221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1174558
Từ SGK Lịch sử, cần "dọn vườn" các SGK khác?
1
Article
null
Từ SGK Lịch sử, cần 'dọn vườn' các SGK khác?
,

 - Sau khi giới thiệu các bài viết "dọn vườn" SGK Lịch sử của 2 độc giả Thanh Huyền - Văn Hiến, tòa soạn nhận được nhiều ý kiến phản hồi đa chiều. Theo tinh thần của tác giả "điểm qua phần lịch sử Việt Nam của từng cuốn sách để bạn đọc xa gần tự lựa chọn câu trả lời", phần đông bạn đọc hoan nghênh và khâm phục những nỗ lực miệt mài của tác giả; số ít cũng đã "nhặt cỏ" người "dọn vườn". Đồng thời, đặt ra những câu hỏi về trách nhiệm đối với Bộ GD-ĐT,  NXB Giáo dục; góp ý về những bất cập trong việc biên soạn và lưu hành SGK nói chung.

HS Trường THPT Hà Nội - Amsterdam trong lễ khai giảng năm học 2008 - 2009. Ảnh: Lê Anh Dũng

"Bàng hoàng" với kết quả "dọn vườn"

Phần lớn bạn đọc đều cho rằng, việc "dọn vườn" sách giáo khoa Lịch sử là cần thiết. Bởi, sai một ly, có thể "đi một dặm".

Bạn Lê Anh (Diễn Phúc, Diễn Châu, Nghệ An) cho rằng: Chưa bao giờ SGK Lịch sử lại được nhìn nhận một cách cẩn thận như vậy. Theo bạn Lê Anh thì trừ một số lỗi mo-rat, các cứ liệu mà 2 tác giả đưa ra đều có sức thuyết phục.

Bạn Dương Huyền (ĐH Hà Nội) đồng tình: "Tôi thấy 2 tác giả và người biên tập rất tỉ mỉ, nên một số vấn đề khô khan đã trở nên hấp dẫn".

Còn bạn đọc có địa chỉ: nvdung0274@yahoo.com thì "bàng hoàng" sau khi đọc các ý kiến "dọn vườn": " Để có một bộ SGK phải trải qua rất nhiều khâu, nếu những nhà khoa học viết sách có tinh thần trách nhiệm cao thì đã không có những sai sót như vậy".

Anh Phạm Công Vinh (59/18 khu phố 4, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM) đã cảm ơn 2 tác giả khi lên tiếng về những sai sót như vậy. Theo anh Vinh, đây là sự cảnh tỉnh, để những người đang thực hiện trọng trách biên soạn SGK Lịch sử phải xem xét lại chính mình...

Bạn Lê (Kien2003@yahoo.com) cũng cho rằng: Những ý kiến "dọn vườn" của tác giả rất bổ ích. Những ý kiến này không chỉ giúp các tác giả viết sách có sự đính chính kịp thời mà còn cung cấp "địa chỉ" cụ thể cho các bậc phụ huynh trong việc giáo dục con cái. Bạn Lê cũng gửi lời cảm ơn 2 tác giả về công cuộc "đồng áng" này.

 
Những ý kiến "dọn vườn" SGK Lịch sử của tác giả  rất bổ ích không chỉ cho các tác giả viết sách mà còn cung cấp địa chỉ cụ thể cho các bậc phụ huynh khi gia đình có 2 cháu học lớp 4,5 hoặc lớp 6,7 ngồi học và tranh luận đúng sai! Xin cảm ơn tác giả về công cuộc "đồng áng" này. 

Bạn đọc Le, Kien2003@yahoo.com (Lý Nam Đế, Hà Nội)

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, 2 tác giả đã quá "khắt khe" khi "bới lông tìm vết". Nhiều độc giả đánh giá, những lỗi trong SGK Lịch sử mà 2 tác giả đã chỉ ra hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Anh Đặng Xuân Hùng (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng: không có gì hoàn hảo và SGK cũng thế. "Riêng với chi tiết: "địch bị tiêu diệt hoàn toàn... mà vẫn chạy thoát", cũng có thể hiểu rằng, chúng ta đã tiêu diệt hoàn toàn âm mưu xâm lược của địch, chứ không nên hiểu "tiêu diệt hoàn toàn" là tiêu diệt hết quân lính của địch", anh Hùng góp ý.

