật thì mọi người phải theo đúng luật. Luật Lao động quy định nam đến hết 60 tuổi, nữ 55 tuổi nghỉ hưu thì cứ thế mà làm, không nên có ngoại lệ cho GS, PGS hay TS. Con người có thể đóng góp cho xã hội bằng nhiều cách, bằng nhiều kênh chứ không phải cứ còn trong cơ quan mới đóng góp được.
Nhiều vị GS, PGS thực tế không đủ tiêu chuẩn. Theo tôi, tốt nhất cứ đến tuổi phải về hưu, nếu ai muốn cống hiến thì tham gia các hội nghề nghiệp, không nên gia hạn làm gì. Con người cống hiến trong khoảng 30 năm từ 30 tuổi đến 60 tuổi là quá đủ rồi. Già rồi sức ì thường lớn.
Tôi thấy nhiều vị GS, PGS, TS lúc sắp về hưu hoặc sau về hưu chỉ ghi danh trong các đề tài chứ thực ra toàn cánh trẻ làm thôi. Đề nghị chúng ta nên tôn trọng pháp luật.
Ho ten: Minh
Dia chi: Hà Nội
Tieu de: Vấn đề vẫn là "thừa thầy thiếu thợ"
Tôi cho rằng, vấn đề không phải là thiếu giảng viên mà là thừa sinh viên. Khi chủ trương mỗi tỉnh một trường đại học, hay các ngành hoặc các tập đoàn cũng có thể thành lập trường đại học thì số lượng sinh viên tăng vọt, tất yếu kéo theo tỷ lệ GV/SV sẽ tăng đột biến.
Vậy có bù được không khi mà chi phí đào tạo 1 TS chất lượng khoảng 2 tỷ VNĐ? Trong khi chất lượng sinh viên thì ngày càng giảm sút nghiêm trọng do số lượng tăng lên.
Bộ GD-ĐT thì cho đổ lỗi vào nhiều yếu tố, vào cơ chế... nhưng cốt lõi là chủ trương đã như vậy thì không thể chạy theo được. Trong khi đó vẫn khăng khăng ý định bỏ thi đại học, kỳ thi quy mô lớn nhất và có thể nói là nghiêm túc nhất trong các loại kỳ thi.
Tôi cho rằng, thay vì chúng ta đào tạo quá nhiều sinh viên đại học như ngày nay thì nên chia bớt xuống các bậc học thấp hơn, trong đó chú trọng vào đào tạo nghề để tránh cho xã hội tình trạng "thừa thầy thiếu thợ".
Bởi chất lượng sinh viên đại học của chúng ta hiện nay đã quá thấp và chẳng khó khăn gì để kiếm 1 cái bằng đại học.
Ho ten: Văn Lâm
Dia chi: Hoàng Mai, Hà Nội
Tieu de: Để chất lượng sinh viên đáp ứng nhu cầu sử dụng
Cần chú trọng tuyển dụng giảng viên đại học là các kỹ sư, cử nhân đã có quá trình công tác và kinh nghiệm thực tế lâu năm tại các doanh nghiệp lớn, cơ quan hành chính các cấp để nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên.
Ho ten: Tuấn Vũ
Dia chi: CHLB Đức
Tieu de: Tạo điều kiện cho chuyên gia Việt kiều về kỹ thuật, về trao đổi kiến thức với sinh viên
Tôi trước đây vốn làm thiết kế ở một xí nghiệp của VINASHIN, đã từng đỗ cao nhất trong kỳ thi, thi tuyển nghiên cứu sinh ngoài nước. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ ở CHLB Đức, tôi có về VN và được Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và rất nhiều công ty kỹ thuật cao, sẵn sàng xin nhận về. Cái chính, tôi không muốn về.
Trong khi đó, xin việc ở nước ngoài cũng không khó khăn. Nay tôi cảm thấy hạnh phúc khi làm đúng nghề, phát huy được chuyên môn. Sản phẩm mà tôi tham gia phát triển, quản lý về phần mềm cho thiết bị điện tử đã được bán ở các châu lục.
Tôi hy vọng một ngày nào đó, luật pháp và quy định của Chính phủ Việt Nam căn bản và hợp lý hơn, tôi sẽ đem kiến thức, kinh nghiệm kỹ thuật và kinh tế thực tế về truyền lại cho các bạn trẻ. Cám ơn VietNamNet.
Ho ten: Trần Quyết
Dia chi: Bình Dương
Tieu de: Bằng cấp và trợ cấp
Trong xu hướng hội nhập và phát triển như hiện nay, có thể nói, đất nước ta không phải không có đủ số lượng giáo viên trẻ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao để đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra... Tuy nhiên, cứ trung bình mỗi năm có hàng ngàn giáo viên trẻ ra trường nhưng đâu phải trường nào cũng giang rộng cánh cửa để đón "họ"?
