221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1080132
Bỏ thi ĐH, Bộ GD-ĐT phải xem lại?
1
Article
null
Bỏ thi ĐH, Bộ GD-ĐT phải xem lại?
,

 - Năm 2009 sẽ bỏ thi ĐH nếu đề án đổi mới thi được Chính phủ phê duyệt. Đến thời điểm này, dự thảo lần thứ 20 phát đi - Bộ GD-ĐT coi đây là "công trình" được tập hợp ý kiến nhiều chiều. Sẽ chỉ còn kỳ thi THPT quốc gia tổ chức vào tháng 6 hàng năm. Kết quả của kỳ thi hướng đến 2 đích: Tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH. Tuy nhiên, vẫn còn băn khoăn về tính khả thi đề án khi triển khai...

Ông Hoàng Trọng Nhất (Ảnh K.O)
Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Văn hóa Hoàng Trọng Nhất: "Nếu Chính phủ phê duyệt đề án thì phải có cơ quan phản biện"

Bản chất của đề án đổi mới thi là bỏ thi ĐH nên phải hỏi các trường ĐH. Thực tế, Bộ GD-ĐT cũng đã có thăm dò ý kiến, nhưng vấn đề là số đông các trường ĐH đều thuộc Bộ nên ý kiến không khách quan. Do vậy phải có phản biện.

Nếu Chính phủ phê duyệt đề án này thì phải có cơ quan phản biện. Nhưng muốn phản biện được thì phải có đề bài toán - đó là cải cách giáo dục. Từ đề bài toán đó để ra những phương pháp giải bài toán rồi chọn phương pháp dạy hay nhất.

Hiện, chúng ta chỉ có 1 phương pháp giải bài toán thôi. Mà đề bài toán thì lại không rõ ở chỗ: Vì sao phải đổi mới thi cử? Nhiều ý kiến nói rằng để giảm chi phí, giảm áp lực và nâng chất lượng giáo dục.

Để đạt mục tiêu đề ra thì phải đặt chất lượng lên hàng đầu. Còn nếu nói đổi mới thi để dần thay đổi chất lượng thì phải khẳng định đổi thi có thay đổi chất lượng không? Đó là vấn đề phải làm rõ trong đề án.

Còn giảm áp lực thì nhiều ý kiến cho rằng không giảm, thậm chí còn áp lực hơn. Vì kỳ thi THPT quốc gia với 8 môn, học sinh sẽ phải thi trong thời gian dài hơn. Mà áp lực nhân đôi: tốt nghiệp và vào ĐH.

Giảm chi phí thì có giảm không? Tôi chắc chắn sẽ tăng vì nhiều trường cho rằng: Bộ bỏ thi nhưng chúng tôi vẫn tổ chức thi. Vì sao? Vì đây là kỳ thi tuyển thì sẽ có nhiều người vào mà chỉ tiêu ít thì phải dùng thi để loại. Và như vậy chắc là không giảm chi phí và nếu không có hỗ trợ "gánh nặng" lại "đè" lên các trường?

Thêm nữa, ở mình xếp đẳng cấp các trường là xếp theo đầu vào. Điểm đầu vào trường nào càng cao thì trường đó càng danh giá - đó là thực tế. Do đó đánh đồng 2 kỳ thi: Một là sát hạch xem đã đạt trình độ chuẩn chưa với kỳ thi tuyển vào ĐH là không khả thi lắm vì hai kỳ thi mục đích khác nhau.

Nếu phải bỏ thi thì nên bỏ thi phổ thông chứ không phải bỏ thi ĐH. Vì thi phổ thông để đạt chuẩn, hơn nữa "cuộc thi" phổ thông là cuộc thi 12 năm. Từng năm học sinh đạt trình độ rồi thì mới được lên lớp. Còn thi ĐH là thi tuyển 1 lần thôi.

Nếu bỏ thi ĐH thì Bộ GD-ĐT cần phải xem lại có nên tiếp tục chủ trương tăng tự chủ cho các trường nữa không? Còn đặt vấn đề hội nhập thì nên để các trường tự chủ: tài chính, chương trình và tuyển sinh đầu vào.

Còn nếu Bộ tiếp tục đẩy mạnh tự chủ ĐH để nâng cao chất lượng đào tạo ĐH hội nhập quốc tế thì không cần phải băn khoăn thi hay không thi ĐH mà lúc đó để các trường tự quyết. Vì nếu cho "con" ra ở riêng thì "con" sẽ phải lo từ A đến Z....

