Trong những ngày qua, người dân thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương xôn xao trước tin bé trai Vày Thượng Gia Lạc, mới hơn 3 tuổi đã biết đọc tất cả các câu chữ từ sách, báo, truyện.
Không chỉ đọc chữ trôi chảy, cháu còn tỏ ra rất thông minh và nhanh nhạy trong việc học những điều mới như sử dụng thành thạo các chức năng của điện thoại di động, máy ảnh, nhớ rất nhanh các bài hát, rất thích thao tác trên máy móc, điện tử. Theo người thân, cháu Lạc đã bắt đầu biết đọc từ lúc 16 tháng tuổi.
3 tuổi biết đọc phần trăm
Khi tôi đến, cháu Vày Thượng Gia Lạc đang nằm trên võng xem ti vi, trên tay cầm điều khiển. Cả gia đình ông bà ngoại đang chuẩn bị bữa cơm chiều phía nhà sau. Thấy chúng tôi, cháu không một chút ngần ngại nói chuyện và tỏ rõ niềm yêu thích với chiếc máy ảnh kỹ thuật số tôi đang cầm.
Gia Lạc
Ông ngoại cháu, Lê Xuân Thu, ngụ ở số nhà 404, Cách Mạng Tháng Tám, TX. Thủ Dầu Một cho biết, cháu có thể đọc tất cả các chữ trên sách báo. Đùa nghịch trên chiếc máy ảnh một hồi lâu. Cháu liên tục bấm máy chụp các dì và yêu cầu ông bà ngoại đứng chung để cháu chụp ảnh.
Do thích chơi nên cháu vẫn không chịu đọc chữ theo lời của mọi người. Thế nhưng, khi tôi bảo: “Cháu đọc báo cho cô nghe đi, rồi cô chụp ảnh cháu nhé!”. Cháu nhìn vào tờ báo Thanh niên để trên bàn đọc rành rọt từng dòng tiêu đề và các dòng chữ lớn, nhỏ trên trang báo không sai một từ, dù giọng còn chưa rõ. Thậm chí, cháu biết đọc cả phần trăm (%) đi liền sau số liệu, các con số lẻ (0,5/mg), các từ ngữ về thời sự chính trị, địa chỉ trang web.
Khi chúng tôi thử yêu cầu làm các phép tính trên máy tính cho các con số từ hàng chục đến hàng trăm, cháu thao tác rất nhanh và đọc kết quả hoàn toàn đúng. Phát hiện thấy cháu có khả năng đặc biệt, những cô dì bán hàng ở chợ Thủ Dầu Một thường đưa cho cháu những đồ chơi mới lạ hoặc điện thoại đời mới để cháu bấm.
Chị Nguyễn Thị Châu, chủ sạp vải chợ Thủ Dầu Một cho biết: “Cháu thao tác rất nhanh và dường như hiểu được tất cả các chức năng của điện thoại, dù là điện thoại đời mới hay chỉ toàn bằng tiếng Anh. Hễ cầm máy lên là cháu mở đủ thứ chương trình như ca nhạc, xem ti vi, chụp ảnh...
Dì cháu, chị Lê Thanh Tâm cho biết: “Ở nhà điện thoại ông bà, ba mẹ, cô dì nhãn hiệu nào, đời gì cháu cũng đều nhớ rõ dù nghe nói qua chỉ một lần”. Số điện thoại của ba mẹ, ông bà nội ngoại, cháu cũng đều nhớ và bấm gọi một cách thành thạo. Ngay cả điện thoại của tôi, dù mới thấy lần đầu, cháu đã có thể sử dụng tất cả các chức năng từ chụp ảnh, nghe nhạc, chơi games...”.
Ba mẹ cháu đi mua ít hoa quả mới về. Cháu lại thích thú cầm lấy máy ảnh của chúng tôi chụp ảnh ba mẹ. Quả thật, cháu rất nhạy bén. Dù chưa làm quen với máy ảnh nhưng khi cầm máy ảnh trong tay, cháu nhanh nhảu bật, tắt, sử dụng nút bấm chụp ảnh tất cả những người thân trong gia đình.
Lúc chụp, cháu chưa biết dùng chức năng xem lại ảnh, nhưng khi tôi chụp ảnh cháu, rồi quay vòng chức năng xem lại rất nhanh hoàn toàn không có ý chỉ cháu biết. Ngay lập tức, cháu đã biết dùng chức năng quay lại xem ảnh và thích thú khen ảnh đẹp.
