(VietNamNet) - Cần loại bỏ yêu cầu học vị tiến sỹ ở các vị trí lãnh đạo không cần những hiểu biết sâu về chuyên môn. Nếu các chỉ số không khả thi, sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa nhu cầu về chất lượng công trình nghiên cứu và nhu cầu về số lượng tiến sỹ.
Nguyễn Đa Linh, nghiên cứu sinh Kinh tế tại Mỹ tham gia ý kiến về Giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển.
60% tiến sỹ Mỹ chất lượng cũng không hơn gì tiến sỹ Việt Nam?
Nghiên cứu và phát triển đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia để tạo ra sản phẩm/dịch vụ mới và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế.
Về chất lượng nghiên cứu, rất nhiều ý kiến yêu cầu công trình nghiên cứu (bao gồm cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng), đặc biệt là công trình của các nghiên cứu sinh trong nước phải được đăng trên các tạp chí quốc tế.
Tuy nhiên, điều này dẫn đến mâu thuẫn giữa nhu cầu về chất lượng công trình nghiên cứu và nhu cầu về số lượng tiến sỹ. Theo ước tính của Bộ GD-ĐT, đến năm 2020, Việt Nam cần đào tạo mới hai vạn tiến sỹ, (đa phần được đào tạo trong nước), để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của nền kinh tế.
Nếu áp đặt một tiêu chuẩn gay gắt về chất lượng thì sẽ không thể đáp ứng đủ số lượng. Bởi lẽ (i) hai vạn là một con số rất lớn (Từ 1954 đến nay, cả nước ta mới có khoảng một vạn tiến sỹ); (ii) số người đăng ký học tiến sỹ sẽ giảm đi rất nhiều; (iii) cần số tiền đầu tư cực lớn để có số lượng bài báo quốc tế tương ứng.
Trên thực tế, ngay ở các nước phát triển, đào tạo tiến sỹ chủ yếu để phục vụ công tác giảng dạy và tham gia vào các hoạt động ở khu vực công nghiệp, để đảm nhận các công việc không đòi hỏi những nghiên cứu chất lượng cao. Chỉ một phần trong số đó sẽ trở thành các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp.
Ở Mỹ, mỗi ngành khoa học có khoảng 500 trường có đào tạo hệ Tiến sỹ, nhưng chỉ khoảng 200 trong số đó yêu cầu luận văn nghiên cứu đạt chất lượng tầm cỡ quốc tế. Có nghĩa là khoảng 60% tiến sỹ Mỹ chất lượng cũng không hơn gì tiến sỹ Việt Nam. Ngay trong số 200 trường đầu tiên này, không phải các tiến sỹ ra trường đều có bài đăng tạp chí quốc tế.
Điển hình như ngành kinh tế, mặc dù Mỹ chiếm đa số các giải Nobel kinh tế và trong số 50 trường đại học hàng đầu về kinh tế, có đến 35 trường của Mỹ, nhưng nhiều sinh viên của các trường top 35 này cho đến khi nhận bằng tốt nghiệp cũng chưa có bài báo nào trên các tạp chí uy tín (Các tạp chí ít uy tín thì tôi không dám bình luận bởi vì chất lượng cũng vô cùng).
Hầu hết công trình của nghiên cứu sinh tốt nghiệp từ 200 trường hàng đầu mới chỉ là tài liệu lưu hành trên Internet và đạt tiêu chuẩn cấp trường.
Tuy nhiên, dù chưa được chấp nhận xuất bản tại các tạp chí uy tín, các công trình cấp trường này cũng rất hữu ích, đóng góp không nhỏ vào các công trình sâu sắc và quy mô hơn của những người kế tiếp. (Đây chỉ là những kinh nghiệm về ngành kinh tế mà tôi biết. Việc xuất bản ở một số ngành khác có thể dễ dàng hơn).
Một quốc gia chưa có trường đại học nào nằm trong top 500 của thế giới, đầu tư cho nghiên cứu thấp như Việt Nam, mà đòi hỏi chất lượng tiến sỹ quốc tế đại trà là điều bất hợp lý.
Chính vì vậy, chỉ nên yêu cầu bắt buộc chất lượng quốc tế đối với: (i) các công trình nghiên cứu được đầu tư thoả đáng hoặc (ii) để bổ nhiệm các chức danh đặc biệt (trưởng khoa, phòng, bộ môn, phó giáo sư, giáo sư.v.v...).
