221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1151667
Cấu trúc lại nền giáo dục đại học
1
Article
null
Cấu trúc lại nền giáo dục đại học
,

 - "Khi giáo dục đại học đã là nền GD cho số đông, khi đã tham gia WTO, đã phải tính đến việc giữ cân bằng cho được ở một mức độ nào đó giữa “chảy máu chất xám” và “thu hút chất xám”, có lẽ phải chấp nhận một số quan điểm về giáo dục ĐH đang phổ biến trên thế giới".

GS Phạm Phụ nói như vậy trong phần cuối cùng của "câu chuyện dài hơi" với chúng tôi xung quanh dự thảo chiến lược giáo dục đến năm 2020.

Thí sinh dự thi vào ĐH Ngoại thương năm 2008. Ảnh: Lê Anh Dũng

 GS nghĩ gì về một số ý kiến hiện nay cho rằng: “Cải cách GDĐH đang là cơ hội cuối cùng để sửa lỗi"?

GS. Phạm Phụ: Tôi cũng cho là như vậy. GDĐH đang có quá nhiều bất cập và bối cảnh mới cũng đang đặt ra những thách thức quá lớn, quá cấp bách đối với khả năng cạnh tranh của nguồn nhân lực. Cũng như của chính dịch vụ cung cấp GDĐH.

Và cũng từ đó, nếu phải lựa chọn, do nguồn lực còn quá hạn chế, thì trước hết nên tập trung vào việc cải cách nền GDĐH.

Dự thảo cũng đã nêu ra được nhiều ý tuởng mới, cùng với những giải pháp chiến lược cho GDĐH khá mạnh mẽ, thưa GS?

Trước hết, cần phải thừa nhận là đã có một số “điểm sáng”, như là: “GD còn phải “thỏa mãn nhu cầu phát triển của mỗi cá nhân”, “tăng cường yếu tố cạnh tranh”… trong quan điểm chỉ đạo, hay là: “tái cấu trúc hệ thống GD quốc dân”, “xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản”… trong phần giải pháp.

Tuy nhiên, điều mà dư luận còn mong đợi là: cơ sở nào để nâng cao năng lực cạnh tranh? Nguyên lý nào để tái cấu trúc hệ thống v.v… Ý kiến cho rằng, cần phải có cải cách có lẽ chủ yếu cũng xuất phát từ chỗ đó.
Cần có cải cách khi mà, một số quan điểm, một số nguyên lý để phát triển GD đã không còn phù hợp, không còn có thể làm cơ sở cho việc giải quyết những bất cập trong bối cảnh mới. Mà GDĐH Việt Nam lại đang ở trong một trạng thái như vậy.

Nghĩa là từ Dự thảo, còn chưa thấy được cái triết lý, hay cụ thể hơn là những cơ sở cho một cuộc cải cách GDĐH? 

Chưa thấy được, cả các quan điểm phát triển GD cũng như nguồn lực cơ bản cho việc thực hiện các giải pháp.

5 xu thế

Tìm hiểu thông tin du học tại triển lãm giáo dục Hà Lan. Ảnh: Lê Anh Dũng
Vậy đó là những quan điểm nào, nguyên lý gì, thưa GS?

Từ năm 1994, Ngân hàng Thế giới đã tuyên bố: “GDĐH đã lâm vào khủng hoảng trên toàn thế giới”. Chính vì vậy, cải cách GDĐH đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong khoảng 15 – 20 năm qua. Và cũng theo WB, có điều đặc biệt là, “Chương trình nghị sự” cho cải cách giữa các nước khá giống nhau cho dù có sự khác nhau về hệ thống chính trị - kinh tế, về trình độ phát triển v.v…

Vì vậy, nếu có một số nghiên cứu “GD so sánh” thì việc nhận dạng các quan điểm mới, các nguyên lý mới đó thực ra không khó lắm. Tất nhiên trong giải pháp, còn có thể có nhiều phương án cho sự lựa chọn quốc gia.

Đáng tiếc ở nước ta, còn chưa có những nghiên cứu như vậy.

Còn theo “thiển nghĩ” của GS?

Cũng có thể nhận thấy được mấy xu thế chung sau đây:

Thứ nhất, GDĐH ngày nay, bên cạnh mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực còn có mục tiêu “đại chúng hóa”. Do vậy, “mở rộng đầu vào”, tăng nhanh quy mô đã là một lựa chọn chính sách của rất nhiều nước.

Thứ hai, như là hệ quả của xu thế thứ nhất, các nhà hoạch định chính sách như luôn gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa nhu cầu chất lượng và tính đại chúng. Từ đó, nhiều nước còn buộc phải “chấp nhận những nhân nhượng giữa số lượng và chất lượng” trong một giai đoạn phát triển nào đó, khi chưa tổ chức được sự “phân tầng” của nền GDĐH.

Thứ ba, gọi GDĐH là “GD sau trung học phổ thông” (THPT) và tổ chức nền GDĐH hết sức đa dạng, cả về trình độ, tổ chức “phân tầng” nền GDĐH. Xu thế này không chỉ vì áp lực về mặt tài chính mà còn là hiệu quả hơn đối với GDĐH “đại trà”. Người ta nói: “Mỹ có hệ thống GDĐH tốt nhất thế giới, đó là vì nó không có hệ thống nào cả”.

Thứ tư, gắn chặt hiệu quả hơn với chất lượng hơn. Có nghĩa, không nhất thiết, chất lượng phải là “tốt nhất”, là “mục tiêu hàng đầu” (như trong dự thảo) mà là chương trình thích hợp cùng với dạy, học và quản lý có hiệu quả.

Và khi cung trong GDĐH gần bằng cầu, thậm chí còn phải là “khác biệt” hay “độc đáo”. Khi đó, hẳn sẽ không có chuyện, có một “chương trình khung” cho cả nền GDĐH.

Thứ năm, Nhà nước ít hơn, định hướng thị trường nhiều  hơn cùng với trách nhiệm xã hội cao hơn, như là: tin cậy hơn vào những tín hiệu của thị trường, cơ chế quản trị minh bạch và báo cáo giải trình, v.v…

Một nghiên cứu của WB về GDĐH của 9 nước ở Châu Á năm 1993đã viết “Một bước ngoặt rất quan trọng ở nhiều nước là sự thừa nhận rằng, việc dự báo chi tiết về nhân lực không phải là cơ sở đáng tin cậy để lập kế hoạch GDĐH, do đó đã quyết định chuyển trung tâm chú ý vào việc làm thỏa mãn nhu cầu của xã hội”.

3 phương án

SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) trong lễ nhận bằng cử nhân. Ảnh: Lê Anh Dũng
GS có tin rằng, những quan điểm như vậy có thể được chấp nhận ở Việt Nam?

Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng “tinh hoa”, hàn lâm của GD Pháp, một phần nào đó của GD Liên Xô trước đây. Nhưng “thiển nghĩ”, khi GDĐH đã là nền GD cho số đông, khi đã tham gia WTO, đã phải tính đến việc giữ cân bằng cho được ở một mức độ nào đó giữa “chảy máu chất xám” và “thu hút chất xám”, có lẽ, ít ra là phải chấp nhận một số trong số những quan điểm như vậy. Tất nhiên, trong giải pháp còn có thể có nhiều phương án khác nhau để lựa chọn.

GS có thể cho một số ví dụ?

Để đa dạng hóa và mở rộng nhanh quy mô sao cho có hiệu quả chẳng hạn, có khá nhiều phương án, có thể phân thành 3 nhóm:

Một là, mở rộng mọi hình thức đào tạo cấp “dưới cử nhân” (theo phân loại của UNESCO, cấp 5 là “dưới cử nhân”, cấp 6 là “cử nhân” và cấp 7 là “sau cử nhân”). Ví dụ, từ những năm 80 của thế kỷ trước, “nhân lực kỹ thuật trung cấp” chiếm tỷ lệ đến 50% trong GD sau THPT của Singapore, cấp “dưới cử nhân” chiếm đến gần 60% ở Malaysia, trên 75% ở Hồng Kông.

Hai là, phát triển các viện ĐH mở và GD từ xa, viện ĐH qua truyền hình, ĐH hàm thụ v.v… Đa số là dạng ĐH ghi danh và có tỷ lệ tốt nghiệp thấp. Giải pháp này có được lựa chọn ở Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Malaysia… và đặc biệt là Thái Lan. Ở Thái Lan, vào thời kỳ “cao điểm” (1980), SV ở GD mở - từ xa chiếm đến 78% tổng số SV. Ở đây chi tiêu cho 1 SV trong 1 năm (“chi phí đơn vị” – CPĐV) chỉ bằng khoảng 1/10 so với CPĐV ở các ĐH công lập truyền thống có tuyển sinh chặt chẽ.

