221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1131453
Giảng viên đại học “chạy sô” như ca sĩ
1
Article
null
Giảng viên đại học “chạy sô” như ca sĩ
,

 – Do lịch dạy của giảng viên được điều chỉnh theo “sô”, nên việc sinh viên phải học vào cuối tuần hay ca ba đã trở nên phổ biến ở nhiều trường đại học, cao đẳng, nhất là các trường ngoài công lập. Thậm chí, có trường hợp SV phải vừa học vừa thi trong vòng 1 tuần để kịp thời gian cho thầy tiếp tục… chạy sô.

 

“Chưa hết giờ, thầy ơi!”

 

Giảng viên và sinh viên trong giờ thực hành. Ảnh minh họa: Đ.T

Ở nhiều lớp của Trường ĐH Mở TP.HCM, SV thường được giảng viên… xin lỗi vì đến trễ hoặc về sớm, vì các thầy cô này phải lệ thuộc vào giờ giấc của "sô". Giảng viên đến trễ vì phải chạy từ trường khác qua và cho sinh viên nghỉ sớm để tranh thủ thời gian chạy qua trường khác nữa.

 

Thiên Hương, SV năm 3 của trường nói vui: “Thầy chạy "sô", cả nhà trường và SV cũng… chạy theo thầy!”.

 

Nhiều SV ĐH Văn Hiến thì ca cẩm thời khóa biểu không giống ai.

 

Ví dụ, các bạn ở Khoa Quản trị kinh doanh được nghỉ học thứ 2, thứ 3. Nhưng ngày thứ 7 và Chủ nhật lại phải đi học. Chưa kể, thứ 6 hàng tuần phải học tới… 12 tiết (sáng 5, chiều 5 và tối 2).

 

SV Mai Hoàng, ĐH Văn Hiến cho hay, chiều Chủ nhật mà phải đi học. SV đã có kiến nghị thầy đổi lịch học nhưng không được vì thầy chỉ còn rảnh ngày Chủ nhật. Những ngày còn lại trong tuần, thầy có lịch ở trường khác.

 

Lớp của Vân Sơn, SV ĐH Mở TP.HCM, thỉnh thoảng được… nghỉ học vì giảng viên bận đột xuất. Còn chuyện giờ học bị “gia giảm” thì thường xuyên hơn. Có thầy, khi vào lớp không nhớ bài hôm trước đã giảng đến phần nào rồi. Sơn nói: “Thậm chí, có thầy còn đi nhầm phòng học nữa”.

 

Thầy càng giỏi, càng đắt “sô”

 

Không phải thầy cô nào cũng có “sô” để chạy. “Sô” nhiều chỉ có ở những giảng viên giỏi và có uy tín. Và tất nhiên là họ luôn bận rộn với lịch dạy dày đặc, có khi trong suốt cả tuần. 

 

Một trong những giảng viên đó là Thạc sĩ H.T.P. Nhà ở quận 12 nên mỗi buổi sáng thầy P. phải rời khỏi nhà lúc 6g để kịp đến trường. Ngày nào cũng vậy, thầy phải giảng ở 4 trường ĐH: Kinh tế, Văn Hiến, Kỹ thuật công nghệ, và Mở TP.HCM. Một tuần, thầy P rảnh được tối Chủ nhật.

 

Có lần, hẹn gặp chúng tôi lúc 9g30 tối, nhưng khi gần đến giờ hẹn, thầy đã gọi điện xin lỗi vì: “Có sinh viên hẹn để trao đổi làm luận án, chị thông cảm nhé!”

 

Tương tự, lịch làm việc từ 6h sáng đến 10h đêm mỗi ngày là thầy N. V. Th., giảng viên môn Anh văn. Hiện nay thầy Th. đang dạy ở 3 trường ngoài công lập và 2 trung tâm ngoại ngữ.  Buổi trưa, thầy chỉ chợp mắt khoảng 15-20 phút. Giờ giải lao giữa 2 ca ở trung tâm ngoại ngữ chỉ kịp để ăn vội ổ bánh mì.

 

Thu Hà, cựu SV một trường ĐH ngoài công lập tại TP.HCM, kể rằng chị đã từng mệt mỏi trong khi liên hệ với thầy để được hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp. Chị cho biết có khi mất cả tháng trời mới gặp được thầy.

 

Hà phải tìm thầy lòng vòng ở 4 trường khác nhau trong thành phố. Gọi điện thì lúc nào thầy cũng đang đứng lớp hoặc đang đi tỉnh. "Cuối cùng, mình và thầy thống nhất phương án trao đổi với nhau qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp vào giờ trưa, chỉ khoảng 30 phút”. 

