221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1131487
Sống chung với "sống thử"
1
Article
null
Sống chung với 'sống thử'
,

 - Thay vì chuyển đi chỗ khác hay kịch liệt phản đối "sống thử" như trước đây, số ít sinh viên còn lại trung thành với lối sống “cổ điển” hiện đang phải tìm cách “sống chung” với “sống thử” trong các xóm trọ.

LOẠT BÀI "XÓM TRỌ SINH VIÊN"

>Bài 1: SINH VIÊN "ĐẠI GIA" Ở TRỌ NHƯ THẾ NÀO?

 Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa! 

“Lúc mặn mà thì ra ấp vào ôm, còn lúc dở mặt thì chả khác “chó với mèo”, làm trò cười cho bè bạn xung quanh”, Trần Thị Thu, SV Cao đẳng Môi trường bĩu môi khi kể về 2 đôi SV tự cho là mình “hiện đại” rồi đưa nhau về góp gạo thổi cơm chung. 

Xóm trọ cũ của Thu nằm trong phố Doãn Kế Thiện (quận Cầu Giấy), cả thảy có 7 phòng, có 2 đôi đang thử sống với nhau xem có “tâm đầu ý hợp” không. “Cả tâm lẫn ý không thấy, nhưng cái sự vô duyên, kệch cỡm thì lồ lộ ra ngoài”, Thu gay gắt.

Có hôm, vừa về đến cổng, Thu đã thấy 2 người đang chửi nhau ầm ĩ. Chàng chửi nàng vụng về, nàng chửi chàng hèn hạ. Rồi đồ đạc bay tứ tung ra ngoài, làm biêu đầu người trong xóm vô tình đi qua. 

Thu chuyển nhà, vì “ở lâu như vậy, có khi mình cũng bị “ô nhiễm” tâm hồn”. Chuyển đến làng Mễ Trì Hạ (huyện Từ Liêm), oái oăm là xóm trọ này cũng có “sống thử”. Cô SV học Thủy lợi, còn anh bạn làm kĩ sư công trình, nhà chung cư đang xây. Thở dài đánh thượt, Thu lại lên kế hoạch chuyển nhà. 

Đêm dài ở những nhà trọ có các cặp sống thử quả là có nhiều chuyện vừa cười vừa méo mặt.

Đặng Thúy Vân, SV ĐH Công đoàn ngao ngán mỗi khi hàng xóm là bà chị SV Trường ĐH Thương mại có anh người yêu đi công tác về. Xóm trọ của Vân có 3 dãy  nhà song song. "Phòng em cách phòng bà đó cả một dãy mà còn nghe rõ mồn một. Bọn sát vách thì sáng ra mắt đứa nào cũng “lờ đờ” vì mất ngủ nhưng miệng thao thao bất tuyệt kể về “chuyến tàu tốc hành trong đêm” nghe được qua âm thanh, tiếng động”. 

Bị “hành” như thế, nhưng mấy cô cậu chẳng buồn chuyển đi nữa bởi “đi đâu cũng một trời này". Vân cũng không chuyển khỏi cái nhà hiện tại ở Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy) nữa, vì 1 năm chuyển đến 3 nhà là đã quá sức. 

Không chỉ có cánh con gái khó chịu, mà ngay cả các nam SV, có người cũng không chịu nổi khi hàng ngày phải đối mặt với những tình huống “nhức mắt” mà nếu không cẩn thận cũng dễ nhắm mắt làm liều vì tò mò.

Thịnh học Bách khoa, chấp nhận đi xa khi thuê nhà khu Phùng Khoang (quận Thanh Xuân) là vì có em họ học Bưu chính Viễn thông. Ở đây, cảnh SV sống với nhau diễn ra nhan nhản đến độ mọi người thấy quen lắm. Chỉ có em trai Thịnh vừa chân ướt chân ráo từ quê lên bị “sốc”.

Sợ cậu em mới lớn tò mò, Thịnh vội chuyển nhà lên tít Dương Quảng Hàm (quận Cầu Giấy), sống tạm với bạn học cùng lớp chờ tìm nhà khác lành mạnh hơn.  

Nghe xong mục đích “cao đẹp” của Thịnh, bạn cậu phá lên cười: "Bây giờ là thời nào rồi mà ông còn mong sống ở chỗ “không khí trong lành, tinh thần trong sáng? Học đến hết 3 năm ĐH rồi mà không hiểu là bây giờ tìm nhà trọ “chay tịnh” khó hơn cả việc giúp em ông đỗ được ĐH à?”.

“Sống chung với lũ” trong hòa bình 

Cách dễ dàng nhất để các SV sống chung với "sống thử" là... thử sống như họ để “hòa cả làng”! Tuy nhiên, với các SV “cương quyết” nói “không” với cách sống này thì họ tìm cho mình một giải pháp khác. 

Cách an toàn đầu tiên là tìm một khu trọ có chủ, và chủ nhà trọ đàng hoàng để thuê. “Thực ra, nếu chỉ nhìn thì cũng khó mà biết họ có đàng hoàng thật không. Nhưng xem gia đình người ta, nhìn mặt mũi con cái họ để cảm nhận thôi, rồi nếu thấy được thì chuyển đến”, Vân giải thích. 

Cách “phòng bị ngay từ đầu” như thế này mắc nhất ở chỗ là quá “khan hàng” nên khó áp dụng được. Đại đa số các cô, cậu SV còn trung thành với cách sống cũ đều phải sống chung với "sống thử", và hàng ngày tìm cách vừa làm quen, vừa giữ gìn bản thân để ổn định sinh hoạt. 

Thời gian rảnh, Vân không ở nhà “chứng kiến” những cảnh tượng chướng mắt. Lên thư viện, đi chơi với bạn lúc rảnh là cách SV này chọn lựa nhằm hạn chế tiếp xúc. 

Thu thì kể ra cái cách hơi khó nhưng “triệt để” và lâu bền hơn: “Mình cũng không thể im lặng, phải nói để chúng nó biết mà giữ ý tứ cho mọi người, không phải muốn làm gì là làm, không coi ai xung quanh ra gì”. Theo Thu, giải pháp tận gốc là tự giữ gìn bản thân để không bị lôi kéo.

Xác định như Thu không khó, nhưng vượt qua cuộc sống hàng ngày với bao hành động vặt vãnh gây ức chế mới là điều không dễ. Bằng chứng là Thu đã chuyển nhà mấy lần, rồi bây giờ đâm quen với cái cảnh sống thử, Thu đã học được cách để “vô cảm” và miễn dịch. 

Với Thịnh, để chống lại cảm giác “khổ sở” ở những thời điểm “nhạy cảm", mỗi lần đi ngủ, cậu bật máy tính, đeo headphone. Nói thế, nhưng Thịnh cũng vẫn phải thừa nhận: “Khó chịu lắm! Không dễ đâu! Một khi mọi nơi đều thế thì bắt buộc mình phải thích nghi thôi”. 

  • Cẩm Quyên

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>