- Trường nào đã qua kiểm định thì mới được xây dựng khung học phí cao. Hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học, hỗ trợ hợp tác quốc tế cũng căn cứ vào chất lượng giáo dục, thứ tự xếp hạng của trường và ưu tiên trường đã được kiểm định chất lượng. Nhà nước phân bổ kinh phí đào tạo 3 năm đầu theo đầu vào nhưng đến năm thứ 4 sẽ căn cứ số SV tốt nghiệp có việc làm. Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh sẽ gắn với chất lượng đào tạo và công tác kiểm định.
Bộ GD-ĐT vừa công bố những chủ trương này nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH. Trước hàng loạt các lợi ích thiết thân gắn chặt với kiểm định chất lượng, các trường ĐH, CĐ không còn lý do gì để chần chừ trong cuộc đua "chấm điểm" chất lượng.
"Xin hoãn" vì tự đánh giá phức tạp quá!
Kiểm định chất lượng 1 trường ĐH, CĐ gồm 3 bước. Trước hết trường tự đánh giá và gửi báo cáo lên Bộ GD-ĐT. Sau đó Bộ sẽ cử đoàn đánh giá ngoài kiểm định độc lập kết quả tự đánh giá thông qua tài liệu và khảo sát thực tế. Hoàn tất 2 khâu này, trường sẽ được nhận quyết định công nhận đã được kiểm định chất lượng.
Phải huy động toàn bộ trường, từ giảng viên tới SV, tham gia tự đánh giá chất lượng. Ảnh: LAD
Theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường ĐH với 10 tiêu chuẩn và 53 tiêu chí do Bộ GD-ĐT ban hành, thông thường, các trường mất từ 6 tháng đến 1 năm, huy động toàn bộ cán bộ, nhân viên trong trường cùng nỗ lực tham gia tự đánh giá.
Chính vì thế mà nhiều trường ĐH, CĐ sau khi đã cử cán bộ dự lớp tập huấn của Bộ GD-ĐT phối hợp với Trung tâm Đảm bảo chất lượng của ĐHQG Hà Nội tổ chức đã phải “xin hoãn” vì “không ngờ tự đánh giá chất lượng lại phức tạp thế”.
PGS.TS Dương Đức Hồng, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Đi kèm với mỗi tiêu chuẩn, tiêu chí phải là các minh chứng để chứng tỏ mình không “nói suông”. Trong quá trình tự đánh giá, chúng tôi đã thu thập tới gần 600 minh chứng các loại.”
Với số lượng minh chứng khổng lồ như thế, trong khi điều kiện quản lý và lưu trữ hồ sơ ở các trường ĐH của ta còn chưa thực sự tốt, đôi khi lại dùng “khẩu dụ” thay cho văn bản nên quá trình thu thập minh chứng tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Nhưng khó khăn lớn nhất trong quá trình tự đánh giá, theo ThS. Phạm Thị Hồng Yến, Trưởng phòng Quản lý dự án và Đảm bảo Chất lượng, ĐH Ngoại thương, là thay đổi nhận thức của cán bộ nhân viên, “để mọi người hiểu đây không chỉ là 1 công việc phụ, mà phải coi đây là việc làm thường xuyên, cần thiết”.
PGS.TS Nguyễn Phương Nga, GĐ Trung tâm Đảm bảo chất lượng Đào tạo và Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho biết trong những lần tham gia các đoàn đánh giá ngoài tới phỏng vấn cán bộ, SV 1 số trường, có những người, trong đó có cả lãnh đạo khoa, không biết gì về kiểm định chất lượng. Điều đó chứng tỏ, những người này hoàn toàn thờ ơ và không có tham gia vào quy trình kiểm định chất lượng, tự đặt mình ra ngoài vòng kiểm định.
Theo bà Nga, đó là do các trường chưa xác lập và thẩm thấu “văn hóa chất lượng” . Bà Nga bày tỏ: “Phải làm sao để mọi thành viên trong trường đều có trách nhiệm, dù việc làm của mình chỉ là 1 mắt xích rất nhỏ trong quá trình đào tạo, từ giảng viên đến người tạp vụ, từ SV đến bảo vệ đều phải có ý thức đảm bảo chất lượng.”
Tự “chấm điểm”: liệu có khách quan?
Hiện nay, đã có 20 trường ĐH đầu tiên ở nước ta hoàn thành kiểm định chất lượng và công bố kết quả kiểm định. Theo các báo cáo kiểm định thì kết quả tự đánh giá của các trường và đánh giá của ban kiểm định độc lập không có khác biệt quá lớn.
Chất lượng SV ra trường là tiêu chuẩn quan trọng trong kiểm định. Ảnh: LAD
GS.TS Eric Froment, cố vấn đối ngoại của Cơ quan Đánh giá Nghiên cứu và Giảng dạy ĐH châu Âu nhấn mạnh: “Kiểm định chất lượng không phải sự kiểm soát như cảnh sát với tội phạm mà là sự thúc đẩy tăng cường chất lượng.”
