221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1172184
Về bản Nhạp xem già làng đi học
1
Article
null
Về bản Nhạp xem già làng đi học
,

    - Vượt gần hai trăm cây số từ Hà Nội, chúng tôi mới đến được bản Nhạp. Bản nằm giữa đại ngàn Pu Canh, cánh  rừng lớn của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Giữa bao la bát ngát của cây rừng, cỏ dại, bản Nhạp lọt thỏm như một thung lũng bị lãng quên. Nơi đó, có già Thế nức tiếng khắp mường, khắp chiềng bởi cái công, cái sức góp đưa cái chữ tới giúp dân thoát nghèo.

70 tuổi vẫn làm lớp trưởng

Đôi bạn cùng tiến
Nhà già nằm xa khu trung tâm của bản lắm, cách xa cả trung tâm của xã Đồng Chum.

Qua những con suối, những con dốc cheo leo, chúng tôi gặp được người trong bản chỉ đường.

Anh bảo: “Già Thế tốt cái bụng lắm, lại thương yêu lũ trẻ nữa. Độ trước, trường mở lớp, lũ trẻ không đi, già làng cắp cặp, cả lũ lại đi theo”.

Tên đầy đủ của già là Xa Văn Thế, cái tên chỉ có lãnh đạo cấp trên mới biết, còn dân bản chỉ gọi là “ bố”, hoặc là "già" thôi.

Già Thế năm nay đã gần 80 nhưng vẫn còn quắc thước và khỏe mạnh như cây lim, cây táu của rừng già Pu Canh. Hàng ngày, già vẫn lội suối leo đèo hơn hai chục cây số lên tận xã Mường Chiềng cùng đi học cấp 3 với con trai út.

Già bảo: “Không có chữ là chỉ có nghèo đói suốt đời thôi! Quanh năm, chỉ có nồi cháo ngô đeo đuổi”.

Cách đây 5 năm, khi xã chưa mở trường, dân đa phần còn mù chữ. Có chăng, cũng chỉ đọc được vài chữ theo kiểu “bình dân học vụ”.

Dân bản cứ cặm cụi đưa nhau lên rừng chặt củi, chặt rừng tìm nương rẫy mới để trồng lúa chứ không biết làm gì khác.

Một lần được đi họp dưới tỉnh, già Thế thấy cái gì cũng lạ, cái gì cũng hay. Ngộ nhất là trẻ em ở đây đọc được nhiều thứ hay lắm mà lúc đó, ngay cả già cũng không biết.

Một năm sau, nghe có chủ trương mở lớp phổ cập Trung học cơ sở, già lên xã xin, rồi "gõ cửa" phòng giáo dục huyện. Gần một năm sau, lớp được mở với vẻn vẹn 35, đủ mọi lứa tuổi, bé nhất là 15 tuổi.

Ban đầu, già cũng buồn vì bọn trẻ không chịu tới lớp mà chỉ ra ruộng lên nương theo cha mẹ. Hỏi thì chúng bảo: “Đi học xa lắm, với lại đi học đói cái bụng hơn vì học cứ ngồi thế không có cái gì bỏ vào bụng”.

"Mình phải đi học thì bọn trẻ mới đi học theo". Nghĩ là làm, già bảo vợ lên chợ Mường Chiềng mua cho cái cặp đựng mấy cuốn sách giáo khoa, mấy cuốn vở… theo “các bạn” đi học.

Ban đầu, đi học cũng ngại lắm! Lại được thầy giáo phân công làm lớp trưởng, già càng ngại hơn. Biết con chữ từ năm 1954 khi còn đi bộ đội, nhưng theo thời gian, con chữ bay hơi mất, đến lớp, già thấy cái gì cũng mới, cũng khó khăn.

Nhưng quyết tâm làm gương, già vẫn bám lớp và 4 năm sau, nhận "bằng tốt nghiệp THCS". Điều vui nhất của già là lớp học ban đầu đã được"mở rộng’ thêm HS.

“Lớp có 73 đứa đấy thế mà tốt nghiệp cả cô ạ. Không ai bị ở lại đâu. Chúng nó lại được đi bộ đội nữa vì  có hẳn con chữ to, chứ không còn là con chữ bé”, những lời nói thật khiến người ngồi xung quanh chiếu cười rung nhà sàn ọp ẹp.

Cả nhà làm "phu kéo"

Cùng  con cháu " kéo" học sinh đến trường
Những lần đi học vào mùa mưa lũ, tiếng gầm rú của hai con suối mới khủng khiếp khiến chính già còn phải kinh hãi. Bao nhiêu cây to cây nhỏ, cành lớn cành bé cứ cuộn ầm ầm.

"Nếu vì tránh mưa lũ, để trẻ con ở nhà vài ngày thì thế nào chúng cũng quên mặt chữ, lại theo cha mẹ lên nương thì mất hết thì “toi công”. 

Nghĩ vậy, già lại xúi bẩy cậu con trai và 3 chàng con rể làm bè nứa, bè tre. Cứ như thế, cả nhà làm phu kéo cho các em vượt suối.

Rồi già làng Thế lại nghĩ đến đời sống của các thầy cô giáo đến với bản. Già chặt tre, chặt luồng, làm vườn rau cho những người “trông chữ”, rồi làm chuồng lợn chuồng gà để các thầy cô được vui vẻ, không bỏ bản về xuôi.