Và khi Thái Lan mở 2 ĐH mở, người ta cũng nói rằng, “đã phản ánh sự dịch chuyển từ việc đáp ứng nhu cầu nhân lực sang đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo bình đẳng trong việc vào học ĐH”. Ở Mỹ cũng có đến trên 40% SV ở ĐH là đã ở độ tuổi 25 và lớn hơn.

Ba là, phát triển ĐH tư thục. Đây là giải pháp chủ yếu được lựa chọn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippine, Indonesia v.v… Ở các nước này, tỷ lệ SV tư thục chiếm đến trên dưới 80% trong tổng số SV. Nhưng xin lưu ý, phần lớn các ĐH tư thục ở Châu Á là các cơ sở ĐH nặng về dạy nghề và không thuộc kiểu ĐH truyền thống (Non-university sector) v.v…

Trường ĐH theo nghĩa “university” thường được hiểu là ĐH đa lĩnh vực và chú trọng vào các chương trình “sau cử nhân” cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học.

"Loạn ĐH": Lỗi tại ai?

Nhân đây xin hỏi, GS có nhận xét gì khi, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua một số đại biểu đã phải nói đến chuyện “loạn trường ĐH”, nguy cơ “hàng dỏm, hàng giả” v.v…?

Tôi đã có thử làm một vài so sánh Việt Nam với quá trình phát triển GDĐH của nhiều nước ở Châu Á cũng như cân nhắc đến các chỉ tiêu phát triển GDĐH của Việt Nam.

Thiết nghĩ, tốc độ tăng SV vừa qua không phải là cao, lập thêm các ĐH mới không phải là quá nhanh. Vấn đề các đại biểu lo lắng có lẽ là đang nằm ở chỗ, việc cấp phép lập trường mới (kể cả việc nâng cấp các trường TCCN và CDD) cũng như theo dõi các trường này trong giai đoạn đầu phát triển là có vấn đề. Bộ vẫn là người phân phối chỉ tiêu tuyển sinh đấy chứ!

Ngay đối với các ĐH ngoài công lập đã thành lập cách đây 10 – 15 năm cũng vậy.

Tôi còn nhớ, cách đây 2 năm, chúng ta đã có hội nghị quốc gia về GDĐH ngoài công lập. Lúc đó, Bộ đã biết tất cả thực trạng như: nhiều trường chỉ có 15% giáo viên cơ hữu, có trường chỉ có khuôn viên 0,6 ha, cơ sở phòng học, thư viện chỉ có 1,4m2/SV, giá trị tài sản lại đã tăng 2,36 lần trong 5 năm, mức lợi tức cho người góp vốn ở một số trường lên đến 25 – 30% v.v…

Và, cách đây hơn 3 năm, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo chuyển các cơ sở ngoài công lập sang tư thục, soạn thảo cơ chế vì lợi nhuận, không vì lợi nhuận v.v… Nhưng gần như những vấn đề đó đều đã để trôi qua. Vậy là, cái gốc của nguy cơ “dỏm, giả” là ở khâu quản lý, chứ không phải là vấn đề, vì là tư thục hay lập mới trường ĐH.

Cũng xin lưu ý, về mặt “bảo vệ người học”, năm 2005, Tòa án Tối cao Ấn Độ cũng đã ra lệnh đóng cửa gần 100 ĐH tư thục vì chất lượng kém.

Có lẽ còn một nguyên nhân nữa, liên quan đến “phân tầng” trong GDĐH. Với phần lớn các trường này, ít ra là trong giai đoạn đầu, lẽ ra cần phải được xếp vào tầng “ĐH không truyền thống”. Chương trình đào tạo phải khác.

Thế còn các mục tiêu liên quan đến ĐH đẳng cấp quốc tế, thưa GS?

Đây là một ước vọng chính đáng của nhiều nước đang phát triển, loại “tinh hoa” và định hướng nghiên cứu. Tuy nhiên, trong việc xây dựng những trường ĐH như vậy ở VN, khi định ra mục tiêu cho năm 2020, phải chăng chủ yếu nhằm vào vai trò “hoa tiêu” của nó ở đỉnh của tháp “phân tầng” mà chúng ta đã có nói đến ở trên? 

Nghĩa là theo GS, phải có một cuộc cải cách thực sự để cấu trúc lại nền GDĐH?

Tôi nghĩ khó có con đường khác. Mà khâu đột phá là quản trị và tài chính. Nhưng không vội vã. Vội vã thì “thay vì cải cách để làm thay đổi các trường ĐH, nhưng các trường ĐH lại làm thay đổi sự cải cách”.

 Xin cảm ơn GS!

  • Hạ Anh (thực hiện) 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>