- Tăng trách nhiệm và quyền hạn cho địa phương, xem trẻ em vùng khó được tiếp cận môi trường giáo dục hiệu quả như thế nào sẽ thuyết phục hơn những con số xây mới bao nhiêu phòng học.
Các nhà tài trợ khuyến nghị như vậy tại hội nghị đánh giá hoạt động các dự án (DA) giáo dục của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam tổ chức ngày 12/12, tại Hà Nội.
Tiêu tiền chậm
Theo ông Trương Thanh Hải, Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), sau gần 10 thực hiện vay vốn ODA, đã có 3 dự án (DA) hoàn thành nhưng cả 3 đều giải ngân không hết.
Toàn cảnh hội nghị tổ chức ngày 12/12 (Ảnh T.L)
Cụ thể, DA giáo dục tiểu học bằng vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) - DA ODA đầu tiên cho giáo dục- giải ngân được 97% (khoảng 77 triệu USD). DA giáo dục ĐH 1 tiêu được 83% ngân sách. Tương tự, DA phát triển giáo viên tiểu học đến khi hoàn thành giải ngân được trên 80%.
Trưởng Ban điều phối DA Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC) Đặng Tự Ân nêu thách thức: thời gian thực hiện DA chỉ còn 12 tháng, nhưng kinh phí còn nhiều chưa biết giải ngân thế nào vì quy trình xây dựng các thủ tục triển khai vẫn tiếp tục quá chậm do cả yếu tố khách quan và chủ quan. Do đó, đến thời điểm này, vốn vay còn khoảng 40% chưa có kế hoạch giải ngân, trong khi đó vốn viện trợ đã tiêu hết trên 96%.
Cần phân quyền cho địa phương
Đứng ở góc độ nhà tài trợ chính, ông Jeffrey Waite (WB) cho rằng, việc chậm là do giáo dục Việt Nam còn nặng thực hiện quản lý tập trung, chưa phân cấp mạnh cho các địa phương. Mặt khác, hệ thống quản lý, lập kế hoạch thực hiện DA và tập hợp thông tin còn mang mún…
9 dự án ODA Bộ GD-ĐT đang triển khai với tổng kinh phí là 815,2 triệu USD, trong đó: vốn vay là 514 triệu USD; vốn viện trợ 167,8 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ là 183,4 triệu USD. |
“Việt Nam cần giải quyết vấn đề trong hợp tác và quản lý dự án. Sự liên lạc, phối hợp giữa những bộ phận khác nhau trong cùng một bộ hoặc giữa các địa phương đôi khi còn chồng chéo, khó khăn” – ông Emanuel Jimenz, Giám đốc Phát triển Nguồn nhân lực khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết thêm.
Theo bà Bridget Crumpton, Phó Giám đốc thường trực, Vụ Phát triển Quốc tế (Chính phủ Anh), bài học ở đây là càng phân quyền cho địa phương thì tốc độ triển khai và đạt kết quả càng nhanh. Hơn nữa, đôi khi, những thông điệp mà cấp trung ương chuyển tải xuống lại không phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Vì thế, cần tăng cường trách nhiệm và quyền hạn cho địa phương để tăng tốc dự án và cho phép họ tự lựa chọn mục tiêu ưu tiên của mình.
Hiệu quả: Không phải số tiền tiêu được
Hầu hết các DA sử dụng vốn vay ODA chung mục đích “nâng chất lượng giáo dục Việt Nam, rút ngắn khoảng cách cho trẻ vùng khó tiếp cận môi trường giáo dục, nâng cao năng lực quản lý…”. Tuy nhiên, hiệu quả giải ngân vốn ODA như thế nào được các nhà tài trợ quan tâm.
Khi thuyết trình, Trưởng Ban điều phối DA PEDC Đặng Tự Ân có nêu 1 số kết quả: đã có 13 chương trình tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý, cộng đồng đang phát triển tại các trường tiểu học; 130 sáng kiến giáo dục được trao giải đã và đang hỗ trợ tích cực cho trẻ vùng khó; Xây mới và sửa chữa hơn 8.000 phòng học tại 3.000 điểm trưởng tiểu học cùng nhà vệ sinh.
Bà Bridget Crumpton đề xuất Bộ GD-ĐT cần có thêm những đánh giá thường xuyên về kết quả học tập đầu ra của HS. "Quan trọng nhất HS học được gì từ trường chứ không đơn giản là xây được bao nhiêu phòng học, mua được bao nhiêu cuốn sách…”
Đại diện bên “tiêu tiền”, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long nêu quan điểm “các nhà quản lý giáo dục Việt Nam luôn quán triệt sử dụng từng đồng USD đảm bảo chất lượng và hiệu quả”. Một điều có thể khẳng định, nguồn ngân sách ODA không làm giảm ngân sách của Chính phủ Việt Nam đầu tư cho giáo dục. Do đó, ngân sách vốn ODA chiếm khoảng 5%/ năm đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, Thứ trưởng nói. Do vậy, năm 2009 có thể Việt Nam sẽ được đưa ra khỏi danh mục các nước nghèo, nhưng vẫn mong nhận được đầu tư từ phía các nhà tài trợ.
Tuy nhiên, ông Emanuel Jimenz cho rằng, hiệu quả của việc thực hiện các DA giáo dục vốn vay ODA không chỉ nhìn nhận ở góc độ giải ngân. Xem xét trẻ em vùng khó được tiếp cận môi trường giáo dục hiệu quả như thế nào sẽ thuyết phục hơn những con số xây mới bao nhiêu phòng học.