- Hệ thống trường sở vẫn giữ nguyên dạng từ thời Xô viết không đáp ứng các đòi hỏi thị trường; các trường sở tồn tại kiểu “mũ ni che tai”, cố tách rời khỏi thực tại xã hội.
Ảnh minh họa |
Hiện còn đầy trong “ổ cứng” của trí nhớ: những mệnh lệnh từ cơ quan đầu não bên Nga về tăng lượng lưu học sinh theo đường ngoài Nghị định thư, tức là đường du học tự túc; những cuộc thăm viếng của các chức sắc ngành giáo dục Nga, các đoàn đại biểu từ các trường, học viện Nga, và các công ty làm du học của Nga; rồi sự đáp ứng nồng nhiệt của các đối tác của họ tại Việt Nam, thể hiện qua các cuộc hội thảo rầm rộ, được các công ty tư nhân Nga Việt hay Việt Nga, có tên rất kêu, tài trợ…
Thời đó, nhiều người Việt Nam ở Nga về mang theo giấy chứng nhận, theo đó, họ là đại diện của một trong nhiều trường đại học ở Nga; rồi một số kiều dân Nga ở Việt Nam cũng có những uỷ nhiệm tương tự. Dường như bất kỳ ai ở bên lề ngọn triều cường này cũng có thể được đề nghị làm du học Nga, nếu biết tiếng Nga thì càng tốt, và thật khó để chối từ một sứ mạng quan yếu đến thế về chính trị, mà lại được chi trả ngay về tài chính.
Xét một cách khách quan, các trường đại học ở Nga từng có sinh viên Việt Nam theo học thời Xô viết quả là nơi đào tạo lý tưởng cho lưu học sinh Việt Nam sang học, với một khoản học phí là nhẹ hơn (900 - 1500 USD cho một năm học, được ở ký túc xá, tại những trường đại học ngoài Matxcơva) và những chi phí ăn ở được xem là rẻ hơn nhiều so với một nước Tây Âu. Con em của nhiều bạn bè tôi đã đi theo con đường này, tới nay có cháu đã kịp tốt nghiệp, về công tác ở Việt Nam. Mặt trái của trào lưu này, ít nhất theo như lời một cán bộ sứ quán Nga, là có nhiều người Việt đã lợi dụng địa vị (status) lưu học sinh và đăng ký hộ khẩu sinh viên để buôn bán ở chợ đen, trong đó có người thậm chí không bao giờ lên lớp. Thực vậy, không cần phải đeo kính phóng đại ghê gớm để nhận ra hiện tượng này.
Có thể đặt câu hỏi, vì sao nền giáo dục ở Nga, với những trường đại học nổi tiếng toàn cầu như MGU, MGIMO, MEI…, từng đào tạo ra nhiều thế hệ chuyên gia hàng đầu về nhiều lĩnh vực cho Liên Xô và cộng đồng XHCN trước đây, lại không thể trở thành một ngành kinh doanh phát đạt?
Trước khi trả lời câu hỏi này, xin một thoáng nhìn lại bức tranh giáo dục đại học của thế giới đầu thiên niên kỷ. Giáo dục đại học ở phương Tây từ lâu đã là ngành thương mại đem lại thu nhập cực kỳ cao. Cho tới năm 2001, hàng năm ở Mỹ đã có nửa triệu sinh viên nước ngoài theo học, đem lại cho ngân sách nước này khoảng 11 tỷ USD.
Sự tất yếu phải thắt chặt vành đai an ninh của chính quyền Bush trong cuộc chiến chống khủng bố, phần nào, lại biến thành những khó khăn cho các sinh viên từ các nước đang phát triển muốn sang Mỹ du học. Nhưng thị trường vốn không ưa những khoảng trống. Các nước Tây Âu, nhất là Đức, Anh, Thụy Sĩ, nhanh chóng trở thành trung tâm giáo dục đại học. Hàng năm, sinh viên ngoại quốc mang lại cho hầu bao của nước Đức tới 6-7 tỷ USD, trong khi doanh số thị trường giáo dục sinh viên ngoại quốc toàn thế giới (theo số liệu của WTO) là 70 - 80 tỷ USD. Người Nga của thế kỷ 21 ngày càng vỡ ra rằng, cần phải thị trường hoá, dù chỉ là một phần, nền giáo dục đại học, để đem lại lợi ích cả về đối nội và đối ngoại cho đất nước.
Đúng ra, ngay từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, giới thương gia non trẻ của nước Nga mới đã kịp nhận thức được rằng giáo dục có thể trở thành dịch vụ, và đào tạo đại học, trên đại học có thể đem lại lợi nhuận dồi dào. Tuy nhiên, các trường tư của Nga lúc đó vẫn còn thiếu cả giáo viên lành nghề lẫn hệ thống đào tạo đáp ứng chuẩn mực hiện đại, nên chúng thậm chí bị cáo buộc là những “ki ốt bán bằng”, làm những ai muốn được học hành tử tế phải lánh xa.
Còn trong cộng đồng người Việt ở Matxcơva thì lẩn quất những thì thào dạng như, có thể “tậu” bằng của trường đại học này hay viện kia ở ga Metro A hoặc B. Phải chăng đây chính là câu trả lời cho những nghịch lý như, vì sao những học Liên Xô về từ những năm 60, mà nay vẫn nói tiếng Nga làu làu, còn những anh chị em vừa tốt nghiệp ở Matxcơva về đã lại quên ngay tiếng Nga(!). Bản thân tác giả bài viết này, khi còn làm cho văn phòng hợp tác văn hoá và khoa học Nga nói trên, đã có lần được nhờ liên hệ sang tận Matxcơva để kiểm định, liệu vị trưởng phòng của một cơ quan nhà nước nọ ở Hà Nội có thực sự tốt nghiệp trường đại học nào đó ở Nga, sau khi hợp tác lao động ở Liên Xô, hay chưa?
