- Sinh viên (SV) thường gọi họ với tiếng gọi thân thương, máu mủ, ruột thịt nhất u Liên, là thầy Hưng, là bà ngoại Hòa... Đó là mảnh đời giản dị của bác xe ôm, chị lao công, hay bác bán hàng nước… gắn bó với SV, giảng đường sớm hôm.
Hoài niệm thời gian
20 năm gắn với quán hàng nước ở cổng phụ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), bác Phạm Đình Hưng, là chứng nhân sống của ngôi trường này.
Bác Hưng rưng rưng: “Con chê vợ chồng tôi nghèo, nó bỏ đi”. SV ở trọ, SV ghé vào quán nước mỗi ngày chính là con em, người thân, là niềm vui sống của bác.
Thu nhập cả gia đình trông vào quán nước này. “Có đợt, tôi ốm nằm viện, mấy cháu ở xóm trọ phải ra bán hàng nước thay”.
Niềm hạnh phúc khi chị Đào Thị Uyên, nhân viên tổ vệ sinh của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG HN) là lúc thấy gương mặt đang buồn của một SV để quên ví ở giảng đường bỗng bừng sáng lên khi nhận lại số tiền đã mất.
Chị Uyên nhặt được ví có 3 - 4 triệu đồng của lớp tại chức để quên. Chị Đỗ Thị Nhẫn cùng tổ với chị Uyên thỉnh thoảng nhặt được quần áo, sách vở, thậm chí cả điện thoại, đều trả lại cho các SV.
Theo quy định, 30 phút hết giờ, lao công phải đóng cửa giảng đường. Nhưng bây giờ, SV học tín chỉ, trường sở hạn hẹp, các SV ngồi nắng nôi, vạ vật ở hành lang ghế đá. Các chị lao công lại thương, nhiều lúc phá lệ, vẫn cho SV ở lại giảng đường ăn uống, nghỉ ngơi chuẩn bị vào giờ học tiếp.
Bác Đặng Lệ Hòa (76 tuổi), bán hàng nước ở ngay trước cổng Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội nguyên là cán bộ phòng hành chính của trường. Bác trai nguyên Trưởng khoa Truyền thống. Các con trai, gái, dâu, rể cũng học tập và gắn bó với mái trường này.
Chị Uyên
SV ĐH Mỹ thuật gọi bác thân mật là “bà ngoại”.
"Ngoại" Hòa vẫn còn nhớ mãi cậu học trò nghèo Ngô Bá Thảo kiên trì đèn sách, miệt mài thi tới 8 năm mới đỗ khoa Cơ bản. Cậu SV Bá Thảo giàu lòng quyết tâm ngày nào bây giờ đã là thầy giáo gắn với chính giảng đường ngày xưa.
Bác cũng chưa quên hình ảnh cậu Từ Thành, SV khóa 1, nguyên Phó Hiệu trưởng của ĐH Mỹ thuật Công nghiệp HN có hoàn cảnh khó khăn. Những năm còn bao cấp, khi Bác Hồ đến thăm trường, Từ Thành vẫn phải “diện” đôi guốc mộc gặp Bác vì không mượn được giầy.
Bác Hà Thị Bích Nhạn bán hàng cơm, nước ở cổng Tạ Quang Bửu ĐH Bách khoa Hà Nội ngót nghét 20 chục năm nay. Từ thời bao cấp, gia đình bác chuyển về Hà Nội. Cuộc sống cơ hàn, bác trai tay bế con, tay gánh nước thuê, có 500 đồng một gánh nước.
Bác Nhạn quyết định mở hàng cơm SV. Những ngày đầu, suất cơm SV chỉ có 1.500 đồng đến 2.000 đồng; mới đây mới tăng 5.000 đồng. SV ăn quán quen gọi là u Nhạn.
Buổi sáng tinh mơ nọ, một tốp SV hỏi "Anh Dân K37 Nghệ An ở nhà B7 Ký túc xá nợ u bao nhiêu tiền cơm để chúng con trả cho nó. U ơi u, Dân nó uống rượu say nằm ở hành lang rơi xuống, mất rồi”.
U Nhạn mắt đỏ hoe, nhắc lại kỷ niệm buồn. Sáng sớm, u làm bát cơm, quả trứng cho SV xấu số. “Gia đình cháu Dân cứ cảm ơn tôi mãi. Sống trên đời cái đức là chính”.
Một SV ở Việt Trì trót tiêu tiền học gia đình gửi lên, khi kiếm đủ tiền để đóng thì bị chậm hạn nộp học phí. Cậu nhờ "u Nhạn" nhận là bác lên đóng giúp.
Bác Nhạn
U Nhạn cũng lên gặp cô giáo trình bày: “Cháu nói tôi cứ nhận bác cháu nhưng tôi không phải là bác cháu. Bố mẹ đặt cơm cho cháu ở nhà tôi, cô thương cháu ở xa nhà thu cho cháu học phí để cháu tiếp tục học tập”
Có SV nghèo miền Trung nợ u Nhạn chỉ 80.000 đồng tiền cơm. Một lần quay trở lại thăm trường, ghé qua quán, dúi vào tay u cái phong bì rồi nói: “Con cảm ơn u thời SV dù không có tiền, u vẫn cho con nợ. Con bây giờ đã đi làm, nên mang tiền gửi lại”.
