221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1103512
Sinh viên lần mò trên con đường hẹp vào ký túc xá
1
Article
null
Sinh viên lần mò trên con đường hẹp vào ký túc xá
,

- Trong thời buổi nhà trọ khan hiếm, giá cả lại quá cao như hiện nay, kí túc xá (KTX) là một lựa chọn hấp dẫn đối với SV. Nhưng nếu biết rõ các điều kiện để được vào ở trong KTX, biết rõ lượng cung - cầu chỗ ở trong KTX thì nhiều SV không khỏi nản lòng.  

Có trường nhưng không có...ký túc xá!

Môi trường học tập trong KTX tốt, giá lại rẻ, an ninh đảm bảo (Ảnh chụp tại phòng Internet của KTX ĐH Sư phạm HN0

Nhu cầu ở KTX của sinh viên ngày một tăng, nhất là trong lúc vật giá leo thang này. Nhưng hầu hết KTX của các trường ĐH trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay mới chỉ cung ứng được khoảng 20% - 30% nhu cầu về chỗ ở trong KTX cho sinh viên.  

Có thể lấy ví dụ cụ thể như sau: Năm 2008, chỉ tiêu tuyển sinh trường ĐH Sư phạm Hà Nội là 2540 sinh viên nhưng chỉ có gần 600 chỗ ở trong KTX. Toàn bộ các khóa của trường có gần 10.000 sinh viên nhưng chỉ có khoảng 2.500 sinh viên được ở trong KTX (gần 25%) .  

Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội có 5.000 chỉ tiêu tuyển sinh ĐH và CĐ năm 2008, nhưng chỉ có 1.500 chỗ ở KTX cho sinh viên. Toàn trường có hơn 20.000 sinh viên thì cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu chỗ ở trong KTX cho  khoảng 6.000 sinh viên. Ông Dương Đức Hồng, Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách Khoa HN cho biết: “năm nào, chỗ ở trong KTX cho sinh viên cũng thiếu trầm trọng. Có trên 70% sinh viên phải tự tìm chỗ ở bên ngoài vì KTX không kham nổi”. 

Cũng chung tình trạng này, ĐH Quốc Gia Hà Nội với hàng nghìn sinh viên (bao gồm 5 trường ĐH thành viên và 2 khoa trực thuộc) cũng chỉ đáp ứng được trên 30% chỗ ở KTX . Ông Nguyễn Quang Bình, Trưởng phòng Hành chính - Quản trị - Tổ chức, phụ trách các vấn đề KTX của ĐH Quốc Gia HN, cho biết: “Riêng năm 2008, chỉ tiêu tuyển sinh là 5.620 sinh viên nhưng chỉ còn 1.000 chỗ ở trong KTX. Số còn lại, các em phải hoàn toàn tự túc chỗ ở”. 

Năm 2008, trường ĐH Kinh tế Quốc Dân tuyển sinh gần 4.000 sinh viên nhưng chỉ có gần 800 chỗ ở trong KTX. Ông Nguyễn Xuân Quang, Giám đốc Trung tâm dịch vụ của ĐH Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh: “Hơn 800 sinh viên này thuộc diện được ở KTX. Nhưng con số được ở thực sự có lẽ sẽ ít hơn nếu KTX không còn đủ 800 chỗ”.  

Nhưng có tiêu chuẩn ở KTX cũng chưa chắc là sẽ được ở. Theo ông Quang, nếu KTX không còn đủ 800 chỗ ở cho các sinh viên thuộc diện được ở KTX thì nhà trường sẽ phải xét các điều kiện ưu tiên để đảm bảo quyền lợi và công bằng cho các em. Nhóm đầu tiên được xét ưu tiên là nhóm sinh viên thuộc hệ thống chính sách ưu đãi như con thương – bệnh binh, liệt sĩ, con anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân … tiếp đến là nhóm sinh viên thuộc hệ thống chính sách xã hội như con hộ nghèo, con gia đình nhiễm chất độc màu da cam,… Sau nhóm này mới đến nhóm nông thôn, miền núi. Cuối cùng mới xét đến các yếu tố như thủ khoa. 

Những trường có KTX quá nhỏ hoặc thậm chí là không có KTX thì câu chuyện về chỗ ở của sinh viên càng nóng bỏng. Trường ĐH Luật chỉ có 1 dãy dành cho sinh viên ở KTX, Học viên Quan hệ Quốc tế cũng chỉ đảm bảo được chỗ ở trong KTX cho vài chục sinh viên, cá biệt là ĐH Ngoại thương … không có KTX! 

Trường không thể tự quyết định mở rộng KTX 

 KTX ĐH Quốc gia HN là niềm mơ ước của nhiều SV.
Chuyện KTX khan hiếm chỗ ở, nhà trường biết; chuyện sinh viên muốn vào KTX ở nhà trường cũng biết nhưng không thể “vá thêm” diện tích cho KTX.  

Ông Dương Đức Hồng, Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách Khoa cho biết: “Muốn xây KTX, phải có ngân sách của Bộ, phải có quỹ đất riêng. Những yếu tố này, có phải muốn là được đâu? Diện tích nhà trường hiện nay chỉ đủ cho quy mô đào tạo, không còn cách nào khác”. 

Cũng theo ông Hồng thì đây là tình trạng chung của nhiều trường vì hầu hết các trường ở Hà Nội đều xây dựng cách đây mấy chục năm, quy mô đào tạo dần dần đã tăng gấp đôi mà cơ sở vật chất thì không thay đổi, việc không đáp ứng được yêu cầu về chỗ ở trong KTX là chuyện đương nhiên.  

