- Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn, năm 2009 sẽ chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia. Kết quả kỳ thi vừa để công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ và trung cấp (TC). Dưới đây là những điểm mới nhất trong đề án Đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào trường ĐH, CĐ, TC.
- Những căn cứ để tiến đến nhập hai kỳ thi "tốt nghiệp THPT" và "tuyển sinh ĐH, CĐ" thành một?
Ảnh Phạm Hải
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương, việc coi thi chỉ do cán bộ, giáo viên địa phương thực hiện, thường bị sức ép bên ngoài. Hội đồng coi thi nhiều nơi không kiểm soát hết tình hình để đảm bảo thi nghiêm túc. Tiêu cực và bệnh chạy theo thành tích cũng làm cho công tác coi thi, chấm thí ở nhiều nơi trở nên lỏng lẻo, hình thức. Nghiêm trọng hơn là những trường hợp gian lận có tổ chức được phát hiện trong vài năm gần đây...đã làm cho kỳ thi tốt nghiệp THPT không đảm bảo.
Mặt khác, hai kỳ thi quốc gia là thi tốt nghiệp THPT và thi chung tuyển sinh ĐH, CĐ đều có quy mô lớn, được tổ chức riêng rẽ, cách nhau 1 tháng, thêm vào đó là kỳ thi CĐ đợt 3 đã gây tốn kém, căng thẳng không cần thiết cho thí sinh.
Việc tổ chức thi theo 4 khối (A,B,C,D) hạn chế sự tự chủ của các trường trong việc quy định những môn thi cần thiết đối với từng ngành đào tạo. Các trường tự ra đề thi cho kỳ thi tuyển sinh CĐ và TC dẫn đến không tạo được mặt bằng chung về chất lượng tuyển chọn đầu và...
Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế chỉ còn dưới 10% các nước có nền giáo dục phát triển vẫn tổ chức hai kỳ thi riêng biệt. Nhiều nước lấy kết quả của kỳ thi chung chỉ để xét tuyển sinh và ĐH và các trường chuyên nghiệp. Một số trường ĐH có thể tổ chức thêm kỳ thi với quy mô nhỏ. Ở một số nước, kết quả của kỳ thi chung được sử dụng để đánh giá tốt nghiệp và tuyển sinh. Điển hình như Liên bang Nga...
- Mục tiêu của kỳ thi "2 trong 1" và đối tượng dự thi?
Nhằm đánh giá đúng thực chất trình độ người học. Kết quả thi đủ độ tin cậy để công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời đủ khả năng phân loại trình độ để làm một căn cứ quan trọng để xét tuyển vào ĐH, CĐ, TC. Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức vào tháng 6 hàng năm tại các tỉnh.
Đối tượng dự thi gồm:
Thí sinh (trong và ngoài nước) học xong lớp 12 THPT hoặc tương đương, đủ điều kiện theo quy chế quy định, dự thi chủ có mục đích công nhận tốt nghiệp THPT.
Thí sinh (trong và ngoài nước) học xong lớp 12 THPT hoặc tương đương, đủ điều kiện theo quy chế quy định, dự thi có mục đích vừa được công nhận tốt nghiệp THPT vừa được xét tuyển vào ĐH, CĐ, TC.
Thí sinh (trong và ngoài nước) có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương (kể cả ĐH, CĐ, TC) dự thi chỉ có mục đích được xét tuyển vào ĐH, CĐ, TC.
Thí sinh đăng ký dự thi theo Sở GD mà thí sinh học xong lớp 12 trong năm tổ chức kỳ thi hoặc những năm trước. Trường hợp đặc biệt, nếu thí sinh học xong lớp 12 những năm trước không thể về trường cũ dự thi thì phải gửi đơn xin thi tại đơn vị thi mà thí sinh đề nghị, có sự xác nhận của trường cũ cho thí sinh chuyển đi.
- Đề thi được ra theo hướng nào?
Các môn thi Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ ra đề theo hình thức trắc nghiệm. Môn Toán thi 90 phút, các môn khác mỗi môn 60 phút. Môn Ngữ văn phối hợp tự luận và trắc nghiệm.
Đề thi của mỗi môn thi đều ra theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT. Không nhất thiết chỉ có nội dung ở lớp 12; không nhất thiết chỉ bám sát SGK. Trong đề thi có khoảng 60% số điểm ứng với nội dung ra đề theo chuẩn kiến thức, kỹ năng THPT để công nhận tốt nghiệp và khoảng 40% số điểm ứng với các câu hỏi trong chương trình THPT nhưng không khó hơn, để phân loại trình độ, xét tuyển sinh.
