221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1170268
Học sinh "lớp 13" ở nhà ôn thi tránh "bão giá"
1
Article
null
Học sinh 'lớp 13' ở nhà ôn thi tránh 'bão giá'
,

 - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giá cả học thêm và sinh hoạt trên thành phố tăng cao, điều kiện kinh tế gia đình không đủ để đáp ứng, nhiều học sinh "lớp 13" đã chọn cách ở nhà để tự ôn tập. 

Ôn thi ở nhà để “tránh bão giá” 

“Nếu xuống Hà Nội ôn, mỗi tháng em sẽ tốn vài trăm ngàn tiền nhà. Thêm tiền ăn, tiền học, tiền đi lại, sách bút, tài liệu nữa, cái gì cũng đắt đỏ, nhất là năm nay, mọi thứ đều tăng giá. Mỗi tháng, tính sơ sơ em cũng phải “xài” hơn một triệu đồng. Số tiền này bằng hơn nửa tháng lương của bố mẹ rồi”.

Đây là những tính toán thực tế trước khi quyết định sẽ học ôn ở nhà của Lê Quốc Mạnh, quê xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn (Phú Thọ), nguyên là học sinh trường THPT Tam Nông. 

Mạnh ôn thi ngay tại quê mình vì cho rằng xuống Hà Nội xa xôi, tốn kém quá, nhất là trong thời buổi mọi thứ đều tăng giá

Năm ngoái thi ĐH Tây Bắc không đỗ, Mạnh vẫn quyết tâm học ôn lại để năm nay vào được một trường vừa sức hơn. Thu nhập của cả bố và mẹ Mạnh – công nhân trồng rừng - là 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, gia đình không còn nguồn thu nào khác. Hết việc trồng rừng, việc phụ là hái chè, chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập chẳng đáng là bao. 

“Em quyết định học ôn ở nhà, vì điều kiện kinh tế gia đình không cho phép. Nếu em đi, bố mẹ cũng không nỡ từ chối, nhưng em nghĩ là cả nhà sẽ phải lao đao vì kham không nổi”, Mạnh chia sẻ. 

Bố mẹ nghe xong quyết định của Mạnh cũng tỏ ra lo lắng, vì học trên vùng quê nghèo này không thể bằng dưới Hà Nội được. Nhưng bù lại, việc ôn ở nhà của Mạnh sẽ giải quyết được gánh nặng kinh tế cho cả gia đình. Cho nên, bố mẹ hết sức tạo điều kiện cho Mạnh học ở nhà. Ngoài việc học, Mạnh không phải làm gì khác.

Tại trường THPT Tam Nông có lớp học ôn dành cho HS lớp 13. Mạnh đăng kí học ở lớp này với giá 8.000 đồng/ca. “Tiền học đương nhiên là vẫn mất. Nhưng rẻ hơn dưới Hà Nội hoặc Việt Trì nhiều. Tiền ăn, tiền ở thi không mất đồng nào”, Mạnh nói. 

Nhật Thanh Phong, bạn học cùng lớp với Mạnh tại trường THPT Tam Nông cũng quyết định ở nhà ôn thi, một phần vì điều kiện kinh tế không cho phép, một phần vì cậu nghĩ: “Xuống Hà Nội ôn, em sợ mình không theo được cách giảng dạy chuyên nghiệp, nhanh chóng ở dưới đó. Học trên này vẫn hợp hơn”. 

Ôn thi ở nhà vì mẹ đi chợ không kiếm được nhiều tiền 

“Mẹ em ra Hà Nội bán rau, nhưng kiếm được ít hơn những năm trước. Chưa năm nào vào thời điểm này, điều kiện kinh tế nhà em lại khó khăn như vậy”, Vương Thị Thảo, quê ở xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội bắt đầu câu chuyện ở nhà ôn thi bằng bối cảnh kinh tế của gia đình mình. 

Thảo tự học trong buồng ngủ của 2 chị em
Thảo là chị cả trong gia đình có ba chị em, hai gái, một trai. Bố mẹ Thảo năm nay 40 tuổi, làm nghề nông, cả năm chỉ có mấy tạ thóc, không kham nổi sức ăn, học của ba đứa con nên vào những quãng nông nhàn, cấy gặt xong xuôi, mẹ thì đi chợ ngoài Hà Nội bán rau để kiếm thêm, còn bố ở nhà chăn nuôi gà, lợn. 

“Năm nay rau rẻ quá, bán chả ăn thua gì, trừ ăn tiêu, nhà trọ đi rồi cùng lắm được 40 ngàn đồng/ngày”, anh Chiến – bố Thảo ngậm ngùi kể. 

Chi phí cho chị Tiến – vợ anh – đi chợ cũng tăng lên theo thời giá chung: Ăn tăng, ở tăng, tiền “làm luật” để được ngồi vỉa hè cũng tăng. “Người bán thì nhiều, người mua thì ít, các khoản phí chẳng chịu ngừng tăng giá”, anh Chiến thở dài. 

Cách đây 2 hôm, người cày bừa ruộng thuê cho gia đình đến nhà thu tiền. Hết 250 ngàn đồng, bố Thảo khất: “Đợi hôm nào mẹ nó về, tôi trả”. Câu nói của bố khiến Thảo hình dung về những ngày tháng sắp tới, khi đi học ôn ngoài Hà Nội… 

Trước Tết, Thảo có ý định ăn rằm tháng giêng xong sẽ lên Hà Nội kiếm lớp học ôn. “Nhưng càng ngày, mọi thứ càng đắt đỏ, tiền mẹ kiếm được càng ít đi thế này thì em sẽ ở nhà tự ôn vậy”, Thảo tâm sự. 

