221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1121555
Nhà trọ sinh viên: Soạn quy chế nhưng không có nội dung
1
Article
null
Nhà trọ sinh viên: Soạn quy chế nhưng không có nội dung
,

 - Kí túc xá các trường ĐH, CĐ chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu chỗ ở cho sinh viên, số 80% còn lại phải chạy tứ tán tìm chỗ trú tạm, có thể quản lý sinh viên ở nhà trọ được không?

 > Quy chế quản lý nhà trọ SV: Chuyện không tưởng!

Thực trạng hiện nay, SV ở các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM... gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nơi ở. Thậm chí, đi thuê bên ngoài lại bị "bắt chẹt" với giá cao và điều kiện an toàn vệ sinh, an ninh trật tự không đảm bảo làm ảnh hưởng nhiều đến học tập và sinh hoạt.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Vụ công tác HSSV chủ trì và phối hợp với Cục CSVC và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em để xây dựng Quy chế quản lý nhà trọ SV. Tuy nhiên, đối với các Vụ, Cục chức năng thì đây là một bài toán khó.

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ công tác Học sinh, sinh viên (HSSV) về vấn đề này.

"Chưa thể đưa ra được nội dung của Quy chế quản lý nhà trọ SV", ông Dương Văn Bá.

"Căng mình" tìm nội dung quy chế

Xin ông cho biết Quy chế quản lý nhà trọ SV sẽ bao gồm những nội dung gì?

- Xây dựng quy chế quản lý nhà trọ SV là một bài toán rất khó. Có thể quy chế chỉ quy định về nguyên tắc, còn đi sâu vào chi tiết chắc sẽ đề nghị các tỉnh, thành phố ra quy chế sẽ hợp lý hơn. Đầu tháng 12 tới, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và tập trung vào vấn đề liên quan đến quản lý nhà trọ SV. Còn hiện này chưa thể đưa ra được nội dung của quy chế.

Nhưng lãnh đạo Bộ đã giao cho Vụ công tác HSSV và Cục Cơ sở vật chất (CSVC) triển khai xây dựng quy chế này?

- Cái này chúng tôi cũng sẽ phải báo cáo lại để xem ý lãnh đạo Bộ là giao cho nhiệm vụ cụ thể về cái gì trong đó. Vì quản lý nhà trọ SV có nhiều vấn đề liên quan đến CSVC của địa phương, của dân quản lý chứ không phải của Bộ GD-ĐT. Chúng tôi sẽ phải tính toán xem phối hợp thế nào. Có thể Bộ GD-ĐT xây dựng nhưng phải trình Chính phủ ra quy định, hoặc yêu cầu địa phương ra quy chế.

Vậy hiện nay số SV ngoại trú là bao nhiêu và các trường đang quản lý theo hình thức nào, thưa ông?

- Theo báo cáo của các trường thì ký túc xá đáp ứng khoảng 20% chỗ ở cho SV nội trú. Còn lại 80% là ngoại trú và được chia thành 3 nhóm ở: với gia đình, với họ hàng, bà  con và ở trọ. Thực tế các trường cũng chưa thống kê được số lượng SV ở theo từng dạng này cụ thể là bao nhiêu.

Chúng tôi đã có Quy chế quản lý HSSV và hiện nay các trường đang thực hiện tùy theo điều kiện cụ thể của mình. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, quy chế này ra đời vào năm 2002, lúc đó Luật cư trú chưa được thực hiện. Do đó, những quy định về hộ khẩu tạm trú, tạm vắng đã có thay đổi nên chúng tôi sẽ điều chỉnh cho phù hợp với thực tế hiện nay. Dự kiến sẽ làm trong năm 2009.

Việc quản lý SV các trường phải chịu trách nhiệm vì Bộ đã phân quyền. Nhưng, có trường làm tốt, nhiều trường làm không tốt, chưa nắm bắt được SV ngoại trú.

"Loay hoay" tìm cách quản lý SV ngoại trú

Việc quản lý SV ngoại trú hiện nay đúng là không hề đơn giản, vậy theo ông, vướng mắc lớn nhất đối với các cơ sở giáo dục là gì?