Nhất là những trường như ĐH Quốc gia Hà Nội, kế hoạch phát triển đến năm 2015 của trường cũng ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch xây mới KTX cho sinh viên. Hiện nay, do mục tiêu của trường là chuyển 40.000 sinh viên lên khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất) vào năm 2015 nên KTX bây giờ mới đang bắt đầu được xây dựng. Nếu khu KTX này xây xong sẽ đáp ứng được nhu cầu ở cho 13.000 đến 14.000 sinh viên. Nhưng ở thời điểm hiện tại, những sinh viên không được ở KTX bắt buộc phải khắc phục khó khăn. 

Mọi con đường vào KTX đều...vấp!

Hầu hết các KTX có giá trung bình là 100.000 đồng/ tháng (trong đó, miễn phí cả 10 số điện, 4 m3 nước), môi trường học tập an toàn, an ninh đảm bảo. Đây cũng đáng là “động lực” cho các sinh viên cố gắng tìm mọi cách để có một suất trong các khu kí túc. 

Những sinh viên không có tiêu chuẩn ưu tiên mà vẫn thiết tha muốn ở KTX thì phải tìm mọi cách xoay sở. Sinh viên Hoàng Thu Hồng, ĐH Sư phạm HN cho biết: “Vào KTX bây giờ khó lắm, vì ai cũng muốn cả. Những bạn thuộc diện được ở kí túc rất ít khi bỏ, bởi hầu như ai cũng từ nông thôn ra học”.

Cách thông dụng nhất mà giới sinh viên hay “mách nhỏ” với nhau là … “chạy”! Nguyễn Thu P., sinh viên năm thứ 2 một trường ĐH ở HN cho biết: “Ở trường em, cứ bỏ ít nhất 200.000 đồng ra là …ok! Chỉ cần mang số tiền đó cho vào phong bì, rồi nộp cùng bộ hồ sơ cho người quản lý kí túc là sẽ có chỗ ở, mặc cho KTX có thiếu hay không. Chuyện thiếu hay đủ, làm sao chúng em biết được. Chỉ có người quản lý là nắm được điều này”. 

Tuy nhiên, nếu như bị nhà trường phát hiện là đối tượng không đủ tiêu chuẩn, sinh viên này vẫn bị đuổi ra khỏi kí túc như thường. P. kể: “Đã có chị khóa trước bọn em mất tới 300.000 đồng để được vào KTX. Nhưng sau đó, lại bị đuổi ra. Tiền mất, chỗ ở không có mà không dám kêu ai!”. P. tiết lộ: “Chuyện “chạy chọt” thế này cũng chưa chắc đã được, vì cũng có những người quản lí họ không nhận tiền”.

Cách của Q., ĐH BK. cũng khá phổ biến: Q. tìm một người có suất vào KTX nhưng không ở, nhờ người đó cứ xác nhận là sẽ ở rồi cậu sẽ thế chỗ. Hoặc tìm người nào năm trước đã được ở, năm nay chuyển ra ngoài nhưng nhờ đăng kí giúp là vẫn ở. “Cách này khá nguy hiểm nếu bị kiểm tra nhưng nếu biết “mẹo” để trốn thì cũng không sao”. Q. nháy mắt: “Khi có người đi kiểm tra, các phòng thường “truyền tín hiệu” cho nhau. Nếu mình thuộc diện phải “tránh” thì sẽ tránh trong … nhà vệ sinh! Đợi họ đi rồi, mình quay lại là thoát hiểm!”. Tuy nhiên, theo Q., cách này cũng không “thọ” được vì nó còn nhờ vào cái may của mình.

Đối với các tân sinh viên, nếu muốn đơn vào kí túc của mình có nhiều khả năng được nhận thì phải có “mẹo”! Hồng đã từng có bạn làm theo “mẹo” này và đã thành công: “Ngày nhập học, ít nhiều cũng sẽ có sinh viên thuộc diện được ở KTX nhưng không ở. Vì thế, nên “túc trực” ở ban quản lý KTX, đợi lúc tan tầm là khoảng 4h-5h chiều, sau khi đã thống kê được lượng sinh viên ở KTX rồi, nếu còn chỗ, đơn của bạn sẽ được nhận”.

Vì việc vào ở KTX rất khó khăn, nhu cầu lại quá bức thiết nên chuyện sinh viên ở “chui” trong KTX là chuyện đương nhiên. Ông Nguyễn Quang Bình, Trưởng phòng Hành chính - Quản trị - Tổ chức, phụ trách các vấn đề KTX của ĐH Quốc Gia HN xác nhận: “Dù công tác kiểm tra vẫn diễn ra nhưng việc sinh viên ở chui trong KTX vẫn có. Thường các em chỉ ở chui được một vài ngày là sẽ bị phát hiện và sẽ phải ra ngoài”. Còn ông Nguyễn Xuân Quang, Giám đốc Trung tâm dịch vụ của ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: “Chuyện ở chui trong KTX cũng khá phổ biến. Nhưng nếu bị phát hiện, người nào đăng kí hộ hoặc đồng ý cho bạn ngủ nhờ thì đều bị đuổi ra ngoài. Nhà trường làm như vậy cũng chỉ để công tác quản lý không bị rối loạn, an ninh cho các em được đảm bảo”. 

  • Cẩm Quyên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;