- Nhiều trường ĐH, CĐ tuyển vượt chỉ tiêu được giao. Chất lượng đầu vào ở một số trường chỉ đạt 5 điểm/ 3 môn có thể “ung dung” học ĐH. Thậm chí, có trường thiếu người học, gọi đại thí sinh không thuộc ngành được phép đào tạo để “lấp chỗ trống”...
Thống kê những sai phạm trong xét tuyển và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008 ở 55 trường (12 trường ĐH, 19 trường CĐ, 8 trường tổ chức thi và 23 trường không tổ chức thi) vừa được Bộ GD-ĐT công bố.
“Trên bảo dưới không...nghe”?
Một góc phòng thi (Anh LAD) |
Có thể, những “hình phạt” đưa ra chưa đủ răn đe nên năm 2008 vẫn tái diễn tình trạng tuyển vượt chỉ tiêu ở nhiều trường? Dù số trường Bộ chọn thanh tra mới chỉ 55 trường/ tổng số gần 300 trường ĐH, CĐ tuy nhiên, những sai phạm đếm được trong thời gian thanh tra ngắn có thể đặt Bộ vào tình thế “trên bảo dưới không nghe”?
Trong số 55 trường Bộ GD-ĐT tiến hành thanh tra có tới 23 trường xét tuyển vượt chỉ tiêu đã đăng ký. Các trường tuyển vượt so với chỉ tiêu được giao khoảng 20% trở lên gồm: Trường ĐH Mở TPHCM hệ CĐ tuyển vượt tới 235% chỉ tiêu được giao; ĐH Hùng Vương tuyển vượt trên 168%; CĐ Bách nghệ Tây Hà tuyển vượt 51,2% ...
Do tuyển không đủ chỉ tiêu, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM “xé rào” bằng cách, ngoài việc xét tuyển thí sinh dự thi khối A như đã đăng ký trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh 2008”, nhưng khi tuyển nguyện vọng (NV)2 trường đã nhận hồ sơ và xét tuyển cả những thí sinh cho một số ngành khối B chưa được đào tạo như: Hóa học, Công nghệ thực phẩm sinh học. Thậm chí, có một số thí sinh trúng tuyển nhập học tại cơ sở ở Thái Bình, Quảng Ngãi có điểm trúng thấp hơn so với điểm chuẩn (18 điểm cho học sinh KV2 nông thôn), nhưng thí sinh gọi nhập học có điểm chỉ đạt 15 điểm/ ba môn.
Bên cạnh đó, cũng có những trường thiếu kinh nghiệm trong tuyển sinh đã ấn định điểm trúng tuyển NV1 cao vì không dự báo được lượng thí sinh “ảo”. Do vậy, quá trình tuyển sinh đã tự ý hạ điểm chuẩn không xin phép Bộ như: CĐ Kinh tế Đối ngoại...
“Đầu vào” thấp, sẽ điều chỉnh Điều 33?
Dù sau mỗi mùa tuyển sinh 3 chung (chung đề, chung đợt và chung kết quả) các chuyên gia tuyển sinh của Bộ GD-ĐT đã bỏ ra gần 1 tuần để tập hợp, thống kê...ấn định điểm “sàn” đảm bảo nguồn tuyển cho các vùng miền. Thế nhưng, quá trình xét tuyển không ít trường đã “nhanh tay” vận dụng điều 33 của quy chế tuyển sinh để hạ điểm trúng tuyển vào trường chỉ cần đạt 5 điểm, 8 điểm/ 3 môn là đậu ĐH, CĐ.
Điều 33 của Quy chế tuyển sinh quy định “đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch giữa các đối tượng ưu tiên được phép lớn hơn 1 nhưng không quá 2 điểm; với các trường đào tạo theo địa chỉ, đào tạo nhân lực cho địa phương thì mức chênh lệch giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 nhưng không quá 2 điểm”.
Kết luận thanh tra của Bộ dẫn hàng loạt trường vận dụng Điều 33 của Quy chế tuyển sinh không đúng quy định dẫn đến tổng điểm 3 môn văn hóa tuyển “đầu vào” đạt thấp như: Trường ĐH Đồng Tháp có đến 10 ngành đào tạo ĐH điểm trúng tuyển là 8 điểm.
Trường ĐH Yersin thực hiện ưu tiên giữa các khu vực kế tiếp giảm 2 điểm, đối tượng kế tiếp giảm 1 điểm dẫn đến tổng điểm 3 môn thi trúng tuyển là 5 điểm.
“Đầu vào” Trường ĐH dân lập Bình Dương nhỉnh hơn nhưng điểm trúng tuyển NV1,2 cũng chỉ cần đạt 7 điểm/ 3 môn là đậu; Trường ĐH dân lập Cửu Long điểm trúng tuyển NV1 là 6,5. Một số ngành ĐH như Công nghệ thông tin đòi hỏi kỹ năng học toán cao nhưng thí sinh trúng tuyển chỉ đạt 0,5 đến 1 điểm môn Toán.
Từ thực tế mùa tuyển sinh năm 2008, nhiều trường khó khăn trong nguồn tuyển đã vận dụng Điều 33 của Quy chế tuyển sinh giãn điểm ưu tiên khu vực và đối tượng lớn dẫn đến chất lượng “đầu vào” đạt thấp. Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Ngô Kim Khôi cho biết, để đảm bảo chất lượng tuyển sinh không quá thấp, quy chế tuyển sinh 2009 sẽ có điều chỉnh điều 33, trong đó khoảng cách điểm ưu tiên kế tiếp giữa các khu vực và đối tượng cũng sẽ rút ngắn...
-
Tùng Linh