221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1179146
Hai thủ khoa khối C “bật mí” kinh nghiệm thi đại học
1
Article
null
Hai thủ khoa khối C “bật mí” kinh nghiệm thi đại học
,

 

- Cùng đạt 25 điểm, Bùi Thị Minh Ngọc và Lê Thị Duyên là đồng thủ khoa khối C trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2008-2009 của Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội). Điểm thi 3 môn Văn, Sử, Địa của Minh Ngọc là 9 - 7 - 9, còn của Lê Thị Duyên là 8 - 8 - 9. Mỗi người đều có những "bí quyết" riêng, nhưng điểm chung là cả 2 đều có phương pháp học và ôn thi hết sức khoa học.

Nếu Minh Ngọc đặc biệt chú trọng vào phương pháp ghi chép, lập đề cuơng... thì Lê Thị Duyên coi việc thực hành và học nhóm là hết sức cần thiết. Cả hai cũng có sự bình tĩnh và "tính toán" vô cùng cẩn thận trong quá trình xử lý đề thi và làm bài thi.

Với phương pháp học tập của mình, cả Bùi Thị Minh Ngọc và Lê Thị Duyên đều đang là những SV xuất sắc của ĐH KHXH &NV.

Bùi Thị Minh Ngọc: Không chỉ "học thuộc lòng"...


Minh Ngọc hiện đang là SV lớp chất lượng cao, K53, khoa Văn học.
Ảnh: Nguyễn Yến
Khối lượng kiến thức cần nhớ khi thi khối C rất lớn, tuy nhiên, theo Ngọc, học khối C không có nghĩa là học thuộc lòng tất cả những gì có trong sách vở. Quan trọng hơn là phải có sự sáng tạo trong cách làm bài thi, và phương pháp ghi chép, học tập phải rất khoa học.

Vì vậy, Ngọc thường dùng một quyển sổ dày, khổ lớn để ghi chép phần bài giảng của thầy cô. Trên mỗi trang, lại chia thành hai phần: Phía bên phải ghi chép các kiến thức thầy, cô phân tích trong bài học; phía bên trái ghi các ý thầy cô mở rộng và những ý hay, những kết luận mà mình tự rút ra.

Bên cạnh đó, các đề mục phải ghi to, tô đậm hoặc dùng màu mực khác, tên đề mục phải đặt hợp lý, bao quát được ý chính của vấn đề. Những phần quan trọng được thầy cô giáo nhấn mạnh thì phải đánh dấu để khi ôn tập sẽ chú tâm hơn.
Ngoài ra, mình có 1 cuốn sổ tay nhỏ để ghi các số liệu, các mốc thời gian, các lời nhận xét, đánh giá hay của các nhà phê bình văn học... Những lúc rỗi rãi lại mở ra xem.

Đối với môn Văn, Ngọc thường dành thời gian để đọc kỹ tác phẩm, tìm ra những chi tiết quan trọng, gây ấn tượng. Ngọc cũng tìm đọc thêm sách tham khảo của các thầy cô có uy tín như Hà Minh Đức, Chu Văn Sơn…, sau đó tìm ra ý cốt lõi, tổng hợp các kiến thức theo ý hiểu của mình. Theo Ngọc, quan trọng nhất khi học Văn là phải phát hiện ra những điều mới lạ và thể hiện bằng màu sắc ngôn ngữ của mình. Có như thế, bài văn mới hấp dẫn, không bị khuôn mẫu, sáo mòn.

Môn Sử là môn có nhiều sự kiện phải nhớ, nên Ngọc dành nhiều thời gian hơn. Mình thường học môn Sử vào lúc đầu óc tỉnh táo nhất và yên tĩnh nhất trong ngày, học xong bài nào xem lại ngay bài đó, rồi tô đậm những mốc thời gian cần nhớ.

Với môn Địa, do kiến thức trong SGK còn hạn chế nên Ngọc tìm kiếm thêm trên mạng Internet, từ các thầy cô giáo, thậm chí là trong các chương trình thời sự. Với mỗi bài học, mình cũng lập bảng, tự điền các ý chính vào rồi nhờ thầy cô bổ sung thêm.

Ngoài ra, theo Ngọc, nên lập đề cương chi tiết để dễ học và không bỏ sót ý. Chẳng hạn như: với môn Văn thì lập dàn ý theo từng tác phẩm và từng tác giả, với môn Sử thì lập đề cương theo từng chương, từng giai đoạn lịch sử. Còn môn Địa lý thì học theo từng vấn đề lớn, từng vùng kinh tế cụ thể.

Tuy nhiên, thi cử mới là phần quyết định kết quả. Điều quan trọng nhất trong khi làm bài thi là luôn giữ được sự bình tĩnh. Trước hết phải đọc toàn bộ đề, xem câu nào có thể làm được thì làm trước, câu nào khó để làm sau. Đồng thời, cần phân bố thời gian cho hợp lý tùy vào số điểm và mức độ khó dễ của mỗi câu. Một điều vô cùng quan trọng là bài thi phải trình bày thật rõ ràng, sạch sẽ.

Lê Thị Duyên: "Văn ôn, võ luyện"

Với Duyên, "văn ôn, võ luyện" là bí quyết quan trọng nhất.
Ảnh: Nguyễn Yến
Với Duyên, “văn ôn, võ luyện” là một trong những bí quyết quan trọng nhất để học tốt khối C.

Mỗi ngày, Duyên thường dành thời gian để làm từ 1 đến 2 đề bài tập trong các SGK và sách tham khảo, sau đó mỗi tuần lại chọn ra 2 đề thi mà mình làm tốt nhất để nhờ cô giáo sửa. Từ những đánh giá của cô giáo mà Duyên có thể rút kinh nghiệm cho những bài tập sau.

Với môn Văn, Duyên chú trọng vào các ý chính và dẫn chứng của mỗi tác phẩm, sau đó phân tích theo ngôn ngữ của mình. Đối với môn Sử thì để tâm suy nghĩ, tìm hiểu về nguyên nhân, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm, kết nối các sự kiện ấy với nhau. Còn với môn Địa lý thì lưu ý  đến: vị trí địa lý, điều kiện kinh tế xã hội, nguyên nhân, kết quả và hướng giải quyết. Để có thể ghi nhớ bài học dễ hơn, Duyên thường học lý thuyết song song với việc quan sát trực tiếp trên bản đồ diễn biến các sự kiện và Át lát Địa lý.

Duyên cũng thường viết các mốc thời gian, sự kiện... cần nhớ lên các mảnh giấy nhỏ rồi dán lên tường, bàn ghế, sách vở... để mỗi lần đi qua là một lần đọc và nhớ.

Các môn khối C thường phải học thuộc nhiều nên rất dễ chán nản và mất tập trung. Vì thế, Duyên thường học xen kẽ cả 3 môn: Văn, Sử, Địa. Trước khi chuyển từ môn này sang môn khác, Duyên thường dành khoảng 5-10 phút nghe nhạc hoặc xem ti vi để thư giãn tinh thần.

Tổ chức học nhóm là một phương pháp giúp Duyên nhớ nhanh hơn và giảm “stress” hơn. Trước mỗi lần gặp nhau, các thành viên thường chuẩn bị trước những câu hỏi mà mình còn băn khoăn, chưa có cách giải quyết hợp lý để mọi người cùng thảo luận, tháo gỡ. Nếu câu hỏi nào quá khó thì  sẽ nhờ đến sự trợ giúp của các thầy, cô giáo.

Tuy nhiên, để làm bài thi tốt thì bên cạnh việc chuẩn bị kiến thức, cần phải giữ tâm lý thật ổn định. Trước khi thi một tháng thì kiến thức phải nằm hết trong đầu mình rồi, không nên để “nước đến chân mới nhảy”, rất dễ bị căng thẳng về tâm lý, dẫn đến việc nhiều bạn bị ngất trong phòng thi, ảnh hưởng không tốt đến kết quả làm bài. Vì vậy, trước kỳ thi, Duyên đã dành ra cả một tuần để nghỉ ngơi, giải trí.

Khi làm bài thi, cần đọc kỹ đề bài, gạch chân dưới những từ ngữ quan trọng để không bị lạc đề. Theo Duyên, nên dành ra 7-10 phút để gạch đầu dòng các ý quan trọng sẽ trình bày trong mỗi câu.

Thông thường, một bài thi khối C thường viết tới 3 tờ/1 môn. Vì thế, để người chấm dễ đọc và không bỏ sót ý, không nên viết các đoạn văn quá dài, mà nên chia thành các đoạn nhỏ từ 5-7 câu/1 đoạn. Mỗi đoạn thể hiện một ý khác nhau, ý chính của đoạn phải được nêu bật từ câu đầu. Bài làm phải được trình bày một cách mạch lạc, logic.

  • Nguyễn Yến (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,