Khi chương trình giáo dục thường xuyên chưa tương đương chương trình chuẩn giáo dục THPT: trong cơ cấu đề thi, phần để công nhận tốt nghiệp cho thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên sẽ ra với nội dung nằm trong chương trình giáo dục thường xuyên; phần để phân loại trình độ, xét tuyển sinh sẽ ra chung cho tất cả thí sinh (không phân biệt giáo dục thường xuyên hay giáo dục THPT).
Để tăng tính khách quan trong khâu coi thi, số phiên bản đề thi trắc nghiệm mỗi môn ít nhất bằng nửa số thí sinh trong phòng thi hoặc mỗi thí sinh có một phiên bản đề thi...
- Với kỳ thi THPT quốc gia thí sinh sẽ phải dự thi nhưng môn học nào?
Kỳ thi sẽ được tổ chức thi nhiều môn trong số các môn học ở cp THPT để thí sinh lựa chọn theo mục đích riêng và mở rộng điều kiện để các trường ĐH, CĐ, TC xét chọn phù hợp với từng ngành đào tạo.
Trước mắt, trong một số năm đầu, tổ chức thi 8 môn gồm: Ngữ văn, Ngoại ngữ, Toán, vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Những năm sau có thể thêm các môn khác như Tin học, Giáo dục công dân...thuộc chương trình THPT.
Trong một số năm đầu, những thí sinh không được học môn Ngoại ngữ (hoặc môn Ngoại ngữ không đủ thời gian quy định) được thi môn khác thay thế chỉ để công nhận tốt nghiệp.
Số môn thi thí sinh phải thi để được công nhận tốt nghiệp THPT gồm 6 môn: 3 môn công cụ bắt buộc đối với tất cả thí sinh (Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ), 3 môn do mỗi thí sinh tự quyết định trong số các môn thi còn lại của kỳ thi.
- Điều kiện và phương thức để công nhận tốt nghiệp THPT?
Kết quả xếp loại học lực; điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có); điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia của từng thí sinh đăng ký tốt nghiệp công khai trên mạng.
Sở GD-ĐT căn cứ quy chế công nhận tốt nghiệp, căn cứ kết quả thi các môn thi tốt nghiệp và kết quả xếp loại học lực, hạnh kiểm, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) của người học để công nhận tốt nghiệp THPT. Điều kiện về văn hóa để tốt nghiệp THPT là người học đạt yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của chương trình chuẩn; đạt điểm tối thiểu trở lên.
Điểm tối thiểu tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT quy định chung trên toàn quốc (có tính đến yếu tố vùng, miền).
Người tốt nghiệp THPT được xếp loại (giỏi, khá, trung bình) theo quy chế. Người tốt nghiệp THPT được cấp 3 giấy báo kết quả thi trong kỳ thi THPT quốc gia để đăng ký dự tuyển vào ĐH, CĐ và 5 giấy báo kết quả thi để tuyển vào TC.
- Điều kiện xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, TC?
Trước kỳ thi 1 năm, các trường ĐH, CĐ và TC phải công bố chỉ tiêu xét tuyển từng ngành và các tiêu chí dựa trên khung xét tuyển của Bộ GD-ĐT. Khung tiêu chí tuyển sinh bao gồm: số môn thi văn hóa (trong số các môn được tổ chức trong kỳ thi), môn thi năng khiếu, các tiêu chí khác về kết quả học tập ở cấp THPT, các yêu cầu đặc biệt khác.
Trường ĐH, CĐ và TC dựa vào khung tiêu chí đề ra các yêu cầu cần tuyển sinh vào mỗi ngành đào tạo theo 3 trường hợp sau:
- Đối với hầu hết các ngành thí sinh phải thi 3 môn văn hóa đối với ĐH, CĐ; 2 môn văn hóa đối với TC (trong đó có ít nhất một trong các môn: Toán, Ngữ văn hoặc Ngoại ngữ) trong số các môn của kỳ thi. Môn thi có thể được nhân hệ số hoặc quy định điểm tối thiểu đối với các môn cần thiết nhất.
- Đối với các ngành năng khiếu thí sinh phải thi 2 môn văn hóa đối với ĐH, CĐ; 1 môn văn hóa đối với TC (trong đó có ít nhất 1 trong các môn: Toán, Ngữ văn hoặc Ngoại ngữ) và môn năng khiếu do trường ra đề. Môn thi có thể được nhân hệ số hoặc quy định điểm tối thiểu đối với môn cần thiết.
