- Nếu từng phần của học trình đều có kiểm tra và khi kết thúc từng học trình đều có thi nghiêm túc, thì cuối cấp không cần kiểm tra hay thi lại một lần nữa...
> Cần giải pháp đột phá trong học và thi ở THPT
GS Hoàng Tụy. |
Sau nhiều năm đấu tranh vất vả chúng ta đã bỏ được thi tiểu học và thi THCS. Còn lại hai kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH, Bộ GD và ĐT có dự kiến kết hợp hai kỳ thi đó làm một, song không được sự ủng hộ của dư luận vì xét ra việc kết hợp đó không hợp lý. Nhưng vấn đề không chỉ ở chuyện kết hợp hai kỳ thi mà quan trọng hơn là cần xem xét lại chính sự cần thiết của mỗi kỳ thi ấy.
Để có giải pháp hợp lý, trước hết cần hiểu ý nghĩa việc kiểm tra và thi trong quá trình học. Mỗi môn học có hai phần: một phần, tạm gọi là “cứng”, gồm các khái niệm cơ bản, các sự kiện, công thức cần ghi nhớ (thậm chí thuộc lòng), các kỹ năng đặc biệt cần nắm vững, phần này phải luyện tập thành thạo và kiểm tra, nghiêm túc trong từng chương và thi khi kết thúc giáo trình.
Còn phần kia, tạm gọi là “mềm”, thuộc về tư duy logic, năng lực trừu tượng, khái quát, tiếp cận các vấn đề phức tạp, liên kết, tổng hợp các tri thức, phát triển trực quan, trí tưởng tượng, đầu óc tìm tòi sáng tạo, và cả khả năng biểu đạt tư tưởng chuẩn xác, rành mạch – phần này phải chắt lọc, tích lũy qua nhiều môn, tổng hợp thành cốt lõi của cái thường được hiểu là “văn hóa phổ quát”, hay như có người nói, là cái còn lại trong đầu sau khi quên hết các kiến thức cụ thể về từng môn đã học. Phần này tuy khó kiểm tra hay thi theo từng môn nhưng lại có ích cho suốt cả đời người và là cái nền bảo đảm sự vươn xa của từng chuyên gia trong thế giới trí thức ngày nay.
"Mù chữ thời nay không phải là những người không biết đọc, biết viết, mà là những ai không biết học (learn), biết giải học (unlearn, cởi bỏ cái đã học), và biết học lại (relearn)" |
Vậy thi tốt nghiệp để làm gì? Mục đích thi là tổng kiểm tra kiến thức về toàn bộ các môn trong suốt cấp học, cho nên đòi hỏi thí sinh phải nhớ, phải thuộc mọi thứ đã học và đã từng được kiểm tra và thi rồi, kể cả nhiều điều không thật sự cơ bản mà như vừa nói, ai cũng có thể và nên quên bớt sau khi ra trường.
Lợi ích của một kỳ thi tốt nghiệp rất ít, nếu lại thi tập trung, quy mô, như thi THPT của ta thì càng tốn kém, căng thẳng mà về lâu dài có thể dẫn đến học vẹt, học chỉ để đi thi. Mấy năm trước, thi tốt nghiệp THPT loại ra 5-7% thí sinh, hai năm gần đây loại nhiều hơn do thi nghiêm túc, nhưng cũng chỉ khoảng 20%. Đối với xã hội việc loại ra 20% này chẳng có tác dụng gì thiết thực mà đối với cá nhân là một sự tổn thương tinh thần lớn bất kể vì lý do gì, cho nên gần đây Bộ GD và ĐT có chủ trương số 20% này cũng được cấp chứng chỉ học hết THPT. Hóa ra, tốn nhiều tiền, huy động nhiều phương tiện, cuối cùng chỉ để phân biệt cái bằng tốt nghiệp với cái chứng chỉ, thật quá lãng phí.
Thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh họa) |
Dù sao kết quả học tập 12 năm trời không thể dồn lại được quyết định chỉ trong một kỳ thi năm ba ngày. Điều đó gây căng thẳng tâm lý không cần thiết lại mang nhiều yếu tố may rủi (thí sinh nào nhỡ ốm đau đúng vào dịp thi tốt nghiệp thì quá thiệt).
Vả lại, thi trắc nghiệm tuy đang được tích cực áp dụng vì có một số thuận tiện cho cơ quan quản lý, nhưng bản chất nó chỉ thích hợp để kiểm tra trình độ tối thiểu, còn muốn phân biệt giỏi dở thì đòi hỏi nhiều nghiên cứu công phu rất khó thực hiện tốt trong điều kiện VN (giàu có như Mỹ mới có khả năng tổ chức thi trắc nghiệm có hiệu quả, mà không phải mọi sự đã ổn).
Trong mọi trường hợp cần dứt khoát đoạn tuyệt với lối thi tốt nghiệp cổ lỗ, nặng nề và tốn kém không cần thiết. Hãy tập trung lo cho việc học cẩn thận, nghiêm túc từng khoá trình, từng năm học, đó mới là bảo đảm kết quả việc học một cách thiết thực và thực chất.
-
GS Hoàng Tụy
Kỳ III: Bỏ thi THPT thì đổi mới tuyển sinh ĐH và CĐ như thế nào?
Ý kiến của bạn: