- Nơi ăn ở, học tập của sinh viên sau những giờ lên lớp không còn an toàn! Việc tự do sinh hoạt, không ai quản lý đã khiến các tệ nạn “bùng phát” và hoành hành đời sống của họ.
LOẠT BÀI "XÓM TRỌ SINH VIÊN" >Bài 1: SINH VIÊN "ĐẠI GIA" Ở TRỌ NHƯ THẾ NÀO? >Bài 2: SỐNG CHUNG VỚI "SỐNG THỬ"
Trộm cắp
Tài sản gì của SV đi ở trọ đều thuộc tầm ngắm của đạo chích. |
Đây là chuyện xảy ra thường xuyên nhất ở các xóm trọ sinh viên (SV). Khảo sát một vòng qua các khu trọ đông đúc ở Mễ Trì, Phùng Khoang, Dịch Vọng hay Bách khoa, có thể thấy các xóm trọ SV không có chủ nhà là mảnh đất “màu mỡ” nhất cho bọn trộm cắp hành nghề. Trong đó, các nhà trọ ở Phùng Khoang, Bách khoa thường được trộm “ghé thăm” nhiều hơn vì đa số SV đều là nam, không cẩn thận, không cảnh giác.
Tạ Văn Lập, SV năm 3 ĐH Bách khoa Hà Nội, ở trọ trên phố Tạ Quang Bửu, kể về lần mất trộm gần đây nhất của mình: “Em để cái xe đạp ở ngay trước cửa phòng để sang phòng hàng xóm hỏi mấy thứ. Chưa đến 10 phút, quay lại thì chiếc xe đạp của em đã không cánh mà bay. Bạn bè trong xóm trọ bảo mất 10 phút chứng tỏ tên trộm này hơi... chậm và không chuyên nghiệp!”.
Trước đó, Lập đã mất điện thoại, mất USB, thậm chí mất cả nồi cơm điện! Lập kể: “Bọn trộm thường nhắm vào khu trọ của bọn em, vì không có chủ nhà nên việc đi lại rất dễ. Người này tưởng bạn của người kia, phòng này tưởng bạn của phòng kia. Nên có hôm, trộm ngang nhiên đi qua phòng em rồi ăn cắp của phòng sau mà em không biết. Đến lúc phát hiện ra rồi hô hoán lên thì có đuổi đằng giời”.
Hồ Mạnh Tôn, bạn ở cùng xóm trọ của Lập, SV ĐH Xây dựng cũng không thôi “xót thương” khi kể về những tài sản đã “bốc hơi” không một lời từ biệt: “Tài sản duy nhất có giá trong nhà em là cái máy tính. Vì đêm trước nhậu say, ngủ quên không khoá cửa, trưa hôm sau mới mở mắt được, trộm nó lẻn vào vác mất cái máy. Bây giờ không biết ăn nói với bố mẹ thế nào”.
Tôn than thở: “Quả đúng là càng nghèo càng dễ mất trộm! Nếu thuê được nhà ở những khu trọ có cổng đàng hoàng, an ninh đỡ phức tạp, hoặc có chủ nhà ở cùng thì đỡ biết bao”.
Thế nhưng, nhà trọ có chủ nhà thì nạn trộm cắp chỉ đỡ được phần nào, chứ không thể hết được. Đó là chưa nói đến chuyện chính chủ nhà bị trộm “thịt” nếu chúng chẳng may chui vào xóm trọ nào SV nghèo quá! Trịnh Văn Huy, SV ĐH Kiến trúc Hà Nội, trọ trong khu Phùng Khoang hài hước kể: “Có đứa đi vào xóm em rất tự nhiên, em tưởng người quen nên không để ý. Một lát sau thấy nó quay ra. Rồi một lát sau nữa, thấy bác chủ kêu mất trộm cái xe đạp dựng ở ngoài! Té ra trộm này vào xóm trọ của bọn em không “vớ” được cái gì có giá, nên lấy bác chủ làm vật thế mạng!”