Việc xác định thế nào là đầu tư thoả đáng tuỳ thuộc vào từng đề án cụ thể. Những nghiên cứu ngoài ngân sách Nhà nước, hoặc với đầu tư thấp như đào tạo tiến sỹ trong nước hiện nay chỉ nên khuyến khích xuất bản quốc tế, chứ không thể ép buộc.
8 đề xuất
1. Chương trình quốc gia về Nghiên cứu và Phát triển khoa học cần đề ra các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn dựa trên tiêu chuẩn Chỉ số quốc gia về ISI (Institute for Scientific Information).
2. Quản lý số công trình chất lượng quốc tế theo cơ quan và đề tài nghiên cứu chứ không theo cá nhân làm nghiên cứu.
Ví dụ, hàng năm mỗi khoa/phòng ở các viện/trường/trung tâm nghiên cứu cần đăng ký số lượng xuất bản quốc tế theo kỳ hạn; ngắn hạn (trong vòng 1 năm) và trung hạn (2-5 năm). Số đăng ký này có thể hiệu chỉnh theo từng năm để phù hợp với tình hình thực tế. Nhà nước dựa trên cơ sở đó để phân bổ ngân sách.
Ngay cả trong trường hợp ngân sách không đủ, các cơ sở nghiên cứu lớn vẫn cần tự trang trải để thực hiện những yêu cầu tối thiểu về số công trình chất lượng quốc tế do bộ chủ quản quy định.
Ngược lại, các bộ chủ quản cần nhanh chóng xây dựng những chỉ tiêu tối thiểu về số xuất bản quốc tế này. Chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu bằng ngân sách cũng cần cam kết chất lượng của sản phẩm nghiên cứu theo tiêu chuẩn quốc tế.
3. Đầu tư xây mới hoặc chỉ định một số khoa/phòng trở thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm. Ở các khoa/phòng này, có thể yêu cầu chất lượng quốc tế đối với hầu hết các công trình nghiên cứu.
4. Nghiên cứu sinh trong nước hợp tác nghiên cứu với các trường/viện nước ngoài hoặc đăng ký tốt nghiệp với xuất bản quốc tế, cần được ưu tiên xét hỗ trợ một phần kinh phí.
5. Xây dựng tiêu chuẩn bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo khoa, trường/viện/trung tâm, phó giáo sư, giáo sư… dựa trên số xuất bản quốc tế. Khuyến khích tuyển dụng những người có công trình chất lượng quốc tế vào các viện/trường/trung tâm nghiên cứu.
6. Loại bỏ yêu cầu học vị tiến sỹ ở các vị trí lãnh đạo không cần những hiểu biết sâu về chuyên môn.
7. Thư viện quốc gia và thư viện của các viện khoa học cần đăng ký tài khoản với các tạp chí trực tuyến chuyên ngành quan trọng trên thế giới với sự tham vấn của các chuyên gia từng ngành.
8. Thành lập Phòng Giám định chất lượng các công trình nghiên cứu và Cục Xúc tiến nghiên cứu, đổi mới & phát triển khoa học công nghệ.
Chi tiết về mục cuối cùng như sau:
Phòng Giám định chất lượng các công trình nghiên cứu
Đây là một mô hình phòng đăng ký thuộc Cục Sở hữu Công nghiệp, Bộ KHCN (hoặc Bộ GD&ĐT) nhằm giúp các nhà nghiên cứu khẳng định “thương hiệu quốc tế” của mình ngay tại Việt Nam, đồng thời giúp Nhà nước dễ dàng quản lý. Các cá nhân, tập thể có nhu cầu giám định chất lượng công trình nghiên cứu sẽ phải trả một khoản lệ phí đăng ký, nộp bản sao công trình dưới dạng điện tử, đường link tới tạp chí quốc tế hoặc một ấn phẩm gốc. Ấn bản điện tử và tên tạp chí quốc tế sẽ được công khai trên Internet để những người quan tâm dễ dàng kiểm tra, bình luận về chất lượng tạp chí. Sau khi các chuyên viên của phòng thẩm định khoảng 6-12 tháng, nếu không có những khiếu kiện đặc biệt, công trình sẽ chính thức được cấp giấy chứng nhận giám định. Chuyên gia của các ngành sẽ giúp phòng xây dựng danh mục phân hạng các tạp chí quốc tế. Các công trình nghiên cứu cấp trường ở các trường đại học uy tín quốc tế cũng được đăng ký ở đây.
