- Nằm sâu tít trong các ngõ nhỏ, trong những căn phòng nhỏ và thiếu ánh sáng là những lớp "trông giữ trẻ" của Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội ). 32 lớp học kiểu này đang "căng mình" hoạt động dù chưa có giấy phép.
Là 1 trong 2 trường tiểu học vẫn phải chung cơ sở vật chất với trường THCS trên địa bàn quận Hai Bà Trưng ( Hà Nội), HS Trường tiểu học Lê Ngọc Hân đang phải học "buổi thứ hai" ở những nhà dân thuê xung quanh khu vực trường.
Sáng 19/2, chúng tôi đến một số ngõ nhỏ nằm rải rác trên các phố.
HS lớp 1 hăm hở chạy từ lớp ngoại trú đến trường. Ảnh chụp lúc 12h45 ngày 19/2 tại ngõ 45 Lò Đúc. Ảnh: Bảo Anh |
Ngõ 45 Lò Đúc có 2 lớp (lớp 1, lớp 3), cửa ra vào đều được đóng kín. Ngó qua cửa sổ của lớp 1 trong căn nhà 4 - 5 tầng, có khoảng 30 cháu đang chơi đùa trong phần diện tích xấp xỉ 10m2.
Chủ nhà, đồng thời cũng là người hỗ trợ trông trẻ ở đó cho biết, các cháu học và ngủ trên gác 2, phòng rộng hơn khoảng 20m2. Ông cũng cho biết, nhà này cho thuê 1 triệu đồng/tháng.
Phía bên phải của trường học, trong ngõ 37 Lò Đúc có một lớp "trông giữ trẻ" chỉ rộng khoảng 10m2.
Đúng giờ ngủ trưa, chúng tôi thấy trẻ nằm la liệt dưới sàn nhà có trải chiếu, chỗ HS nằm ngoài cùng sát cửa ra vào. Xung quanh cửa là nền xi măng vẫn chưa khô hết nước, gần đó là bếp nấu ăn, bếp lò.
Theo quan sát, căn phòng này hoàn toàn không có cửa sổ, chỉ có cửa ra vào rộng khoảng 1m2. Trẻ nằm ngủ sát sạt vào nhau, vừa kín hết phòng.
Vòng xa hơn sang con phố Phạm Đình Hổ, cách trường khoảng 1km, sâu trong ngõ số 18C, "kẹp" giữa các nhà dân, căn phòng cũng rộng chừng 10m2 lố nhố HS đến giờ chuẩn bị đi ngủ.
Một tấm phản to kê kín chiều rộng và chiều dài của phòng, còn lại là một khoảng trống nhỏ nơi cô giáo thường đứng giảng bài.
Chúng tôi đếm, khoảng 12 cái đầu trẻ con nằm quay ra và ước lượng cũng khoảng chừng đó em nằm trở đầu đuôi.
Những chỗ trống còn lại kê ghế, bàn để HS nằm. Ngay gần cửa, 1 bé trai nằm trên 2 "chiếc giường" được ghép bằng 2 cái ghế gỗ dài.
Hỏi cô giáo thì được câu trả lời hàng năm, các cô đều đã được nhà trường phổ biến quy định.
Lớp ngoại trú nằm "kẹp" giữa nhà dân (phòng ở ngách, cửa tôn sơn nâu). Ảnh: Bảo Anh |
Gần 13h, chúng tôi theo chân những "gót son" di chuyển từ các lớp "trông giữ trẻ" buổi sáng sang trường học chính khóa. Cũng túa ra từ khắp các ngả phố quanh trường, từng hàng HS xếp nối đuôi nhau rảo bước đến trường.
Hiệu phó Nguyễn Thu Hiền phân trần, do vẫn phải chung cơ sở vật chất nên nhà trường không thể tổ chức học 2 buổi/ngày theo tinh thần của ngành giáo dục.
Nhưng do nhu cầu bức thiết của cha mẹ HS nên ban phụ huynh mỗi lớp đã đứng ra tổ chức các lớp trông giữ trẻ này và mời cô giáo đến dạy. Cô giáo vừa quản lý HS, vừa hướng dẫn cho các em tự học. Mức thu tiền học cũng do thỏa thuận giữa phụ huynh HS và giáo viên.
Quyết định số 132/2007/QĐ-UBND ngày 13/11/2007 của UBND thành phố Hà Nội quy định về quản lý dạy thêm, học thêm ghi rõ: Cơ sở vật chất phải đảm bảo: Mỗi HS có tối thiểu 0,8m2, khu vực giáo viên giảng dạy 4m2; có đủ ánh sáng, thông thoáng và các điều kiện quy định về trật tự an ninh... Số HS trong mỗi lớp học thêm không quá 45 người; riêng bậc tiểu học mỗi nhóm trông giữ không quá 25 HS. |
"Không phải 100% HS đều đến học mà có thể thay đổi nếu gia đình sắp xếp được người trông trẻ. Do đó, sĩ số HS theo học các lớp này không nắm bắt được hết", cô Hiền cho biết.
Cô Hiền cũng nói thêm, các lớp này cũng đã làm đủ các thủ tục hồ sơ nhưng hiện chưa có giấy cấp phép.
"Không có lớp học, để HS phải học ở ngoài, nhà trường cũng không yên tâm, các hoạt động ngoại khóa cũng bị hạn chế", cô Hiền ái ngại.
Thừa nhận việc một số lớp "trông giữ trẻ" của Trường tiểu học Lê Ngọc Hân thiếu diện tích và ánh sáng, ông Nguyễn Như Thắng, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Hai Bà Trưng nói rõ, khó khăn của trường là chung cơ sở vật chất. Trong khi đó, cha mẹ HS có nhu cầu gửi con cả ngày nên 32 lớp trong trường, mỗi lớp tìm một nơi để trông và dạy trẻ.
Tuy nhiên, trong những lớp đó, có nơi đủ điều kiện, có nơi chưa.
Tuần tới, Phòng GD-ĐT sẽ kiểm tra và nhắc nhở các lớp học này, nếu không đủ điều kiện sẽ cho dừng hoạt động.
-
Bảo Anh