Đã từng là học sinh giỏi môn Lịch sử, bạn đọc Nguyễn Thị Dịu (số 7, ngách 336/19 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) đồng tình với 2 tác giả khi đưa ra sự "bất nhất" về Hội nghị thành lập Đảng giữa SGK Lịch sử 9 và Lịch sử 12.

Tuy nhiên, theo bạn Dịu thì: "Nhiều sự kiện, mốc thời gian khác cũng đang còn có sự tranh cãi giữa các nhà Sử học". Vì vậy, sự "bất nhất" đó không phải là lỗi quá "to tát", mà điều quan trọng là học sinh cần được biết rõ ràng về những vấn đề đó.

"Nhặt cỏ" người "dọn vườn"

Bên cạnh đó, nhiều độc giả cũng phản biện lại 2 tác giả của loạt bài này.

Độc giả Nguyễn Hoàng (Thanh Hóa, địa chỉ email: hnguyendanh@yahoo.com) phản biện về quê hương của Bà Triệu: "Theo tôi thì núi Nưa chỉ có ở Triệu Sơn, Nông Cống mà không hề có ở Yên Định như SGK và 2 tác giả đã viết".

Ngoài ra, anh Nguyễn Hoàng cũng đề nghị Lịch sử 8 làm rõ thêm chi tiết: Sau khi thất bại ở Ba Đình, nghĩa quân rút chạy lên căn cứ Mã Cao thuộc vùng rừng núi Thanh Hóa. Vậy căn cứ Mã Cao cụ thể ở vùng nào? huyện nào?

Bạn đọc ở địa chỉ letrunghung26@yahoo.com (Thành Công - Hà Nội) lại phản biện với 2 tác giả về chi tiết Thoát Hoan chui ống đồng.

Bạn Trung đặt câu hỏi: "Có thể là Thoát Hoan ngu thật thì sao? Căn cứ nào mà nói Thoát Hoan không ngu? Vì lý do gì mà nên bỏ tình tiết này?".

Bạn Trung còn cho rằng: những đề xuất sửa đổi cách viết hoa không theo một nguyên lí nào, và bản thân 2 tác giả cũng có sự "bất nhất" khi đưa ra các nguyên tắc viết hoa.

Chẳng hạn: Các bạn nói phải sửa "Quốc Tử Giám" thành "Quốc tử giám" nhưng vì sao với "Khuê Văn Các" thì lại đề nghị viết hoa cả 3?

Ngoài ra, chức danh thứ sử, thái thú, tiết độ sứ... thì nguyên tắc nào bảo không viết hoa?

Vì vậy, "Nếu chưa có nguyên tắc viết hoa thống nhất thì ta nên chấp nhận như vậy, không thể lấy sách lớp 4 làm chuẩn và đề nghị sách lớp 6, 7 phải sửa theo. Nhỡ sách lớp 4 sai thì sao?

Về việc đưa văn, thơ vào các bài học lịch sử, bạn Nguyễn Trung Thông (Trường THPT Lê Viết Thuật, Nghệ An) đồng tình rằng không nên đưa bài tập phân tích văn vào sách lịch sử. Nhưng anh Châu Đức Phú (Nghiên cứu sinh tại Pháp) lại cho rằng: Dùng văn học để truyền đạt nội dung lịch sử là 1 phương pháp sáng tạo và hứa hẹn có nhiều thành công. Theo anh Phú, cách làm này có thể giúp học sinh nắm bắt nội dung lịch sử tốt hơn, và các kiến thức lịch sử cũng dễ đi vào lòng người hơn.

 
 "Còn rất nhiều điểm mà người góp ý quá khắt khe, nhưng nói chung, cũng có khá nhiều điểm cuốn Lịch sử 11 cần phải đính chính lại. Dù sao, cũng rất cám ơn tác giả đã bỏ thời gian đọc và phân tích để góp ý cho NXB".

Bạn đọc Jacky Le

Bạn Hoàng (notsog8@gmail.com) thì phản biện 2 tác giả về nhiều vấn đề.

Theo độc giả này, việc liệt kê 12 sứ quân là cần thiết, và học sinh cũng không cần học thuộc tất cả những gì viết ra trong sách. Chữ "họp’" trong đoạn vua mời các bô lão họp để bàn kế sách đánh giặc cũng không có gì là "hiện đại" cả.

Ngoài ra, về địa danh Lê Hoa ở Lào Cai hay Hà Giang, bạn Hoàng cho biết: "Tôi thấy chú thích trong Đại Việt Sử ký toàn thư có ghi địa danh Lê Hoa là cửa ải biên giới ven sông Lô. Như thế thì địa danh này thuộc về Hà Giang là đúng. Và nói quân của Mộc Thạnh tiến vào theo hướng Hà Giang là không sai".

Nhiều độc giả khác cũng cho rằng, việc "bắt lỗi" SGK Lịch sử của 2 tác giả có phần hơi khắt khe. Nhất là đối với những lỗi chính tả, cách viết hoa... bởi nhiều cách viết đã trở thành thói quen và đi vào đời sống.

Theo anh Lê Văn Phú (vanphu_100@yahoo.com) thì: từ ngữ, chữ nghĩa theo thời gian có thể sửa được, nhưng họ tên người đã đi vào lịch sử thì không thể chỉnh sửa được.

Chẳng hạn, cách viết: "Lý Thường Kiệt" với "y" trong chữ "Lý" đã trở nên quá quen thuộc với bao thế hệ người Việt Nam. Do đó, không nên sửa thành "Lí Thường Kiệt".

Một bạn đọc khác có địa chỉ email: use4register@gmail khẳng định: 40 năm nay, tôi đều được học cách viết "Lý Thường Kiệt" và theo tôi biết, tất cả những người họ "Lý" đều ghi trong lý lịch của mình là "Lý" chứ không phải "Lí". Gần đây, tôi thấy nhiều người viết "i" thay cho "y", vì vậy, các nhà ngôn ngữ học nên xem lại vấn đề này. Nếu không thì đất nước Thụy Sĩ thanh bình cũng có thể được viết là "Thụi Sỹ".

Không đưa ra minh chứng cụ thể, nhưng theo bạn Phong Lan (TP.HCM) thì: với các danh nhân như "Lý Thường Kiệt", "Hồ Quý Ly"... thì việc dùng "i" thay thế "y" là không thể chấp nhận được.

Độc giả ở địa chỉ: nhong_iu@yahoo.com không đồng ý với một số lỗi chính tả như: xi măng, xà phòng... bởi những từ này đã được Việt hóa. "Cách viết khác nhau là do quan điểm của từng người, nên không thể nói đấy là lỗi được".

Còn bạn Jacky Le ở Thượng Hải cho rằng: "tác giả đã quá cẩn trọng với việc dùng từ trong cuốn sách". Bạn Jacky Le dẫn chứng: Câu "Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây" là câu nói hoàn toàn dễ hiểu. Còn chỉnh sửa của tác giả có lẽ sẽ tối nghĩa hơn: "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây"...

Anh Phạm Văn Hải (431, CMT8, thành phố Đà Nẵng) cũng cho biết: những chi tiết mà 2 tác giả đưa ra chưa thực sự thuyết phục. Và: "cần có cái nhìn khách quan hơn đối với SGK Lịch sử". Anh Hải kiến nghị: Nên thận trọng khi sửa chữa SGK, và không thể làm người "đẽo cày giữa đường" vì SGK liên quan đến hàng triệu học sinh trên cả nước.

Còn nhiều "bất nhất" khác?

Không chỉ đồng tình với các kết quả "dọn vườn" của 2 tác giả Thanh Huyền - Văn Hiến, với kiến thức của mình, nhiều bạn đọc còn nêu ra những "bất nhất", sai sót khác trong các sách và tài liệu lịch sử hiện nay.

Bạn Phan Bảo Lâm (phan_lam15@yahoo.comthắc mắc: Về giai đoạn Mở đất phương Nam, SGK rất ít chi tiết nói đến việc phát triển về phía Nam của nhà Nguyễn diễn ra như thế nào? 

 
Đề nghi tòa soạn dùng màu đỏ- đánh dấu chỗ quan trọng để giáo viên dễ theo dõi. Trân trọng cảm ơn tòa soạn đã nêu vấn đề một cách có hệ thống
Nguyễn Thu Oanh (Thừa Thiên Huế) 

Về trách nhiệm của nhà Nguyễn trong việc để nước ta rơi vào tay thực dân Pháp, bạn đọc Hoàng Thạch Hà (xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, email: thachkhe2008@yahoo.com) cho rằng: SGK Lịch sử nên xem xét lại.

Độc giả Hoàng Thạch Hà phân tích:

Tôi nghĩ, không thể dạy các em học sinh: “Quân triều đình chống cự yếu ớt rồi tan rã, mặc dù có nhiều binh khí và lương thực”; “Lợi dụng sự bạc nhược của triều đình Huế… quân Pháp chiếm các tỉnh miền Tây”; “Lợi dụng triều đình Huế nhờ đem tàu ra vùng biển Hạ Long đánh dẹp cướp biển… thực dân Pháp đã nắm được tình hình Bắc Kỳ"… Đó là những luận điểm cần phải xem lại kĩ càng hơn. Bởi có thể thấy, ý đồ xâm lược Việt Nam đã có từ nhiều năm trước và đã được Pháp chuẩn bị kĩ càng cả về lực lượng quân sự, cũng như các yếu tố về "nội gián", tìm hiểu những mâu thuẫn trong lòng chế độ phong kiến đang suy tàn, những yếu tố kinh tế, văn hóa...

Trao đổi về cách viết hoa, bạn Vinh (Cần Thơ) đề xuất: "Tại sao không in luôn tên nước ngoài gốc, sau đó hãy mở ngoặc để phiên âm. Làm như vậy, học sinh mới biết chính xác tên nước ngoài ấy, để khi tham khảo tài liệu nước ngoài, gặp đến là biết đã được học qua, thay vì cứ đoán mò không biết có phải cái tên mình đã được học hay không?"

Cũng về cách viết hoa, bạn Trần Văn Vinh (Nghệ An) chỉ ra sự sai sót trong sách Địa lý 6.

Bạn Vinh nêu căn cứ: Theo tôi biết, ở ta đã có "quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong SGK", được ban hành kèm theo Quyết định số 07/2003/QĐ- BGD&ĐT ngày 13-3-2003. Quy định này cũng phù hợp với cách viết hoa trong "Từ điển Bách khoa Việt Nam" (tập I, trang 217; tập IV, trang 889). Đây là cách viết áp dụng cho những địa danh đơn tiết có yếu tố vốn là danh từ chung đứng trước, như: Biển Đen, Biển Chết, Hồ Gươm, Hồ Tây... Trong trường hợp này, yếu tố đứng trước (Hồ, Biển...) được coi là một bộ phận của tên riêng và phải được viết hoa. Quy định đã rõ như thế, nhưng trong bài "Sông hồ" (SGK Địa lý 6, trang 70), tác giả vẫn viết : "... hồ Tây" (trang 71,72).

Còn bạn Lưu Văn Hoan (Sơn La) thì phát hiện ra 1 chi tiết khá thú vị: Đọc Đại Việt Sử kí toàn thư (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, năm 1997, trang 369, dòng 1) thấy miêu tả: "... Tỳ tướng là Lí Quán dấu Thoát Hoan vào trong ống đồng, thu nhặt tàn quân chạy về châu Tự Minh...". Trong câu này, viết "dấu" là sai chính tả.

"Vườn" nào cũng phải... "dọn"?

Trong các phản hồi gửi về VietNamNet, nhiều độc giả bày tỏ sự chưa đồng tình trong việc biên soạn SGK Lịch sử cũng như các bộ SGK khác.

Độc giả Hoàng Lan (68 Lê Duẩn, Quy Nhơn) chia sẻ: Nhiều bài học lịch sử tôi học từ trước 1975, đến giờ, sau 40 năm vẫn không thể nào quên. Mỗi bài học lịch sử đều có tiêu đề rất hay, dễ nhớ, dễ thuộc mà bao quát được cả nội dung của bài.

Ví dụ: "Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ", "Dâng sớ xin chém đầu 7 nịnh thần - Chu Văn An", "Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc" (nói về Trần Bình Trọng)... Như vậy vừa phù hợp với lứa tuổi cấp tiểu học, vừa khiến cho học sinh không bao giờ quên.

