- Gọi là lớp tiếng Anh chuẩn quốc tế, lớp song ngữ, lớp liên kết ngoại ngữ... nhưng mục đích chung của các lớp này là được học tiếng Anh "chuyên nghiệp" hơn. Chất lượng chủ yếu do phụ huynh và HS tự thẩm định trước khi quyết định theo học.
Một giờ học của HS tiểu học Lý Thái Tổ, HN. Ảnh: Bích Ngọc |
Hiện nay, các trường ngoài công lập với thế mạnh tự chủ đã liên kết đưa tiếng Anh vào chương trình giảng dạy. Kinh nghiệm dạn dày nhất trên địa bàn Hà Nội phải kể đến Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm, huyện Từ Liêm.
Hiện cả trường có 66 lớp theo học chương trình tiếng Anh và 6 lớp, còn lại học theo dự án tăng cường tiếng Pháp.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiền cho biết, trường dạy tăng cường tiếng Anh hơn 10 năm nay, từ khi thành lập.
Tương tự như vậy, Trường Tiểu học dân lập Lý Thái Tổ, Cầu Giấy, Hà Nội bắt đầu mở 3 lớp liên kết ngoại ngữ (với Trung tâm Anh ngữ Language Link) từ năm học 2008-2009.
Cũng từ năm học này, Trường dân lập Marie-Curie, Hà Nội đã đưa chương trình tiếng Anh mới vào giảng dạy với 3/9 lớp 6 và 2/12 lớp 10.
Khảo sát một số trường thì được biết, các lớp này mở ra và phụ huynh hoàn toàn tự nguyện lựa chọn trước khi đăng ký. Riêng trường cấp 2, 3 phải đảm bảo điểm đầu vào theo quy định.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường dân lập Marie-Curie, Hà Nội cho biết, trường mời phụ huynh đến hội trường, giải thích về giáo trình, học phí, đội ngũ giáo viên. Trên cơ sở đó, phụ huynh tự cân nhắc và quyết định cho con thi vào. "Trường không bắt ép và cũng mới chỉ thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm", ông Khang nhấn mạnh.
Chương trình đa dạng
Giờ học ngoại ngữ của HS trường Marie-Curie, HN. Ảnh: Lê Anh Dũng |
HS tiểu học Đoàn Thị Điểm hàng tuần được học 4 tiết tiếng Anh, trong đó 2 tiết có người nước ngoài dạy.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiền cho biết, giáo viên tiếng Anh hằng năm đều có 2 tình nguyện viên (Lattitude) của Bộ GD-ĐT đưa về.
Ngoài ra, trường hợp đồng thêm giáo viên nước ngoài ở các tổ chức quốc tế, tổ chức vì hòa bình. "Hiện nay, đang triển khai thí điểm chương trình của Cambrige", bà Hiền nói thêm.
Để đạt được yêu cầu theo mục đích đề ra, nhiều HS vẫn phải tham gia những khóa học tiếng Anh bên ngoài nhà trường.
Cùng lớp với Ngọc Anh, HS Ninh Huyền Trang thi vào trường chỉ để "hằng ngày được nói tiếng Anh".
Trang cho biết, mục tiêu là đi du học Phần Lan. Do đó, ngoài những buổi học ở trường, Trang còn 2 buổi học ở Hội đồng Anh.
Trang cũng cho biết thêm, một khóa học tiếng Anh (8 tuần) theo chương trình cấp 3 ở Hội đồng Anh phải đóng học phí gần 400USD, cao hơn so với học ở trường.
Học cùng lớp Trang là Diệu Linh, đang theo học ở Trung tâm Anh ngữ Apollo phải đóng học phí hơn 200 USD/khóa (khoảng 1 tháng), 2 buổi/tuần.
Language Link đang kết hợp với một số trường tiểu học để giảng dạy tiếng Anh. Theo đại diện của Trung tâm, hiện có hơn 120 giáo viên đều là người bản xứ đến từ các nước: Anh, Úc, Mỹ, Newzealand đạt chứng chỉ do Đại học Cambridge cấp. Giáo trình do giáo viên của Language Link biên tập lại dựa trên các giáo trình gốc của ĐH Cambridge cho phù hợp với trình độ, văn hóa của học sinh Việt Nam.
Học phí gấp đôi + tiền USD học tiếng
Cách tính học phí của ông Nguyễn Xuân Khang là nhân đôi học phí và tiền tiếng Anh theo giá trung tâm.
Cụ thể, học phí của lớp truyền thống (45 HS) là 400.000-600.000 đồng/tháng tùy từng cấp học (2 hoặc 3) thì lớp tiếng Anh này sẽ gấp đôi. Các trung tâm ngoại ngữ tính mức học phí: 200 tiết học/năm là 1.000 USD.
Theo chương trình thì cấp 2 sẽ học 226 tiết/năm, cấp 3 học 200 tiết/năm.
Cũng với cách tính đó, Trường Tiểu học dân lập Lý Thái Tổ tính tiền học là 2 triệu đồng/tháng (gồm học phí và tiền ăn). Ngoài ra, HS theo học ở lớp liên kết sẽ phải đóng khoảng 400.000 đồng/tháng.
Từ năm học 2008-2009, Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm chỉ tuyển lớp chất lượng cao với sĩ số 30 HS/lớp (hiện có 23 lớp). Hiệu trưởng Hiền cho biết, học phí trọn gói của những lớp này khoảng 2,6 triệu đồng/HS/tháng.
Sở không thể kiểm soát được hết 100%, nhưng qua những lần tổ chức Olympic tiếng Anh đều thấy chất lượng năm sau cao hơn năm trước, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết.
Nhận xét về các lớp tăng cường tiếng Anh, ông Nguyễn Thành Kỳ, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, các lớp này chủ yếu ở dân lập.
Việc dạy tăng cường phải được thực hiện trên cơ sở đã hoàn thành các chương trình chính khóa và không được bắt buộc. Đồng thời, phải đảm bảo đủ đội ngũ giáo viên, CSVC.
"Ngoại ngữ là công cụ cần thiết và việc tăng cường giảng dạy là hợp lý, nên khuyến khích. Tuy nhiên, lâu nay, cơ chế kiểm soát của ngành giáo dục chưa thật sát với điều kiện thực tế. Phụ huynh cho con vào trường chủ yếu trên tinh thần chấp nhận cơ chế tự kiểm soát.
Tới đây, việc kiểm soát của ngành giáo dục sẽ được tăng cường hơn để đảm bảo chất lượng tốt nhất", ông Kỳ nói rõ.
-
Bảo Anh