Nhà trọ "ba không": Không chủ, không cổng, không tường bao – kiểu nhà trọ này có đủ thứ bên trong: Sống thử, nhậu nhẹt, đánh bạc... |
Vì việc mất trộm như cơm bữa, nên Huy khẳng định: “Lâu lâu không thấy đứa nào kêu mất trộm là em thấy… nhớ nhớ! Không mất trộm, tức là không đi ở trọ!”
Ngay cả các SV nữ, vốn cẩn thận hơn nhiều, vẫn không thoát khỏi kiếp nạn trộm cắp này. Phùng Thị Mây, SV Học viện Báo chí Tuyên truyền mất máy ảnh ngay tại nhà trọ, mà do trộm thân quen lấy. “Em ngủ, cửa phòng mở vì bạn ở cùng đi học sớm. Khoảng gần 10g dậy, em mở cặp, hốt hoảng không thấy máy ảnh đâu. Hỏi bác chủ nhà bác ấy bảo không có ai lạ vào nhà từ sáng. Còn vài người trong xóm trọ, người nào được hỏi cũng lắc đầu không biết. Khám xét thì không thấy gì”.
Mây xót của quá, nhờ bác chủ lên công an phường trình báo. Trình báo từ hơn 10g trưa, đến 2g chiều thấy một bác công an phường cắp cặp xuống. Lòng vòng trong xóm một lát, bác quay ra bảo Mây: “Lần sau cháu phải cẩn thận! Lần này coi như mất rồi, thế này thì biết là ai lấy?”. Rồi bác nhìn chủ nhà, phán: “Ông ở đây, ông cũng nên để ý trông nom cho các cháu!”
Bỗng dưng câu chuyện chuyển hướng. Như đụng phải “nọc”, bác chủ nhà nhảy dựng lên: “Tôi chỉ biết cho thuê nhà, còn việc quản lý, là của các ông”. Sau đó, Mây kể: “Em ở đây gần 2 năm rồi, nhưng chưa đăng kí tạm trú tạm vắng, vì chẳng thấy ai nhắc gì, cũng không thấy ai đến kiểm tra hộ khẩu”. Mọi người an ủi Mây: “Mất rồi thì thôi, lần sau cẩn thận, phải tự bảo vệ mình, hỏi công an thế này, họ cũng không tìm ra được đâu”.
Quán nhậu, sòng bạc “tại gia” và ở… cùng cave
Sau vấn nạn trộm cắp, phải kể đến chuyện các SV tụ tập rồi sát phạt nhau ngay tại phòng trọ.
Tại phòng trọ ở xã Nhân Mỹ (Mỹ Đình - Từ Liêm) của Trần Mạnh Tú, SV ĐH Công nghiệp Hà Nội, “chiếu bài” bắt đầu mở lúc 7g tối. Cuối tuần, bạn bè đến chơi đông, Tú mua bộ bài về “mua vui” cho cả bọn. Đầu tiên là chơi vui: đánh tấn, đánh tú tiến lên, rồi đến 3 cây, tá lả. “Giống như “đi nhậu mà không có mồi”, chơi tá lả “phỏm” nổ ầm ầm mà không có tiền đặt bên dưới sẽ nhạt thếch!”, Tú hô hào anh em chơi tiền.
Mỗi SV “xỉa” số tiền ít ỏi ra. Người nào còn nhiều thì được 50 nghìn, người nào ít thì 20 nghìn. Vậy mà cũng sát phạt nhau đến nửa đêm. “Từ lúc có tiền, đánh bài hào hứng hẳn lên!”, Tú khoe.
Cả hội chơi đến gần 1g sáng, tất cả tiền thắng sẽ dùng làm tiền nhậu đêm. Tú nhăn răng: “Đánh bài xong đói lắm, phải đi ăn chứ. Ở đây, chả có ai quản được, thời gian là vô biên”. Bữa nhậu lai rai không giới hạn, vì thế mà được kéo dài đến gần 4g sáng.
Lê Thị Thanh, bạn ở cùng xóm với Tú ức chế: “Hội đó đánh bài cả đêm, hò hét rồi chửi bới nhau. Ngay cả hàng xóm cạnh dãy trọ còn phải nghển cổ với sang chửi vì chịu không nổi. Đêm khuya, chúng nó đi nhậu về rồi bắt đầu quậy tưng bừng. Có hôm, 2 thằng trong nhóm đánh nhau vì rượu vào thì tay áo xắn lên và… bụp bụp!”.
Nhậu tại gia. |
Không chỉ chơi bài “vui vẻ” rồi gây hậu quả như thế, Tú còn chơi lô đề rồi trở thành con nợ, chủ ghi nợ còn vào tận nhà trọ “dằn mặt” khiến xóm trọ được một phen hú vía! “Khu này không có chủ nhà, ai thích làm gì thì làm nên bọn em không nói nổi bạn ấy”, Thanh cho biết.
Một đặc điểm là các nhà trọ trong khu Mễ Trì, Nhân Mỹ (Mỹ Đình) thường xây với diện tích khá rộng, thành dãy dài với nhiều phòng liền kề, lại là khu chủ yếu được công nhân, người lao động chuộng vì giá thành rẻ hơn, kể cả đồ ăn thức uống. Đây là tụ điểm nhậu nhẹt lý tưởng cho các SV mỗi khi có cớ!
Nhà anh Tiến, xóm 3, thôn Mễ Trì Hạ có 5 phòng trọ cho thuê. Không ở cùng nhưng anh cũng có quy định với người thuê là không được đưa bạn bè về nhà tụ tập đàn đúm. Nhưng các SV bỏ ngoài tai những lời này. Sáng sớm, anh qua dãy nhà trọ, ngổn ngang bát đĩa, chai rượu hết lăn lông lốc bên ngoài. Ngó vào trong, thấy đám SV cả nam lẫn nữ đang nằm ngủ như chết. Anh lắc đầu: “Có trời mới quản được bọn này! Đuổi hết bọn này lại đến bọn khác, cũng y như thế, chả hơn gì nhau!”.
Bản thân là người cho SV thuê nhà lâu năm, anh Tiến kể: “Có lần tôi sang thu tiền nhà, thấy chúng nó dẫn cả bồ bịch về phòng ngủ. Tôi gọi mãi không được, giật cửa sổ ra thì thấy 3 đứa, 2 gái 1 trai đang đang ngủ cùng nhau. Tôi ngạc nhiên, gọi dậy thì một đứa con gái ngại ngùng: “Người yêu cháu đến chơi, không có chỗ ngủ nên phải làm vậy”. Bó tay cái bọn này”.
“Tôi là chủ nhà, dù không nghe nhưng nói nó còn im. Chứ có lần dân phòng bắt quả tang chúng nó làm như thế cũng không phạt được, vì đó là chuyện riêng, chả có luật nào cấm cả”, anh Tiến nói. Theo anh, nếu có luật cũng không cấm được vì: “Nếu SV chúng nó không tự giác, thì luật giời cũng chả quản được!”
Cách nhà anh Tiến chừng 100m dãy nhà trọ SV cách biệt với chủ nhưng phải sống chung với cả cave! Em Lý Thị Dương, SV ĐH Mỏ - Địa chất, sống cùng khu trọ bức xúc kể: “Các chị này toàn ngủ ngày làm đêm, thường đến 4 sáng mới về, rồi bắt đầu xì xụp tắm giặt, nói chuyện như thể chẳng còn ai xung quanh. Nói ra, các chị ấy chửi luôn, bảo bọn em ồn ào ban ngày, các chị không ngủ được thì đến đêm, các chị có ồn thì bọn em cũng đừng có mở mồm kêu. Thế đấy!”
Cá biệt có hôm, các ả ăn sương này còn dẫn cả khách về phòng trọ, làm Dương và các bạn trong xóm vừa ghê tởm vừa tức tối! “Nhưng cũng không làm gì được đâu! Muốn không ngứa mắt thì chuyển đi, mà chuyển đi thì đâu có dễ tìm nhà vừa tiền. Ở đây, mỗi người một xuất xứ, mỗi người một công việc, phức tạp lắm”, Dương nói.
-
Cẩm Quyên