- Bức xúc nhất trong quản lý SV ngoại trú là khu vực nhà trọ đa dạng về loại hình. Do đó, tệ nạn xã hội phần nào đó cũng len lỏi vào SV, đối tượng thanh niên "chưa chín" nên dễ bị sa ngã. Những cái xấu này tác động vào ý thức rèn luyện, học tập của SV, đây là mấu chốt khó nhất và khó quản lý được triệt để. Từ đây, chúng tôi đặt vai trò của chính quyền, công an là rất lớn trong việc chấn chỉnh quản lý nhà trọ, an ninh trật tự. Nhà trường cũng khó tác động đến tình hình nhà trọ mà chỉ có thể tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho SV.

Hàng năm, thông qua các đợt hoạt động, tập huấn và ngành có văn bản chỉ đạo đầu năm học để quan tâm giáo dục ý thức học sinh, sinh viên.

Nhà trường sẽ xử lý nếu công an gửi biên bản về tình hình vi phạm của SV ngoài nhà trường. Trong chế tài xử lý kỷ luật có 4 mức là: khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ học tập có thời hạn và nặng nhất là buộc thuộc học.

Nếu không thực hiện được quy chế quản lý nhà trọ có thể SV sống bên ngoài sẽ vẫn bị rơi vào tình cảnh "bóp chẹt" về giá cả, điện nước và tình hình an ninh trật tự, vậy Bộ cũng phải có giải pháp gì để tháo gỡ tình trạng này chứ, thưa ông?

- Vừa rồi chúng tôi có gửi công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có quy định tiêu chí cho nhà trọ SV, cụ thể về vệ sinh, an ninh trật tự. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của chính quyền, tổ chức đoàn thể, chủ hộ gia đình có nhà cho thuê; thống nhất mặt bằng giá cả và có biện pháp kiểm tra, xử lý nếu không đáp ứng yêu cầu. 

Tuy nhiên, ở Hà Nội và TP.HCM nơi tập trung đông SV ở nhiều địa phương đến, nên làm được việc này rất khó. Hơn nữa, cung không đáp ứng đủ cầu nên tình hình nhà trọ luôn rơi vào tình trạng "cháy".

Quy chế quản lý nhà trọ chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và tìm hướng giải quyết, để báo cáo và tham mưu cách làm với nội dung, phạm vi cụ thể. Thực sự để làm được việc này chúng tôi cũng rất bí vì như đã nói là ngoài tầm chúng tôi quy định.

Xin cảm ơn ông!

  • Bảo Anh (thực hiện)

Có công văn "đánh động" địa phương kiểm tra: (Ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục CSVC và thiết bị dạy học, đồ chơi trẻ em)

Chúng tôi đang bàn với Vụ công tác HSSV để xây dựng quy chế quản lý nhà trọ SV. Nhưng có lẽ chỉ có quy chế về nguyên tắc, còn cụ thể thế nào thì không làm được vì mỗi tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế khác nhau.

Hiện nay, chúng tôi đang bàn để xin Thủ tướng cấp thêm vốn cho Đề án xây dựng KTX SV giai đoạn 2008-2012 là 970.000m2 xây mới và cải tạo 730.000m2 để giải quyết khoảng 50% SV có chỗ ở trong KTX. Thực tế, chỉ có một số ít trường sư phạm, trường xa trung tâm, ĐH vùng là cơ bản đáp ứng được chỗ ở. Riêng 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM là căng nhất, thấp nhất là Trường ĐH Ngoại thương HN có 1ha chỉ đáp ứng 10-15% chỗ ở cho SV.

Nhưng đề án này chỉ có thể thực hiện được khi bài toán quy hoạch lại các trường ĐH, CĐ Hà Nội, TP.HCM được giải quyết. Chính phủ cũng đã ra đề bài này cho Bộ Xây dựng  và cuối tháng 12 sẽ báo cáo. Nguyên tắc quy hoạch các trường này là chuyển ra vùng lân cận, cách khoảng 50km và tiêu chuẩn là 1 trường ĐH không dưới 20ha, khối trường năng khiếu có thể ít hơn. Lúc đó các trường mới có điều kiện xây dựng KTX.

Còn hiện nay, mục tiêu để quản lý được nhà trọ HSSV rất khó. Ngay cả việc ra quy chế rồi thì giám sát thực hiện cũng không dễ. Tuy nhiên, nếu mình có công văn sẽ có tác động đến địa phương để họ kiểm tra.

Thu Thủy (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,