221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1134917
Đi học "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu"
1
Article
null
Đi học 'luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu'
,

- Không chỉ “học ăn, học nói” mà còn được học nghe, học ngồi, học bắt tay, học cách thảo luận, thậm chí học cả cách... mặc cả khi mua hàng nữa. Môn học Kỹ năng Giao tiếp và Làm việc nhóm đang khiến SV Trường ĐH Thủy lợi rất hào hứng vì được học rất nhiều điều tưởng như đơn giản trong cuộc sống, nhưng từ trước đến nay đều chỉ biết làm theo thói quen nên đôi khi vẫn mắc sai lầm hoặc làm người khác phật ý.

Lớp học hình chữ U

 

Bàn ghế được kê thành hình chữ U để dành "sân khấu" giữa lớp cho SV thể hiện. Ảnh: Lan Hương

16h chiều 1/12, bàn ghế trong phòng 101 B1 của Trường ĐH Thủy lợi được kê lại thành hình chữ U để chuẩn bị cho giờ học môn Kỹ năng Giao tiếp và Làm việc nhóm.

Từ trước đó nửa tiếng, 40 SV của lớp N0.10 được chia thành 6 nhóm hối hả hoàn thành nốt những công đoạn cuối cùng của bài thuyết trình để trình bày trước lớp.

Những tuần trước, các nhóm đã tự chọn chủ đề về đời sống xã hội bất kỳ và triển khai làm tiểu luận để nộp cho giảng viên.

Các nhóm đều lựa chọn những chủ đề đang "nóng" hiện nay như chung cư xuống cấp ở Hà Nội, lũ lụt thủ đô, internet với SV, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm sông Tô Lịch, thời trang học đường để phân tích nguyên nhân, thực trạng và đề ra giải pháp.

Mỗi nhóm phải cử 2 thành viên lên thuyết trình nội dung của tiểu luận trong vòng 10 phút để các nhóm khác và giảng viên góp ý, chấm điểm.

"Xung phong" lên thuyết trình đầu tiên với đề tài "Thực trạng chung cư xuống cấp ở Hà Nội" nhưng 2 thành viên của nhóm "Hope Star" hơi mất bình tĩnh, thậm chí đôi khi cầm cả quyển tiểu luận lên đọc một lèo.

Giảng viên khuyên: "Các em nên chuẩn bị những mảnh giấy bé, đặt trong lòng bàn tay, ghi chú sẵn chứ đừng cầm giấy lên đọc như vậy."

Còn nhóm "Blue Star" thì nhận xét bài trình bày của Hope Star có bố cục rõ ràng, số liệu cụ thể nhưng biểu hiện "phi ngôn từ" bao gồm ánh mắt, cử chỉ... vẫn chưa gây ấn tượng với khán giả.

Đến lượt nhóm mình trình bày, Blue Star thì kể một câu chuyện hài, nhóm khác lại trích dẫn một câu ca dao, có nhóm lại dùng một con số gây chấn động để thu hút sự chú ý của người nghe.

Giờ học môn Kỹ năng Giao tiếp và Làm việc nhóm luôn được coi là giờ “thư giãn” bởi SV được học trong một môi trường sáng tạo, sôi động và rất... nghệ thuật.

Truyền tin rơi rụng

 

Một buổi học cũng rất thú vị và mang lại nhiều bất ngờ khác là luyện kỹ năng lắng nghe.

4 SV được mời lên trước lớp, từng người bị bịt mắt lại và được phát cho 1 tờ giấy giống nhau. Sau đó cả 4 người cùng xé giấy theo hướng dẫn của cô giáo. Kết quả, mỗi người xé tờ giấy thành một sản phẩm khác nhau. Điều đó chứng tỏ, cùng một thông điệp, nhưng mỗi người nghe và hiểu theo một cách khác nhau. Hơn nữa, nếu chỉ nghe mà không được trao đổi lại thì có thể dẫn đến hiểu lầm.

Hay một bài tập khác là “truyền tin”. 15 thành viên trong 1 nhóm sẽ lần lượt truyền 1 thông điệp cho nhau, từ người đầu tiên cho tới người cuối cùng.

Triệu Mạnh Tuấn, SV lớp 50M2, Khoa Cơ khí cho biết: “Hôm đó, bạn đầu tiên trong nhóm em đọc 1 thông điệp khá dài về quy tắc bắt tay nhưng truyền tới người thứ 15 thì chỉ còn 1 câu ngắn ngủn là: Bắt tay từ 3 đến 5 giây. Các thông tin còn lại “rơi rớt” hết trên đường đi rồi!”

Tuấn tâm sự: “Trước kia em chỉ biết “nghe” theo kinh nghiệm, bây giờ đã biết thêm nhiều quy tắc để “nghe” người khác tốt hơn.

