- Sau buổi học sáng, từng tốp HS lại đeo ba lô, cặp sách di chuyển dọc theo hè phố hoặc sang hơn nữa thì có ôtô đón để đến điểm học lẻ buổi chiều. Học sinh nhấp nhổm một chốn đôi nơi như thế đã tồn tại nhiều năm nay ngay ở giữa Thủ đô Hà Nội.
Nhắc đến điểm lẻ, người ta sẽ nghĩ ngay đến vùng sâu, vùng xa hẻo lánh. Sinh ra các điểm lẻ để thu hẹp khoảng cách địa lý cho HS đến trường nhưng ngay ở giữa Thủ đô Hà Nội, các điểm lẻ này sinh ra chỉ để làm tăng thêm sự di chuyển vất vả của học sinh.
"Nhấp nhổm" di chuyển
Nhiều năm nay, cô và trò Trường Tiểu học Bà Triệu phải xử dụng vỉa hè để hoạt động. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Dù quy mô của trường khá ít, chỉ có 11 lớp cho 5 khối với 279 HS nhưng điểm trường chính chỉ đáp ứng được 6 phòng học. Nên Trường Tiểu học Bà Triệu có đến 3 điểm lẻ và 1 điểm đi thuê của trường mầm non cũ để đủ cho 5 lớp còn lại.
Điểm gần trường chính nhất là lớp học ngay mặt đường ở số 37 Tô Hiến Thành. Chỉ cần nhìn cũng thấy rõ những âm thanh đủ loại từ ngoài đường, những tiếng cười nói ở các cửa hàng ngay sát cạnh có tác động vào lớp học.
Tiếp tục len lỏi qua những chiếc xe máy, hàng quán sẽ đến điểm lẻ thứ 2 nằm ở 173 phố Bà Triệu. Theo cô Nguyễn Kim Dung, Phó Hiệu trưởng nhà trường thì đây là điểm lẻ khang trang nhất. Dù tại điểm lẻ này có khoảng chục hộ dân sinh sinh sống nhưng lợi thế là có một khoảng sân để HS có thể hoạt động, vui chơi. Do đó, trường đã xếp nguyên một khối lớp 2 (gồm 2 lớp với 53 HS) ở cố định điểm này và học 2 buổi/ngày.
Chếch một góc 135 độ từ điểm lẻ này theo chiều của con phố, điểm lẻ thứ 3 nằm lọt thỏm ở tầng 2 trong khu nhà tập thể cũ cùng 6-7 hộ sinh sống. Bước qua cống nước đen ngòm trước ngõ, chúng tôi từng bước leo lên tầng 2 qua cầu thang hẹp trong khung cảnh tranh tối tranh sáng. Buổi sáng, nhưng gần 30 HS lớp 4 đang học "buổi thứ 2" trong ngày.
Cùng với điểm lẻ ở Tô Hiến Thành, điểm lẻ này có nhiệm vụ tiếp nhận HS học ca hai. Theo giải thích của cô Dung, những điểm này HS sẽ học nửa buổi, sau đó đi bộ về trường chính ăn trưa và chiều học chính khóa ở trường, đổi lại cho một lớp khác. Những điểm lẻ này chỉ xếp cho HS lớp 4, 5 để thuận tiện hơn trong việc di chuyển.
2 điểm lẻ của Trường Bà Triệu ở Tô Hiến Thành và gác 2 phố Bà Triệu. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Trường Tiểu học Thăng Long, trên phố Ngõ Trạm, quận Hoàn Kiếm, một trong những trường đầu ngành của quận nhưng cũng còn đến 4 điểm lẻ.
Theo chân cô Hiệu trưởng Phan Thị Thắng đến một điểm lẻ trong ngõ 220 trên phố Hàng Bông. Đi qua đoạn ngõ nhỏ sâu hút vừa ẩm thấp, vừa tranh tối sáng đúng theo kiểu nhà của phố cổ, chúng tôi đến lớp học nằm chen lẫn với nhà dân. Đang giờ nghỉ trưa, hơn 40 HS lớp 1 nằm dài trong căn phòng nhỏ khoảng hơn 20m2 nhưng chỉ có một bên hướng cửa sổ, bí khí. Từ tường nhà ra đến khoảng sân hẹp, đến ngõ đều phảng phất một mùi ngai ngái ẩm mốc.
