221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1142412
Giảng đường chuyển động qua thảo luận
1
Article
null
Giảng đường chuyển động qua thảo luận
,
  - Thảo luận đã mang lại những thay đổi tích cực cho giảng đường. Hạn chế được nhận diện và tìm cách khắc phục bằng nỗ lực cả từ phía SV và giảng viên... Nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi sau khi VietNamNet đăng tải bài viết "Đột nhập" một giờ thảo luận
 
“Làn gió mới” từ thảo luận
 
SV cần tận dụng những ưu điểm của thảo luận để phát triển kỹ năng mềm. Ảnh một buổi tập huấn về kỹ năng mềm cho SV Trường ĐH Thương mại. Ảnh: Lan Hương
Minh Hiển, SV lớp K42I2, Trường ĐH Thương mại, cho rằng bỏ qua một số hạn chế thì thảo luận có nhiều điểm ưu việt hơn so với “học chay” vì “đem lại cơ hội kiểm tra, tích lũy kiến thức cũng như củng cố nhiều kĩ năng làm việc nhóm và tương tác giữa thầy và trò. Rất nhiều bạn đã thể hiện được khả năng học tập của mình qua các giờ thảo luận.

Chia sẻ điều này, SV Trần Thế Dũng, lớp K41I3 tin rằng thảo luận mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho SV như sử dụng thành thạo các phần mềm soạn thảo văn bản, sử dụng email…, có cơ hội luyện tập nói trước đám đông.

Chịu khó cập nhật các tin tức thời sự kinh tế, Vũ Anh Tuấn, SV lớp K41E5a nhận thấy thảo luận nhóm đã giúp cậu thử nghiệm ngay những kiến thức về quản trị đối với nhóm.

Một SV ở lớp K42 I4, Trường ĐH Thương mại cho hay, khi làm thảo luận môn Marketing căn bản, bạn phải đến thực tế tại Công ty Trần Anh vào tất cả các buổi sáng trong vòng một tuần để xem xét hoạt động kinh doanh của công ty. 

Còn theo Trần Việt, SV năm thứ hai, lớp vừa có một buổi thảo luận rất thú vị. Có nhóm thì tự làm clip quảng cáo, có nhóm đóng kịch. Nhóm của Việt làm slide và clip về các chiến dịch quảng cáo và PR của Công ty Honda. Để có được sản phẩm này, nhóm đã phải liên lạc trực tiếp với công ty, nhờ thế mà rèn luyện được khả năng giao tiếp và thích ứng.

PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Trưởng khoa Thương mại Điện tử, Trường ĐH Thương mại cho biết hiện nay khoa đã thiết lập quan hệ chặt chẽ, lâu dài với khoảng 30 doanh nghiệp.

“Đề tài thảo luận cho SV chính là những vấn đề nảy sinh từ trong thực tế hoạt động của những doanh nghiệp này, được giảng viên cụ thể hóa bằng các case-study. Bài tập thảo luận của SV chính là yêu cầu dùng lý luận soi sáng thực tiễn.” – ông Minh nhấn mạnh.

Khoa còn giới thiệu SV đi thực tế tại các doanh nghiệp lấy thông tin, số liệu để hoàn thành bài thảo luận. Thậm chí, các doanh nghiệp còn tham gia các buổi thảo luận online hoặc trực tiếp tới tham dự thảo luận trên lớp để giải đáp các thắc mắc của SV.

Quá tải

Một buổi thảo luận online giữa doanh nghiệp và SV khoa Thương mại Điện tử, Trường ĐH Thương mại. Ảnh chụp màn hình.
Nhiều SV đề nghị chỉ nên thảo luận một số môn, không nên tiến hành đại trà bắt buộc với toàn bộ các môn học.