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm HN Nguyễn Viết Thịnh: "Thi ĐH không là thi quốc gia nữa?" 

Ông Nguyễn Viết Thịnh (Ảnh K.O)
Tôi nhất trí kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là một kỳ thi quốc gia. Vì dần dần từng bước đưa ra một chuẩn chung về chất lượng giáo dục cho các vùng miền; đồng thời tìm thấy được sự khác biệt còn đáng kể giữa các địa phương với các thành phố lớn, các thị xã,... từ đó có hướng khắc phục.

Cũng có ý kiến bàn đến việc thực tế có sự khác biệt như thế thì xử lý thế nào để kết quả của kỳ thi THPT quốc gia có thể sử dụng cho kỳ thi ĐH.

Qua thực tiễn và ý kiến của nhiều người, thì kỳ thi ĐH không cần đặt ra với trường nào? Trước hết đó là những trường trong những năm vừa qua chỉ cần thí sinh đạt điểm sàn là có thể đậu vào trường. Hay nói khác đi, thi vào những trường này, tính cạnh tranh không cao.

Việc các trường ĐH, đặc biệt là các trường ĐH ở Hà Nội và TP.HCM muốn được có kỳ thi riêng là do đâu?

Tôi nghĩ đó là những trường mà lâu nay có điểm thi đầu vào cao. Có trường do tỷ lệ cạnh tranh lớn; có những trường không phải tỷ lệ cạnh tranh cao nhưng chỉ những học sinh giỏi mới nghĩ đến việc nộp hồ sơ thi vào. Ví như: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Y,...

Vậy, nếu như không phải toàn bộ các trường ĐH đều có nhu cầu thi tuyển riêng hoặc không phải tất cả các trường ĐH đều thuận chỉ lấy kết quả thi THPT thì ta có thể quan niệm: Thi ĐH không phải là thi quốc gia nữa. Được chứ?

Trên cơ sở của 1 kỳ thi quốc gia thì lúc này, các trường nào muốn tìm được "đầu vào" tốt để cho "đầu ra" tốt thì phải chịu trách nhiệm tổ chức thêm đợt sát hạch bổ sung (vì nếu coi là kỳ kiểm tra bổ sung, thì e rằng có thể hiểu sai, rằng kiểm tra để cho biết mà thôi). Khi đó, số thí sinh được sơ tuyển nhiều hơn số định tuyển ở một tỷ lệ nào đó; sát hạch để rồi sàng lọc.

"Bài toán" này đặt ra cũng không dễ cho các trường. Thêm một kỳ thi mới - thì các trường sẽ phải thảo luận xem, ví như sư phạm có cả A, B, C, D và các khối liên quan đến năng khiếu thì phải tìm cách nào để có ràng buộc chung theo khối ngành. Và nếu làm không cẩn thận thì về khía cạnh kinh tế các trường sẽ bị thâm hụt do tỷ lệ ảo lớn, mà các trường sẽ phải tự lo.

Thực ra thì các trường cũng băn khoăn. Nhưng họ vẫn nghĩ dù có phải chi phí thêm nhưng yên tâm về chất lượng đầu vào, đáp ứng được chương trình giảng dạy, thì vẫn nên làm.

Tôi vẫn nghĩ, rất nhiều trường đã có tỷ lệ cạnh tranh cao vừa qua đều mong Bộ GD-ĐT cho phép thi 1 môn hay 2 môn - để các trường tự chủ hơn trong thi đầu vào.

Chỉ có 1 vấn đề trong dự thảo đưa ra: nếu các trường được xét tuyển thì phải công bố trước bao nhiêu tháng về kế hoạch, tiêu chí... - đấy là vấn đề về thời gian, và có thể cân nhắc thay đổi quy định. Quy định trước mấy tháng, thi bổ sung hay không thì phải đảm bảo cho thí sinh có đủ thời gian định hướng.

Chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia trong đó có 40% câu hỏi nâng cao giúp cho các trường ĐH chọn lọc. Nhưng thực ra chỗ đó cũng phải thực nghiệm vì các giáo viên có kinh nghiệm rất hiểu tâm lý học trò. Có những học trò muốn thử sức mình ngay ở những câu hỏi khó. Do vậy phải có kỹ xảo trộn đề làm thế nào để quy định là phần A cho phổ thông, phần B cho ĐH - nhưng để tách bạch như thế sẽ rất khó khả thi. Chưa kể có quá nhiều phương án đề thì; mức độ khó của các phương án đề khác nhau với phổ hết sức rộng của câu hỏi. Tất cả đều phải bàn kỹ.

Tôi cho rằng Bộ nên tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH trong đó có quy định trường phải làm tốt khâu tuyển sinh đầu vào theo đúng luật và đảm bảo chất lượng.

Với các trường có nhu cầu thì phải trình phương án với Bộ. Không nên quy định danh sách cụ thể trường A mới được xét tuyển, trường B không được xét tuyển. Mà nên coi trọng đề xuất của các trường. Khi đó đề thi các trường sẽ tự ra, Bộ có giám sát theo đúng quy chế.

Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Dương Đức Hồng: "Nên giao tự chủ cho trường trong tuyển sinh đầu vào"

Ông Dương Đức Hồng (Ảnh K.O)
Mỗi trường phải có phương án bổ sung để đảm bảo chất lượng. Trường ĐH Bách khoa ủng hộ chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia. Còn phương án tuyển vào trường nên để cho các trường quyết định. Nói cách khác là nên giao quyền tự chủ trong tuyển sinh đầu vào cho các trường ĐH....

Phải khẳng định, những đối tượng dự thi THPT quốc gia đã được tốt nghiệp lần 1 đủ điều kiện để xét tuyển vào các trường ĐH - chúng tôi không phản đối.

Trường đã có báo cáo Bộ phải có tổ chức một kỳ thi bổ sung - có thể gọi đó là một đợt kiểm tra chất lượng của trường. Tức là những em nào tốt nghiệp THPT lần 1 thì được vào dự tuyển đợt kiểm tra vào trường. Nhưng nếu xét kết quả từ cao xuống thấp từ kết quả thi THPT quốc gia cho đủ chỉ tiêu thì chúng tôi cho rằng không thể làm như thế được.

Phải có thêm một kỳ thi. Trước đây khi chưa thi "3 chung" thì Trường ĐH Bách khoa đã có cách ra đề rất chuẩn và tuyển chọn được những thí sinh xứng đáng vào học. Do vậy, phải khẳng định cần có thêm đợt kiểm tra bổ sung thì chúng tôi mới chọn được những thí sinh có thể học được.

Một năm trường tổ chức xét tuyển 1 lần và trường có tổ chức 1 kỳ kiểm tra bổ sung vào đầu tháng 8. Sau khi thí sinh nộp hồ sơ thì nhà trường phải phân loại rồi gửi giấy báo để thí sinh đến dự kiểm tra.  

Đợt kiểm tra dự kiến đối với khối A sẽ có 2 môn Toán và Lý. Riêng ngành tiếng Anh khoa học công nghệ sẽ có 2 môn thi bổ sung gồm Toán và tiếng Anh (khối D).

Chúng tôi đã đề xuất phương án với Bộ GD-ĐT phương án: Đối với những thí sinh có thể gửi hồ sơ xét tuyển khối A thì điểm thi tốt nghiệp THPT của 3 môn Toán - Lý - Hóa phải lớn hơn hoặc bằng 18 điểm, không có môn nào dưới 5 điểm. Còn khối D thì điểm 3 môn tốt nghiêp Văn - Toán - tiếng Anh (hệ số 2) thì phải đạt điểm lớn hơn hoặc bằng 20 điểm; trong đó tiếng Anh phải đạt từ 6 điểm trở lên.

Song song với đó trường còn mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng các đối tượng: những học sinh được giải Olympic quốc tế. Và giải nhất, nhì, ba Olympic các môn Toán, Lý, Hóa, Tin học thì được tuyển thẳng vào tất cả các ngành học của  trường.

Có những nội dung trong đề án cũng không căn cứ vào ý kiến của các trường ĐH. Khi hỏi ý kiến thì các trường có quyền đề xuất phương án triển khai. Trường nào chỉ cần căn cứ vào kết quả THPT thì xét thôi.

Còn với những trường cần có thêm hình thức thi tuyển để đảm bảo chất lượng thì phải để các trường quyết. Vì tuyển chọn phải có sàng lọc để sản phẩm đầu ra đáp ứng yêu cầu xã hội.

Do vậy mỗi trường phải có phương án bổ sung để đảm bảo chất lượng. Trường ĐH Bách khoa ủng hộ chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia. Còn phương án tuyển vào trường nên để cho các trường quyết định. 

Nói cách khác là nên giao quyền tự chủ trong tuyển sinh đầu vào cho các trường ĐH. Và các trường sẽ có phương án tối ưu để lựa chọn những học sinh phù hợp nhất cho chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo đảm bảo yêu cầu.

  • Kiều Oanh (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,