- Tác giả viết sách hướng dẫn cho rằng "SGK là chính, tài liệu chỉ là một phần", còn lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho hay "về lâu dài, có thể trong năm tới, khi quy chế thi thay đổi, SGK chỉ là kênh tham khảo".
Đó là phản hồi của những người có trách nhiệm trước vấn đề "tài liệu hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT năm học 2007-2008 môn Ngữ văn” được phản ánh là có nhiều sai sót và cách thức quản lí, biên tập và in ấn, phát hành.
Dưới đây là phản ánh của phụ huynh và phản hồi của tác giả sách cũng như lãnh đạo Bộ GD-ĐT.
Nhiều lỗi "ngớ ngẩn", lạm dụng "Bộ GD-ĐT"
Cuốn sách "Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm học 2007-2008 môn Ngữ văn” do Bộ GD-ĐT phát hành đã có nhiều phản ánh về sai sót của các tác giả với các kiến thức cơ bản. Tôi thấy còn có thể nêu lên nhiều lỗi “ngớ ngẩn” và nguy hại hơn nữa nhưng ở đây, chỉ xin nêu lên vấn đề quản lí, biên tập và in ấn, phát hành của Bộ GD-ĐT.
Thi tốt nghiệp năm 2007
Ngoài bìa, sách mang tên Bộ GD&ĐT ( trên cùng) sau đó là tên sách: Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm học 2007-2008 môn Ngữ văn và cuối cùng là ghi nơi in: Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD). Bên trong trang đầu ghi tên ba tác giả: Nguyễn Trọng Hoàn, Nguyễn Duy Kha và Vũ Nho. Ông Nguyễn Trọng Hoàn mới được đề bạt chức Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học ( Bộ GD&ĐT), ông Nguyễn Duy Kha vừa lên chức Trưởng phòng khảo thí (Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng- Bộ GD&ĐT), ông Vũ nho, PGS.TS, chuyên viên phụ trách môn văn của Vụ giáo dục trung học.
Ba tác giả đều công tác ở các vị trí liên quan đến chỉ đạo học hành - thi cử. Nhưng điều ngạc nhiên là tại sao ba ông không đề tên ngoài bìa sách, mà bìa lại mang tên Bộ GD-ĐT. Kiểu trình bày này chỉ có ở sách giáo khoa (SGK) chính thức do Bộ quản lí và chịu trách nhiệm trước công luận.
Nếu sách Hướng dẫn… này cũng là một tài liệu quan trọng như SGK, thì cần phải có quy trình biên soạn và thẩm định như SGK (tác giả phải có quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, khi biên soạn xong phải được Hội đồng thẩm định quốc gia đọc, xem xét, góp ý nhiều lần; trước và sau thí điểm các tác giả phải sửa đi sửa lại, biên tập phát rất công phu, cẩn thận… mới cho dùng đại trà).
Vậy không hiểu khi cho in và phát hành cuốn sách Hướng dẫn… này (cũng như nhiều môn khác) có tiến hành quy trình như SGK không? Những sai sót trong cuốn sách, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ chịu trách nhiệm chính hay các tác giả?
Theo thiển ý của cá nhân, với kinh nghiệm nhiều năm dạy học trò, tôi thấy tài liệu này khá quan trọng. Thứ nhất, do tính chất của sách: hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp; thứ hai nó lại mang tên Bộ GD&ĐT ngoài bìa và thứ ba nó được in ở một NXB có thương hiệu – NXB GD. Thêm vào đó như trên đã nêu, người trong ngành nhìn thấy tên tác giả, biết nơi công tác nên rất yên tâm… Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên tính hấp dẫn của cuốn sách. Nhưng khi mua về, đọc vào mới thấy nội dung hết sức sơ sài, toàn “xáo xào” lại các nội dung trong SGK và sách giáo viên, không có gì mới, thiếu rất nhiều và sai sót rất nhiều như có báo đã phản ánh.
-
Phạm Thu Hương (nguyên giáo viên dạy văn, Hà Nội)
Đồng tác giả Vũ Nho: Tài liệu không thể thay sách giáo khoa Tài liệu này thừa và thiếu khá nhiều bài trong chương trình không phân ban và phân ban. Sai sót đầu tiên là ở ngay Lời nói đầu mà cần phải ghi: dùng cho HS chương trình không phân ban. HS phân ban KHTN và KHXH&NV có thể tham khảo. Khi viết tài liệu, không thể viết cho cả 2 đối tượng HS trên mà hướng đến HS không phân ban. Chúng tôi cho rằng, tài liệu hướng dẫn ôn tập là tài liệu tham khảo dùng kèm SGK, không thay thế SGK. Có những điểm SGK viết kĩ, tài liệu có thể không nhắc lại, hoặc nhắc lại ở mức tối thiểu. Và cũng không nhất thiết, tài liệu phải nói y như sách.
Trong trang 72 của tài liệu có viết "chùa Tây Phương được xây dựng từ thế kỷ 18". Tuy nhiên, thực tế ngôi chùa này được xây dựng từ thời Bắc thuộc và trùng tu ở cuối thế kỷ 18. Đây là sai sót do lỗi vi tính mà chúng tôi không kiểm tra hết. Cái này đã có trong sách rồi, ai cũng biết. Những sai sót trong tài liệu "không có gì đáng kể", sai thì sửa. HS ôn tập phải có kết hợp. SGK là chính, tài liệu chỉ là một phần thôi.
Ông Nguyễn Hải Châu (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT): Sách giáo khoa sẽ chỉ còn là sách tham khảo?
Năm nào Bộ cũng hướng dẫn ôn tập (không có sách) giúp HS chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi.
Năm nay, sách nói trên nhằm "hướng dẫn giáo viên và HS trong việc tổ chức ôn tập, phương pháp tiến hành nhằm củng cố sâu kiến thức, rèn luyện kỹ năng và cách thức làm bài thi trắc nghiệm, tự luận để HS ôn tập". Sách này để để giới thiệu về cách làm, kỹ thuật làm bài, không thay hoàn toàn nội dung chương trình, SGK.
Cuốn hướng dẫn chỉ là gợi ý. Đã gọi là phương pháp và cách thức thì có thể đưa những nội dung vào để minh họa cách tổ chức ôn tập. Cơ bản, trong phần đưa vào cố gắng sao cho đủ các loại hình để HS hiểu, không có nghĩa là "quét" hết nội dung trong SGK.
Trước những phản ánh về sai sót của cuốn sách, quan điểm của Vụ là "nếu có những chỗ cần điều chỉnh lại thì sẽ giải thích và hướng dẫn để các trường ôn tập cho đúng".
Quy chế thi cử đã nói, HS thi trong nội dung chương trình học chứ không nói là theo các tài liệu khác. Hiện nay, HS vẫn hiểu là học theo SGK. Về lâu dài, có thể trong năm tới, trong quy chế thi không còn ghi "trong SGK" nữa mà ghi là nội dung chuẩn kiến thức kỹ năng trong chương trình. Lúc đó, SGK chỉ là kênh tham khảo.
Nếu cảm thấy nội dung trong tài liệu "hướng dẫn" không yên tâm thì có thể học theo cái gốc là SGK. Tất cả những hướng dẫn đã đảm bảo tính pháp lý tuyệt đối, không có vấn đề gì đáng ngại. Vì trong thi cử đã nói rõ là thi theo chương trình đang học. Không ai có thể nói khác được. HS mua sách là tự nguyện.
|