Và rồi, họ phải tìm cho mình một "địa điểm" khác để tự nuôi sống mình, dù biết rằng đó là trái ngành nghề được đào tạo hàng chục tháng trời. Và một thực tế nữa là, nếu so bằng cấp có thể thấy rằng, cùng một trình độ thạc sĩ, hoặc tiến sĩ thì các chế độ cũng hoàn toàn khác so với các đơn vị khác...
Vì vậy, thiếu giáo viên trẻ vẫn là đề tài muôn thuở.
Ho ten: Bùi Minh Tuấn
Dia chi: 40 Trương Công Định, Hà Đông, Hà Nội
Tieu de: Thiếu hay không biết cách dùng?
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của nhiều người ở đây. Song chúng ta không được quên rằng "thiếu" tiến sỹ, thạc sỹ còn trầm trọng hơn hiện nay rất nhiều. Không thể phủ nhận hiện nay chất lượng giảng viên của ta hiện nay còn quá yếu.
Nhiều tiến sỹ, thạc sỹ đang làm giảng viên nhưng không hẳn đã đạt đến mức đó mà chỉ ở mức thiếu tiến sỹ, thiếu thạc sỹ với nghĩa chưa tròn trịa. Nhưng đối với những người không giảng dạy trong các trường đại học, chưa có con số thống kê rằng có bao nhiêu tiến sỹ, thạc sỹ đã được đào tạo và đang hoạt động trong xã hội không cho mục đích giáo dục.
Tôi thấy rất nhiều và những người này thường là được đào tạo từ nước ngoài về và có chất lượng rất cao.
Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thật sự thiếu hay là chúng ta chưa có cơ chế để thu hút nhân tài trong lĩnh vực giáo dục.
Người làm ở ngoài, khi đi học tiến sỹ hay thạc sỹ, họ mang trong mình một suy nghĩ là cống hiến và thu thập được nhiều kiến thức để có thể áp dụng vào thực tế và được đối xử tương xứng với chất xám bỏ ra.
Nhưng thử nhìn cách đối xử với tiến sỹ và thạc sỹ của chúng ta thì đáp án chính là ở đó. Thạc sỹ giỏi, tiến sỹ giỏi làm ở ngoài lĩnh vực có thu nhập gấp đôi hoặc ba lần trong các trường ĐH.
Đó cũng lý giải vì sao số lượng thạc sỹ, tiến sỹ trong hệ thống giao dục của ta chưa đáp ứng được chất lượng theo yêu cầu. Hệ luỵ dây chuyền của hệ thống giáo dục thiếu chuẩn gắn với thiếu thạc sỹ, tiến sỹ là chất lượng sinh viên ra trường thiếu hiểu biết và thực tế cũng như hoà nhập chậm với thực tế sử dụng của thị trường lao động.
Ho ten: Nguyễn Tiến Dũng
Dia chi: Hà Nội
Tieu de: Cần suy nghĩ kỹ hơn
1. Cần phải xem xét kỹ thế nào là có kinh nghiệm. Trong giảng dạy cần kiến thức hay kinh nghiệm? Kinh nghiệm gì cũng nên nêu rõ. Không thể cứ già là có kinh nghiệm tốt và kinh nghiệm cần thiết!
2. Năm 1968, tại các nước châu Âu, sinh viên biểu tình đòi cải cách giảng dạy (chắc chắn Bộ GDĐT biết điều này). Lý do là họ yêu cầu giảng viên phải trẻ. Họ cho rằng người trẻ mới tìm sách báo, tài liệu và cập nhật kiến thức và truyền lại cho sinh viên. Điều này cũng nên suy nghĩ.
Ho ten: Tầm Nhìn Việt
Dia chi: CT-IN JSC
Tieu de: Giải pháp cho việc thiếu hụt giảng viên
Tôi xin đề xuất một số giải pháp bù vào việc thiếu hụt giáo viên:
(1) Đổi mới cách giảng dạy thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin (E-learning): tăng cường việc nghiên cứu tài liệu kiến thức qua mạng, kể cả báo cáo học phần các môn và thi qua mạng.
(2) Có chính sách trả thù lao hấp dẫn để thu hút lực lượng cộng tác viên tham gia giảng dạy, thông qua đó tạo sự gắn kết giữa trường đại học và doanh nghiệp.
Hiện có rất nhiều chuyên gia đang làm việc ở các viện, các cơ quan quản lí nhà nước, hành chính... cũng như các doanh nghiệp. Nếu có chính sách mời chào và trả thù lao xứng đáng họ cũng có thể tham gia giảng dạy hoặc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu... và điều này được áp dụng rất rộng rãi ở các trường đại học tại các nước đang phát triển.
