221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1096760
Học đường: Mắt cận nhìn mắt loạn!
1
Article
null
Học đường: Mắt cận nhìn mắt loạn!
,

 - Xem tivi, chơi game, đọc truyện tranh chữ nhỏ, học nhiều, ngồi học sai tư thế, bàn học không đúng kích cỡ, môi trường thay đổi... là những lý do dẫn đến tỷ lệ HS cận thị ngày càng gia tăng.

Vì sao "kính trắng" lấp loáng sân trường?

Sáng 12/8, buổi học hè gần năm học mới tại Trường tiểu học Kim Đồng, quận Ba Đình, HN. Nhiều khuôn mặt của các bé lớp 2, lớp 3 cúi sát xuống trang vở, ánh mắt chạy "ràn rạt" theo từng dòng chữ trên giấy. Một số bé thấp hơn so với các bạn cùng tuổi, được ngồi ngay bàn đầu nhưng vẫn không "vừa sức" với cái bàn rộng và chiếc ghế quá cỡ.

Một giờ học của HS lớp 2 Trường tiểu học Kim Đồng, quận Ba Đình, HN. Ảnh: Bảo Anh

Ngay sát cửa lớp học của các lớp 1 và lớp 2, có những cặp kính cận đang chăm chú viết bài. Cô giáo chủ nhiệm Minh Lan của lớp 1B đếm số học sinh đeo kính và cho biết: khối lớp 1, 2 chỉ có khoảng 2-3 em/lớp bị cận, nhưng con số này sẽ tăng lên nhiều ở các lớp trên. Trong giờ ra chơi, dọc theo hành lang tầng 2 của trường, quả thật, số HS phải đeo kính cận khá nhiều: lớp 2A có 39 HS, 3 HS đeo kính; lớp 3B có 47 HS, 5 HS cận và loạn thị.

Năm học vừa qua, Bệnh viện Mắt HN tổ chức khám mắt cho 24 trường tiểu học, THCS ở cả nội và ngoại thành với hơn 18 nghìn HS. Kết quả, có đến 25% trong số đó bị tật khúc xạ.

Ở lớp 4A có 40 HS, khi cô Thanh chủ nhiệm hỏi: "Ai cận thị, giơ tay?" Có 8 cánh tay nhỏ bé "bẽn lẽn" giơ lên. Quay sang tôi, cô than phiền: "Số HS bị cận thị chắc chắn nhiều hơn thế! Có những phụ huynh không muốn cho con đeo kính".

Cô giáo Thanh còn lý giải: Các em phải đeo kính cận sớm là do tư thế ngồi học sai; do đọc truyện tranh giấy tối, chữ nhỏ; do xem tivi quá nhiều. Có những HS còn đọc truyện tranh "trộm" dưới ngăn bàn hay ra chỗ thiếu ánh sáng để đọc...

Ở lớp 4D, tỉ lệ cận thị lên tới 12/47 em còn ở lớp 5B thì thỉ lệ này là 12/45. Lê Anh Đức với cặp kính trắng khá nặng, ngước mắt lên trả lời tôi về nguyên do bị cận, là từ khi 3 tuổi đã "chen" vào ngồi lòng anh khi anh học vi tính nên phải đeo kính từ đó.

Phó Hiệu trưởng Bùi Thị Minh Hằng cho biết, nhà trường đã dùng đèn chống cận nhiều năm nay, mỗi lớp ít nhất có 8 bóng đèn, bàn ghế được đóng theo đúng kích cỡ. Tuy nhiên, có một số HS bé so với tuổi nên bàn ghế thành quá kích cỡ. Cô Hằng cũng nhận thấy, tỷ lệ cận thị học đường tăng theo năm học, biết chữ rồi trẻ càng đọc nhiều, càng bị cận nhiều hơn. 

Tỷ lệ cận học đường càng tăng rõ rệt khi bước vào cấp học THCS. Dù đang độ học hè nhưng số HS đeo kính ở các phòng học lớp 8, 9 của Trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa, HN cũng lấp loáng khá nhiều. Bước chân vào lớp 8N quan sát và đếm, gần 30 em "bốn mắt" trong tổng số 50 HS. Tỉ lệ cận là 30/50 quả là ấn tượng so với các bé tiểu học.

HS Trần Vũ Mỹ Linh, có độ cận là 2,5 và bị cận từ lớp 5. Giải thích nguyên nhân này, em cho biết, do lúc học tiểu học lớp bán trú đèn không đủ sáng, em ngồi bàn 2, nhìn không rõ, đi khám thì phát hiện bị cận.