Phòng cũng là nơi quản lý các bản đăng ký số công trình chất lượng quốc tế ngắn và dài hạn từ các cơ sở nghiên cứu.
Trên cơ sở đó có thể rút ra một ngân hàng dữ liệu các nhà nghiên cứu có công trình quốc tế. Điều này sẽ góp phần tách bạch các nhà nghiên cứu thực với các nhà nghiên cứu trên danh nghĩa. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng các tiến sỹ Việt Nam tốt nghiệp ở các trường đại học uy tín ở nước ngoài cũng sẽ vui vẻ đăng ký chứng nhận chất lượng các công trình của mình, một khi họ muốn trở về làm việc tại Việt Nam.
Cục Xúc tiến nghiên cứu, đổi mới & phát triển khoa học công nghệ
Cục xúc tiến này nhằm hỗ trợ tạo ra thị trường các sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ. Việc hỗ trợ có thể bao gồm: tìm kiếm nguồn vốn ngoài ngân sách, tìm đối tác nghiên cứu phát triển, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tư vấn luật sở hữu trí tuệ, hội thảo, khảo sát và thăm quan, đầu tư triển vọng vào các SMEs, thành lập phòng thí nghiệm v.v…
Mặc dù đã có một vài tổ chức có hoạt động hỗ trợ NC&PT nhưng chưa có một cơ quan tầm cỡ quốc gia nào chuyên trách về vấn đề này. Cục Xúc tiến NCĐM&PT KHCN cần độc lập với các trung tâm xúc tiến thương mại đang tồn tại để chuyên môn hoá hoạt động do đặc thù của các sản phẩm/dịch vụ kỹ thuật và công nghệ cao. Theo một nghiên cứu năm 2002 của tôi về Phát triển Thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho tiến độ phát triển TMĐT kém xa so với mục tiêu do Đề án quốc gia về TMĐT đề ra là việc giao cho Bộ Thương mại thực hiện đề án này. Các cán bộ thực hiện đề án thiếu những nền tảng cần thiết về công nghệ cao nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực thi. Bởi vậy, Cục Xúc tiến NCĐM&PT KHCN nên bao gồm những cán bộ có nền tảng đại học về kỹ thuật và công nghệ, đồng thời có năng khiếu về marketing và sau đó sẽ được đào tạo bổ xung về quản lý và marketing.
-
Nguyễn Đa Linh
**************************
Ho ten: Ngô Thanh Bình
Dia chi: Hà Lan
Email: Goodluckbinh@...
Tôi đã từng nghiên cứu sinh và làm sau tiến sỹ (postdoc) ở nước ngòai.Tôi xin có một số ý kiến. Chi phí (lương, sách vở, hội nghị, thiết bị,...) cho 1 NCS ở VN chưa đến 1500 USD/năm. Ở Mỹ, chi phí này ít nhất là 30000 USD/năm . Ở Mỹ, NCS được đăng ký dự các hội nghị Quốc tế khắp thế giới, được tiếp cận với các kết quả nghiên cứu mới nhất qua các tạp chí điện tử vì hầu hết các trường đều có đăng ký, ở VN chắc chắn là không có. Vì vậy trong rất nhiều nghiên cứu ở Việt nam , NCS Việt nam làm lại cái người ta đã làm từ 10, thậm chí 20 năm trước mà GS hướng dẫn và hội đồng cũng chẳng biết. Chỉ với một số khác biệt như vậy, bạn có thể tự trả lời nhận định của tác giả Đa Linh "60% tiến sỹ Mỹ không hơn gì tiến sỹ Việt nam" là đúng hay sai ! Ta phải tự biết là ta đang ở đâu thì mới có thể phấn đấu vươn lên được.
Ho ten: Nguyễn Duy
Dia chi: Hà Nội
Email: nguyenduyhn@...