Cũng như Tuấn, nhiều SV khác chia sẻ rằng nghe cũng là cả một nghệ thuật. Nghe thế nào cho hiệu quả, để lĩnh hội được thông tin, thấu cảm với nghe thế nào để khơi gợi được cảm hứng của người nói là kỹ năng không dễ hình thành nhưng hoàn toàn có thể học được.

Trong cả khóa học, SV còn được đóng kịch theo những kịch bản do thầy, cô biên soạn, từ đó rút ra những bài học về giao tiếp.

Có lúc thì cả lớp lại chia thành nhiều nhóm để cùng nhau xếp hình từ những miếng ghép nhỏ trong bài tập về phối hợp làm việc nhóm.

Nguyễn Thị Hiền, SV lớp 50KT2, đặc biệt ấn tượng vì được diễn một vai trong hoạt cảnh đối thoại giữa người bán và người mua trong một cửa hàng giầy. Qua đó, cả lớp cùng thảo luận, tìm ra phong cách phù hợp với người bán để có thể thu hút khách hàng và phong cách người mua để thuyết phục người bán giảm giá cho mình.

Trước kia mỗi lần theo anh trai đi gặp đối tác, Hiền chỉ dám ngồi im. Còn bây giờ đã tự tin bắt tay, trò chuyện với khách hàng.

70% SV tự tin trong giao tiếp

 

Giảng viên đang góp ý cho bài thuyết trình nhóm của SV. Ảnh: Lan Hương

Môn học này mới có “tuổi đời” hơn 1 năm nhưng đã được Trường ĐH Thủy lợi “ưu ái” xếp vào học phần bắt buộc với 3 tín chỉ dành cho SV năm thứ nhất.

 

 

Bà Đặng Tùng Hoa, Trưởng bộ môn Phát triển Kỹ năng, Trường ĐH Thủy lợi cho biết: “Kỹ sư thủy lợi đâu chỉ biết có giấy tờ thiết kế với trạm bơm mà còn phải trình bày trước đối tác, thuyết phục đối tác chấp nhận thiết kế của mình. Đó là một trong những cơ sở để trường đưa môn này vào giảng dạy chính thức.”

Bộ môn Kỹ năng mất khoảng 1 năm để xây dựng chương trình với sự giúp đỡ ban đầu của các chuyên gia nước ngoài. Để liên tục cải tiến bài giảng, tất cả các giảng viên đều phải liên tục cập nhật, điều chỉnh. Hàng tuần, bộ môn đều tổ chức thảo luận chuyên môn để cùng trao đổi và huấn luyện lẫn nhau.

Ban đầu, SV còn hoài nghi, thậm chí thấy môn này hơi “kỳ kỳ” vì không biết sẽ học ra sao. Nhưng càng học lại càng thấy hấp dẫn và cần thiết. Nhiều bạn về khoe với bạn bè trường khác nên thỉnh thoảng lại có vài SV các trường khác tới “thập thò” xin “học ké”. Thường thì giảng viên cũng đồng ý nếu lớp không quá đông.

Ngày đầu tiên, không khí lớp thường trầm lắng, một số SV rụt rè tới mức không dám đứng dậy giới thiệu bản thân vì chưa bao giờ nói trước đám đông. Theo bà Đặng Tùng Hoa thì đến khi kết thúc môn học, khoảng 70% SV đã rất tự tin trong giao tiếp và làm việc nhóm.

Tuyết Mai, SV năm thứ nhất, chia sẻ: “Mới đầu vào học, em rất nhút nhát, chỉ nói chuyện với một vài bạn trong lớp. Khi được phân nhóm, ban đầu em cũng chẳng đóng góp ý kiến gì nhưng càng học, em càng bị cuốn hút vào không khí sôi nổi của lớp và càng nâng cao được kỹ năng giao tiếp của mình.”

Cũng theo bà Hoa, những kỹ năng này đều tiềm ẩn trong mỗi con người nên nhiệm vụ của giảng viên chỉ là khơi gợi, kích thích để SV bộc lộ và hoàn thiện dần.

Đáng tiếc nhất là tuy đây là môn học kỹ năng và thiên về thực hành nhưng do không đủ giảng viên nên SV phải thi cuối kỳ bằng hình thức thi viết. Tuy nhiên, bà Hoa tin tưởng vẫn đánh giá được đúng năng lực của SV vì điểm cho quá trình học trên lớp chiếm tới 40%.

Sang học kỳ II, trường sẽ triển khai thêm một môn mới là môn Kỹ năng Tư duy. Môn học này sẽ trang bị cho SV tư duy phê phán, bảo vệ được chính kiến của mình.

  • Lan Hương

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,