- Đối với những ngành có yêu cầu đặc biệt như: sư phạm ngoại ngữ, báo chí, đối ngoại, chương trình đào tạo tiên tiến...do trường đề xuất và được Bộ GD-ĐT chấp thuận. Sau khi có kết quả ở kỳ thi THPT quốc gia, trường chọn số thí sinh được sơ tuyển theo thứ tự tổng điểm của các môn văn hóa xét tuyển sinh từ cao xuống thấp; số thí sinh sơ tuyển tối đa bằng 1,5 lần số chỉ tiêu tuyển của từng ngành, phải dự thi tại trường ĐH, CĐ, TC bài thi tự luận hoặc vấn đáp hoặc thực hành...của 1 môn thi do trường quy định và ra đề.
Sau khi đã được công nhận tốt nghiệp THPT và đã có kết quả thi các môn tuyển sinh đáp ứng yêu cầu tuyển sinh của trường, thí sinh gửi hồ sơ đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ, TC...
Nguyên tắc xét tuyển đối với từng ngành học, ưu tiên tuyển trước những học sinh được tuyển thẳng, tuyển ưu tiên theo quy chế. Chọn trong số thí sinh đăng ký hợp lệ, có điểm từ cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu.
-
Kiều Oanh (tổng hợp)
Ưu và nhược điểm của kỳ thi "2 trong 1":
Ưu điểm: Hạn chế việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi như trước đây. Vì mỗi học sinh đều có nhu cầu tập trung vào những môn khác nhau để tham dự kỳ thi THPT quốc gia.
Thí sinh muốn được xét tuyển vào ĐH, CĐ, TC có thể chọn thi một nhóm môn trong 8 môn thi quy định (hoặc thi cả 8 môn lịch thi cho phép) để vào nhiều ngành, ở nhiều trường khác nhau, tùy thuộc vào khả năng của thí sinh không phân biệt khối thi như trước.
Đảm bảo nghiêm túc, hạn chế vi phạm, tiêu cực nhờ việc tổ chức in sao đề thi chặt chẽ. Đề thi được niêm phong theo từng túi đến từng phòng thi. Tổ chức coi thi tập trung chỉ ở một số đơn vị thi trong mỗi tỉnh, có sự tham gia của các trường ĐH, CĐ, TC đảm bảo cho lực lượng coi thi có chất lượng hơn, khách quan hơn.
Chính xác, khách quan nhờ áp dụng hình thức thi trắc nghiệm ở hầu hết các môn thi, đề thi được xáo trộn thành nhiều phiên bản để hạn chế tối đa việc quay cóp trong phòng thi. Bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy với sự giám sát chặt chẽ đảm bảo khách quan, chính xác.
Công bằng do các khâu trong kỳ thi đạt được sự nghiêm túc, chính xác, khách quan, hạn chế vi phạm, ngăn ngừa tiêu cực.
Gọn nhẹ, tiết kiệm, giảm sức em về thi cử do tổ chức thi tại địa phương, gần với thí sinh. Mặt khác, thi theo phương pháp trắc nghiệm cũng là yếu tố cho phép sau 1 vài năm, khi đã có đủ điều kiện có thể tổ chức thi tại địa phương để giảm bớt tốn kém, căng thẳng nhờ các đề thi tương đương.
Mô hình kỳ thi THPT quốc gia có thể đi vào ổn định lâu dài, tác động tốt đến dạy và học, đảm bảo chất lượng tuyển chọn đầu vào ĐH, CĐ, TC. Phân luồng mạnh đối với người học sau THPT.
Nhược điểm: Phức tạp trong khâu chỉ đạo, điều hành nếu tổ chức kỳ thi đồng loạt trên toàn quốc. Khâu sao in đề thi trắc nghiệm tốn nhiều vật liệu, thời gian, công sức và đòi hỏi phương tiện, kỹ thuật cao. Có ý kiến cho rằng thì trắc nghiệm không đánh giá được khả năng diễn đạt của thí sinh. Thực tế là câu trắc nghiệm được soạn thảo tốt vẫn có thể thẩm định được ký năng diễn đạt...Việc xét tuyển và tổ chức nhập học mất khá nhiều thời gian cho các trường ĐH, CĐ, TC.
(Lược đề án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào trường ĐH, CĐ, TC của Bộ GD-ĐT