 

Thiếu giảng viên cơ hữu

 

Tại ĐH Hồng Bàng, chúng tôi kể tên 5 môn học và hỏi sinh viên về giảng viên của những môn đó. Kết quả là có 4 môn học được sinh viên khẳng định là do giảng viên ở trường khác tới dạy, còn một môn thì… chưa chắc chắn vì chưa nghe thầy tự giới thiệu.

 

Tương tự, các bạn SV ĐH Mở, Văn Hiến, Hùng Vương cũng liệt kê các giảng viên không phải cơ hữu của trường: Môn Xã hội học do thầy ở ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn dạy; môn Tâm lý có thầy ở ĐH Sư phạm; hoặc thầy này đến từ trường Ngân hàng, còn thầy kia là của ĐH Kinh tế…

 

Hiện nay, không ít các trường ngoài công lập phải đau đầu với tình trạng thiếu giảng viên cơ hữu. So với các trường công lập, đội ngũ giảng viên cơ hữu của các trường dân lập thấp hơn nhiều, có trường chỉ đạt 15% trong tổng số giảng viên đứng lớp.

 

Thiếu giảng viên cơ hữu, nên hầu hết các trường ngoài công lập ngày càng lệ thuộc vào đội ngũ thỉnh giảng viên và nhiều trường đã phải tăng 15-20% thù lao cho đội ngũ này.  

 

Một giảng viên đại học khẳng định với chúng tôi rằng: “Đối với đa số giảng viên có tiếng tăm hiện nay, nếu không được mời thỉnh giảng thì cũng tham gia luyện thi. Ít ai còn thời gian dành cho nghiên cứu chuyên môn”.  

  • Đoan Trúc  

************************************

Ý kiến của bạn về vấn đề này?

 

Ho ten: Hana
Dia chi: Hà Nội

Tôi là một giảng viên Đại học rất tâm huyết với nghề của mình và được học sinh, sinh viên yêu mến. Tuy nhiên, hàng ngày tôi cũng phải "chạy sô" tương đối nhiều, vô cùng mệt mỏi nhưng vì cuộc sống thúc ép (tôi phải nuôi em học ĐH) nên đành phải chịu "cuốn theo dòng chảy".

Trong thâm tâm, tôi luôn tự nhủ nếu Nhà nước có chính sách đãi ngộ giáo viên, giảng viên tốt hơn, tôi thà cống hiến trọn vẹn sức lực cho trường ĐH mình đang giảng dạy (với mức lương có thể thấp hơn một chút so với việc "chạy sô" hiện thời), hơn là phân tán sự tập trung của mình cho những "sô" hiện thời.

Để giảng dạy có hiệu quả tốt cần có sự tập trung trí óc và chuyên môn chứ không chỉ đơn thuần là việc lên lớp giảng dạy mấy tiếng trong một ngày/tuần. Tuy nhiên, hiện nay tôi sắp theo chồng đi Mỹ sau đám cưới và chỉ biết nén tiếng thở dài cho tình trạng đã qua của mình nói riêng và đồng nghiệp nói chung. Hy vọng trong tương lai, tình hình sẽ sáng sủa hơn theo chiều hướng GV được đãi ngộ tốt hơn. Trong thâm tâm tôi vẫn muốn quay về VN giảng dạy vào một ngày nào đó.

Ho ten: Hoàng Thành
Dia chi: Liên Bang Nga

Nước ta đã là một nước có nền kinh tế thị trường,dù rằng không thể đưa thị trường vào đượcnhà trường, giảng đường được nhưng tôi thiết nghĩ rằng sự ưu đãi cho người thầy giáo moi được quan tâm trên phương diện tin thần là chủ yếu! Người thầy giáo không thể đến lớp giảng dạy tốt với đông lương ít ỏi và một tâm lý bị chi phối về gánh nặng cuộc sống kinh tế gia đình, thử hỏi với 2 triệu đồng thu nhập cho 1 giáo viên thì có đủ chi phí tối thiểu cho sinh hoạt bản thân không chứ chưa nói đến phải lo cho gia đình nữa nhất là những giáo viên sống ở thành phố lớn như Hà nội và TP.HCM? Dạy kèm dạy thêm ngoài giờ..."chạy sô" như cách nói của cánh nhà báo là điều tất yếu mà thôi! Đó cũng là nổi trăn trở, nổi lo cho giáo dục Việt Nam.

Ho ten: Nguyễn Tấn Lực
Dia chi: Tiền Giang

Để giải quyết tình trạng thiếu giảng viên trong thời điểm hiện tại, các trường ĐH và CĐ nên mời các thạc sỹ và tiến sỹ đang làm việc ở các Viện nghiên cứu, các cơ quan (nghiên cứu, xã hội, công ty tư nhân,...) trong và ngoài tỉnh, thành phố đến dạy, nguồn lực này rất mạnh và có kinh nghiệm thực tế. Mặc dù có một số người là tiến sỹ giấy, thạc sỹ giấy (không thể viết một báo cáo, thậm chí một biên bản cuộc họp; viết sai lỗi chính tả, không biết sử dụng vi tính, không thể trình bày môt vấn đề rõ ràng, luận án copy hoặc nhờ ngườii viết hộ, ...), nhưng có khoảng 50% số tiến sỹ và thạc sỹ thừa khả năng dạy ĐH, CĐ, thậm chí có một vài người (khoảng 10%) còn hay hơn giảng viên hiện tại ở các trường vì có thực tế nghiên cứu.

Ho ten: Phạm Nguyễn Trần Lâm
Dia chi: TP.HCM

Chạy "sô" kiểu này thì sinh viên chính là người chịu thiệt. Tôi học ở  ĐH Mở, có học kỳ ngày nào cũng phải học 10 tiết, học dồn như thế nên với tôi hầu như chả tiếp thu được bao nhiêu. Một môn học chỉ dạy trong vài tuần đầu của học kỳ, thời gian sau thì sinh viên tự học ở nhà.

Ho ten: Hoàng Sơn
Dia chi: San Diego, California, US

Chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên nói riêng và đội ngũ nhà giáo nói chung đã không hợp thời trong suốt một thời gian dài. Có lẽ, nó đã có từ hơn 10 năm trước, khi mà những lớp cử nhân trong các ngành khoa học cơ bản ở Đại học Tổng hợp (cũ) chỉ tuyển được vài chục người. Cho đến bây giờ, khi mà số lượng giảng viên có trình độ khá chưa đủ để đáp ứng số sinh viên ngày càng tăng thì việc sử dụng nguồn lực này vẫn còn nhiều sự lãng phí.

Tôi xin nói về hai việc lãng phí chính. Thứ nhất, việc mở quá nhiều hình thức đào tạo ngoài trường cùng với việc thành lập quá nhiều trường đại học thiếu giáo viên cơ hữu làm lãng phí nguồn lực đáng kể. Điều này dẫn đễn một thực tế là nguồn giảng viên bị dàn trải, việc giảng dạy tuy nhiều mà không sâu sắc, kém hiệu quả. Thứ hai, lãng phí nguồn lực giảng viên do mức thù lao cho giảng dạy thấp, rất thấp! Trong các trường đại học tốt, giảng viên làm việc hết sức chuyên nghiệp. Thông thường, họ đến phòng làm việc từ sớm và làm việc tới chiều tối. Nhưng ở Việt Nam thì mọi việc không như vậy. Việc trả lương thấp cho giảng viên khiến họ không muốn và cũng không thể cống hiến hết mình cho công việc.

Ho ten: Hung Dung
Dia chi: Okayama, Japan

"Chạy sô" cũng là tất yếu của giáo viên nói chung và giảng viên nói riêng khi đồng lương không đảm bảo cuộc sống cho họ. Các ngành nghề khác thì chuyện làm thêm cho công ty khác là bình thường thì giáo viên chuyện dạy cho trường khác cũng là điều tất yếu. Một giảng viên ra trường 10 năm lương chỉ 2 triệu đồng/1 tháng thì làm sao họ đảm bảo cuộc sống gia đình cũng như hạnh phúc của họ? Có một nghịch lý để những người trong cuộc họ suy nghĩ là để trở thành giảng viên đại học học thì họ đã phải cố gắng rất nhiều từ thành tích trong trường đại học, rồi đến các bằng cấp khác như thạc sỹ, tiến sỹ... nhưng đồng lương thì lại thấp kém. Không thể đỗ lỗi cho hệ thống quản lý được khi nhà trường và các cấp khác đều hiểu được những nghịch lý đó. Thử hỏi, một giảng viên không đi "chạy sô" thì họ phải làm gì hơn?