Tôi chỉ xin bàn luận một chút về tiêu chuẩn tốt nghiệp Tiến sỹ ở các nước phát triển. Để tốt nghiệp bắt buộc phải có ít nhất một bài báo Quốc tế. Quy trình đăng một bài báo như sau: nghiên cứu sinh sau khi đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu, viết bài thì gửi cho tạp chí để để đăng (submitted), ban biên tập của tạp chí họ đọc qua nếu bài có thể đủ chất lượng họ sẽ gửi cho các nhà phản biện chuyên môn (reviewer) hoặc nếu không đủ họ sẽ từ chối (rejected). Sau đó các nhà phê bình sẽ đóng góp ý kiến chuyên môn giúp nghiên cứu sinh sửa đổi hay làm thêm thí nghiệm. Tiếp sau đó nghiên cứu sinh trả lời và nếu đạt yêu cầu sẽ được chấp nhận đăng (accepted for publication). Tiếp đến tạp chí sẽ gửi cho nghiên cứu sinh bản in thử (galley proof) để sửa những lỗi chính tả trước xuất bản. Sau đó bài báo sẽ được xếp hàng chờ đăng trên số chính thức. Thời gian từ khi chấp nhận đăng đến lúc được đăng chính thức có thể là 3, 6 tháng hặc một năm hay hơn nữa tuỳ tạp chí. Trở lại với bài trên ở nước ngoài các trường đại học lấy mốc được chấp nhận đăng làm tiêu chuẩn tốt nghiệp nên nhiều người tuy đã tốt nghiệp nhưng vẫn chưa tìm thấy bài Quốc tế trên các số ra chính thức.
Ho ten: V.D.Thang Ho ten: Giang Lam Bao nhiêu % nghiên cứu sinh ngành kinh tế ở trong nước có bằng chỉ để lấy đó làm cơ sở để thăng quan tiến chức mà không phải là kết quả của đam mê nghiên cứu để đóng góp cho học thuật, hoặc làm nền tảng cho con đường học thuật như các đồng nghiệp ở Mỹ hoặc ở các quốc gia phát triển khác? Tác giả là một nghiên cứu sinh, nhưng lại không dựa trên một cơ sở nghiên cứu để đưa ra một con số định lượng để so sánh chất lượng đào tạo tiến sỹ ở Mỹ và ở Việt nam, vốn là một vấn đề khó so sánh. Chẳng lẽ tác giả chỉ dựa vào con số 200/500 trường đào tạo là có chất lượng, thực tế đó được trích dẫn ở đâu? Đọc bài báo của tác giả nó cũng chung chung và thiếu cơ sở như phần lớn các luận tiến tiến sỹ trong nước nghiên cứu về thực trạng và giải pháp. Ho ten: Vũ Tuấn Nam
Dia chi: Tokyo
Email: vdthang1@yahoo.co.jp
Ở Mỹ, mỗi ngành khoa học có khoảng 500 trường có đào tạo hệ Tiến sỹ, nhưng chỉ khoảng 200 trong số đó yêu cầu luận văn nghiên cứu đạt chất lượng tầm cỡ quốc tế", xin hỏi tác giả lấy thông tin này từ nguồn nào? Và nếu thông tin đó chính xác, thì suy luận như vậy chỉ đúng khi ngầm định tất cả các trường đại học ở Mỹ đều đào tạo số lượng tiến sỹ như nhau. Nếu 200 trường chất lượng cao đào tạo ra 90% số tiến sỹ cho nước Mỹ và 200 trường chất lượng thấp đào tạo 10% số lượng còn lại thì rõ ràng lập luận của tác giả là sai. Tiến sỹ là một học vị rất cao. Tiến sỹ phải có năng lực nghiên cứu như độc lập, khả năng phản biện và tranh luận với các học giả quốc tế. Vì vậy, việc có bài báo đăng ở tạp chí chuyên ngành quốc tế là phải điểu bắt buộc Theo tôi, đã là tiến sỹ thì phải đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Nếu người nào không đáp ứng được yêu cầu, thì chỉ nên dừng ở mức thấp hơn, thạc sỹ chẳng hạn. Có khoác vào người cái danh hiệu "tiến sỹ" cũng đâu có xứng đáng? Xin đừng chạy theo số lượng mà hạ thấp yêu cầu đào tạo tiến sỹ! Vài lời xin góp ý!
Dia chi:
Email: tgianglam@yahoo.com
Dia chi: Springfield OH USA
Email: tuannam2509@...
Chuyện 60% tiến sỹ Mỹ không hơn tiến sỹ Việt Nam không thể nào lập luận được như bạn. (1) Thứ Nhất: Nếu chỉ xét về chuyện "được đăng bài trên các tạp chí quốc tế để so sánh tiến sỹ Mỹ và tiến sỹ Việtnam thì đó là một so sánh vô cùng khập khiễng. Điều đó chