- Còn gần một tuần nữa là sinh viên các trường ĐH, CĐ mới nghỉ tết nguyên đán nhưng trên các giảng đường đã thưa vắng lắm. Những khu nhà trọ sinh viên thì cửa đóng then cài từ lâu...
Nếu biết vắng thế này thì về quách cho xong!
Nhiều trường ĐH xếp lịch thi học kỳ sớm, nên khi thi xong SV vẫn phải học một, hai tuần nữa mới nghỉ tết nguyên đán. Đối với SV thì đây quả là một điều ... bất hợp lý. Đoàn Quốc Tú, SV Trường ĐH Khoa học Tự Nhiên (ĐHQGHN) cho biết: “Thi học kì xong sớm, nên bọn em phải học một tuần nữa mới được nghỉ tết. Một buổi cũng chỉ học một hai tiết nên có nhiều người bỏ học về quê sớm. Em cũng định không đi học nữa, nhưng lại sợ điểm danh”.
Giảng đường Khoa Toán Tin- Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Ảnh chụp ngày 14/01/2009.
Đã mấy hôm nay chưa buổi nào SV lớp K51 A3 - khoa Toán Tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) đi học đầy đủ. Lớp có 50 SV nhưng chưa buổi nào lớp quá 30 người đi học. Lê Văn Thành, trọ ở Định Công nói: “Quê em ở Thanh Hóa, hôm trước có mấy người bạn cũng rủ về, nhưng em quyết định ở lại để học, sợ bỏ qua kiến thức thì sau theo mệt lắp, chưa kể giảng viên mà điểm danh thì hỏng. Nếu biết chán thế này thì em về quách cho xong!”.
Các giảng đường bên cạnh cũng không khá hơn chút nào, thầy giảng bài nhưng phía dưới vẫn là những dãy bàn ghế vắng bóng sinh viên. Lớp K51 Môi Trường có 49 SV nhưng chỉ có 25 SV tới giảng đường; lớp K51 Địa Chính có 45 SV cũng chỉ còn 36 SV ngồi học.
Tú cũng muốn về quê sớm vài ngày nhưng sợ nhà trường “thiết quân luật” xử lý mạnh tay với những sinh viên nghỉ học không lí do. Nhưng số sinh viên nghĩ được như Tú lúc này là không nhiều.
Các giảng đường ở Trường ĐH Luật, Học viện Báo chí &Tuyên truyền... cũng diễn ra tình trạng tương tự. Mặc dù chỉ còn ít hôm nữa là nhà trường mới cho SV nghỉ tết chính thức. Giảng đường môn Luật Thương Mại bình thường có 102 SV nhưng chỉ có vỏn vẹn 24 sinh viên còn... trụ lại, trong số đó chỉ còn lại 4 nam sinh. Vũ Thị Hải, sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: “Rất nhiều sinh viên đã về quê ngay từ hôm thi xong môn cuối cùng, chắc mình cũng phải về sớm hơn dự kiến, chứ ở lại thì biết học cùng với ai?"
Đìu hiu xóm trọ...
Xóm trọ và khu Ký túc xá nơi được xem là “tổ ấm” của sinh viên cũng đìu hiu không kém. Rẽ qua một số xóm trọ tại Phùng Khoang, Triều Khúc, Hạ Đình… hay một số kí tục xá như KTX Mễ Trì, KTX Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung Ương… điều đầu tiên có thể nhận đấy đó là sự… hoang vắng. Cẩn thận sắp xếp lại đồ đạc, sách vở trong phòng, bạn Vi Chí Thức (SV Lớp K50 Văn học - ĐH KHXH&NV, trọ tại số 05, ngách 43/20 Phùng Khoang) cho biết:“Thằng bạn cùng phòng với mình về từ cuối tuần trước cơ, vừa thi xong là nó về luôn. Cả khu của mình có tổng cộng 14 bạn, giờ chỉ còn 6 người ở lại thôi, đa số là chưa thi xong”.
Dãy nhà trọ cuối năm vắng bóng sinh viên.
Đối diện phòng trọ của Thức là phòng của Phạm Thị Dịu (SV năm thứ 2, ĐH Hà Nội). Phòng Dịu có 3 người, nhưng đến thời điểm này chỉ còn lại mình Dịu, Dịu kể: “Hai bạn kia đều học Kiến Trúc cả, bên ấy sau tết mới thi, nên tự thưởng cho mình được nghỉ tết sớm. Các bạn ấy bảo, cuối năm thầy cô cũng chẳng điểm danh. Lớp nghỉ đến hơn một nửa rồi, thêm mình cũng có hề gì”.
Dịu phải ở lại, vì còn một môn vẫn chưa thi xong nhưng Dịu đã thu xếp sẵn đồ đạc, để khi thi xong là… hồi hương luôn.
Lê Khắc Lưu (SV khoa Sử trường ĐH KHXH&NV) ở bến xe Giáp Bát khi cậu đang ngó nghiêng tìm xe về quê Thanh Hóa. Lưu kể: “Mình trọ ở làng Triều Khúc, vừa thi xong lúc 9h15 là mình ra xe về luôn. Giờ xóm trọ của mình mọi người về hết rồi, một mình ở lại buồn lắm. Hơn nữa, cũng hết tiền rồi. Sống thêm ngày nữa ở đây, sợ tiền xe cũng không đủ mà về”.
Trần Thanh Hưng (phòng 216 B1, KTX Mễ Trì) vui vẻ nói: “Sinh viên mà, đồ đạc cũng chẳng có gì là nhiều nhặn cho lắm, chỉ ít quần áo, thêm vài quyển sách về quê đọc cho đỡ buồn. Vậy là có thể lên đường về nhà được rồi”. Hưng là một trong 3 thành viên thuộc diện “nghỉ tết sớm” của phòng 216. Những người khác vì chưa thi xong nên vẫn phải nán lại đến hết tuần.
1001 lý do về Tết sớm
Phải "chạy sô" kiếm tiền tiêu tết, nhớ nhà, về gặp người yêu ... là những lý do khiến nhiều sinh viên chọn cách trốn học trong những ngày cuối năm.
Nếu như tuần trước, Sử Thị Nga (SV năm thứ hai, ĐH KHXH&NV) chỉ làm việc bán thời gian, cho một cửa hàng bán đố mỹ phẩm trên Cầu Giấy. Thì giờ đây cô có thể làm được cả ngày vì đã được nghỉ học. “Quê ở xa nên em muốn kiếm được chút tiền về tiêu tết, chắc phải cuối tuần này em mới về được” Nga chia sẻ. Không chỉ làm việc ở cửa hàng, nhờ thân hình ưa nhìn và giọng nói tốt, nên cô còn tranh thủ đi giới thiệu, bán hàng khuyến mại cho một số công ty bánh kẹo.
Trần Thanh Hưng (phòng 216 B1, KTX Mễ Trì) viện lý do: Theo lịch, mình phải học hết tuần này mới được nghỉ tết. Nhưng đến lớp cũng chẳng học gì, thầy cũng không điểm danh. Thấy các bạn trong lớp bỏ về gần hết, nên mình cũng bỏ học. Nếu nhà trường có xử lý thì phải xử lý hàng loạt chứ đâu chỉ có một mình em?
Mặc dù còn thi hai môn nữa mới xong nhưng Nguyễn Trường Phi, sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Giao thông Vận tải, đã quyết định thi xong là về quê luôn, vì còn bạn gá chở ở nhà. Phi chia sẻ: “Bạn gái mình đi học ở tận Sài Gòn, một năm mới về được một lần nên mình phải về đón cô ấy. Mình muốn người mà cô ấy nhìn thấy đầu tiên khi về quê là mình”. Viễn cảnh ngọt ngào được tay trong tay với người mình yêu ở quê nhà sau bao tháng ngày xa cách, đã làm cho những sinh viên như Phi chấp nhận bỏ những buổi học cuối năm để về quê sớm hơn quy định.
Hoàng Nguyên là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp. Quê ở Lạng Sơn nhưng cả năm nay cậu mới về quê đúng một lần. Theo lịch của trường thì đến tận ngày 19/1 (24 tết ) mới được nghỉ. Phần vì nhớ nhà, phần vì Nguyên muốn tống tiễn ông công ông táo ở quê, nên cậu đã có kế hoạch bỏ học để về quê từ hôm 21 tết (16/1).
Với Trần Hoàng Đạo (SV năm thứ 3 - ĐH Luật Hà Nội ), việc về quê sớm trước một tuần so với lịch nghỉ của trường, là bình thường. “Vì mình thường bị say xe, theo lịch trường thì các trường khác cũng được nghỉ. Lúc đấy xe nhồi nhé mình chịu sao nổi. Hơn nữa, năm nào chả vậy, thi xong là mình về luôn. Ở lại cũng chẳng học được gì, về nhà còn phụ giúp mẹ bán hàng tết chứ”.
-
Lê Việt - Đình Hưng