- Sử dụng thẩm định thay cho kiểm định chất lượng đồng nghĩa với đề cao trách nhiệm của các trường trong khâu đảm bảo chất lượng. Ngoài giảng viên, SV và người sử dụng lao động là những thành viên không thể thiếu trong đoàn kiểm định ngoài. Đó là những kinh nghiệm đảm bảo chất lượng trường ĐH mà TS Karl Holm, chuyên gia cao cấp Hội đồng Đánh giá Giáo dục Phần Lan (FINHEEC) chia sẻ.
Xác lập "văn hóa chất lượng": Con đường đầy chông gai!
Ở Phần Lan quá trình kiểm định chất lượng trường ĐH được tiến hành như thế nào, thưa ông?
TS Karl Holm: "Đánh giá chất lượng 1 trường không phụ thuộc vào từng cá nhân mà phải "trọn gói". Ảnh: L.H
Ở Phần Lan, Hội đồng Đánh giá Giáo dục Quốc gia (FINHEEC) không kiểm định (accreditate) mà thẩm định (audit) chất lượng các trường.
Trong khi kiểm định sử dụng các tiêu chuẩn từ ngoài trường thì thẩm định sử dụng các tiêu chuẩn từ chính trường xây dựng. Kiểm định quan tâm tới sứ mạng gắn với mục tiêu tương lai của trường còn thẩm định đo lường thành tựu liên quan tới các mục tiêu đã công bố.
Mục đích của thẩm định chất lượng là kiểm tra xem “văn hóa chất lượng” có bao trùm tất cả các đơn vị hoạt động không, quy trình của hệ thống đảm bảo chất lượng có dẫn tới các biện pháp cải tiến hiệu quả không và các bên kiên quan có tham gia vào quá trình này và được phổ biến thông tin không.
Đoàn đánh giá sẽ không kết luận trường này tốt hay kém, có được tiếp tục hoạt động nữa không mà sẽ chỉ ra những điểm hạn chế của trường và đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng.
Sau khi đăng ký với FINHEEC, các trường sẽ tự xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng của mình dựa trên tiêu chuẩn chung của châu Âu về giảng dạy, nghiên cứu và dịch vụ xã hội. Sau đó, đoàn đánh giá ngoài do FINHEEC chọn lựa và chỉ định sẽ thẩm tra hồ sơ do trường gửi lên và tiến hành quan sát đánh giá thực địa.
Tôi tin tưởng rằng phương pháp này sẽ có tác dụng tốt trong dài hạn bởi vì quy trình này sẽ xây dựng lòng tin lẫn nhau để các trường ĐH thực sự cảm thấy họ được hưởng lợi khi tham gia thẩm định.
Luật pháp Phần Lan quy định mọi trường ĐH đều phải sẵn sàng cho quá trình đánh giá ngoài. Họ có thể mời các tổ chức đánh giá chất lượng quốc tế về thẩm định chất lượng chứ không nhất thiết phải qua FINHEEC.
Ở VN hiện nay, dường như chỉ có lãnh đạo các trường, các khoa thực sự quan tâm tới kiểm định chất lượng. Nhiều giảng viên và đặc biệt là SV vẫn rất thờ ơ và đứng ngoài quy trình tự đánh giá. Theo ông, làm thể nào để “văn hóa chất lượng” thẩm thấu tới từng hoạt động trong trường?
Đây có thể sẽ là 1 quá trình dài. Ở Phần Lan, để xác lập được sự tham gia của SV vào quá trình quản trị và kiểm định chất lượng phải mất tới nhiều năm. Theo tôi, điều quan trọng là phải xây dựng được Hội SV mạnh.
Để thuyết phục được giảng viên đôi khi là “con đường đầy chông gai”. Các giảng viên thường có định kiến rằng “tôi đang làm tốt công việc của mình, tôi giảng dạy tốt, nghiên cứu tốt, thế là đủ”.
Các trường cần phải giúp họ thay đổi cách nghĩ truyền thống đó bởi vấn đề là phải kết hợp tất cả những cái “tốt” đó lại để tạo thành 1 hệ thống chất lượng. Mỗi giảng viên phải nhận thức rằng không thể nhìn nhận chất lượng của 1 trường theo cách cũ, tức là đánh giá trên từng cá nhân mà phải làm “trọn gói”.
Đôi khi, có những giảng viên không thoải mái khi nghĩ rằng chẳng việc gì để những người ngoài vào “dạy” lại họ cách làm tốt công việc của mình. Như vậy, các thành viên đoàn đánh giá ngoài phải có năng lực thẩm định tốt và làm việc rất khách quan.
Như vậy, nhân lực kiểm định chất lượng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình này nhưng VN hiện đang rất thiếu hụt lực lượng kiểm định viên. Ở Phần Lan, các ông chọn lựa như thế nào để đảm bảo chất lượng của quá trình thẩm định?
SV là nhân tố quan trọng tham gia quá trình kiểm định chất lượng. Ảnh: Lê Anh Dũng
FINHEEC không trực tiếp thẩm định mà chỉ đóng vai trò tổ chức, điều phối các nhóm đánh giá ngoài.
Mỗi nhóm đánh giá ngoài có 5 thành viên gồm nhiều thành phần, trong đó có giảng viên, SV và đại diện của doanh nghiệp sử dụng lao động. Đối với quy trình thẩm định quốc tế, chúng tôi mời cả các giáo sư nước ngoài tới cùng tham gia.
Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh sự tham gia của SV bởi họ là đối tượng hưởng thụ giảng dạy. Họ biết họ cần gì, muốn gì và phương pháp giảng dạy nào phù hợp.
Còn các doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng bởi họ biết mình mong đợi gì từ những “sản phẩm giáo dục” mà trường ĐH cung cấp.
Nhưng có phải lúc nào cũng dễ dàng tìm được người phù hợp?
Các thành viên tham gia quy trình thẩm định đều trên tinh thần tự nguyện. FINHEEC không phải trả 1 khoản phí nào nên quá trình tuyển chọn người thích hợp khá công phu và rắc rối.
Vì thế, tất cả các nhân viên của FINHEEC đều tích cực xây dựng 1 mạng lưới kiểm định viên không thường trực tương đối rộng. Đây là 1 mạng lưới mở. Trong trường hợp trong mạng lưới này không có người phù hợp thì chúng tôi sẽ nhờ giới thiệu bắc cầu.
Trưởng nhóm đánh giá ngoài phải là người chuyên nghiệp và giảng viên tham gia cũng phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực thẩm định chất lượng.
Để tham gia thẩm định chất lượng 1 trường ĐH, các thành viên phải có tầm nhìn bao quát và rộng mở.
Chẳng hạn như 1 nhà báo được mời tham gia thẩm định 1 trường đào tạo truyền thông thì người đó phải hiểu cả hệ thống giáo dục và phương pháp để xây dựng chương trình học phù hợp chứ không chỉ biết mỗi làm thế nào để viết báo hay.
Các SV và giảng viên thì khá hăng hái tham gia đoàn kiểm định bởi nhiều người cho rằng đây cũng là 1 phần trong công việc, giúp họ nâng cao kiến thức và tích lũy kinh nghiệm cho mình.
Trước khi tham gia thẩm định mỗi trường, từng nhóm sẽ được tập huấn trong khoảng 2 ngày.
- Xin cảm ơn ông!
- Lan Hương (thực hiện)