Ho ten: H. Q. Son
Dia chi: HaNoi
Tieu de: Ủng hộ GS,PGS, TS làm việc đến 65 tuổi, thậm chí cao hơn. Nhưng là ai?
Xem xét tình trạng cán bộ hiện nay của các trường ĐH, CĐ, có thể rút ra mấy điểm sau:
- Thành lập trường ồ ạt, trong khi thiếu giảng viên.
- Xu thế phong GS, PGS cho cán bộ cao tuổi.
- Nhiều TS sau khi hoàn thành luận án không chủ trì nổi một đề tài cấp trường, không viết được một bài báo cho ra hồn.
- Nhiều GS, PGS, TS, ThS sau khi đạt đủ tiêu chí... muốn trở thành trở thành ông nọ bà kia trong lĩnh vực quản lý, không chuyên tâm đến việc nâng cao trình độ KHCN.
Vậy theo tôi, nếu có chủ trương yêu cầu các GS, PGS, TS làm việc đến 65 tuổi, thì chỉ nên tuyển (có hồ sơ minh chứng như xét học hàm) nhưng ai liên tục nghiên cứu KHCN và giảng dạy. Nếu không, một số kẻ tranh thủ ở lại trường cho vui, làm khổ thế hệ trẻ.
Ho ten: Minh
Dia chi: Hà Nội
Tieu de: Số lượng chưa quan trọng bằng chất lượng
Theo tôi, quan trọng là chất lượng thực của giảng viên chứ không phải cái danh tiến sĩ hay giáo sư. Nhiều vị có danh mà không thực, đấy là vấn đề đáng đau đầu hơn vấn đề số lượng.
Ho ten: Nam
Dia chi: Hà Nội
Tieu de: Cần đặt niềm tin vào thế hệ trẻ
Ở nhiều trường đại học hiện nay, tình trạng các giáo sư đã trên 70 tuổi vẫn tham gia giảng dạy hợp đồng không ít.
Trong khi các cán bộ trẻ trình độ lại không được trọng dụng. Họ chỉ đóng vai trò làm cán bộ trông coi phòng thí nghiệm và thư viện. Con số này không ít.
Một số khoa ở một số trường đại học có đội ngũ giáo viên khá trẻ nhưng đã được tham gia trực tiếp lên lớp cho sinh viên. Và thực tế họ đã hoàn thành tốt công việc của mình dù tuổi đời còn rất trẻ.
Điều đó cho thấy, thế hệ trẻ hiện nay không thiếu những người có đủ trình độ để đảm đương công việc của một giảng viên tâm huyết. Ở các khoa, trường này, đặt niềm tin vào thế hệ trẻ là cách làm dũng cảm và hoàn toàn sáng suốt để cho "ra lò" những giảng viên thế hệ mới.
Ngày tôi tốt nghiệp đại học, có một số bạn học rất xuất sắc. Có bạn thủ khoa của khoa và trường. Tôi cứ đinh ninh sau này bạn ấy sẽ được giữ lại trường và làm giảng viên. Nhưng không! Thay vì đó, khoa đã giữ lại những sinh viên là con, cháu các cán bộ trong khoa với lực học khá hoặc trung bình khá. Nhiều sinh viên giỏi và xuất sắc không có "chân" để được giữ lại.
Tôi cũng từng tham dự một lần thi tuyển biên chế vào một trường đại học. Tôi đã học xong thạc sĩ ngành Hoá học, đang làm tại một viện nghiên cứu hàng đầu của cả nước, đang tiếp tục làm nghiên cứu sinh và chuẩn bị bảo vệ luận án. Nhưng tôi tha thiết yêu nghề sư phạm.
Năm đó, tôi "oạch" vì tất cả các ứng viên đều có "chân trong, chân ngoài" cả. Việc đứng ra tổ chức thi tuyển chỉ là công khai hình thức.
Thực tế, các trường đã "nhắm" chỗ cho con cháu và những người có "quan hệ" với mình.
Thiết nghĩ, cần đặt niềm tin vào thế hệ trẻ có trình độ và tâm huyết với nghề giáo. Đành rằng, với chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên (hay một số ngành khoa học) của chúng ta hiện nay chưa thực sự hấp dẫn, chưa thực sự trang trải đủ cuộc sống sinh hoạt với các bạn trẻ.
Nhưng trong số đó, có nhiều bạn trẻ sẵn sàng chấp nhận và muốn cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Có ai là người đặt niềm tin vào họ?
