- Tôi phụ trách quản lý giảng đường. Công việc thượng vàng hạ cám đều đến tay tôi. Thầy hiệu trưởng nghĩ ra tên gọi cho công việc “thập cẩm” này là “thanh tra học đường- cô Trịnh Dục Tú, thanh tra học đường Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội).
Cô Tú ơi! Cô Tú ơi!
Cô Tú đang tổng kết vi phạm vào bảng đánh giá. |
Cô Tú đã từng làm Trưởng ban Thanh tra nhân dân 2 nhiệm kỳ rồi mới nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, cô Tú xin thầy Mậu (nguyên Hiệu trưởng ĐHKHTN) ở lại tiếp tục làm công tác thanh tra với mức lương 500.000 đồng/tháng. Sau được tăng lên mức 1.500.000 đồng/tháng.
Một ngày, cô Tú làm việc 10 tiếng. 6h15 sáng cô có mặt tại phòng chờ và bắt đầu đi “tua”, đến 4h15 cô mới lên xe bus về nhà. 5 tầng nhà T4 in đậm dấu chân cô Tú. Đến tối, cô lại ngồi tổng kết, thống kê chi tiết vi phạm để nộp trực tiếp lại cho thầy hiệu trưởng.
SV cần kim khêu dằm thì kêu: Cô Tú ơi! SV không thấy thầy lên lớp cũng: Cô Tú ơi!. Lao công quên chưa mở giảng đường, SV lại: Cô Tú ơi! Mỗi lần như thế, cô Tú lại tất tả chạy lên chạy xuống tìm đúng người để gỡ rối.
Vào mùa thi, cô Tú là người ký niêm phong ngoài bì đề thi của trường. “Những năm trước có thầy nộp đề thi sớm còn rụt rè sợ lộ đề. Ngày nào tôi còn làm giám sát nhân đề thì không bao giờ lo đề lộ” – cô Tú khẳng định.
Thầy Phạm Kỳ Anh, Giám đốc Trung tâm Tính toán Hiệu năng cao, nguyên Chủ nhiệm Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐHKHTN mỗi lần đi công tác, hay có việc bận đều đánh công văn gửi cô Tú để thông báo. Thầy Đào Văn Dũng, Chủ nhiệm khoa Toán đương nhiệm thường xin bản thống kê của cô Tú dán lên bảng tin để nhắc nhở chung, và là căn cứ bình xét trong khoa.
Giận thì giận mà thương càng thương...
Cô ơi, cho em mượn cái kim, có bạn cùng lớp bị dằm đâm. |
Một nhóm SV đang cười ầm ĩ ở góc hành lang trong giờ học nhìn thấy cô Tú cũng phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”.
Một nhóm SV đá cầu ở sân trường trong giờ học, cô Tú nhắc lập tức SV đó cãi: “Không có biển bảng quy định nào cấm đá cầu ở sân trường”. Cô Tú khéo léo: “Tuy không có quy định, nhưng đá cầu trong giờ học sẽ gây ồn. Bây giờ tôi dẫn các cậu vào từng giảng đường, nếu thầy cô nào, lớp nào đồng ý thì tôi sẽ để các cậu đá cầu tiếp”. Cả nhóm SV biết ý phải giải tán.
Với SV vi phạm, cô Tú dẫn đi xem nội quy và vào làm bản kiểm điểm. Đến bản kiểm điểm thứ 3 cô sẽ thông báo lên Đoàn, Khoa, Ban Giám hiệu để xử lý. “Nhưng hầu như không có SV nào dám vi phạm lại và phải làm đến bản kiểm điểm thứ 2” – cô Tú cho biết.
Cô Tú chỉ nghĩ đơn giản như thế này: “Những SV chăm chỉ, có khả năng học tập cần được bảo vệ, không thể để SV chây lười nhờ quay cóp mà được hưởng lợi ích”.
Chưa một trường hợp SV nào vi phạm quy chế thi mà cô Tú bỏ qua. Nhưng phải làm cho SV đó tâm phục khẩu phục và ký vào bản đình chỉ thi không một lời oán thán. “Tôi không rõ lúc tôi quay đi SV có “múa” được gì không, nhưng tôi còn đứng ở đó thì không thể làm gì được” – cô Tú khẳng định.
Có SV gắn bộ phận thu phát trong tai để đọc đề cho người ngoài phòng thi làm bài hộ, chờ người ngoài đọc cách giải cho mình. Cô Tú yêu cầu giám thị đứng cạnh SV này cả giờ thi. Hễ cứ mấp máy môi là lập biên bản ngay. SV này không dám ho he chút nào và phải nộp bài trắng.
Vụ bắt phao “đình đám” nhất của cô Tú là trong cuộc thi tuyển nghiên cứu sinh học nước ngoài. Anh lính đi thi cứ sột soạt giấy tờ bị cô Tú phát hiện và thu lại. Giám thị cùng phòng đọc được thấy giống đáp án, như là câu trả lời sẵn. Buổi thi hôm đó lập tức bị đình chỉ và phải tổ chức một kỳ thi khác. Thí sinh là quân nhân bị kỷ luật nặng. Người làm lộ đề cũng gặp nhiều chuyện “lôi thôi”.
Vụ va chạm với chính người trong khoa cũng nổi tiếng không kém: SV mở tài liệu trong giờ thi là con một đồng nghiệp trong Khoa Sinh. Lần đầu tôi thu giữ và nhắc nhở nhưng SV này vẫn cố tình mở tài liệu nên phải xử lý nặng hơn. Tôi đang coi thi thì mẹ SV đó định xông vào phòng thi đánh tôi, may mà có người ngăn lại”.
Nghiêm khắc như thế, cứng rắn trong công việc như thế nhưng SV nếu có vấn đề gì khúc mắc không dám tâm sự với ai được thì lại tìm cô Tú rủ rỉ trò chuyện và đấy là phần thưởng của lòng tin, quý giá hơn mọi lời khen tặng giao đãi ồn ào.
-
Lưu Vân
***********************
Bài 3: Chuyện về người cha, người mẹ có hàng nghìn đứa con