Trao đổi qua lại với một số "cặp kính" khác để tìm hiểu nguyên nhân thì thấy cũng "muôn hình vạn trạng". HS Bùi Thanh Tú bị cận từ năm lớp 2 do xem tivi nhiều. Thấy mắt mờ, nhìn không rõ, bố mẹ cho đi khám đã cận 1,75 độ, hiện nay lên đến 5 độ. Cũng do xem tivi nhiều, xem khoảng cách gần đã khiến Lã Quế Anh bị cận từ lớp 3, thêm nữa, viết bài cúi sát vở cũng là yếu tố không nhỏ. Quế Anh cho biết, gia đình, nhà trường có nhắc nhở nhưng đã thành thói quen nên khó sửa.

HS Nguyễn Hà Vũ đang loay hoay với đống sách vở trên bàn, khi được hỏi cũng bộc bạch rất tường tận, rằng Vũ bị cận từ năm lớp 3 do thường xuyên đọc sách không đủ ánh sách. Những truyện Vũ đọc chủ yếu là truyện chữ nhỏ như Không gia đình, Dế mèn phiêu lưu ký... Bố mẹ lại đi làm cả ngày, không có ai nhắc nhở nên lâu dần mắt không còn được nhìn rõ nữa. 

Vũ cho biết, lúc đó đi khám, một mắt đã cận 2 độ, mắt kia 3 độ, giờ mỗi mắt đã tăng thêm 1 độ nữa. "Thấy con bị cận bố mẹ em cũng buồn lắm, nhưng đó là do lỗi của em không biết bảo vệ đôi mắt cho mình", Vũ trầm ngâm nuối tiếc.                         

Cô giáo Thu Huệ, dạy Văn của Trường THCS Đống Đa còn cho rằng: "có những HS bố mẹ cấm không cho đọc truyện tranh chữ nhỏ, nhưng các em đã chùm chăn để đọc "trộm. Không bị cận mới là lạ!".  

Cô Trần Bích Liên, Hiệu trưởng nhà trường nói còn chua xót hơn: "Khi biết con tôi bị cận, tôi buồn lắm, bảo với con là "đẻ con lành nuôi con què", nhưng con tôi lại động viên ngược lại rằng: đến nửa lớp con học cũng bị cận thị!".

Như để xác nhận lời động việc ngược của con mình, cô Trần Bích Liên cho biết: "Trong đợt khám mắt cuối năm học vừa rồi, hơn 2.000 HS cả trường được khám thì có khoảng 40% mắt yếu, phần lớn là cận và loạn thị".

Một giáo viên của Trường THPT Kim Liên, HN còn nêu ví dụ "kinh hoàng": năm học vừa rồi, lớp 12A9 có 52 HS, nhưng khi ra trường chỉ có 2 HS không đeo kính!

Cận thị học đường: Báo động đỏ!

Theo bác sĩ Chu Thị Vân, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt HN, tỷ lệ HS bị cận thị chủ yếu ở trường chuyên lớp chọn, chiếm đến 60%. Tình hình mắc bệnh cận thị tăng dần

Tình hình cận thị:

Năm 1964: 4,2%

Năm 1994: 10,34%

Năm 2003: 24,6%

Năm 2005: 36,7%

(Theo số liệu điều tra của Bệnh viện Mắt HN công bố cuối năm 2007)

ở các cấp học, ở trường nội thành cao hơn ngoại thành, trường chuyên cao hơn trường thường đến 2-3 lần.

Khá bức xúc và trăn trở trước thực trạng này, bác sĩ Vân giải thích thêm, sở dĩ HS ngoại thành có tỷ lệ cận thị thấp hơn là do các em phải làm việc nhiều hơn sau giờ học, hơn nữa, các trường ở ngoại thành không gian rộng, nhiều ánh sáng tự nhiên. Ở nội thành HS sau giờ học thường xem tivi, đọc sách truyện, chơi game vi tính... khiến mắt không được nghỉ ngơi. 

Bác sĩ Vân khuyến cáo: bệnh cận thị học đường có chiều hướng gia tăng, để khắc phục tình trạng này cần có sự phối kết hợp của ngành y tế, giáo dục, phụ huynh HS cũng như toàn xã hội cùng giải quyết các nguyên nhân gây ảnh hưởng để góp phần hạn chế sự gia tăng.

Sau đây là một số hình ảnh chúng tôi chộp được ở lớp học của 2 trường tiểu học Kim Đồng và THCS Đống Đa với những cặp kính loang loáng nhiều lên qua mỗi cấp học:

HS cúi sát mặt xuống vở để viết dễ dàng nhìn thấy qua các lớp học.

Bàn "quá khổ" so với kích cỡ của HS.

"Ai bị cận thị, giơ tay?"

Nhiều kính cận tranh thủ đọc truyện tranh và học bài trong giờ giải lao.

  • Bảo Anh

Ý kiến và giải pháp chống cận của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,