221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1131283
Chấn hưng giáo dục: Chớ để số lượng đè chất lượng
1
Article
null
Chấn hưng giáo dục: Chớ để số lượng đè chất lượng
,

 - Từ ngày vấn đề nghiên cứu khoa học được nêu như một vế quan trọng trong giáo dục đại học, có một sự hăng hái đếm số lượng, để đo sự tiến bộ. Có một sự đề cao khẩu hiệu "publish or perish" (có ấn phẩm hoặc là chết).

 

TIN LIÊN QUAN

Thực ra, nghiên cứu khoa học đâu có đơn giản như vậy, kể cả việc có bài đăng trong các tập san khoa học có tiếng. Và gây sức ép để có ấn phẩm bằng mọi giá, cũng không phải là điều hay, vì nó có thể góp phần thúc đẩy gian lận.

 

4 thí dụ 

 

Những người nhận bằng tốt nghiệp cao học này, sẽ còn bao nhiêu theo đuổi học vị tiến sĩ? Ảnh: Trung Kiên

- a) Năm 1974, ông William Summerlin, một nhà miễn dịch học thuộc Viện Sloan-Kettering ở thành phố New York, khẳng định là đã tìm ra một kỹ thuật cấy tế bào giữa loại khác nhau mà không gây phản ứng loại bỏ tế bào ghép. Để chứng minh sự kiện này, ông trưng ra một con chuột trắng mà ông bảo là đã ghép da một con chuột đen cho nó. Nhưng những người đồng nghiệp đa nghi đã khám kỹ con chuột và nhận xét là màu da được ghép biến mất sau khi đã được lau bằng cồn. Hóa ra, Summerlin chỉ dùng bôi mực đen để giả ghép da. Cuộc điều tra sau đó cũng cho thấy là vụ Summerlin tuyên bố là đã ghép giác mạc (cornée) của [con] người cho mắt của [con] thỏ cũng chỉ là trò bịp bợm.

 

- b) Nhà khảo cổ Nhật Shinichi Fujimura, vào những năm thuộc thập niên 1990 nhiều lần lén chôn đá đã tạc đã đẽo sẵn xuống những lớp đất xưa, để rồi sau đó công bố đã "phát hiện". Năm 2000 bị tờ báo Mainichi Shimbun lật tẩy khi ông ta khoe có phát hiện mới, vì phóng viên báo này có bằng chứng lén quay phim lúc ông này đang chôn đồ đá giả trước đó 4 ngày.

 

- c) Nhà vật lý điện tử người Đức Jan Hendrik Schön, thuở mới ở tuổi 32 mà đã được người ta biết danh tiếng, được Bell Labs ở Mỹ tuyển dụng. Khoảng năm 2001, ông ta trung bình cứ mỗi tuần có 1 ấn phẩm khoa học trong nhiều tờ tập san khoa học có tiếng, kể cả ScienceNature. Nhưng một số nhà khoa học nghi ngờ kết quả của ông ta. Một cuộc điều tra năm 2002 đưa ra kết luận rằng trong số 24 bài báo của ông Schön, 16 bài thuộc loại bịp và 6 thuộc loại đáng nghi: ông ta ngụy tạo kết quả của các thí nghiệm của mình, để cho các kết quả khớp với kết luận của mình.

 

- d) Năm 2005, giáo sư sinh học Nam Hàn Hwang Woo-Suk mạo nhận là đã thành công trong việc sản xuất 11 dòng tế bào mầm phôi người bằng cách cấy nhân tế bào da vào noãn đã bị lấy mất nhân. Đó là một tạo sinh vô tính con người đầu tiên mà viễn tưởng cho ta hy vọng là sẽ có những trị liệu vô cùng tân tiến. Nhưng sau đó ban điều tra của đại học ông ta cho biết là  tất cả những nghiên cứu đó là gian lận.

 

Vậy thì có đáng cứ hết ngày này ngày nọ hô khẩu hiệu sao có số bài đăng thật nhiều, trong khi không nhấn mạnh hơn đến chất lượng?

 

Số trường khổng lồ, số thầy tí hon

 

Tôi đọc trong bảng số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT Việt Nam, thấy các con số khổng lồ về số trường ĐH, kèm với con số tí hon về cán bộ giảng dạy có chức danh (tôi giả định rằng trình độ các vị tương xứng với chức danh đó), mà thấy hãi.

 

Sao có thể cho phép thành lập nhiều trường như thế, với nhiều sinh viên như thế, với đội ngũ giảng viên có trình độ ít ỏi như thế, học và dạy như thế mà cứ khẳng định được rằng đến năm này, năm kia, sẽ có những đại học lọt được vào danh sách top 200, đại học thế giới.

 

Rồi lại còn đề án 2 vạn tiến sĩ, dự tính với tỉ số 38% đào tạo ở nước ngoài (với những loại đề tài nào, với những đại học nước ngoài nào?). Rồi đào tạo ở trong nước như thế nào, khi đội ngũ giảng dạy đại học trong nước đang trong tình trạng hiện tại. Lấy gì bảo đảm rằng hễ cứ ghi tên làm nghiên cứu sinh thì sẽ tìm ra kết quả? Rồi còn cả việc đào tạo ở những mức độ khác, như thạc sỹ, kỹ sư, kỹ thuật viên, các chuyên viên quản trị, hành chính, v.v. Làm sao có được nhân viên có trình độ thực sự để đáp ứng nhu cầu? (Nếu ví von một chút thì có thể nói: thuốc có đủ liều, thì mới chữa được bệnh; thuốc pha loãng để số lượng tăng gấp mười gấp trăm, thì chữa cái gì, đó chưa nói đến thuốc giả).

 

Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, và cả đại biểu Quốc hội cũng đã nhiều lần lên tiếng. Riêng tôi đã có dịp phát biểu nhiều lần bằng bài viết hay bằng lời nói.

 

Đặc biệt là vào ngày 21/5/2000: nhân chuyến thăm chính thức nước Pháp của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, một cuộc gặp gỡ với một số Việt kiều được tổ chức tại sứ quán của ta ở Paris. Tổng Bí thư tỏ thái độ thân mật, yêu cầu đặt câu hỏi để ông trả lời; tôi có đặt câu hỏi về: Sự khác biệt giữa áp dụng hình án rất nặng đối với một số vi phạm về kinh tế hoặc xã hội (tôi nghĩ tới tham nhũng, hoặc buôn bán ma túy), và sự lơ là về luật pháp đối với những vi phạm trong giáo dục đào tạo mà sự tác hại lại gấp bội, lan ra không những trong thế hệ hiện nay mà cả tới các thế hệ mai sau. Hôm đó, ông Tổng Bí thư không trả lời trực tiếp, mà trả lời nguyên tắc chung chung.

 

Câu hỏi của tôi vẫn tồn tại, đối với những nhà cầm quyền hiện nay và trước công luận. Nói không với bệnh thành tích, thì đừng chạy theo số lượng vì thành tích.

 

Riêng tôi thì chỉ xin được nhắc lại một lần nữa lời Trần Hưng Đạo trả lời các quan nhà Trần xin tuyển thêm binh để đánh giặc Nguyên: “Binh cốt giỏi, chứ không cốt nhiều; nếu nhiều mà không giỏi thì như Bồ Kiên có trăm vạn quân cũng không ích gì!” 

  • Bùi Trọng Liễu - Nguyên giáo sư ĐH (Paris, Pháp)
     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;