- Bộ nên giao quyền tự chủ cho các trường trong tuyển sinh đại học - cao đẳng, để các trường có thể xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp hơn. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại buổi hội thảo “Đổi mới tuyển sinh ĐH – CĐ” diễn ra tại ĐHQG TP.HCM ngày 19/12.
Tuyển sinh là việc của các trường
Thí sinh dự thi ĐH, CĐ năm 2008. Ảnh Đ.T |
Theo Ths Cường nếu làm được điều này thì sẽ dẫn đến việc bãi bỏ kỳ thi quốc gia như hiện nay và các trường được quyền tự quyết định phương thức tuyển sinh phù hợp.
Về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Văn Trình – Phó trưởng Khoa Kinh tế (ĐHQG HCM) – đề nghị: “Chúng ta cần thực hiện kỳ thi tú tài cho tốt, và kết quả thi tú tài sẽ là cơ sở để các trường đại học tự xét tuyển theo tiêu chuẩn của từng trường. Cần quản lý đầu ra thật chặt, thí dụ: một giảng đường 10.000 SV nhưng khi tốt nghiệp chỉ còn 10 người. Trường nào dạy giỏi thì người học đến nhiều, trường dạy không tốt thì không ai học”.
Tại buổi hội thảo, khá nhiều đại biểu tán thành quan điểm để các trường đại học, cao đẳng tự chủ trong tuyển sinh. TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nhấn mạnh: “Chúng ta phải đa dạng hóa hình thức tuyển sinh, mỗi năm được thi tuyển nhiều lần. Công việc tuyển sinh là của các trường. Nếu Bộ cứ ôm khư khư rồi tổ chức một năm chỉ một kỳ thi sẽ tạo ra áp lực không cần thiết. Bộ nên giao cho các trường quyền tự xét tuyển, tự có phương án tuyển sinh”.
Phân tích về quan điểm này, PGS Nguyễn Thị Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và Nghiên cứu phát triển giáo dục (ĐHQG Hà Nội), nói: “Không nên dùng kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 để tuyển chọn vào đại học. Vì các trường đại học đào tạo các ngành khác nhau theo từng năng khiếu, sở thích của học sinh”.
PGS Nga đưa ra kiến nghị: “Việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông nên để cho các địa phương làm, còn việc của các cấp quản lý vĩ mô là đưa ra tiêu chuẩn về chất lượng của đề thi. Còn thi đại học thì để các trường đại học tự chọn phương án tuyển sinh, và được tuyển sinh nhiều lần trong một năm. Học sinh có thể thi thử và có thể thi nhiều lần, không có sự căng thẳng”.
TS Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo của ĐHQG HCM, cho rằng, các trường và các ngành đào tạo có các mục tiêu và yêu cầu khác nhau nên không thể có một phương án tuyển sinh tối ưu chung, mà cần thiết phải có sự phân biệt giữa các nhóm ngành, trường khác nhau.
Kiến nghị bỏ thi đại học
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng ĐH Hồng Bàng, nói: “Tại sao chúng ta mãi lo tuyển sinh mà không quan tâm tới quá trình đào tạo? Trước đây, chúng ta không hề có tuyển sinh. Chúng ta nên sàng lọc trong quá trình đào tạo chứ không phải sàng lọc đầu vào. Chúng ta đang quan tâm tới đầu vào quá nhiều và tốn nhiều công sức”.
Theo TS Hùng, hiện nay các trường được giao chỉ tiêu để đào tạo và việc này cũng là một loại hình tuyển sinh; nếu cứ giữ mãi hình thức thi tuyển như thế này thì hết sức tốn kém và căng thẳng.
Cùng quan điểm này, PGS. TS Nguyễn Văn Trình đề xuất: “Theo tôi, nên chăng chúng ta bỏ thi đại học? Thay vào đó, chúng ta tập trung làm nghiêm túc, công bằng kỳ thi tú tài là được. Sau đó, các trường đại học, cao đẳng sẽ có phương án tuyển sinh cho riêng mình”.
Khá nhiều đại biểu cũng đồng tình với phương án bỏ thi. Tuy nhiên, PGS – TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐHQGHCM cho rằng: “Nếu bỏ thi lúc này thì sẽ loạn!”.
Ông Nghĩa nói: “Chúng ta thử hình dung nếu không thi nữa thì các trường sẽ làm gì, Bộ làm gì, thí sinh sẽ như thế nào? Tôi không chủ trương bỏ thi ngay. Ngay cả nếu bỏ thi thì chúng ta phải đưa ra một định hướng để thi sinh biết nên làm gì, để tránh xảy ra cảnh hàng ngàn thí sinh và phụ huynh chen lấn vào một trường nào đó để xét tuyển thi, còn những trường khác không có ai tới đăng ký”.
Xét trên tình hình thực tế hiện nay, TS Vũ Thị Phương Anh cho rằng: “Nếu theo đề án đổi mới tuyển sinh của Bộ thì việc đưa ra các phương án tuyển sinh phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng trường ngay bây giờ là vấn đề cấp thiết”.
TS Phương Anh cũng giới thiệu 3 phương án tuyển sinh mới: Đối với những trường, ngành không đặc thù, không có tính cạnh tranh cao và không sử dụng kinh phí của Nhà nước thì có thể xét tuyển dựa kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ. Còn các trường, ngành đặc thù, có tính cạnh tranh cao hoặc đòi hỏi năng lực, năng khiếu thì xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp và thêm một kỳ thi riêng.
Đối với các hệ đào tạo đặc biệt (hoàn thiện đại học, văn bằng 2…) thì các trường có thể xét tuyển bằng hình thức ghi danh kèm theo các yêu cầu tối thiểu.
Mặc dù còn nhiều vấn đề cần phải xem xét thêm, nhưng hầu hết các ý kiến đều thống nhất là ngành giáo dục nên có một lộ trình chuẩn bị cho kỳ thi chung. Đồng thời, các trường đại học phải được giao quyền để có phương án tuyển sinh phù hợp với sứ mệnh đào tạo của mình.
-
Đoan Trúc