- Khoản đóng góp không nhiều, nhưng nhiều phụ huynh đang đóng và đã đóng trong nhiều năm, vậy số tiền đó được sử dụng thế nào? Có những khoản đóng góp, năm nào cũng phải đóng, không biết tiền đó đi về đâu?... Đó là thắc mắc của nhiều phụ huynh khi phải đóng những khoản tiền "tự nguyện".
10 năm vẫn đóng tiền xây sân trường
Thông báo các khoản thu năm học 2008-2009 của một trường THCS. Ảnh: Đ.T |
Chị Vân Anh, có con học tại Trường THPT G.Đ (Bình Thạnh) thắc mắc: "Từ lúc con trai lớn của tôi còn học ở đây, nhà trường đã kêu gọi phụ huynh đóng tiền để trường sửa lại sân trường. Giờ thằng con thứ 2 đang học lớp 12 tại trường này, phụ huynh vẫn phải đóng 20.000 đồng để sửa sân trường. Mà từ đó đến nay, không thấy sân trường thay đổi gì. Vậy tiền đóng góp của phụ huynh gần 10 năm nay đi đâu? Năm nào nhà trường cũng đưa cái sân trường ra trong buổi họp phụ huynh để kêu gọi đóng góp".
Không những thế, chị còn bức xúc vì trước đó nhà trường đã thông báo với học sinh là sẽ thu 20.000 đồng tiền sửa sân trường. Nhưng đến ngày họp phụ huynh, đại diện hội phụ huynh lại kêu gọi đóng 40.000 đồng! Và chị cũng như hầu hết các vị phụ huynh khác đã không đồng ý với mức này.
Tại Trường THPT N.T.H (Tân Bình), nơi con chị Thu Thủy học, trong nhiều năm qua, năm nào phụ huynh cũng phải “tự nguyện” đóng tiền để xây hồ bơi. Chị Thủy cho biết: "Lúc con trai đầu vào lớp 10 thì tôi đã phải đóng tiền để xây hồ bơi cho các cháu. Bây giờ, con trai tôi đã là sinh viên năm 3 đại học, những phụ huynh có con em đang học tại trường này vẫn phải đóng khoản tiền này. Số tiền mỗi người đóng góp tuy không nhiều, nhưng thử hỏi trường khoảng 3.000 học sinh thì tổng số tiền là không nhỏ. Nhưng rõ ràng là phụ huynh không biết được số tiền đó nhà trường sẽ sử dụng vào việc gì".
Chị Thủy cho rằng, mỗi năm đóng mấy chục ngàn không nhiều và phụ huynh sẽ vui vẻ đóng tiền nếu biết được khoản tiền đó sử dụng đúng mục đích, phục vụ cho việc học của con em mình.
Còn chị Bảo Vân, có con học tại một trường THCS ở quận 3 thì thắc mắc không biết vì sao năm nào cũng phải đóng tiền để trang bị đèn chiếu sáng, quạt trần, máy lạnh, bàn ghế… Chị Vân nói: “Năm nào cũng đóng tiền, không lẽ năm nào nhà trường cũng thiếu những vật dụng đó”.
Mập mờ những khoản thu chi
Theo thống kê, năm học 2007-2008, ở khối trường THPT, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền dẫn đầu về tổng kinh phí đóng góp của Ban đại diện cha mẹ học sinh với số tiền là 679.500.000 đồng. Trường Marie Cuire xếp thứ 2 với tổng số tiền là 640.413.600 đồng. Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa xếp thứ ba với tổng số tiền là: 582.000.000 đồng. Các trường như THPT Gia Định, Nguyễn Trung Trực có tổng số tiền thu được trên 500.000.000 đồng.
Cầm thông báo của Trường THCS Đ.K (Tân Phú) trong tay, chị Nguyễn Thuỷ cho biết: "Có hai khoản thu mà tôi vẫn cứ thắc mắc không biết hỏi ai. Đó là tiền ấn phẩm: 15.000 đồng/năm và tiền tài năng: 5.000 đồng/năm.
