- Trong khi hàng ngàn SV đang “è cổ” tối ngày “tụng” cả quyển giáo trình dày cộp chuẩn bị cho kỳ thi kết thúc học phần thì có những SV “học như chơi”, vừa làm bài thi vừa nghe nhạc, thậm chí làm bài thi tốt còn… được tiền. Những đề thi mang hơi thở cuộc sống, kích thích sáng tạo đã giúp cho SV không phải làm “mọt sách” mùa thi mà được "bùng nổ" với ý tưởng của riêng mình.
Làm bài thi tốt, được tiền
SV Học viện Báo chí và Tuyên truyền đang làm chương trình trong studio của trường. Ảnh: nghebao.vn
Buổi thi môn “Trình bày và Ấn loát” của lớp Báo chí K06, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM diễn ra trong nền nhạc du dương của bản giao hưởng Bốn mùa. Không giấy bút loạt xoạt, không giám thị kè kè đứng “canh”, không thì thào trao đổi bài hay quay cóp vì phòng thi được tổ chức như một tòa soạn thu nhỏ.
Trong vòng 2 tiếng đồng hồ, toàn bộ SV phải tự tìm ý tưởng, tự tổ chức hoặc phối hợp chuyên đề và thiết kế tờ báo theo ý đồ của riêng mình.
SV ban đầu còn lúng túng vì đề quá “mở”, nhưng chỉ qua cơn “choáng” ban đầu, cả lớp hăm hở bắt tay vào biến những ý tưởng của mình thành hiện thực.
Chia sẻ với SV, giảng viên Ngọc Huyền, tác giả của đề thi “lạ” cho biết cô muốn SV tìm và phát huy thế mạnh của bản thân và học cách phối hợp cùng nhau.
“Sướng” không kém gì các đồng môn trong TP.HCM, những SV lớp Báo In K26 của HV Báo chí và Tuyên truyền cũng rất hào hứng với buổi thi kết thúc học phần môn Nhập môn Phát thanh diễn ra tại studio phát thanh của trường.
SV được lựa chọn 2 hướng: làm bài tập cá nhân hoặc làm tọa đàm nhóm.
Với hướng thứ nhất, trong buổi thi, các SV được phát một tin sâu hoặc một bài tường thuật. Trong vòng vài phút, SV phải viết lại thành một tin vắn và đọc ngay vào mic trong phòng studio.
Còn nếu lựa chọn làm theo nhóm, các nhóm sẽ chuẩn bị một buổi tọa đàm trên sóng phát thanh dài 15 phút với yêu cầu như một chương trình “xịn”.
Cô Vũ Thúy Bình, giảng viên Khoa Phát thanh – Truyền hình cho biết: “Các bài thi, thậm chí bài tập hàng tuần của SV đều phải đạt yêu cầu của một tác phẩm báo chí thực sự. Nhiều bài đã được lựa chọn đăng trên chương trình phát thanh nội bộ hoặc truyền hình STV do trường phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng. Vì thế, SV làm việc rất nghiêm túc vì vừa được điểm cao, vừa có tiền nhuận bút.”
Phần lý thuyết chỉ chiếm 30% tổng điểm và không kiểm tra lý thuyết “suông” mà các câu hỏi đều gắn với bài tập của SV. Chẳng hạn như tại sao lại chọn đề tài này, tại sao chọn hình thức phỏng vấn để thể hiện tác phẩm, câu hỏi nào là cốt lõi trong cả buổi phỏng vấn.
“Không SV nào “bó tay” trước đề thi cả, chỉ khác ở mức độ làm bài thôi” – cô Thúy Bình khẳng định.
Thanh Hương, SV lớp Báo In K26A2 chia sẻ: “Nhóm em chọn tọa đàm với chủ đề “Rút ngắn khoảng cách giữa cha mẹ và con cái”. Đề thi mở thế này kích thích đầu óc của bọn em “bùng nổ” hơn. Bọn em phải lên mạng, tìm kiếm các bài viết của các nhà xã hội học, bác sỹ tâm lý, trò chuyện với ông bà, bố mẹ để hiểu suy nghĩ của thế hệ đi trước.