Bà Phạm Thị Hồng Yến bày tỏ: “Tôi nghĩ trường sẽ không “ăn gian” kể cả khi tự đánh giá bởi kiểm định chất lượng là cơ hội tự phân tích đánh giá mặt mạnh, mặt yếu để có những cải tiến chất lượng cho nhà trường".
Bản thân Trường ĐH Ngoại thương trong thời gian tự đánh giá đã tiến hành song song các biện pháp cải tiến như tổ chức các buổi SV đối thoại với hiệu trưởng để tăng tính dân chủ, chuyển từ phân bổ kinh phí nghiên cứu kiểu cũ sang đấu thầu… “Không có tự đánh giá, trường chưa thể nhìn ra những thiếu sót này để điều chỉnh."- bà Yến cho biết.
1 “kẽ hở” có thể ảnh hưởng tới tính chính xác và khách quan của kiểm định là khi thực hiện đánh giá ngoài, các thành viên hội đồng đến tận trường gặp gỡ và phỏng vấn cán bộ, SV trong trường. Nhưng đoàn đánh giá chỉ yêu cầu thành phần, còn việc lựa chọn đối tượng cụ thể tham gia phỏng vấn là trách nhiệm của trường.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Nga khẳng định khó có thể gian lận vì “không thể chuẩn bị trước hết tất cả các câu trả lời cho mọi tình huống. Hơn nữa, đối tượng được phỏng vấn phải thể hiện mình có hiểu biết về trường, về kiểm định. Nếu không bản thân trường sẽ bị đánh giá là không biết sử dụng con người, không có khả năng quản lý nhân sự khi chọn đối tượng không phù hợp”.
Bà Nga công nhận rằng ban đầu các đối tượng thường rụt rè nhưng sau đó họ có chia sẻ thẳng thắn hay không phụ thuộc vào nghệ thuật của người phỏng vấn.
Kiểm định viên giỏi: đếm trên đầu ngón tay
Để kiểm định chất lượng đạt hiệu quả cao thì yêu cầu tối quan trọng là phải xây dựng được đội ngũ kiểm định viên có tay nghề.
Theo ước tính ban đầu, tổng số kiểm định viên có bằng cấp chính thức trong lĩnh vực này ở VN mới chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.
Số lượng cán bộ được đào tạo qua các hội thảo, khóa tập huấn ngắn ngày trong nước hoặc ở nước ngoài thì nhiều hơn. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Phương Nga thì đội ngũ này thực hiện tự đánh giá mới dừng ở mức “được” còn đánh giá ngoài có khoảng 20 người làm “khá tốt”.
Theo tính toán của bà Nga, với số lượng các trường ĐH và CĐ hiện nay, chỉ cần khoảng 50 kiểm định viên giỏi là có thể đảm nhiệm toàn bộ khâu đánh giá ngoài.
Với các kiểm định viên hiện thời, bà Nga cho rằng phải kiên quyết hơn, không được nể nang trong kiểm định nhưng phải biết góp ý thế nào để người nghe “tâm phục, khẩu phục”. Kỹ năng phỏng vấn cần được nâng cao, kỹ năng thẩm định hồ sơ cũng phải được bổ sung.
Sắp tới, 1 trung tâm kiểm định độc lập của Bộ GD-ĐT sẽ được thành lập. Sau đó, trung tâm sẽ quy định bắt buộc mỗi kiểm định viên phải có “giấy phép hành nghề”. Bà Nga đề xuất nên đào tạo kiểm định viên chuyên sâu về từng mảng: tài chính, đào tạo…
Song song với đó, bản thân các trường ĐH cũng cần thành lập những trung tâm đảm bảo chất lượng trong trường để tham mưu cho Ban Giám hiệu có những điều chỉnh thích hợp.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Trưởng Phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục của trường sẽ thường xuyên tự kiểm định chất lượng nội bộ để tìm ra điểm yếu và điều chỉnh kịp thời.
Sắp tới 2 trung tâm này sẽ rà soát lại toàn bộ các ngành, tính toán mở thêm hoặc đóng cửa 1 số chuyên ngành trên cơ sở đào tạo theo nhu cầu xã hội và tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài.
10 tiêu chí đánh giá chất lượng trường ĐH (Do Bộ GD-ĐT ban hành) 1. Sứ mạng và mục tiêu 2. Tổ chức và quản lý 3. Chương trình đào tạo 4. Các hoạt động đào tạo 5. Cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên 6. Người học 7. Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ 8. Hợp tác quốc tế và liên kết đào tạo 9. Thư viện, thiết bị học tập và các cơ sở vật chất khác 10. Tài chính và quản lý tài chính