Cô Mai Thị Hà, một trong 4 giáo viên của Trường THCS Đồng Chum B tâm sự: “Mới lên bản Nhạp, thấy cuộc sống tù túng lắm, bản lại xa tỉnh, xa trung tâm nên càng buồn hơn. Nhưng thấy tấm lòng của dân bản, tình cảm của các em bé người Tày ở đây, tôi lại không muốn về. Hơn thế, già làng Thế lại quan tâm quá nhiều đến đời sống của chúng tôi nên tôi quyết tâm sống với bản, yêu bản như quê hương thứ hai của mình”.

Hơn 5 năm qua, cả bản đã phổ cập gần hết bậc học THCS, là một tấm gương về phong trào học tập của xã Đồng Chum và cả huyện Đà Bắc.

Bản Nhạp từ một huyện không ai biết đến bỗng trở thành một mô hình để cả huyện và tỉnh noi theo.

Người dân ở đây đều biết, đó chính là nhờ tấm lòng của già làng Thế.

Trồng cây cũng để trồng người

Con đường già và " các bạn" ngày ngày đến trường
Gần 1.000 cây xoan "mừng xuân dâng Đảng" của già Thế đã sống được trên lưng núi tràn ngập những vết xém của người dân chặt cây đốt rừng làm rẫy.

Gần chục năm trước, cánh rừng của bản Nhạp tràn ngập những con đường của lâm tặc lợi dụng việc người dân không có nhiều hiểu biết, lại không có cái ăn nên chúng dụ dỗ càn quét khiến cánh rừng bản Nhạp xơ xác. 

Già Thế lại đi vào từng nhà người dân, tự mình đi trồng cây, không phá rừng làm nương để dân theo.

Già đi gần 70 cây số, xuống huyện mấy ngày ròng để tìm cái giống ngô lai năng suất cao. Trồng thử, thấy ngô được nhiều hơn, già phát không giống cho người làng, rồi lại đi trồng ngô cùng họ.

Mấy mùa rẫy đi qua là mấy mùa thu hoạch vui tươi rộn ràng của bản Nhạp. Lứa ngô năm ấy, già đem bán, dành 500.000 đồng mua sách phát không cho “các bạn” đi học cùng. Còn lại, dùng cho qũy hội phụ huynh của trường. 

 “Đi học thì cũng phải có cái quỹ cho phụ huynh họp rồi lại phát thưởng cho lũ nhỏ chứ? Già cũng được thưởng từ cái quỹ này đấy”. Giọng cười sang sảng của già Thế lại làm cho những người xung quanh chiếu trên sàn nhà cười vang.

Tuy sức không còn khỏe như trước, nhưng ngày ngày, ngoài việc đi học cấp 3 với con trai út, già cũng thường đi xem rồi thăm thú các khu rừng của các bản khác.

 Anh Xa Ba Thôn, trưởng bản cho biết, ngày trước, không có giống ngô mới, ngô trồng được toàn bị lép hạt, không bán nổi. Khi già Thế mang giống mới về thì ngay từ vụ đầu, có nhà đã thu hoạch từ 3-4 triệu đồng/ha. Kể từ đấy, cả làng tiếp tục trồng giống ngô này trên nương và trên rẫy cạnh tranh được mặt hàng ngô với vùng khác của huyện và tỉnh.

Bản Nhạp có gần 1.000 nhân khẩu. Đến nay, một số dự án trồng rừng được về với dân nên bản khởi sắc thật nhiều. Nhà nào cũng có ti vi, xe máy, đường điện kéo về đến tận bản theo con đường mới làm của tỉnh đầu tư.

Qua biết bao nhiêu sóng gió của mưa đại ngàn, quần phong của non xanh nước bạc, cây đại thụ Xa Văn Thế vẫn là linh hồn của cả bản. Như thầy hiệu trưởng Cao Qúy Dương đã nói "không có già, chúng tôi cũng khó về bản được”.

"Nếu không viết thì không nhắm được mắt"

Già Thế trầm ngâm truyện cổ tích người Tày
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, vợ đã mất cách đây gần chục năm, 10 người con của già  không cho cha đi cày. Ấy thế mà già Thế vẫn tự trồng cây, cuốc đất làm vườn.

Không cần kính, già vẫn hì hục ngồi viết cho bằng được cái cuốn sách lịch sử dân tộc người Tày tại Hòa Bình.

Người Tày ở đây chỉ còn có 5 dòng họ: Xa, Lường, Lò, Vi, Hà mà thôi. Nên già muốn viết để lưu truyền cho hậu thế bằng chính những con chữ và bằng chính số tiền trồng cây của mình.

"Nếu không viết thì già có chết cũng không nhắm mắt được vì con cháu có biết được gốc tích của mình đâu”. Nói như thế nhưng già bảo rằng, không phải tự mình làm đâu, phải được sự nhất trí của các dòng họ nữa. Rồi già Thế lại xuống bản bắt xe xuống tỉnh để xin ý kiến của cán bộ.

“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm”. Đường lên với bản Nhạp của già Thế hiểm trở quanh co là thế nhưng vẫn có rất nhiều người đến thăm vì cảm phục trước tấm lòng của già.

Đưa chúng tôi rời bản, anh trưởng bản tâm tình: "Tấm lòng của già như cây đại thụ hết lòng che chở cho những cây con giữa cánh rừng Pu Canh". Chúng tôi đi lên với già từ lúc mờ sương và xuống xuôi cũng là lúc sương mờ.

  • Nguyễn Thu Hà 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,