Ho ten: Hà Quốc Đông
Dia chi: Cần Thơ
Tieu de: "Chất lượng giáo dục"
Tôi xin nêu lên một vài ý kiến về chất lượng giáo dục:
-Căn bệnh thành tích chưa điều trị được, các cấp cơ sở báo cáo không thật, thủ trưởng ngại va chạm và sợ mất quyền lợi. Nếu muốn làm tốt thì chỉ có cách là: người có quyền tối cao đi kiểm tra từ cấp cơ sở.
- Cho phép mở trường nhưng chưa đảm bảo về cơ sở vật chất và số giảng viên?
- Tuyển sinh nhiều, lớp đông nhưng giảng viên không có (liên quan đến mở ngành mới).
- Chất lượng giảng viên không ai kiểm tra, lại cho nâng cấp cán bộ bằng nhiều hình thức không chính quy.
Bao nhiêu việc tôi nêu, mong rằng đến được những người có trách nhiệm với giáo dục Việt Nam.
Ho ten: V.N.V.
Dia chi: Đại học Hà Nội
Tieu de: Về việc kéo dài tuổi làm việc của TS
Vấn đề thiếu hụt lực lượng PGS, TS ở tất cả các trường đại học đã được báo động từ lâu và là vấn đề nóng hổi hiện nay.
Đây là một thực tế, vì nhiều năm nay, vấn đề đào tạo đội ngũ kế cận chưa được quan tâm đúng mức.
Vì vậy, Bộ GD- ĐT nên ra văn bản quy định kéo dài thời gian làm việc của đội ngũ tiến sĩ hiện nay, chứ không nên "đề nghị" các trường thực hiện.
Thế mới đảm bảo được sự nhất quán trong hệ thống giáo dục cả nước, góp phần duy trì và đào tạo đội ngũ kế cận.
Ho ten: Nguyễn Văn Dũng
Dia chi: 27, Cát Linh, Hà Nội
Tieu de: Nâng tuổi về hưu cho GS, PGS, TS
Hiện nay, số lượng các GS, PGS, TS ở bậc đại học số lượng ngày càng giảm. Thực tế giảng dạy bậc đại học ho thấy, các giảng viên càng về già càng có nhiều kinh nghiệm. Vì thế, tôi ủng hộ quan điểm kéo dài tuổi nghỉ hưu của các giảng viên có học hàm GS, PGS và học vị TS.
Ho ten: Nguyễn Minh Khuê
Dia chi: Hải Dương
Tieu de: Ủng hộ ý kiến của Phó Thủ tướng
Tôi nhất trí với ý kiến của Phó Thủ tướng về giải pháp thiếu giáo viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong tương lai.
Tôi đề nghị cần có thang bảng lương thạc sĩ và tiến sĩ (ta đã có thang bảng lương cao đẳng và đại học, do vậy người có bằng cao đẳng phấn đấu đi học đại học, học xong được chỉnh sang thang bảng lương đại học ngay, họ rất phấn khởi).
Vậy tại sao không chuyển những người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ vào thang bảng lương khác khi họ có bằng nhằm động viên khuyến khích họ (mặc dù lương này thu nhập không đáng là bao, nhưng cũng góp phần động viên khuyến khích họ).
Tôi thấy hiện nay giáo viên rất ngại đi học cao học vì thi cử nghiêm túc, học hành tốn kém...Vậy chúng ta cần có chính sách khuyến khích mạnh hơn để có đủ số lượng giáo viên có trình độ ThS và TS.
Ho ten: Ha
Dia chi: Hà Nội
Tieu de: "Cố vị" có nên không?
"Nhiều giảng viên được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ nhưng nhấp nhổm “nhảy” chỗ khác". Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này: "Tại sao những thạc sĩ, tiến sĩ đó lại nhấp nhổm? Tại sao cơ sở đào tạo lại không thu hút được người tài mà một số cơ sở khác lại thu hút được?"
Tôi nghĩ trả lời được những câu hỏi như thế này thì Việt Nam không phải lo thiếu giáo viên, giảng viên nữa.
Một thực trạng mà tôi đã gặp đó là nhiều người đã được cử đào tạo thạc sĩ rồi, rất muốn cống hiến trong ngành giáo dục nhưng khi vào các trường ĐH, CĐ để giảng dạy, họ chỉ được làm các công việc của những nhân viên văn phòng, văn thư... Những vị trí này đâu "cần nhiều thạc sĩ" đến vậy?
Nguyên nhân cơ bản vì họ được xếp vào lớp trẻ, chưa đủ kinh nghiệm mà những bậc lão thành mới đủ năng lực để giảng dạy.
Chính vì những lão thành "cố vị" này mà nhân tài trẻ chưa phát huy được, dần dần thì họ phải tìm một nơi khác phù hợp hơn với tấm bằng mà mình có...