Trần Xuân Lưu, SV K42D1, Trường ĐH Thương mại cho biết đã làm việc nhóm và thảo luận rất nhiều nhưng chất lượng thảo luận không cao. Những môn về xã hội và kinh tế, không khí thảo luận còn sôi nổi chứ các môn mang tính chất tính toán thì hầu như các nhóm chỉ làm qua loa cho có sản phẩm nộp.

Thân Hoàng Hà cho rằng lớp học quá đông (phổ biến ở mức 120 SV/lớp) mà tất cả các môn đều đặt ra tiêu chí SV nào cũng được thảo luận, nhóm nào cũng được thể hiện (thuyết trình hoặc phản biện) nên thảo luận diễn ra quá nhiều.
 
“3 buổi đầu SV còn hào hứng chứ tới buổi thứ 3 thì hầu hết đều cảm thấy rệu rã, chỉ mong kết thúc cho xong dẫn tới thảo luận chỉ còn mang tính hình thức.”

“Mặt khác thời gian thảo luận thường rơi vào cuối học kỳ, và liên tục trong 1 tháng, lúc đó ai cũng lo ôn bài để thi cuối kỳ nên càng những môn cuối chất lượng các buổi thảo luận càng giảm.” – Nguyễn Thành Trung, một cựu SV Trường ĐH Thương mại chia sẻ.

Trao thêm quyền chủ động cho SV

Theo SV Nguyễn Tuấn Anh, khả năng trình bày hạn chế của SV khiến thảo luận kém hiệu quả hơn vì dù đã chuẩn bị nội dung thuyết trình rất tốt “nhưng hầu hết các bạn chỉ biết cầm giấy đọc đều đều làm các nhóm khác rất khó nắm bắt nội dung, cũng như tạo cảm giác nhàm chán trong giờ thảo luận.”

Một số bạn chia sẻ rằng bên cạnh nhiều giảng viên nhiệt tình và dạy tốt, vẫn còn những giảng viên quá “lạc hậu, chỉ chăm chăm vào giáo trình, không bao giờ cập nhật thực tế. SV thảo luận thì thầy không nghe, toàn ra ngoài nghe điện thoại, nhận xét không chính xác. SV đang thảo luận thì cứ hỏi “xong chưa” để đi về.

Rất nhiều độc giả cho hay ý thức làm việc kém của một bộ phận SV đang gây cản trở với hình thức thảo luận và làm bài tập nhóm.

Trần Xuân Lưu, SV K42D1 bày tỏ: “Em rất hiểu cảm giác hò hét các bạn làm bài mà không ai chịu làm. Em vừa nộp một bài thảo luận của nhóm trong môn Phân tích Kinh tế Doanh nghiệp Thương mại. Nhóm có 11 người mà chỉ có 3 người làm căng ra đến tận 11h tối mới xong để sáng hôm sau nộp.”

Ông Nguyễn Bình Minh, Phó trưởng khoa Thương mại Điện tử, Trường ĐH Thương mại cho biết sĩ số lớp đông đúng là một hạn chế nhưng vẫn có cách để quản lý.

Ở những lớp từ 80 đến 120 SV, sẽ đánh số SV, số nhóm. Khi SV lên hỏi hoặc trả lời trên lớp chỉ cần nói mã số, giảng viên có thể tra được tên sau đó. Các câu hỏi, đáp của SV đều được đánh giá cụ thể theo thang giá trị quy ước. Cuối kỳ, GV tổng hợp từ đánh giá biểu hiện SV trên lớp và đánh giá làm việc của các nhóm để cho điểm.

Thân Hoàng Hà cho rằng làm việc nhóm chỉ có hiệu quả khi sự chủ động thuộc về SV, ngay từ việc lựa chọn nhóm trưởng. Hoàng Hà đề xuất: “Để đảm bảo sự bình đẳng, phòng Đào tạo chỉ nên lập danh sách nhóm còn việc lựa chọn nhóm trưởng để SV tự ứng cử, tranh cử và biểu quyết. Như vậy, nhóm trưởng sẽ tâm huyết và sẽ có bài thảo luận chất lượng hơn.”