Đây là lớp học dành riêng cho HS lớp 1, con em trong phường Hàng Bông. Có lẽ đây là điểm lẻ không ổn nhất khi dù đúng tuyến nhưng các em này lại không được học trong môi trường học đường. Theo cô giáo chủ nhiệm lớp, đã dạy 4 năm ở đây, khoảng sân hẹp nhưng nằm trong nhà dân nên có những lúc xe máy xếp đầy sân, không có chỗ cho các cháu chơi.
Bên cạnh đó, trường còn có những điểm lẻ ở trên phố Nguyễn Quy Bích và xa nhất là ở Cung thiếu nhi Hà Nội. Ngoại trừ điểm lẻ ở Hàng Bông, phụ huynh sẽ đón trẻ về nhà ăn trưa và chiều đến học tiếp thì các điểm lẻ khác cũng thực hiện luân chuyển như Trường Tiểu học Bà Triệu. Tuy nhiên, điểm lẻ xa trường phải thuê ôtô để đón đưa HS và trong các khoản đóng góp đầu năm học, HS nào cũng phải chia đều khoản tiền này. Vì theo cô Thắng, trong 5 năm học nhiều nhất HS sẽ phải học 1,5 năm ở điểm lẻ và luân phiên ở các lớp khối 2, 3, 4.
Luân chuyển HS qua các điểm lẻ của Trường Tiểu học Thăng Long, HN và điểm lẻ tách biệt trong ngõ 220 Hàng Bông. Ảnh: Lê Anh Dũng, Thu Thủy. |
"Vắt sức" triển khai 2 buổi/ngày
Chủ trương của thành phố Hà Nội là đến năm 2010 đạt 100% các trường tiểu học học 2 buổi/ngày. Thành phố đã đạt được 90% số HS học 2 buổi/ngày, nhưng riêng quận Hai Bà Trưng mới đạt được 70% do khó khăn về diện tích. (Ông Nguyễn Như Thắng, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Hai Bà Trưng). |
Cô Dung nhẩm tính, trung bình số HS/lớp của trường chỉ khoảng gần 30 HS, nhưng cùng một công dạy có lớp chỉ 19 HS. Do đo, thu nhập của giáo viên cũng rất thấp, chưa đầy 600 nghìn/tháng, cộng thêm lương chính thu nhập chưa đầy 2 triệu đồng/tháng.
Điểm lại, chính những trường khó khăn về chỗ học lại là những trường có nhiều phụ huynh nộp đơn xin cho con học trái tuyến. Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng với gần 1.500 HS nhưng lại chung CSVC với trường THCS. Trước áp lực triển khai học 2 buổi/ngày, trường đã phải thuê 32 điểm lẻ tại nhà dân. Theo ông Nguyễn Như Thắng, Phó phòng GD-ĐT quận, những phòng học này đều phải đảm bảo theo đúng điều kiện về ánh sáng, vệ sinh môi trường và tối thiểu 1m2/HS.
Quy định của trường chuẩn quốc gia, phải đảm bảo 6m2/HS. |
Tương tự tình cảnh như Lê Ngọc Hân, Trường Tiểu học Lê Văn Tám vốn chỉ thiết kế đủ chỗ học cho HS phường Bách Khoa học hai ca. Nhưng là một trong những trường tuyến đầu của quận nên số HS trái tuyến cũng khá đông, cộng thêm áp lực học 2 buổi/ngày nên nhiều khối lớp phải đi thuê nhà dân để học buổi hai.
Cũng để đạt được mục tiêu 100% học 2 buổi/ngày, Trường Tiểu học Thăng Long "vắt sức" với số HS khá đông và diện tích trường chính lại chật hẹp. Sau 10 năm nỗ lực, chỉ với diện tích gần 1.000m2, dù đã giảm số lớp từ 40 xuống còn 27 lớp với hơn 1.100 HS, (trong đó, vẫn còn đến 50% HS trái tuyến) nhưng ngoài trường chính, trường vẫn phải giữ bốn điểm lẻ khác mới đủ chỗ học.
Trường Tiểu học Thăng Long, Hoàn Kiếm, HN phải sử dụng cả đến diện tích nhỏ trước cổng trường để HS tham gia học ngoại khóa. Ảnh: Thu Thủy |
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thăng Long Phan Thị Thắng băn khoăn nhận xét: Không phụ huynh nào muốn con học ở điểm lẻ, nhưng vẫn nhiều phụ huynh dù trái tuyến cũng xin bằng được con vào trường học. Đây cũng là một áp lực của nhà trường.
Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô vẫn còn tồn tại tình trạng HS không có chỗ học 2 buổi/ngày và nhiều trường vẫn phải "giật gấu vá vai" để có đủ chỗ học.
-
Bảo Anh
Ý kiến của bạn: