221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1068833
Đề không khó, thi an toàn
1
Article
null
Đề không khó, thi an toàn
,

(VietNamNet) - Đề thi không khó, làm vừa đủ thời gian, đều trong phạm vi chương trình đã được học. Buổi thi đầu diễn ra trong trật tự, an toàn. Ghi nhanh về buổi thi tốt nghiệp sáng nay.

Đề thi: Vừa sức, phân hóa

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2008. Ảnh: Lê Anh Dũng
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2008. Ảnh: Lê Anh Dũng
Theo nhiều học sinh ở trường Trung học Thực hành Sư phạm (TP.HCM), trong quá trình ôn thi tốt nghiệp, các em không đoán là đề sẽ ra như thế. Nhưng với đề thi này, thí sinh không khó khăn để đạt điểm 6 - 7.  

Cô Hoài Anh, giáo viên Văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, nhận xét, đề thi của chương trình không phân ban cơ bản, vừa sức, nằm trong chương trình lớp 12, đảm bảo những HS ở vùng sâu, vùng xa có thể làm được. Đặc biệt, đề năm nay ra không quá quen thuộc, buộc HS phải học cơ bản chắc. Cụ thể ở câu 2 (đề 2), đề đã thay đổi hoàn toàn cách hỏi so với mọi năm.

Theo phán đoán của cô Hoài Anh, HS trung bình ở Hà Nội đạt được điểm 5 không khó, nhưng HS miền núi sẽ đạt được 4 trở lên. Riêng câu 2 thuộc diện "khó" đối với HS trung bình khá. Do đó, HS sẽ chọn đề 1 nhiều hơn với những phần hỏi về thơ ca của Aragông, Mảnh trăng cuối rừng và phân tích đoạn thơ trong bài Bên kia sông Đuống.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Vũ Thanh Liêm, giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nhìn nhận ưu điểm của đề năm nay là bắt HS phải suy nghĩ, chọn lọc chứ không phải học thuộc lòng như trước đây.

Trong phần câu hỏi chung của đề phân ban, có câu 2 khá hay và phân loại được HS: Quan niệm sống của anh/chị về câu "Không thể bên trong một đàng, bên ngoài một nẻo được, tôi muốn được là tôi toàn vẹn" trong tác phẩm "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Lưu Quang Vũ. Câu này đòi hỏi HS phải trình bày quan điểm của mình. Do đó, bài viết của HS sẽ là bài viết thật, không thể quay cóp được và sau này khi chấm sẽ rất nhiều điều thú vị.

Có 2 ý kiến trái chiều từ HS, các em nữ đánh giá là khó, các em nam thì cho rằng dễ chỉ là thiếu thời gian. "Những câu hay và câu phân tích nhân vật, nếu thí sinh viết tốt, sẽ không đủ thời gian", thầy Liêm nhận xét.

a

Phó Thủ tướng kiểm tra thi tại Hội đồng Trường THPT Thuận Thành 2, Bắc Ninh. Ảnh: Kiều Oanh

“Vi hành” kiểm tra thi cùng Phó Thủ tướng 

Vì thanh tra đột xuất nên Phó Thủ tướng đã đột ngột thay đổi lịch làm việc tại Bắc Ninh sớm hơn dự kiến 6 giờ chuyển lên 5 giờ sáng đoàn bắt đầu xuất phát từ Hà Nội. Đúng 7h10, đoàn có mặt tại Hội đồng thi Trường THPT Thuận Thành 2.  

Sau gần 30 phút kiểm tra xung quanh khu vực, phòng thi, Phó Thủ tướng ghi nhận sự chuẩn bị chỉ đạo cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, chặt chẽ. Đặc biệt, đã rút được kinh nghiệm từ kỳ thi năm trước nên đã có chỉ đạo quyết liệt hơn. 

Xung quanh khu vực thi đảm bảo trật tự an toàn, không có phụ huynh tụ tập. Đối với HS đến muộn nếu chưa vào giờ thi thì nên cho các em vào phòng sớm. Không nên quy định cứng nhắc ảnh hưởng đến quyền dự thi của thí sinh.

Rời điểm thi Thuận Thành, 8h20 đoàn có mặt tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thuận Thành, nơi có thí sinh tự do của điểm “nóng” năm trước dự thi (Trung tâm GD thường xuyên Lương Tài).

Sau gần tiếng làm bài, Chủ tịch hội đồng thi Nguyễn Hữu Quyến nhận xét, chưa có sự cố đề thi. Hội đồng đã thu và niêm phong 42 đề thừa do thí sinh không đến và những thí sinh được bảo lưu môn Văn.

9h20 đoàn có mặt tại Hội đồng thi THPT Lý Thái Tổ. Tại đây, Phó Thủ tướng đã có lưu ý, Phòng Y tế nên bố trí thực phẩm ăn nhanh để khắc phục cho thí sinh khi có sự cố. 

Tại hội đồng thi này, Phó Thủ tướng đã phát hiện 1 trường hợp mang sách môn Sinh vào phòng thi Văn. Tuy không có ý gian lận nhưng giám thị cần lập biên bản nhắc nhở để lưu ý thí sinh ngay sau buổi thi đầu. Đối với những người không có trách nhiệm không nên để đi lại trong sân trường.

Qua 3 điểm thi, Phó Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực của Bắc Ninh đảm bảo cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, xóa tiếng xấu năm trước để lấy lại danh tiếng.

Chưa phát hiện sự cố 

Đề Văn: Bị lộ hay "trúng tủ"?

Trước giờ thi môn Văn khoảng 30 phút, một số giám thị ở Thanh Hóa xôn xao chuyện lộ đề thi. Cụ thể,  đề thi sẽ ra với nội dung về cuộc đời sáng tác của nhà văn Nguyễn Tuân, về mối quan hệ và vai trò của nhân vật Ensa và Aragông và họ ngỡ ngàng hơn khi trong đề thi có cả 2 câu hỏi về vấn đề này.

Trước đó, một số giáo viên ở Hòa Bình cho biết, đề văn với nội dung về Macxim Goocki và Vợ nhặt đã xôn xao suốt cả ngày hôm qua. Và thật bất ngờ khi sáng nay,  đề văn phân ban và không phân ban đều có tác phẩm "Vợ nhặt".

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho hay, buổi thi đầu diễn ra trong trật tự, an toàn, chưa có sự cố về đề thi.

Theo nhận định ban đầu của Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, buổi thi đầu diễn ra trong trật tự, an toàn, chưa có sự cố về đề thi.

Môn thi sáng nay, tại TP.HCM có 22 thí sinh ở hệ phổ thông vắng mặt. Trong đó có 1 thí sinh bị tai nạn giao thông trước ngày thi. Ở hệ bổ túc, số thí sinh vắng là 196. Cũng ở hệ bổ túc, có 1 thí sinh bị giám thị phát hiện khi đang sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh.

Hội đồng coi thi Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội), một số thí sinh quên không mang theo thẻ HS và chứng minh thư nhân dân đã phải nhờ người nhà về lấy đưa đến. Trường hợp một HS không có giấy tờ tùy thân, "do nằm ngoài quy chế nên hội đồng đã chủ động xử lý bằng cách cho thí sinh làm giấy cam đoan và có sự chứng kiến, ký nhận của 3-4 HS cùng trường có chứng minh thư. Chiều nay, thí sinh đó phải đem thẻ đến để đối chiếu. Chúng tôi đã báo cáo ngay trường hợp này lên Sở GD-ĐT" Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Thế Hưng (Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Thì Nhậm) cho biết.

Một sự cố nhỏ nữa xảy ra tại Hội đồng này là ngay sau khi phát đề 15 phút, một HS bị "tiêu chảy cấp" nên Hội đồng coi thi đã phải cử 2 giám thị đi theo giám sát.

Bà Đoàn Thị Giang (Phó hiệu trưởng Trường THPT Việt Nam - Ba Lan nhận thấy, sau đợt thi năm trước, năm nay HS đã chịu khó học hơn, không có tư tưởng để "gian lận" nên hiện tượng phao thi chắc không có trong phòng thi.

Những thí sinh của Trường THPT Nhân Chính nhận xét, đề thi không khó, làm vừa đủ thời gian, đều trong phạm vi chương trình đã được học.

Theo báo cáo nhanh của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh,  sáng nay có  54 thí sinh bỏ thi. Về 2 trường hợp bị tai nạn giao thông ngay trước ngày thi tốt nghiệp, ông Nguyễn Khắc Hào - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết, nếu học lực các em loại khá thì sẽ được đặc cách công nhận môn thi vắng mặt. 

Có 129 thí sinh vắng mặt tại các hội đồng thi ở Quảng Ngãi. Số thí sinh vắng mặt cao nhất tập trung ở các trường vùng cao. Tại cụm thi ở các huyện vùng cao như Sơn Hà, Ba Tơ, thí sinh, phụ huynh ở các vùng xa về dự thi được bố trí chỗ ở tập trung, được hỗ trợ vấn đề ăn uống, ngủ nghỉ trong suốt thời gian dự thi.

 

Rút kinh ngiệm từ các năm trước, các cụm thi ở các huyện vùng xa, vùng núi, cán bộ của Sở, của Trường rốt ráo làm công tác tư tưởng, vận động và “khoanh” vùng thí sinh để tránh tình trạng học sinh bỏ thi về bản khi làm bài không được. 

Phục vụ cho kỳ thi này, Phú Yên đã huy động nhân sự  gần 2.000 người tham gia. Bên ngoài phòng thi, không có tình trạng phụ huynh tập trung đông đảo. Tại các điểm photocopy cũng không diễn ra  tình trạng in sao tài liệu như các kỳ thi trước. Theo tổng hợp của Phòng Kiểm thí (Sở GD-ĐT Phú Yên), hệ THPT toàn tỉnh có 34 thí sinh vắng mặt. 

 

Chờ được đọc tên. Ảnh: Ngọc Lan.
Thí sinh tại một điểm thi ở Thừa Thiên - Huế đang chờ gọi tên. Ảnh: Ngọc Lan.
Theo thống kê của phòng khảo thí Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế, tại môn thi đầu tiên, trên toàn tỉnh có 39 thí sinh bỏ thi, trong đó có 1 thí sinh ở hội đồng thi Trường THPT Cao Thắng đã bị ngất xỉu. Như vậy, tỉ lệ thí sinh bỏ thi so với đăng ký chiếm 0,24%. Đối với hệ THPT, tại hội đồng thi của Trường Đại học khoa học, 1 thí sinh đã bị đình chỉ thi do quay cóp tài liệu.

Tại Cần Thơ, một điểm khác biệt so với trước là năm nay, toàn bộ thí sinh thi hệ bổ túc tại các quận, huyện đều tập trung về 3 hội đồng thi tại quận Ninh Kiều, chứ không thi tại địa phương như trước. Do vậy, nhiều thí sinh có học lực kém đã thi nhiều lần tỏ ra rất lo ngại kỷ luật phòng thi xiết chặt.

Ở các hội đồng thi bổ túc THPT, rất nhiều phụ huynh đưa con đi thi đến từ Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt với gương mặt căng thẳng, đang chờ tin con từ phòng thi. Chú Võ Hòang Dân, huyện Cờ Đỏ cho biết, 2 cha con chú đã xuống Cần Thơ từ tối qua, tìm nhà bà con tá túc để sáng nay đi xe búyt tới điểm thi. Chú lo lắng, con tui sức khỏe yếu nên học hành dở dang, phải thi bổ túc nhưng cũng ráng động viên con học để thi tốt, trước khi vào phòng thi thấy nó tự tin nên cũng cũng mừng. Trưa thi xong cha con kiếm chỗ ăn cơm ngon một chút để con có sức mà thi! Buổi trưa, nhiều thí sinh và phụ huynh ở xa tìm các quán cơm gần trường ăn qua bữa rồi tìm bóng mát ngồi tạm, con ôn bài, cha mẹ thì ngồi đó tiếp tục lo.

Hội đồng thi Trường THPT Vân Tảo (Hà Tây) có 2 thí sinh bị đình chỉ do mang tài liệu, 2 giám thị bị đình chỉ do không lập biên bản thí sinh vi phạm quy chế thi. Còn tại Hội đồng thi Trường THPT Thường Tín, có 7 thí sinh bỏ thi (trong đó có 6 thí sinh tự do).

Theo ông Uông Đình Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tây thì, do năm 2007, Hà Tây có 11.000 thí sinh không đỗ tốt nghiệp nên năm nay có 6000 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp diện tự do. Sở không đặt mục tiêu đạt bao nhiêu % tốt nghiệp nên sẽ làm nghiêm.

Ông Trần Bá Giao, Trưởng đoàn thanh tra đến Hà Tây, nhận định: Địa phương chuẩn bị chu đáo, 80% lực lượng công an được huy động để đảm bảo an toàn cho kỳ thi. Đây là 1 cố gắng không nhỏ của Hà Tây. Lực lượng bảo vệ vòng ngoài được bố trí khá đông, khoảng trên 20 chiến sỹ công an cùng lực lượng bảo vệ của địa phương.

 

Theo tin từ Sở GD-ĐT Vĩnh Long, 17 thí sinh hệ phổ thông và 40 thí sinh hệ bổ túc vắng mặt trong buổi thi sáng nay. Đã có 6 trường hợp vi phạm qui chế, trong đó có 2 thí sinh bị mức xử phạt đình chỉ thi, 3 thí sinh bị lập biên bản hủy kết quả.

Chiều nay, thí sinh tiếp tục thi môn Sinh học

  • Nhóm phóng viên

 ***********************************

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2008: Môn Văn

Thí sinh chọn một trong hai đề sau :

ĐỀ I

Câu 1 (2 điểm): Theo anh/ chị, Enxa, Tơriôlê có vai trò như thế nào trong cuộc đời và thơ ca của Lui Aragông?

Câu 2 (3 điểm): Suy nghĩ của anh/ chị về nhan đề tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu?

Câu 3 (5 điểm)

Phân tích đoạn thơ sau trong bài Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm:

  Bên kia sông Đuống

  Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
  Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
  Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
  Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
  Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
  Ruộng ta khô
  Nhà ta cháy
  Chó ngộ một đàn
  Lưỡi dài lê sắc máu
  Kiệt cùng ngõ thắm bờ hoang
  Mẹ con đàn lợn âm dương
  Chia lìa đôi ngã
  Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
  Bây giờ tan tác về đâu

  (Theo Văn học 12, tập một, tr. 79 - 80, NXB Giáo dục - 2006)

ĐỀ II

Câu 1 (2 điểm): Nêu ngắn gọn quá trình sáng tác và các đề tài chính của nhà văn Nguyễn Tuân.

Câu 2 (3 điểm): Anh/chị hiểu như thế nào về tâm sự của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ sau:

  Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
  Phải biết gắn bó và san sẻ
  Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ xở
  Làm nên Đất Nước muôn đời ...

(Đất Nước - trích Mặt đường khát vọng, theo Văn học 12, tập một, tr.249, XNB Giáo dục - 2006)

Câu 3 (5 điểm): Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân.

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,