Ho ten: Lê Xuân Tịch
Dia chi: P712 N2 Pháp Vân Tứ Hiệp - Hoàng Liệt - Hoàng Mai - Hà Nội

Đây là hệ quả tất yếu của việc phát triển ồ ạt thiếu chất lượng các trường đại học ở nước ta. Hạ tầng cơ sở chưa đầy đủ đã đề nghị và được quyết định thành lập. Trách nhiệm này là của Bộ GD-ĐT?

Ho ten: TDP
Dia chi:
Hanoi

Lương giáo viên ở Việt Nam còn quá thấp, điều này không phải bài cãi nữa. Ở các thành phố lớn như Hà Nội và  TP.HCM, thì chuyện giáo viên, giảng viên đi dạy thêm để trang trải chi phí cuộc sống là chuyện hết sức bình thường. Đó là cái khổ tâm của một nghề "làm dâu trăm họ" như sư phạm: trách nhiệm thì nhiều mà quyền lợi chẳng bao nhiêu. Các nhà báo thường chỉ đưa thông tin một chiều, làm nhiều người có những suy nghĩ sai lệch về tư cách đạo đức của giảng viên nói riêng và ngành sư phạm nói chung. Thử hỏi, các vị sẽ như thế nào nếu không có những giáo viên, giảng viên như bây giờ? Con cái các vị sẽ học ở đâu, và nên nghĩ lại, bản thân các vị cũng sinh ra và lớn lên trong môi trường giáo dục ấy. Tại sao mọi người không chỉ trích nền giáo dục nước nhà, mà lại đổ lỗi cho giáo viên như vậy? Họ không làm điều gì sai trái mà thực sự có ích cho xã hội như vậy, cộng với "bán lá phổi" khi đứng trên bục giảng, mà bị chỉ trích là "chạy sô" ? Các vị có quyền làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập, còn giáo viên thì không? Sao vô lý thế? Tôi là người học ở nước ngoài, và có cả bố mẹ nghề giáo, nên hơn ai hết tôi nhận thức rõ vấn đề này.

Ho ten: tran hoa binh
Dia chi: trung tam dao tao boi duong tai chuc Quang ninh

Nguyên nhân của tình trạng trên không phải do lỗi của thầy mà do vấn đề quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo quá lỏng lẻo. Thứ nhất là cho mở các trường ngoài công lập tràn lan khi họ chưa có điều kiện về đội ngũ giáo viên, thực chất chỉ có bộ khung quản lý. Thứ hai, các trường ĐH công lập cũng không có động thái gì khi biết giáo viên của mình chạy "sô" như hiện nay. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và yêu cầu nâng cao trình độ bắt buộc đối với giáo viên ĐH ở các trường công lập hiện nay là quá nhẹ nhàng. Điều này không phải không có quy định nhưng các trường không thực hiện nghiêm túc hoặc không thực hiện.

Ho ten: Mai Anh
Dia chi: Đà Nẵng

Chắc hẳn Bộ GDĐT và các tỉnh khi cấp phép đều thừa hiểu nếu cơ sở vật chất nghèo nàn, số lượng giáo viên không đủ thì chất lượng suy giảm và nguy hại hơn cả nền kinh tế xã hội, đặc biệt là gia đình phải trả giá rất đắt. Thử hình dung ngay trên địa bàn miền Trung mà chỉ riêng Đà Nẵng, đã có đến vài chục trường CĐ (bao gồm cả các trường trung cấp vừa được lên đời mới đây) và cả chục trường ĐH chưa dừng con số đó, sẽ và đã có nơi nộp hồ sơ xin thành lập. Chất lượng đào tạo đương nhiên là thấp bởi cơ sở vật chất nghèo nàn, có nhiều trường phòng học không có phải đi thuê lung tung trong thành phố. SV đôn đáo chạy theo lớp, theo thầy và lịch học không hề cố định mà phụ thuộc vào lớp, thầy, môn. Học hành phản khoa học như vậy làm sao có thời gian ôn bài, nghiên cứu. Cái nguy hại là các phụ huynh còng lưng với các khoản học phí, chi phí đi lại, sinh hoạt của các cháu. Tại sao Bộ GD-ĐT và các tỉnh vẫn cho phép thành lập trường CĐ-ĐH và cho phép lên đời các trường Sơ cấp, Trung cấp như vậy. Câu trả lời rất đơn giản: Trong giai đoạn hiện nay tai Việt Nam, thành lập các trường ĐH, CĐ là cách kinh doanh hiệu quả, có lãi ròng lớn nhất.

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,