Về phương diện quản lý ngành, nếu tin báo chí Nga, bạn sẽ thấy quan điểm của các ngành, các cấp đối với sự nghiệp giáo dục dường như không thay đổi mấy so với thời Xô viết. Theo đó, sự nghiệp giáo dục - đào tạo vẫn là gánh lo muôn thuở. Các quan chức ngành giáo dục và đội ngũ giảng viên lo địa vị xã hội và phúc lợi vật chất của ngành sẽ bị xuống cấp, nếu chủ trương bao cấp của nhà nước cứ bị lay chuyển. Còn với một số nhà phân bổ ngân sách, cả ở cấp liên bang lẫn cấp vùng miền, thì giáo dục - đào tạo trước sau vẫn là “cái hố đen ngòm”, hút hết mọi tài nguyên, mà chả thấy nhả ra cái gì.
Có thể thấy rằng, cho tới hôm nay nguyên tắc cấp kinh phí cho giáo dục - đào tạo từ những khoản tiền còn sót lại (финансироваться по остаточному принципу) ở Nga vẫn còn được áp dụng. Nói chung, kinh tế Nga hiện phát triển trong điều kiện của một thị trường phôi thai (примитивный рынок - nguyên văn: thị trường nguyên thủy), nhưng cơ chế quản lý của nhà nước vẫn là xưa cũ. Hậu quả là hàng năm các trường cho ra hơn một triệu cử nhân và kỹ sư, nhưng tìm được chuyên gia “ngon” thì vẫn thật là khó.
Nhưng không chỉ thiếu kỹ sư và các nhà bác học. Cả luật sư và kế toán viên lành nghề cũng khó kiếm lắm, mặc dù hàng năm có hàng vạn người tốt nghiệp những ngành này. Điều này, tiếc thay, lại không đồng nghĩa với việc con của bạn tôi, một sinh viên Việt vừa tốt nghiệp loại giỏi một trường có tiếng của Matxcơva, sẽ mặc nhiên được nhận vào làm tại một cơ sở công nghiệp của Nga, cho dù nơi này đang đốt đuốc đi tìm những chuyên gia trẻ của chuyên gia. Điều này hiện không chỉ “bị” điều chỉnh bởi hàng loạt những điều luật phức tạp, mà dường như còn chưa có trong tiềm thức, cả ở Liên Xô trước kia, lẫn Nga hiện nay.
Thời Xô viết, nếu trí nhớ vẫn trung thành phục vụ chúng ta, thì chỉ có những “anh nào” lấy vợ Nga, và nhờ đó mà có được căn cước, mới hòng được nhận vào đi làm công sở, nhà máy nhà nước. Tới nay, nhờ trời, các doanh nghiệp Việt có pháp nhân Nga, xét về lý thuyết, có thể nhận con bạn vào làm. Chi phí hàng năm cho một suất giấy phép lao động nước ngoài cộng hộ khẩu sẽ không dưới 3.000 USD.
Vậy là nhiệm vụ cấp thiết của nước Nga là xây dụng nền kinh tế tri thức. Hiện Nga vẫn có những thế mạnh là: đào tạo đại học và trên đại học không đòi hỏi chi phí cao, nền tảng học thuật còn khá vững; kinh nghiệm giảng dạy, kể cả giảng dạy học sinh nước ngoài, vô cùng phong phú. Các khó khăn là: nạn rò rỉ chất xám, lương bổng của giáo viên và cán bộ nghiên cứu còn thấp, lại thường xuyên phát không đúng hạn, và thái độ quan liêu từ phía các quan chức quản lý ngành.
Hệ thống trường sở vẫn giữ nguyên dạng từ thời xô viết không đáp ứng các đòi hỏi thị trường; các trường sở tồn tại kiểu “mũ ni che tai”, cố tách rời khỏi thực tại xã hội. Đây hẳn là điểm xuất phát của những quan ngại từ phía các nhà giáo dục học phương Tây là, phải chăng các trường - viện ở Nga (và cả các nước châu Á từng thuộc khối XHCN) vẫn quá chú trọng chuyển tải các kiến thức kinh viện, chưa bỏ công tạo dựng cách ứng xử độc lập, linh hoạt và sáng tạo, và kỹ năng hành động sát thực tiễn cho những chuyên gia tương lai của nền kinh tế quốc dân.
Để thay đổi tình hình, đã có nhiều kiến nghị gửi tới nhà nước. Chẳng hạn, chính phủ Nga cần tăng đầu tư vào các viện nghiên cứu, đồng thời bàn giao dứt điểm các trường đại học chuyên ngành và đại học kỹ thuật cho giới doanh nghiệp điều hành. Giáo dục đại học cần phải tồn tại trong môi trường sáng tạo, và xoay trở dưới những bàn tay của một thế hệ mới các quản trị gia của chuyên ngành đào tạo, những người được khuyến nghị có đủ quyết tâm tuân thủ các nguyên tắc quản lý minh bạch.
Phải chăng nước Nga đã chín muồi cho một cuộc cách mạng như thế về giáo dục?
-
Lê Đỗ Huy
Ý kiến của bạn: