- Có một suất ở ký túc xá (KTX) trong thời điểm hiện nay, với nhiều sinh viên ngoại tỉnh ở TP.HCM là mơ ước. Vì trong thời điểm vật giá tăng, nhà trọ đắt đỏ, KTX với số tiền không đến 1 triệu đồng/năm là giải pháp tiết kiệm hơn cả.
Tuy vậy, nhiều KTX ở khu vực trung tâm TP.HCM hiện rơi vào tình trạng chung: cung không đủ cầu và đang xuống cấp nghiêm trọng.
Cung không đủ cầu
Hiện hoàn toàn không dễ để có chỗ ở KTX vì quỹ đất có hạn mà số sinh viên ngày càng tăng. Ban quản lý KTX ĐH Quốc gia ở khu vực ngoại thành, ĐH Tự nhiên, KTX ĐHSP, KTX ĐH Kinh tế ở nội thành đều cho biết, đến nay đã "khoá sổ" danh sách, dù nhu cầu về chỗ ở KTX bao giờ cũng thiếu.
Hầu hết KTX đã khoá sổ nhận người trong khi lượng cung vượt cầu hàng chục lần. (V.Giang) |
Tuy số lượng KTX tăng, vẫn không thể đủ nhu cầu khi các phòng đều kín người đăng ký. Nhiều sinh viên thuộc địa phương có phối hợp xây dựng KTX nhưng vẫn không có chỗ để ở. Theo ông Trần Thanh An, Giám đốc Trung tâm quản lý KTX ĐH Quốc gia TP.HCM, nguyên do số lượng sinh viên ngày càng tăng ngoài dự trù các tỉnh. Bởi vậy, vẫn ưu tiên những trường hợp khó khăn. Ví dụ, tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu, chỉ sinh viên thuộc 63 xã khó khăn và gia đình chính sách mới có tiêu chuẩn ở.
Với nhiều KTX khu vực nội thành TP.HCM, tình trạng khan hiếm càng chật vật. ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM chỉ có gần 900 chỗ ở KTX nhưng con số này chỉ đáp ứng được hơn 10% nhu cầu mỗi năm của sinh viên. KTX Tự nhiên chỉ có khoảng 200 suất trống mỗi năm, số suất này do sinh viên năm cuối ra trường, dành chỗ lại cho sinh viên năm hai chuyển từ Thủ Đức về.
ĐH Công nghiệp TP.HCM là một trong những trường ĐH có chỗ nội trú SV cao nhất. Năm nay, KTX của trường sẽ dành 2.500 chỗ ở, đáp ứng hơn 40% nhu cầu SV. ĐH Kinh tế TP.HCM tuyển 5.000 SV nhưng chỉ có 300 SV được ở KTX. ĐH Văn hóa TP.HCM tuyển 1.000 SV nhưng chỉ dành 100 chỗ cho tân SV trong KTX. KTX ĐH Sư phạm TP.HCM chỉ trống 350 chỗ, KTX ĐH Y Dược TP.HCM chỉ tiếp nhận 200 SV. Giá nội trú bình quân ở các KTX dao động từ 70 đến 120 ngàn đồng/SV/tháng.
KTX xã hội hoá cũng chung tình trạng quá tải. KTX của Công ty Hưng Á trong khu vực ĐHQG khoảng 5.000 sinh viên đăng ký nhưng chỉ có sức chứa 1.060 người. Nằm trên đường Nguyễn Thái Sơn phường 5, quận Gò Vấp, KTX do anh Huỳnh Phi Châu đầu tư cũng không còn chỗ trống, dù lượng SV đến đăng ký ở rất đông. Với hơn 50 phòng, KTX này cũng chỉ đáp ứng nhu cầu ăn ở cho khoảng 350 SV.
Anh Phi Châu cho hay, nếu ngày càng nhiều tư nhân đầu tư xây dựng KTX, vấn đề chỗ ở của sinh viên không còn là khó khăn muôn thuở, điều kiện trọ học của các em sẽ tốt hơn nhiều.
Chất lượng: Cố chống xuống cấp
Không chỉ thiếu về số lượng, hầu hết các KTX tại TP.HCM, đặc biệt khu vực nội thành đều đang trong tình trạng xuống cấp, ô nhiễm và không đạt yêu cầu. Hầu hết KTX hiện đã xuống cấp nghiêm trọng do xây từ trước năm 1975, quá chật chội và xuống cấp so với yêu cầu.
Tầng trệt KTX Tự nhiên được sử dụng để xe rất chật chội khiến sinh viên chỉ có thể đi lại hàng một. (V.Giang) |
Ông Hoàng cho biết, ở những KTX này, tình trạng hư hỏng thường gặp nhất là cống tắc, hỏng và nền bị thấm nước. Cách khắc phục sự cố “hư đâu sửa đó là chấp nhận tạm, nhưng đó là cách chống xuống cấp hiện nay.
Cách làm này, theo sinh viên Văn Nam ở KTX ĐH Tự nhiên là đối phó cho có. Thực tế, tình trạng thấm nước từ toilet tầng trên xuống tầng dưới dù được sửa chữa nhưng vẫn tái diễn khiến nhiều sinh viên thậm chí ngại đi “giải quyết” khi nước bẩn toilet tầng trên nhỏ giọt ngay xuống đầu.
Thậm chí có khi sửa xong một thời gian ngắn, tình trạng càng xấu hơn.
Cũng tại khu KTX này, hàng chục năm nay, hố rác công cộng lại nằm ngay bên cầu thang, thường bốc mùi hôi thối khiến nhiều sinh viên phải nín thở đi như chạy lên, xuống. Sinh viên ở những phòng nằm kề hố rác, vào mùa mưa (hơi ẩm bốc lên nhiều) phải tránh sang phòng học hoặc tìm nơi trú ẩn là trường học, thư viện vì ngộp thở không chịu nổi, Thuỳ Vân, phòng 20… cho biết.
Dù có nhiều ý kiến nhưng ban quản lý vẫn bó tay vì không thể thu xếp một nơi đổ rác hợp lý nào khác.
KTX ĐH Kinh tế thì sinh viên không có nơi phơi quần áo, phải phơi phóng hết thảy ra cửa sổ hướng về mặt tiền đường Trần Hưng Đạo. Sinh viên Thanh Vân cho biết: "Nhiều người bảo sinh viên bây giờ bê bối, bẩn, mất lịch sự... có thể họ nhìn thấy những tình cảnh phơi phóng cẩu thả này. Tuy nhiên, có ở KTX như tụi em mới hiểu, thèm có chỗ phơi phóng sạch sẽ cho hợp vệ sinh cũng không có. Tuy vậy, nói qua cũng cần nói lại, tình trạng khạc nhổ bã kẹo cao su, nước bọt... khá phổ biến trong KTX. Theo em, đó là thứ mất vệ sinh nhất mà chính sinh viên "tự hại" mình".
Khuôn viên, vườn hoa, sân chơi trong KTX hầu như không có. Ký túc cho cả nghìn người ở nhưng chỉ có không gian chung là hội trường xem ti vi. Sinh viên rất thiếu địa điểm để tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, văn nghệ, thể thao.
Với điều kiện KTX như thế, trong nhiều hoàn cảnh, nhiều nơi KTX thuần túy chỉ là nơi để sinh viên đặt lưng ngủ qua đêm chứ chưa thật sự trở thành môi trường sống văn minh. Sinh viên Thuý Hằng (ĐH KHTN) cho biết, với sinh viên ngoại tỉnh, ngoài những giờ học ở giảng đường, lẽ ra KTX là nơi muốn về nhất. Nhưng trong tình trạng KTX bẩn, chật chội, ồn ào như hiện nay thì "cực chẳng đã" mới phải về ở. Nếu bố mẹ không quá vất vả, em đã ra ngoài ở trọ để có điều kiện ở, học tốt hơn.
-
Vinh Giang