– Nhiều trung tâm luyện thi ĐH tại TP.HCM đang manh nha chuyển hướng kinh doanh hoặc mở rộng thêm các lớp học thêm ở cấp 2, 3 để gồng gánh. So với năm ngoái, hầu hết các trung tâm luyện thi… ế, giảm 80% học viên.
Không thể mở lớp
Hầu hết các phòng ghi danh luyện thi đều… vắng lặng. Ảnh Đ.T |
Trong vai một học viên đi tìm lớp ôn thi, chúng tôi đến trung tâm luyện thi Tri Thức (Lê Văn Sĩ, quận 3) để đăng ký ôn khối A vào ban ngày. Cô nhân viên cho biết: “Hiện nay quá ít học viên đăng ký, nên trung tâm chưa mở lớp. Em có thể để lại số điện thoại, nếu tuần sau có đông học viên thì chị sẽ gọi cho em”.
Đến một trung tâm khác trên đường Nguyễn Kiệm (Gò Vấp), chúng tôi cũng nhận được câu trả lời: “Tụi chị có lớp mở từ tháng 9/2008. Chứ khóa trung hạn thì chưa có, em có thể chờ một vài bữa. Nhưng nếu em muốn, chị sắp xếp cho em học chung với lớp tháng 9, sau đó có lớp mới thì em chuyển qua”.
Nhưng cô nhân viên không thể trả lời cho chúng tôi chính xác khi nào thì lớp mới bắt đầu học.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, 1-2 năm gần đây, các trung tâm luyện thi không còn “ăn nên làm ra”, nhưng chưa đến mức… không thể mở lớp như năm nay. Sau Tết, cũng là một trong những thời điểm… học viên ồ ạt luyện thi nhưng năm nay thì hoàn toàn vắng lặng.
Năm ngoái, tại Trung tâm luyện thi đại học Alpha tính tổng cả năm, lượng học viên ôn thi giảm đã khiến trung tâm lỗ hàng trăm triệu đồng. Năm nay, khóa trung hạn, trung tâm chỉ có 100 học viên đăng ký. So với năm ngoái - được gọi là năm ế ẩm kém hơn 600 học viên.
Năm nay, tình hình còn “tiêu điều hơn”. Tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Gia Định, cả khóa trung hạn và dài hạn, trung tâm chỉ có vỏn vẹn 45 học viên. Trong khi đó, năm ngoái con số này cũng được hơn 300.
Một nhân viên của Trung tâm Đô Thành cũng buồn bã nói: “Năm ngoái ế nhưng cũng được hơn 400 học viên. Năm nay, cho đến giờ này mới chỉ có 70 em đăng ký học. Cứ đà này, sang năm sẽ đóng cửa thôi”.
“Sang năm đóng cửa”, đang là dự tính của nhiều trung tâm luyện thi. Bởi năm 2010, chỉ còn một kỳ thi vừa lấy điểm xét tốt nghiệp THPT, vừa lấy điểm vào đại học, cao đẳng.
Cũng vì “ế” nên năm nay hầu hết các trung tâm luyện thi hạn chế chi phí quảng cáo. Không còn những băng rôn xanh đỏ, không còn nhiều trung tâm luyện thi tung đội ngũ phát tờ rơi khắp các nẻo đường như những năm về trước.
Thí sinh đã biết lượng sức?
Các vị đại diện của các trung tâm luyện thi lý giải rằng, số học viên đến các trung tâm luyện thi giảm một phần do cách thức ra đề của Bộ ngày càng sát với chương trình phổ thông nên hầu hết học sinh tự tin với những kiến thức đã được dạy ở trường.
Điều này cũng đã được một phụ huynh có con học tại Trường THPT Gia Định khẳng định: “Ở trong trường, cháu đã được ôn thi đại học ngoài thời gian học theo chương trình bình thường. Vì thế, chúng tôi không có ý định cho cháu đi ôn thi ở ngoài. Một phần vì thấy không cần thiết, một phần vì không còn thời gian để đến trung tâm”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay hầu hết các trường THPT ở TP.HCM đều có cơ sở luyện thi ĐH nên học sinh đăng ký học ở trường, số lượng đến đăng ký ở trung tâm ngoài rất ít.
Riêng chị Bảo Vân, nhân viên ghi danh của một trung tâm luyện thi cho biết: “Theo dõi nhiều năm nay, tôi thấy những năm trước, có rất nhiều học viên ôn thi 2-3 năm để cố vào được một trường đại học công lập. Thậm chí, có những em ôn thi tới 4-5 năm. Nhưng hai năm trở lại đây, số học viên cũ không còn nhiều”.
Và chị Vân cho rằng, qua tiếp xúc với nhiều học viên, chị thấy càng ngày các em càng thực tế hơn. Chị nói: “Nếu ôn thi một năm không đậu, hầu hết các em chọn học dân lập hoặc học cao đẳng, thậm chí là trung cấp rồi tìm cách liên thông lên. Chứ không như trước đây, rất nhiều học viên… cố đấm để được vào công lập”.
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh của Văn phòng Đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM cũng cho biết: “Trung cấp, cao đẳng, các trường đại học dân lập mở ra nhiều nên thí sinh có nhiều cơ hội để học tập hơn. Vì thế lượng thí sinh đến các trung tâm luyện thi giảm là điều đương nhiên”.
Một luồng ý kiến cũng cho rằng, năm nay, tình hình kinh tế khó khăn nên nhiều thí sinh đã…ý thức việc giảm chi phí luyện thi. Nói như chị Bảo Vân: “Những năm trước, khá nhiều học viên ở các tỉnh đến TP.HCM để văn ôn võ luyện cả năm trời, hoặc thời điểm sau Tết. Nhưng năm nay kinh tế khó khăn nên thí sinh không thể… hoang phí”.
-
Đoan Trúc