Để khắc phục tình trạng thảo luận kém hiệu quả, theo Nguyễn Tuấn Anh, SV năm cuối khoa Thương mại Quốc tế cho biết, giảng viên đã có nhiều biện pháp như: cộng điểm cho các nhóm có tinh thần và có chuẩn bị phản biện, đánh giá điểm theo tỉ lệ (thường là 1/3 loại A, 1/3 loại B, 1/3 loại C) để tránh cào bằng điểm, khuyến khích sử dụng slide để thuyết trình, tập trung nhiều vào phần ứng dụng thực tiễn của đề tài.

Giảng viên Trần Hoài Nam, Khoa Thương mại Điện tử cho rằng việc luân phiên nhóm trưởng là cần thiết để tạo cơ hội công bằng cho tất cả SV.

  • Lan Hương

Không nên coi thảo luận là "chữa cháy"

Không thể phủ nhận được rằng, trong các buổi thảo luận nhóm, sinh viên đóng vai trò quan trọng và họ phải chủ động. Nhưng giảng viên cũng đóng góp 50% cho hiệu quả của buổi thảo luận. Trong những buổi học thảo luận đòi hỏi kỹ năng làm việc nhóm cao. Vì vậy, rất cần người có khả năng tập hợp các thành viên, phát huy tính chủ động,sáng tạo của các thành viên trong nhóm.

Vai trò của giảng viên là tìm ra người có khả năng đó hoặc đào tạo được sinh viên khả năng này. Bên cạnh đó, việc định hướng buổi thảo luận, chọn đề tài cho cuộc thảo luận cũng quyết định đến hiệu quả của buổi thảo luận. Hiện nay, có không ít giảng viên dùng cách dạy học theo phương pháp mới "cho sinh viên tham gia vào bài giảng" để nhằm lấp khoảng thời gian trống. Vì thực tế, giảng viên không đủ khả năng để nói hết giờ.

Thiết nghĩ, để cách học thảo luận hiệu quả, giảng viên cũng cần phải có năng lực, thực sự coi đó là một phương pháp dạy hiệu quả chứ không phải coi "thảo luận" là cách để "chữa cháy" cho khả năng còn yếu kém của mình.

(Bạn đọc Nguyễn Huyền, Hoàng Mai, Hà Nội)

Vượt qua "rào cản" chính chúng ta

Thảo luận là một cách thức học mới được áp dụng tại các trường ĐH Việt Nam. Nhưng chúng ta đã đi sau thế giới cả chục năm. Đây là vấn đề chung, không còn là chuyện của một mình trường Thương mại nữa.

Vấn đề của giảng viên: Cách sắp xếp thời gian không khoa học. Để sinh viên chuẩn bị bài thảo luận đến 2h sáng, rồi không được thuyết trình. Về mặt sinh viên, họp nhóm không đi, giao việc thì không hoàn thành, làm sơ sài,...nhưng lúc nào cũng đòi xếp loại A, B. Lo đi học và lo về ăn cơm không đói, hoặc mau mau về không trời tối...

Vậy nguyên nhân là gì? Rào cản, bức tường lớn nhất chính là bản thân chúng ta. Thử hỏi mỗi giảng viên gương mẫu cho sinh viên noi theo, làm đúng thì liệu sinh viên có nghe, có phục? Và mỗi sinh viên phải cần gì? Phải thay đổi cách sống, cách học của mình. Tôi không phải là nêu ra để dạy mọi người, vì tôi chưa đủ khả năng để làm điều đó. Tôi chỉ muốn góp ý để mỗi sinh viên hãy tự nhủ, thay đổi bản thân. Để rào cản chúng ta chính là"bản thân chúng ta".Vượt qua nó chúng ta đã thành công.

(Bạn đọc onedoanxa, lớp CĐ 11C2, ĐH Thương mại)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,