221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1140498
Đến trường thời high-tech
1
Article
null
Đến trường thời high-tech
,

 - "Lê la" ôm máy tính từ căng tin tới cầu thang, từ sân trường vào lớp học, SV của nhiều trường ĐH đang tận dụng tối đa sóng wifi miễn phí trong khuôn viên trường mình để phục vụ cho học tập và giải trí. Diễn đàn và chat trên Yahoo cũng trở thành trợ thủ đắc lực cho việc học tập và ôn thi của nhiều SV thời high-tech.

 

Ăn máy tính, học máy tính, “lê la” cùng máy tính

 

Như nhiều SV Trường ĐH Ngoại thương khác, Vũ Thúy An có thể ôm laptop "lê la" bất cứ đâu trong trường để online tìm tài liệu học tập. Ảnh: Lan Hương

Bước vào khuôn viên Trường ĐH Ngoại thương, bất cứ đâu cũng có thể gặp hình ảnh SV một mình ôm laptop, “gặm” bánh mì trong căng tin, hoặc túm tụm trên ghế đá sân trường, thậm chí là “lê la” trên cầu thang gõ máy tính lạch cạch.

 

Hơn một năm nay, Trường ĐH Ngoại thương đã phủ sóng wifi toàn trường và mở thoải mái cho tất cả SV. Hiện nay, trường có tất cả 11 điểm phát, không giới hạn về thời gian cũng như dung lượng truy cập đối với SV.

 

Sơn Hải, SV K44 lớp Nga 1 Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế bày tỏ: “Từ khi trường có wifi, việc học tập của bọn em tiện lợi hơn nhiều. Nhiều thầy cô cho phép SV mang máy tính vào lớp để ghi chép ngay trên chính máy tính của mình. Ngay trong giờ học, bọn em có thể tìm tài liệu trên mạng để phục vụ cho bài học và thảo luận.”

 

Vũ Thúy An, SV K47 lớp Trung Kinh tế cho biết mặc dù tín hiệu wifi không được ổn định và đồng đều nhưng SV thường có kinh nghiệm lựa chọn vị trí để bắt sóng tốt nhất.

 

“Bọn em cũng có thể nghe nhạc, đọc báo, giải trí vào giờ nghỉ. Vì thế bạn nào có laptop cũng đều cố gắng tận dụng wifi của trường.” – Thúy An hào hứng.

 

Không chỉ Trường ĐH Ngoại thương mà hiện nay, nhiều trường ĐH ở Hà Nội như ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Kinh tế Quốc dân, HV Ngân hàng... cũng đã bắt đầu phủ sóng wifi ở một số điểm cho SV truy cập internet ngay tại trường.

 

Một số trường khác như HV Bưu chính Viễn thông, Trường ĐH Thủy lợi cũng có nhiều điểm phát sóng nhưng yêu cầu SV phải đăng ký mới được sử dụng.

 

Từ khi các trường có wifi, nhiều SV đi đâu cũng “ôm” máy tính, luôn trong tư thế sẵn sàng bật máy, làm bài tập, đọc tài liệu ở khắp nơi.

 

Vũ Phong, SV năm thứ 2 Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Vì được sử dụng wifi “free” (miễn phí) nên dù hơi lạnh và... nhiều muỗi nhưng dân SV bọn em vẫn ôm máy tính lên nhà 5 của trường ngồi chật kín.”

 

Cũng theo Phong, việc truy cập thoải mái internet ở trường giúp SV làm việc nhóm thuận lợi hơn do có thể vừa thảo luận, vừa tìm tư liệu, chuẩn bị slide ngay sau giờ học hoặc giờ nghỉ.

 

Học mà “chat”, “chat” mà học

 

Tranh thủ giờ ăn trong căng tin nhưng vẫn không rời mắt khỏi máy tính. Ảnh: Lan Hương

Trước kia, diễn đàn ảo hay Yahoo Messenger thường được coi là công cụ để giới trẻ vào chơi đùa, giải trí, thậm chí lợi dụng để chửi bới, mạt sát nhau. Nhưng hiện nay, ngày càng nhiều bạn trẻ sử dụng các công cụ này như những tiện ích phục vụ cho học tập.

 

Trang Đài, SV lớp tiếng Anh Tài chính Ngân hàng, HV Ngân hàng cho biết, tuy mới vào năm thứ nhất nhưng lớp Đài đã lập một diễn đàn riêng trên mạng để tải các bài giảng của thầy cô lên. Các nhóm cũng chủ động đưa bài thảo luận của mình lên để trao đổi chéo với nhau, tạo thành một “kho” dữ liệu điện tử của lớp.

 

“Thời gian học trên lớp không nhiều nên bọn em tải bài giảng, bài tập về cho tiện theo dõi và cũng hỗ trợ cho ôn thi sau này.” – Trang Đài chia sẻ.

 

SV này còn cho biết thêm các giảng viên tiếng Anh cũng gửi bài tập môn nghe vào email của lớp. SV chỉ cần lên mạng tải về, viết lời thoại và mail lại cho cô chấm điểm. Quy trình rất nhanh chóng và thuận tiện giúp SV không phải đi lại tới trường nhiều lần.

 

Hầu như SV nào hay lướt web cũng có nick trên Yahoo Messenger nên ngoài giờ học, SV thường trao đổi thông tin, bài vở qua chat YM. Chỉ cần một dòng tin nhắn và vài cú nhấp chuột là thông tin có thể chuyển tới toàn bộ bạn bè trong danh sách.

 

Lan Dung, SV HV Báo chí và Tuyên truyền cho biết do nhà cách xa nhau, ngoài giờ học tập trung khó nên SV thường lập conference (hội thảo trên mạng) với một nhóm khoảng 5 người cùng trao đổi, thảo luận. Vì gõ trên máy tính nên có thời gian để xem xét lại ý kiến của mình cũng như của các bạn khác. Bên cạnh đó, Yahoo cũng có chế độ lưu trữ tin nhắn nên có thể xem lại bất cứ lúc nào, rất tiện cho việc ôn tập.

 

Độc đáo hơn, Hoàng Hiền, SV lớp Tài chính công K43/01.03, HV Tài chính cho biết: Đến mùa thi, bọn em có thể dùng chat voice (trò chuyện bằng tiếng qua mạng như gọi điện thoại) để cùng nhau ôn bài, thậm chí làm thi vấn đáp thử. Khác với thi thật chỉ tập trung vào một nội dung, bọn em hỏi bất thình lình về một vấn đề gì đó cũng phải trả lời vì có thể trong quá trình ôn bài, mình còn bỏ sót các ý thì bạn sẽ phát hiện cho. Bên cạnh đó, tự đặt được câu hỏi tức là cũng nắm được kiến thức rồi.”

 

Cũng theo Hiền, nhờ thảo luận trên mạng mà có thêm nhiều bạn cùng chia sẻ kiến thức vì ở lớp thấy bạn nào thảo luận về vấn đề mình quan tâm thì có thể tới xin nick để về chat. Vì thế mà có nhiều bạn tuy ở ngoài không quen biết nhau, nhưng trên thế giới ảo lại trở thành “đôi bạn cùng tiến”.

  • Lan Hương

Loạt bài "Giảng đường chuyển động"

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,