Thời gian gần đây, bác Nhạn chuyển sang bán nước, bánh mỳ. Đợt Hà Nội lụt, SV đói xếp hàng dài chờ bánh mỳ. Bác phải lội đi ra tận Thanh Nhàn lấy bánh mỳ quần ướt lại khô, khô lại ướt. Giá cũng chỉ tăng 1000 đồng.
“Tôi nhớ nhất lứa SV K32, 33 ở ĐH Bách khoa, đánh nhau dã man lắm, rượu chè, nợ nần... SV bây giờ ngoan, có ý thức hơn, ít nợ nần bùng bửa” – u Nhạn nói.
Bức tranh muôn màu của SV tân thời đi học
Qua lăng kính của chứng nhân giảng đường, bức tranh SV tân thời có mảng màu sáng tối khác nhau.
Bác Nghĩa
“Đồng đổ cho tướng, tướng đổ cho đồng”, nói về việc học tập của dân nghệ sỹ ở ĐH Mỹ thuật công nghiệp, "ngoại" Hòa tếu táo cười: “Thấy SV ra quán nước, tôi hỏi thì SV nói thầy có lên dạy đâu mà học. Mấy hôm sau, tôi lại gặp thầy lang thang hỏi thầy không có lớp à? Thầy lại lắc đầu tôi có lớp nhưng lên lớp có thấy SV đâu mà dạy?”.
“Thầy” Phạm Đình Hưng phác họa bức chân dung SV mới dưới góc độ khác: SV coi quán net là nhà, giảng đường là chỗ trọ. “Thầy” còn ấn tượng với SV tại chức U50 5h chiều cắp cặp đi, 8h vác cặp về. Ngày thì nằm dài thườn thượt ngủ.
Bác Nguyễn Hữu Nghĩa đi xe ôm ở cổng phụ Trường ĐH KHXH & NV (ĐHQG HN) cũng đã chục năm nay.
Mỗi ngày, bác đi khoảng một chục cuốc xe ôm, khách hàng chủ yếu là giảng viên và SV trong trường. Bác cười: “Chắc tôi ít được tiếp xúc với SV nghèo vì nếu các cháu không có điều kiện thì chỉ cần 3.000 đồng đi xe bus quanh Hà Nội. SV bây giờ khá hơn ngày trước rồi, trông đầu tóc quần áo rất phong cách là biết”. Thậm chí, bác Nghĩa còn có đơn đặt hàng đi xe ôm theo “tua” trọn gói quanh Hà Nội của một số SV con nhà giàu.
Bác Gái bán hàng nước ở ĐH Kiến trúc gần 20 năm cũng chung nhận xét như u Nhàn: “Các cháu SV bây giờ ngoan, chăm học, thuần lắm, không đánh nhau bao giờ đâu”.
Bác Đặng Lệ Hòa thương một SV tên Việt Anh quê Hải Phòng ngồi uống nước đến lúc lộn trái túi không còn một nghìn lẻ để trả tiền. Hỏi ra mới biết, mỗi tháng cậu được mẹ cho 500.000 nghìn/tháng đi xe bus bị móc túi mất.
Bác Hoà
Cậu SV tâm sự: “Cháu không dám về xin thêm mẹ nữa, sợ mẹ lại nghĩ trên này ăn chơi trác táng lại đâm lo. Cháu đành tự xoay xở vậy”.
Có một cậu học trò đến ôn thi và vào quán nước bác Hòa, ăn nói tục tĩu… Bác Hòa mắng, đuổi ra ngoài. Hiện cậu SV đó thi đỗ và đang học ĐH Mở.
Một lần về trường, cậu SV ghé quán nước bác Hòa lễ phép: “Bây giờ cháu không nói tục, cháu ngoan rồi, cháu nghe bà”. Niềm hạnh phúc sáng lên trên đôi mắt nhiều nếp nhăn và đốm đồi mồi của “bà ngoại”.
Bác Gái rưng rưng khi kể: “Các cháu SV quê ở miền Trung nghèo lên đây học, 2 cháu phải chung nhau một cốc nước chè”.
Có một cháu tâm sự: “Cháu chỉ có hai bộ quần áo này, mặc đi mặc lại. Bộ này mặc mấy hôm nay rồi”.
Bác Gái thương, đem quần áo của người con trai đã mất cho cậu SV mặc.
“Cách đây 5-6 năm, SV còn có cháu nghiện ngập, ra quán nước ngồi mà cứ gật gù như người buồn ngủ, tôi nghe thấy bảo nghiện. Nhưng năm trở lại đây, tôi không gặp trường hợp nào”.
-
Lưu Vân
Bài 2: Lời tự bạch của thanh tra học đường
****************************************
Bạn nhớ gì về những "chứng nhân" giảng đường, ký túc xá thời sinh viên? Hãy chia sẻ với chúng tôi.