- Những cung đường càng sâu, càng xa, càng hiểm, càng có sức hấp dẫn đối với dân phượt. Nhưng cũng chính tại những "cung đường sung sướng" đó, họ phải đối mặt với nhiều bất trắc, đôi khi nguy hiểm tới cả tính mạng.
Một khúc cua trên đường vào Apachai (Mường Nhé, Điện Biên).
Ảnh: hoangbquang
Tai nạn khi hành trình “vượt ngưỡng”
Trang bị đầy đủ và có ý thức kỷ luật tốt là điều kiện tiên quyết đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến đi. Ảnh: chudu24.com
Cuối tháng 2/2009, cư dân phượt bàng hoàng và đau xót khi nghe tin về vụ tai nạn trên cung đường từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn khiến bạn trai cầm lái tử nạn. Còn bạn gái ngồi sau hiện đang trải qua những ngày dài đau đớn trong bệnh viện với chấn thương sọ não...
Cả 2 đều mới 21 tuổi, đang là SV. Đây là chuyến đi phượt đầu tiên và cũng là cuối cùng của họ.
Theo phỏng đoán của một "tay" phượt kỳ cựu thì có thể do mới phượt lần đầu, mà hành trình lại quá sức, nên khi thấy đi chậm hơn cả đoàn, họ cố lao theo và gặp nạn.
Anh Tùng Tabalo chia sẻ: “Khi hành trình đã "vượt ngưỡng" chịu đựng, phải dũng cảm nói với trưởng nhóm, đề nghị đi chậm lại hoặc không đi nữa”.
Còn Nguyễn Khánh, trưởng một nhóm phượt cho biết: “Mỗi đoàn đi của chúng tôi chỉ tối đa là 20 người để đảm bảo có thể quản lý tốt. Trên đường đi, đoàn sẽ phân công 2 "xế" có kinh nghiệm để dẫn đoàn và chốt đoàn. Các thành viên mới tham gia sẽ đi ở giữa".
Nguyên tắc bất biến trong hành trình là không được tách đoàn và bỏ rơi bạn đồng hành dù có bất cứ trường hợp nào xảy ra.
Chẳng chuyến đi nào suôn sẻ hoàn toàn
Là tay phượt "cứng", mỗi tháng đều "xách" xe phượt trên nhiều cung đường khác nhau, Tiểu Vũ kể lại tai nạn nhớ đời trên ở dốc 3 tầng (Tiên Yên, Quảng Ninh). Đó là một con dốc nhỏ có 3 khúc cua ngoặt liên tiếp. Qua được 2 khúc cua đầu, Tiểu Vũ không ngờ còn khúc cua thứ 3 nên không điều chỉnh tay lái kịp và suýt thì lao thẳng... xuống vực. "May có cột cây số đỡ lại ", Tiểu Vũ cho biết.
Anh Tùng Tabalo cho rằng, có thể kiểm soát tới 95% tai nạn giao thông, 5% còn lại là do “số trời”.
Bởi, nếu các đoàn được tổ chức tốt, người trưởng đoàn biết điều tiết hợp lí quãng đường và tốc độ của chuyến đi thì khả năng gặp tai nạn sẽ thấp hơn nhiều.
Kiểm tra thật kỹ tư trang trước khi rời các bản, đặc biệt trong những điểm "nóng" về hàng cấm. Ảnh: lenduong.vn
Chẳng hạn như giới hạn 1 ngày chạy xe không quá 200 km. Chạy quá nhiều cơ thể sẽ mệt mỏi, chỉ một chút bất cẩn là có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Còn những sự cố như ngã xe xây xát nhẹ, hỏng xe, gặp mưa lũ… đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng không vì thế mà dân phượt "chùng chân mỏi gối".
Lê Nhung chia sẻ: “Dù nặng hay nhẹ, thì hầu như chẳng có chuyến đi nào suôn sẻ 100%". Vì thế, đoàn phượt nào cũng phải trang bị đủ bông băng, thuốc, dụng cụ sửa xe và dân phượt thường phải sẵn sàng vào vai thợ sửa xe hoặc y tá bất kỳ lúc nào.
Cảnh giác với vùng “nóng”
Những cung đường gần sát biên giới thường hấp dẫn dân phượt bởi vẻ đẹp hoang sơ. Tuy nhiên, dân phượt đang rỉ tai nhau về một loại “bẫy” rất tinh vi.
Anh Tùng Tabalo cho biết: “Đến những khu vực biên giới “nóng” về buôn hàng cấm như vũ khí, ma tuý…, tôi luôn nhắc nhở anh em trong đoàn kiểm tra thật kỹ tư trang trước khi ra khỏi bản. Rất có thể sau 1 đêm ngủ lại, đã có “vật thể lạ” được nhét vào trong hành lý. Nhiều lần chúng tôi cũng bị bộ đội biên phòng chặn lại kiểm tra nhưng do đề cao cảnh giác nên chưa bao giờ gặp rắc rối".
Thậm chí, bọn buôn hàng cấm còn có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Đó là dùng nam châm để hút chặt 1 cục hàng vào dưới gầm xe ô tô của dân du lịch. Sau đó, đóng giả công an chặn đường để lấy lại hàng khi xe đã qua vùng kiểm soát.
Có khi chúng còn đánh lạc hướng công an bằng cách “chỉ điểm” xe du lịch chở hàng cấm, còn bọn chúng ung dung đi qua chốt chặn.
Ngoài ra, còn có trường hợp dân buôn hàng cấm trà trộn vào các nhóm phượt, rồi lợi dụng bạn đồng hành để vận chuyển hàng cấm.
Nếu dân phượt không cảnh giác, rất dễ rơi vào cảnh “tình ngay lý gian”.
-
Lan Hương