Tôi không hiểu tiền ấn phẩm là tiền gì, vì mỗi năm học sinh đã đóng tiền giấy thi, đề thi". Ngoài ra, chị Thuỷ vẫn băn khoăn khoản học phí Tin học (40.000 đồng/tháng). Chị nói: "Cơ sở vật chất, cụ thể là phòng máy thì nhà trường đã được đầu tư. Như thế, tin học cũng như những môn học khác, sao lại có học phí chênh lệch khá nhiều?"
Chị Võ Diệu Thúy (Q.3) không biết giải thích với cô con gái thế nào khi cháu bé cứ luôn hỏi: "Sao bạn con đóng tiền nước uống có 3.000 đồng mà lớp con lại đóng 5.000 đồng. Cùng một trường với nhau mà sao con phải đóng nhiều hơn bạn?".
Chị đành giải thích với con: "Lớp con ít học sinh hơn nên phải đóng nhiều hơn". Nói với con là thế, nhưng chính chị Thuý cũng đặt câu hỏi như con! Chị nói: "Chênh lệch không bao nhiêu, nhưng tại sao nhà trường không thống nhất trong những khoản thu bắt buộc này".
So với các năm trước, năm học này dường như các trường đã có sự dè dặt hơn trong việc công bố các khoản thu “tự nguyện”. Một số trường, ban đại diện cha mẹ học sinh đã chia nhỏ các khoản thu và không công khai các khoản chi như những năm trước. Chị Vân Anh cho biết, năm nay chị đóng 2 khoản: Hội phụ huynh học sinh (PHHS) lớp 100.000 đồng và hội PHHS trường cũng 100.000 đồng. Tại trường Đ.K, chị Nguyễn Thủy cũng đóng phí hội PHHS lớp là 200.000 đồng và hội PHHS trường là 15.000 đồng/tháng.
Chị Võ Diệu Thúy không phải đóng hai khoản hội PHHS mà chỉ đóng 180.000 đồng cho quỹ chung. Tuy nhiên, năm vừa rồi, sau khi nhà trường tính toán thu chi đối với môn tiếng Anh tăng cường, mỗi học sinh còn dư 195.000 đồng và theo đề nghị của hội PHHS, khoản tiền này sẽ ủng hộ để làm... quỹ lớp.
Chị Thúy bức xúc: "Mỗi tháng phụ huynh phải đóng 100.000 đồng cho môn tăng cường tiếng Anh. Và không hề biết khoản tiền này được chi như thế nào. Cuối năm học phụ huynh chỉ biết là còn dư bằng đó, nhưng rồi tiền cũng không thể về đến tay. Nếu tính toán kỹ, mỗi năm phụ huynh phải đóng tiền quỹ gần 400.000 đồng".
Năm nay, khá nhiều trường, ban đại diện cha mẹ học sinh không còn công khai các khoản chi như năm trước. Cụ thể, tại Trường THCS Đ.T.Đ (Q.3) các khoản chi của năm học vừa qua được thông báo khá chung chung như: Giải quyết khó khăn của trường: 42.680.000 đồng; quỹ dự phòng (trợ cấp ốm đau, khó khăn): 6.600.000 đồng...
Chú Nguyễn Văn Toản (Q.3) có con học ở đây cho rằng, mọi năm các khoản chi được thông báo rất chi tiết và có khá nhiều khoản thu làm cho phụ huynh chúng tôi thắc mắc. Năm nay thì thông báo rất chung chung, có thắc mắc cũng không biết hỏi thế nào.
Tiếp xúc với nhiều phụ huynh, chúng tôi nhận được khá nhiều bức xúc về việc thu chi các khoản tiền "tự nguyện". Nhưng hầu hết phụ huynh đều lo lắng khi bày tỏ ý kiến. Cũng như nhiều phụ huynh, trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chị Thuý dặn: “Đừng để con mình bị thầy cô "đì" vì mình nói sự thật nhé!”
-
Đoan Trúc