Các độc giả cũng đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của Bộ GD - ĐT và NXB GD.

"Bao nhiêu học sinh nghèo không có SGK, bao nhiêu học sinh sẽ có quan niệm sai lầm về lịch sử, địa lý...?", bạn Nguyễn Phụ Anh (Hải Phòng) gay gắt.

Anh Hoàng Tuấn Minh (tuanminh2004@gmail.com) còn đề nghị NXB GD và các tác giả nên công khai xin lỗi cả xã hội vì những sai sót như thế. Đồng thời, "nếu có sai sót thì phải có sự đền bù đối với những người đã bỏ tiền ra mua sách".

Độc giả Hải Anh (Hà Nội, địa chỉ email: haianhnguyen97@yahoo.com.vn), nêu thực trạng không mới: nhiều học sinh thuộc làu làu tên các nhân vật trong tiểu thuyết trinh thám võ hiệp, tên các ban nhạc, ca khúc, ca sỹ nước ngoài... cho thấy trí nhớ của các em rất tốt. Thế nhưng, các em học sinh lại không hứng thú với các bài học về lịch sử nước nhà.

Từ đó, bạn Hải Anh đặt câu hỏi: "Chẳng lẽ ngành giáo dục không có Hội đồng thẩm định SGK trước khi cho xuất bản?"

Với một học sinh lớp 12 như K’Bình (Lâm Đồng) thì băn khoăn thực tế hơn: Em cũng từng đọc nhiều sách lịch sử của Việt Nam và thế giới, đúng là có rất nhiều chi tiết mà mỗi sách viết một kiểu... Liệu khi ra đề thi thì sẽ thế nào?

Bạn Thanh (TP.HCM) nhắc lại 1 câu chuyện còn nóng hổi: "Trong cuộc thi Olympia 2009, vì SGK lớp 8 viết là có "Hệ nội tiết" mà BTC giải đã phải tốn hơn 5.000 USD tiền thưởng, cùng nhiều hệ lụy khác. SGK cứ sai sót thế này sẽ gây ra những hậu quả thế nào trong tương lai?"

Nhìn rộng hơn, độc giả Nguyễn Hiệp (nguyendinhhiephn@yahoo.com) khẳng định: Nếu lưu ý, sẽ thấy sách giáo khoa nào cũng có "sạn" cả.

Có lẽ vì thế, bạn Liên Hương (Cầu Đất, Hải Phòng) kiến nghị: Hãy "dọn vườn" với các môn học khác!

Là người quản lý trong ngành giáo dục, độc giả Tạ Quang Sum (Cam Ranh - Khánh Hòa) góp ý về những bất cập trong việc biên soạn và lưu hành SGK nói chung.

Những năm gần đây, môn học Lịch sử liên tục được đưa vào là 1 trong 6 môn thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: HS Trường THPT Việt - Đức (Hà Nội) trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2008. Lê Anh Dũng

Anh Sum cho biết:  Hàng năm, Bộ GD –ĐT cứ phải quẩn quanh với việc sẽ cho lưu hành mấy bộ SGK. Mỗi độ hè về, thầy cô giáo phải thường xuyên được bồi dưỡng về thay SGK. Mỗi đầu năm học, cha mẹ và HS lại phải đôn đáo chạy theo mua cho đủ bộ SGK và băn khoăn bộ nào được, bộ nào không.

Nhiều cán bộ quản lý trường học và GV đứng lớp đều cảm thấy thật khó khăn thực hiện công việc giảng dạy, trong khi tiết học có nhiều HS không tập trung nghe lời giảng của thầy, không ghi chép vì cho rằng nội dung ấy trong SGK có rồi. Thật không hiệu quả khi  tất cả thầy cô giáo đều phải thực hiện một tiết giảng giống hệt nhau về cả nội dung lẫn động tác.Thầy chỉ lặp lại những điều đã  được viết sẵn, còn trò thì cứ dò theo xem thầy nói có đúng với điều đã ghi trong sách không.

Anh Sum kiến nghị: Không nên kéo dài cơ chế viết và phát hành SGK cùng các hoạt động phục vụ cho quyền lợi kinh tế của việc phát hành ấy như hiện nay.

Tư duy lành mạnh là nên để cho nhiều người có kinh nghiệm viết SGK trên cơ sở chương trình khung  được Bộ GD – ĐT ban hành và thường xuyên chỉnh lý. Cơ quan quản lý xuất bản chỉ làm công việc thẩm định, cấp phép phát hành rộng rãi.

"Thực hiện được việc này có tác dụng và ý nghĩa đặc biệt quan trọng là "cởi trói" cho GV khỏi sự ràng buộc bởi các bộ SGK. Người dạy phải được chủ động thiết kế và soạn nội dung bài giảng trên cơ sở chương trình khung và tài liệu tham khảo, họ phải được sáng tạo, thể hiện năng lực sư phạm để chuyển tải kiến thức đến cho người học. Mặt khác, không nhất thiết buộc HS phải mua đủ bộ sách, người học phải được tùy ý chọn lựa đầu sách và tác giả từ sự tư vấn của GV và nhu cầu thật của bản thân… Với sự đầu tư mạnh mẽ về Công nghệ Thông tin hiện nay thì nên khuyến khích cả người dạy lẫn người học tích cực tra cứu tài liệu trên mạng", anh Sum góp ý.

Tác giả chưa đứng ở góc độ một nhà sư phạm?

Tôi rất trân trọng tinh thần làm việc của quí độc giả, chắc chắn nó không vô ích với những tác giả như tôi; nhưng tôi cũng khảng khái mà nói rằng: độc giả chỉ mới đứng từ góc độ một người nghiên cứu lịch sử, chứ chưa đứng ở góc độ một nhà sư phạm - lịch sử để cân nhắc đưa ra lời “phán xét”.

Với tinh thần “thật sự cầu thị”, với trách nhiệm chung, với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, tôi mong muốn độc giả liên hệ trực tiếp với Nhà xuất bản Giáo dục (hoặc Bộ GD-ĐT) để các cơ quan này tổ chức một cuộc toạ đàm trong phạm vi hẹp giữa các tác giả cùng với độc giả. Tôi tin rằng, khi đó chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi và có thể thống nhất về các vấn đề liên quan; chứ chưa nên vội đơn phương tung lên mạng với những lời lẽ “như quan toà kết tội” đối với sách giáo khoa, điều này không có lợi cho giáo viên và phụ huynh học sinh.

Trần Viết Lưu (Vụ Giáo dục Đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương)
 

  • Lan Anh (Tổng hợp)

*****************************

Ho ten: Lâm Hoàng Ân
Dia chi: TP.HCM

Theo tôi những ý kiến đóng góp của 2 tác giả là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, tôi cũng có một số điểm không đồng tình với họ, đặc biệt là những phần sửa về đoạn văn.

Theo tôi, cách viết của sách giáo khoa không phải là dài dòng mà thực ra người viết muốn làm cho học sinh dễ hiểu, gần gũi hơn đối với những gì mình đang trình bày.

Chẳng hạn như sẽ dễ hiểu hơn nếu nói "tổ tiên, ông cha" thay vì "dân tộc"; hay như phần sửa ở trang 5, thú thật nếu cho tôi chọn đoạn nào thích hơn thì tôi sẽ chọn đoạn của SGK vì văn phong của nó mượt mà hơn và giống như là giọng tâm tình.

Thêm nữa, những từ lặp đi lặp lại trong các đoạn trên tôi không nghĩ rằng sẽ trở thành các lỗi. Đừng quá cực đoan, bởi vì không phải hễ từ lặp đi lặp lại là dở mà trong một số trường hợp những từ đó sẽ tạo thành nhịp điệu cho câu văn.

Vì vậy câu văn trở nên mềm mại hơn và sẽ gần gũi hơn đối với các em học sinh lớp 6. Tôi nghĩ ở độ tuổi các em chưa thể nào thích nghi được với lối viết súc tích, ngắn gọn như thế đâu và các em cũng chưa thể nào tiếp xúc với các khái niệm xa xôi, trừu tượng. Nếu viết như vậy tôi nghĩ sgk lịch sử sẽ còn khô khan hơn nhiều.

Đó là một số ý kiến đóng góp.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;