“Năm ngoái em thi không đạt rồi, năm nay, nhà khó khăn hơn thế này, nếu tiếp tục xin đi ôn, em ngại bố mẹ quá. Mà biết là có đỗ được hay không…”, cô bé tần ngần. 

Lúc con nói ra ý định của mình, trong mắt anh Chiến thoáng ánh lên niềm vui, nhưng nỗi buồn vẫn kín đáo len vào: “Điều kiện gia đình thế nào thì con cũng biết rồi đấy. Nếu ở nhà mà con vẫn ôn tốt thì con hãy ở”, anh Chiến ngậm ngùi. Anh hiểu điều gì đứng sau quyết định của cô con gái lớn …. 

Lịch học của Thảo vì thế cũng khác với những bạn học sinh "lớp 13" đi ôn thi trên Hà Nội. Sáng học được 2h, rồi cơm nước, chiều học được một lát rồi phụ giúp bố vớt bèo, băm cây chuối, lấy thức ăn cho gà, lợn. Buổi tối mới là thời gian học chính của em. 

Biết là thiệt hơn so với các bạn được đi ôn, nhưng Thảo tỏ ra khá vui vẻ. Thảo liên hệ với những bạn đi học ôn ngoài Hà Nội để xin đề, xem các dạng bài tập mới. Kết hợp với đống bài tập ôn từ năm ngoái, em cũng có kha khá tài liệu để học. 

Lò luyện thi, nhà trọ cho học sinh lớp 13: Bớt căng 

So với năm ngoái, học sinh "lớp 13" đến đăng kí tại trung tâm Đa Minh của chị Ngoan thưa hơn
Chị Ngoan, nhân viên trung tâm luyện thi đại học Đa Minh (phố Tạ Quang Bửu – Bách Khoa) kể: “Tuần vừa rồi khai giảng lớp Lý, có xấp xỉ 300 em/lớp, đại đa số là học sinh "lớp 13". So với thời điểm này năm ngoái, lượng học sinh giảm hơn 100 em. Trung bình mỗi lớp năm ngoái ở đầu tháng ba là 400 người”. 

Ở lớp Hóa, tình trạng cũng tương tự: “Hiện giờ, mới có hơn 20 em đăng kí học. Đến 4/3 là khai giảng rồi, không biết mấy ngày nữa tình hình có thay đổi gì không?”. 

Tại trung tâm luyện thi ĐH của thầy Thành, cô Thời (học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Cầu Giấy), chiều 27/2, các lớp dành cho học sinh lớp 13 đều kín người. Nhưng không có cảnh ngồi chen chúc vì thiếu chỗ. 

Bác Tịnh, nhân viên bán vé học của trung tâm cho biết: “Không hiểu vì lí do gì nhưng năm nay thấy các cháu học sinh đi học có vẻ không được nhộn nhịp như mọi năm. Vào tầm này hàng năm, tôi ghi vé học tháng mỏi tay. Năm nay nhàn hơn”. 

Theo chị Ngoan thì giá ôn thi tại các trung tâm năm nay đều cao hơn năm ngoái. Tại trung tâm Đa Minh của chị, giá mỗi buổi học (2h) là 14.000 đồng (cao hơn 2000 đồng so với năm 2008). Giá của trung tâm thầy Thành, cô Thời vẫn là 10.000 đồng/ca. Nhưng ở ngay trung tâm bên cạnh, giá là 15.000 đồng/ca. 

“Có thể đây cũng là một lý do để các em phải tính toán, so đo kỹ hơn trước khi đi học. Học một môn thì không nói làm gì. Nhưng cả ba môn là phải cân nhắc”, chị Ngoan nói. 

Chị cho biết đến lúc học cấp tốc (tháng 6), lượng học sinh đi ôn mới đạt kỉ lục. “Năm nay, mọi thứ đắt đỏ thế này, học sinh lớp 13 lại toàn ở quê ra, không biết sẽ như thế nào đây”, chị lo lắng. 

Nhà trọ cho học sinh "lớp 13" bớt căng hơn mọi năm
Tại các nhà trọ, học sinh đến tìm nhà ở trọ vẫn khá đông, nhưng không có vẻ căng thẳng, bức bối như mọi năm. Đây là nhận định của chị Nguyễn Thị Hiền, chủ nhà trọ số 19 Dịch Vọng Hậu. 

“Hàng năm, sau Tết là nhà tôi bắt đầu thấy học sinh lên ôn thi đến tìm nhà rồi. Ngày nào ít cũng phải bốn, năm đứa. Năm nay vẫn có, nhưng lác đác”. 

Ít người đến thuê ôn thi "lớp 13", nhưng đương nhiên là nhà trọ của chị Hiền không “ế” vì nhu cầu bình thường đã quá cao. Chị Nguyễn Thị Kim Anh, quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa, nhân viên thu ngân siêu thị Fivimart ở trọ trong nhà chị Hiền cho biết: “Năm ngoái tôi còn phải tính toán, sắp xếp để đứa em họ xin ở nhờ đến lúc thi xong. Năm nay, nó cũng ôn tiếp để thi lại, nhưng ở trong quê rồi nên tôi không phải lo nữa”.  

  • Cẩm Quyên

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,