Lần nào họp nhóm, các thành viên cũng đưa ra sáng kiến mới, tranh luận hăng hái để hoàn thiện tác phẩm. Bọn em cũng dành cả thời gian “chết” khi thi thật để “tùy cơ ứng biến” với các tình huống trong phòng thu.”
Một đề thi, nhiều đáp án
Với đề thi mở, SV được bày tỏ quan điểm riêng và thuyết phục người chấm bằng lý lẽ của riêng mình. Ảnh minh họa: thietbidien.vn
SV khóa 30, Khoa Luật Kinh tế, Trường ĐH Luật Hà Nội cũng vừa được “thử sức” với một đề thi học kỳ rất thú vị của môn Tư vấn Hợp đồng lao động.
Đề thi ra một tình huống năm 2005, công ty A ký hợp đồng lao động với 5 nhân viên bảo vệ với mức lương 2 triệu đồng/tháng, người lao động tự chi phí bảo hiểm, thời hạn hợp đồng phụ thuộc vào nhu cầu của công ty. 2 năm sau, 5 nhân viên bảo vệ này yêu cầu công ty tăng lương 2,5 triệu đồng/tháng, đóng bảo hiểm xã hội cho họ.
Trong vòng chưa đầy 45 phút, SV phải tư vấn cho doanh nghiệp trên 4 khía cạnh như xem việc ký kết hợp đồng lao động như vậy đã rõ ràng, đúng pháp luật chưa, có phải đáp ứng yêu cầu của 5 nhân viên bảo vệ không.
Nếu muốn chấm dứt hợp đồng với 5 nhân viên kia để thuê dịch vụ của công ty bảo vệ thì phải làm thế nào. Muốn cử 1 trong 5 bảo vệ đi đào tạo ở nước ngoài và sau khi về nước phải làm việc cho công ty trong một thời hạn nhất định thì phải ký hợp đồng loại gì và nêu điều khoản gì trong hợp đồng.
Thanh Hà, SV năm thứ 4, Trường ĐH Luật Hà Nội chia sẻ: “Với đề thi này, bọn em phải căn cứ vào nhiều điều luật, nhiều văn bản và mỗi SV sẽ có hướng tư vấn của riêng mình. Sau buổi thi, bọn em bàn bạc thì thấy không bạn nào trùng đáp án hoàn toàn với nhau.”
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật khẳng định hướng ra đề mở với các bài tập tình huống sẽ được khuyến khích rộng rãi trên toàn trường và đáp án cũng rất mở. SV được tự do trình bày quan điểm nhưng phải thuyết phục được người chấm chứ không bị gò ép theo đáp án mẫu nào.
Còn các SV của HV Ngân hàng lại được yêu cầu phân tích bảng báo cáo tài chính của một doanh nghiệp cho bài thi môn Phân tích Tài chính doanh nghiệp.
Hương Trang, SV năm thứ tư cho biết để làm được bài thi này, phải vận dụng cả lý thuyết xuyên suốt toàn bộ môn học lẫn tìm hiểu thực tế bên ngoài.
Bà Lê Thị Xuân, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, HV Ngân hàng cho biết các giảng viên trong khoa phải dựa vào báo cáo thực của một số doanh nghiệp, lấy một số dữ kiện cơ bản để xây dựng đề bài cho SV.
“Trong suốt quá trình học, chúng tôi cũng yêu cầu SV tìm kiếm trên mạng internet báo cáo tài chính của các công ty. Hiện nay thì yêu cầu này không khó vì rất nhiều doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán phải công khai báo cáo tài chính” – bà Xuân khẳng định.
-
Lan Hương**********************Chuyện gì đang xảy ra ở trường bạn? Nơi bạn học đang có những đổi mới tích cực nào? Mời các bạn chia sẻ thông tin, gửi bài viết cùng VietNamNet