Nuôi con: Không bất thường
Ba cháu là anh Vày Say Dậu (quê Đồng Nai, sinh năm 1979), mẹ cháu là Lê Thanh Trúc (quê ở TX.Thủ Dầu Một, sinh năm 1982). Cả hai đều còn rất trẻ và là công nhân viên chức. Lúc mang thai cháu vẫn ăn uống, đi làm việc như bình thường. Gia đình nội ngoại có đông con, nhưng các anh chị đều sinh con bình thường không ai có khả năng đặc biệt như cháu Vày Thượng Gia Lạc.
Bố mẹ (bên trái) và ông bà ngoại. Ảnh do Gia Lạc chụp
Ba mẹ cháu cho biết, lúc đầu, gia đình cũng mua các chữ số bằng nhựa về dạy cháu tập đọc mẫu tự, rồi sau đó dạy cháu ráp đọc một số chữ dễ. Lúc cháu 18 tháng, tình cờ, dì cháu là Lê Thanh Tâm ghi các con số từ 1 đến 10 trên tờ báo, bỗng dưng cháu đọc được hết. Thấy lạ, dì tiếp tục ghi các con số lớn hơn, cháu cũng đọc được.
Bà ngoại cháu, Nguyễn Huỳnh Mai kể thêm, lúc cháu 16 tháng, khi chở cháu đi vào chợ Thủ Dầu Một, thấy chữ nổi quảng cáo của một tiệm điện máy hiện lên, cháu reo lên và chỉ vào chữ “Gia”. Bà rất ngạc nhiên nhưng nghĩ “Gia” là tên cháu nên cháu nhớ. Không ngờ, sau đó, cháu dần dần đọc được chữ trên truyện thiếu nhi. Thấy lạ, gia đình lấy tờ báo đưa cháu đọc và cháu đã đọc được tất cả các chữ một cách rành rọt.
Theo quan sát của chúng tôi, cháu có thể đọc rành rọt tất cả các chữ từ sách, báo, truyện nhưng nội dung của những bài báo dường như cháu không để ý đến. Chúng tôi hỏi ba mẹ cháu: “Liệu bé có hiểu hết những gì bé đọc không?”. Mẹ cháu cho rằng, với sự non nớt của trẻ con, có lẽ cháu cũng không hiểu những gì cháu đọc, ngoại trừ những truyện thiếu nhi phù hợp với lứa tuổi của cháu. Cháu có những biểu hiện rất trẻ con như khóc rất nhiều khi bị lấy lại chiếc máy ảnh mà cháu đang thích thú sử dụng, thích được dẫn đi chơi, thích được khen ngợi, dỗ dành...
Lúc mang thai, chị Tâm thường cho cháu nghe nhạc thông minh dành cho trẻ trong bụng mẹ, ăn uống bình thường, đến lúc sinh cháu nặng 3,6kg. Sinh cháu được 4 tháng, chị tiếp tục đi làm và gửi cháu cho bà ngoại. Bà ngoại cháu cho biết, từ nhỏ tính cháu đã rất ngoan hiền. Lúc chưa biết bò, biết lật cũng không khóc quấy, chịu khó ăn uống. Bà nói: “Giữ 3 đứa trẻ như cháu cùng một lúc cũng không ngại”.
Cháu không sợ người lạ. Bất cứ ai dù lạ hay quen, bảo cháu đi chơi là cháu đều có thể lên xe để đi cùng. Hiện tại, cháu Lạc nặng khoảng 15kg, nước da trắng trẻo, tròn trịa, giọng nói thánh thoát. Mỗi ngày, cháu ăn cơm 3 bữa, trưa ngủ, tối uống thêm sữa. Về món ăn, cháu thích ăn trái cây, ghét ăn kẹo và ăn được tất cả các món ăn như những người trong gia đình. Tính tình rất ngoan hiền lại có khả năng đặc biệt nên đi đến đâu cháu cũng được mọi người rất mực yêu thương.
Hiện ba mẹ cháu đều làm việc ở Công ty Fotai Việt Nam, tại Bình Dương. Ông bà ngoại có 3 người con, thu nhập không đáng kể, ở căn nhà nhỏ trên đường Cách Mạng Tháng Tám nên ba mẹ cháu vẫn phải ở nhà trọ gần chỗ làm.
Dù phát hiện khả năng đặc biệt của con, nhưng gia đình vẫn để cháu ở nhà với ông bà, chưa dạy cháu tập viết, luôn tạo môi trường vui chơi cho cháu như những trẻ em bình thường. Thấy cháu có khả năng đặc biệt, gia đình cũng rất vui mừng và mong muốn có nhà chuyên môn, cơ quan, chính quyền nào đó khi biết về trường hợp của cháu có thể hỗ trợ, định hướng cho cháu học tập, rèn luyện ở môi trường phù hợp nhằm giúp cháu có thể sớm phát huy khả năng.
(Theo Gia đình và Xã hội)