- Chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam không ngừng tăng lên, trong khi thế giới lại đánh giá giáo dục của Việt Nam không ngừng đi xuống. Ngành giáo dục đang nợ một lời giải thích.
UNESCO đánh giá Việt Nam đang gặp phải những thách thức lớn về giáo dục. (Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng)
Ngày 3/11/2008 vừa qua, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đã công bố báo cáo tóm tắt của bản Báo cáo Giám sát toàn cầu về giáo dục năm 2008. Việt Nam tiếp tục mất điểm về Chỉ số phát triển giáo dục cho mọi người (EDI), đồng thời tụt 9 bậc trong bảng xếp hạng để đứng vị trí 79 trong 129 quốc gia.
Chỉ số EDI được UNESCO đánh giá dựa trên 4 tiêu chí cơ bản: phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ cho người lớn, bình đẳng giới trong giáo dục, và chất lượng giáo dục. Tuy đánh giá của UNESCO dựa vào các số liệu thống kê có độ trễ khoảng 2 năm, nhưng chuỗi số liệu trong 5 năm liên tục cũng đủ để thể hiện sự đi xuống của giáo dục Việt Nam.
Đánh giá của UNESCO, cột bên trái thể hiện vị trí Việt Nam trong bảng xếp hạng các nước, cột bên phải thể hiện điểm số của EDI.
Thiên nhiên trao tặng và con người tạo ra
Nếu như chúng ta hăng hái bao nhiêu trong việc đi bầu chọn trên một trang web tư nhân cho vịnh Hạ Long, động Phong Nha, đỉnh Phan-xi-păng, thì trên bảng xếp hạng EDI của UNESCO, một tổ chức chính thống của Liên hợp quốc, chúng ta lại không thể huy động số đông để bầu cho chính mình.
Chúng ta đã vui mừng khi thấy sản phẩm do thiên nhiên trao tặng được đứng hạng nhất - nhì – ba trên toàn thế giới (dù một phần là do chính chúng ta bầu, trên một trang web tư nhân). Vậy chúng ta nghĩ gì khi giáo dục, sản phẩm do chúng ta làm ra, lại đứng hạng thấp và liên tục mất điểm, liên tục tụt hạng?
Thử đặt một giả thiết: nếu như UNESCO (hoặc một tổ chức tư nhân nào đó) cũng tổ chức bình chọn và xếp hạng giáo dục qua mạng Internet, và chúng ta cũng đặt máy tính ở các sân bay để vận động mọi người vào bình chọn (như đã làm với các di sản thiên nhiên). Liệu xếp hạng giáo dục của Việt Nam có đứng đầu thế giới?
Cuộc chạy đua giữa các nước
Trong các bảng xếp hạng EDI trong 5 năm từ 2004 đến 2008, so với các nước láng giềng thì chỉ thấy các nước vượt qua Việt Nam, còn không thấy Việt Nam vượt qua được nước nào.
Năm 2005, Indonesia còn đứng dưới Việt Nam nhưng từ năm 2006 đã vượt lên trên.
Năm 2006, Malaysia còn đứng sau Việt Nam nhưng từ năm 2007 đã vượt lên trên.
Trung Quốc đứng sau Việt Nam đến 6 bậc trong bảng xếp hạng năm 2004, nhưng đến năm 2005 đã qua mặt Việt Nam, để đến năm 2007 đứng trên Việt Nam đến 36 bậc (hạng 43 so với hạng 79).
Một nước láng giềng khác là Philippines. Năm 2004 họ còn đứng sau Việt Nam 14 bậc, nhưng đến năm nay đã chỉ còn sau Việt Nam 3 bậc (hạng 82 so với 79). Điều trớ trêu khi so sánh với Philippines: khoảng cách thứ bậc đã thu hẹp không phải bởi vì bạn lên hạng, mà bởi vì Việt Nam tụt hạng!
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá một trong ba "vùng lõm" của Việt Nam là đào tạo và giáo dục đại học.
Đối chiếu với một khảo sát khác
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Thụy Sĩ ngày 8/10/2008 vừa qua cũng đã công bố báo cáo xếp hạng về khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế. Năm nay Việt Nam tiếp tục tụt 2 bậc.
Theo khảo sát của WEF, trong ba “vùng lõm” của Việt Nam thì đào tạo và giáo dục đại học chiếm một vùng, hai vùng còn lại là cơ sở hạ tầng và mức độ sẵn sàng cho công nghệ.
WEF đánh giá điểm mạnh của Việt Nam là y tế và giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với báo cáo của UNESCO thì có thể suy luận điểm mạnh này nhờ vào y tế nhiều hơn là giáo dục.
Báo cáo năm 2008 nói trên của WEF cũng cho thấy, hai chỉ tiêu “chất lượng hệ thống giáo dục” và “chất lượng quản lý trường học” của Việt Nam bị xếp hạng rất thấp, ở vị trí 120 trong tổng số 134 nền kinh tế có tên trong bảng xếp hạng.
Kết quả lấy ý kiến các chuyên gia, báo cáo của WEF cho thấy giáo dục cũng có mặt trong top 3 của những “vấn đề đáng lo ngại nhất” của Việt Nam. Lo ngại về “thiếu lao động có trình độ” chỉ đứng sau lạm phát và cơ sở hạ tầng, thậm chí còn đứng trên cả mối lo ngại về tham nhũng.
Chi tiêu ngân sách cho giáo dục Việt Nam (tỷ đồng). Số liệu năm 2008 là ước tính của Bộ GD-ĐT.
Có phải do chúng ta nghèo?
Nghèo là một lý do thông thường được dùng để giải thích cho những yếu kém so với thế giới. Nhưng liệu có thể dùng nghèo để giải thích sự yếu kém trong lĩnh vực giáo dục?
Trong các năm từ 2000 đến 2006, ngân sách nhà nước dành cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã tăng gấp 3 lần, từ 12,6 ngàn tỷ đồng lên 37,3 ngàn tỷ đồng, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, những con số đó mới chỉ là phần chi của ngân sách nhà nước, mà chưa tính đến ngân sách do các gia đình và học sinh tự chi.
Trong “Báo cáo Giám sát toàn cầu Giáo dục cho mọi người” năm 2008, tổ chức UNESCO khuyến khích các nước phải chi tiêu ít nhất 6% GDP cho giáo dục. Theo tính toán của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên viên thống kê của Liên hợp quốc, năm 2005 Việt Nam đã chi cho giáo dục đến 8,3% GDP, trong đó có 40% là do người dân tự chi.
Chi tiêu cho giáo dục không ngừng tăng lên, cả về giá trị tuyệt đối cũng như tương đối theo tỷ lệ thu nhập quốc dân. Nhưng thế giới (đại diện là UNESCO) lại đánh giá chúng ta tụt dốc. Tụt dốc so với chính mình, khi điểm EDI mỗi năm sau lại thấp hơn năm trước. Tụt dốc so với các nước, khi xếp hạng liên tục giảm và liên tục bị các nước láng giềng qua mặt.
Dù rất tôn trọng các nhà làm giáo dục (trong đó có người viết bài này), nhưng cần thấy ngành giáo dục còn đang nợ nhân dân một lời giải thích.
-
Bùi Văn