221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1176052
Mỗi ngày đến trường là một “cực hình”
1
Article
null
Mỗi ngày đến trường là một “cực hình”
,

 - Từ khi xe tải chạy rầm rập qua đường vào ban ngày, nhiều gia đình ở xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) phải cắt cử người đón đưa con vì sợ xe tải cán phải. Không những thế, khi tới trường, lưng lớp học sát ngay với đường đi, bàn ghế trong lớp cũng muốn “nhảy múa” vì bị rung. Tiếng ồn át cả tiếng cô giáo giảng bài.

 

 

Thực trạng trên tại trường Tiểu học và THCS xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm – TP Hà Nội) diễn ra đã gần 2 tháng nay. Học sinh khổ đủ đường, giáo viên mệt mỏi, phụ huynh lo lắng, ức chế còn nhà trường thì không biết làm thế nào để thay đổi.

 

Học sinh đi lẫn với xe ô tô trọng tải lớn

 

Cả người lẫn xe "nhộn nhịp" đi cùng nhau

 

Sự việc được các phụ huynh phát hiện sau buổi họp phụ huynh cuối kì vừa rồi. Anh Võ Văn Chung, Chủ tịch hội phụ huynh lớp 4A trường Tiểu học Phù Đổng bức xúc: “Tất cả phụ huynh đang ngồi họp, xe tải ầm ầm lao qua. Đến chúng tôi còn cảm thấy bị “rung rinh” và không một lời nào của cô giáo lọt vào tai. Thế này mà các cháu bé đi học hàng ngày không biết sẽ ra sao?”.

 

12h45’ ngày 10/3, PV VietNamNet có mặt tại cổng trường Tiểu học và THCS Phù Đổng (nằm sát nhau).

 

14h mới bắt đầu vào lớp, nhưng tầm này các em học sinh đã lác đác đi học. Đông nhất vào tầm 13h30, các em ùn ùn kéo đến đứng trước cổng trường, đứng cả ngoài đường, tranh thủ chơi với nhau.

 

Từ trên đê, các xe ô tô chở cát trọng tải lớn lầm lũi nối đuôi nhau trườn xuống dốc, rồi chạy qua trường học. Như một phản xạ tự nhiên, các cháu bé thấy ô tô lao tới thì hô nhau đứng dẹp sang một bên. Cháu nào “trót” đang đi dở đoạn đường tới lớp thì vội vã xuống xe rồi sợ hãi nép vào lề đường. Cháu nào đi bộ thì cuống quýt chạy ra khỏi lòng đường để “nhường đường” cho xe lớn.

 

Có những đoạn hai xe tải đi ngược chiều, đến khi gặp nhau thì toàn bộ lòng đường bị chiếm hết.

 

Các em học sinh đang đi song song hoặc là cố phải lùi lại, hoặc cố để vượt lên. Trước cổng trường, người xe lẫn lộn. Những ai chứng kiến đều có chung cảm giác là chỉ một chút sơ sẩy, có thể các cháu sẽ bị tai nạn.

 

Đi học vào những ngày mưa gió. Chưa kể đường ở giữa, một bên là trường học, còn một bên là rạch nước khá rộng. Nếu không cẩn thận vì tránh xe ở hướng này, các em cũng rất dễ trượt chân ngã xuống.

 

14h ngày 13/3, PV VietNamNet quay lại cổng trường học. Vì ngày mưa nên đường lầy lội, mặt đường biến thành chảo bùn lớn. 

 

Chị Nguyễn Thị Hà, có con học lớp 5B cho biết: “Không một ngày nào về đến nhà mà con tôi còn nguyên vẹn như lúc đi. Từ đầu tới chân bê bết bùn. Chúng tôi đi cày đi cấy có khi cũng chả bẩn như chúng nó”.

 

Ông Đặng Huy Dã, thôn Phù Đổng 3, có hai cháu đang theo học tại trường tiểu học, một cháu học THCS ức chế: “Tôi ở cái đất này mấy chục năm nay, cái trường này ra đời cũng ngần ấy thời gian rồi, nhưng chưa năm nào thấy con em chúng tôi khổ sở thế này”.

 

Không học được vì tiếng ồn quá lớn

 

Ông Dã chỉ vào lưng trường Tiểu học nói: “Đấy, ngồi họp trong phòng mà tưởng đang đi ngoài chợ. Ầm đến nỗi cô giáo còn chịu không nổi nữa”. Ông Dã đã yêu cầu đóng cửa lại để buổi họp phụ huynh được tiếp tục. Nhưng cũng chẳng khá hơn.

 

Nhà ở ngay gần trường nên ông Dã kể: “Có hôm thấy có cô giáo về muộn, tôi hỏi thăm, cô bảo: “Xe chạy nhiều, cháu nhức đầu quá, dạy xong phải nghỉ ngơi 15 phút cháu mới về được”. 

 

Lưng trường Tiểu học ở sát đường ô tô chạy qua, cả học sinh lẫn giáo viên "lãnh đủ" vì tiếng ồn quá lớn

 

Là cán bộ ngành giao thông nghỉ hưu, ông Dã cho biết: “Cầu Trạt nằm trên ranh giới của Hà Nội và Bắc Ninh, hai đầu cầu đều có biển giới hạn 8 tấn. Còn đường này có biển hạn chế xe có trọng tải trên 10 tấn. Nhưng toàn xe trên 20, 30 tấn chạy rầm rập cả ngày cả đêm. Dân thường cũng chịu không nổi”.

 

Theo lời kể của anh Võ Văn Chung thì chính cô Nguyễn Thị Khuyến, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A đã xác nhận: “Những lúc ô tô đi qua rồi, tôi hỏi các em có nghe được gì không? Các em nói: Không! Thế là tôi phải nhắc lại”. Một ngày học, có hàng trăm lượt xe qua lại, liệu cô phải nhắc lại đến bao nhiêu lần?

 

Em Nguyễn Thị Hải Yến, học sinh lớp 4A cho biết: “Cháu đang ngồi học mà xe chạy qua là bàn bị rung, bút rơi xuống đất. Cháu thấy ầm lắm, chả nghe thấy cô nói gì. Lúc nào xe đi qua thì cô ngừng giảng, xe đi rồi cô mới tiếp tục”.

 

Anh Chung bức xúc “Chúng tôi đã làm đơn nhiều lần để nhà trường giải quyết, nhà trường nói sẽ tiếp thu nhưng chẳng thấy thay đổi điều gì”.

 

Ông Nguyễn Đa Tán, Hiệu trưởng trường THCS Phù Đổng cho biết: “Trường THCS không bị ảnh hưởng nhiều bởi tiếng ồn, vì nơi các em học không nằm sát ngay mặt đường như trường Tiểu học. Nhưng bị rung lắm. Đã có thời điểm xe chạy nhiều, mặt đất bị rung, các thiết bị trong trường thậm chí cũng bị rung theo. Đã có 2 bóng đèn bị rơi vỡ. Đó là chưa kể đến việc các cháu đi học cũng nhiều nguy hiểm rình rập”.

 

Ông Tán nói thêm: “Nhà trường cũng nhận được công văn của xã, ghi rõ là xe được chạy từ 7h sáng đến 10h30 trưa, từ 13h30 đến 16h30 chiều. Nhưng họ vẫn cứ chạy ầm ầm, bất chấp giờ học sinh đến trường và giờ tan trường . Chúng tôi cũng đề nghị điều chỉnh giờ chạy buổi chiều, bắt đầu từ 14h (giờ đó các cháu mới vào học) nhưng chưa thấy kết quả gì”.

 

Chủ tịch xã nói “đã cấm", người dân bảo "vẫn chạy"

 

Ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết: “Những xe trọng tải lớn chở cát qua con đường này là xe của một dự án xây dựng bên tỉnh Bắc Ninh. Họ lấy cát tại hai bãi cát nằm trên địa bàn xã Phù Đổng và xã Trung Mầu.

 

Cách đây hơn một năm, tỉnh đã có công văn đề nghị huyện Gia Lâm, xã Phù Đổng tạo điều kiện thi công dự án. Chúng tôi đã đồng ý và cho phép xe chạy qua địa bàn xã, cụ thể là chạy trên con đường đi qua trường Tiểu học và THCS”.

 

Trong công văn trả lời, ông Cường cho biết huyện và xã đồng ý với điều kiện xe phải chạy ban đêm. “Nhưng từ Tết trở lại đây, do yêu cầu tiến độ dự án nên bên Bắc Ninh có xin phép huyện, xã cho 10 xe chạy ban ngày, không chạy vào giờ cao điểm như giờ đi học, giờ tan học”, ông Cường nói.

 

Chuyện xe vẫn chạy vào giờ cao điểm, ông Cường xác nhận là có và lý giải là có thể do doanh nghiệp lợi dụng nên cố ý làm vậy.

 

Ông Cường nói đã biết chuyện phụ huynh bức xúc. Ông cũng nhận thấy chuyện xe chạy qua đường này không phù hợp với điều kiện của xã (có trường học nằm ngay cạnh đó).

 

Ông Cường nói: "Không vì lý do họ nộp một ít cho ngân sách của địa phương mà chúng tôi để ảnh hưởng đến chuyện học hành của con cái người dân”. Chiều 13/3, ông cho biết đã cấm xe chạy 3 ngày, nhưng thực tế là xe vẫn chạy như thường.

 Thế nhưng, hỏi đến cái gì, ông Cường cũng bảo “làm sao hỏi tôi được”.

 

Khi được hỏi: “Có phải có đúng 10 xe chạy ban ngày hay không” thì ông Cường nói không thể đếm được, không thể kiểm soát được: “Tôi không có thời gian để đi ghi chép điều này, và cũng không có thẩm quyền vẫy các xe lại để kiểm tra”.

 

Theo quy định, mỗi khi có xe chạy qua, đơn vị thi công bên Bắc Ninh phải có người đứng phất cờ.

 

Ông Cường nói: “Lúc tôi xuống kiểm tra, có người phất cờ”.

 

Khi chúng tôi nói đã đến 2 lần ở đó, đều không thấy ai phất cờ, ông Cường trả lời: “Cái đó làm sao chất vấn tôi được?!”. Rồi ông khẳng định đã giao nhiệm vụ kiểm tra này cho công an xã.

 

Khi hỏi xe được phép chạy vào ban ngày từ khi nào, ông Cường nói không nắm kỹ được vì cái này do công an huyện, UBND huyện vào cuộc.

 

Ông Cường cho biết: “3 ngày nay, đã yêu cầu ngừng chạy xe hoàn toàn. Hiện giờ không có một cái xe nào hoạt động”.

 

Rồi ông nói :“Nếu thích thì các anh chị có thể xuống kiểm tra luôn”.

 

Khi xuống hiện trường, chúng tôi thấy xe vẫn chạy như thường.

 

Ông Nguyễn Đa Tán, Hiệu trưởng Trường THCS Phù Đổng xác nhận: “3 ngày nay, xe vẫn chạy như mọi ngày”.

 

Các phụ huynh đi đón con lúc 16h, có mặt tại cổng trường và chính các em học sinh cũng xác nhận: 3 ngày nay, xe vẫn chạy rầm rầm.

 

Chị Nguyễn Thị Hà, phụ huynh học sinh tâm sự: “Chừng nào tình trạng này chưa chấm dứt, con cái chưa thể học tốt, chúng tôi chưa thể yên tâm”.

 

  • Cẩm Quyên

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,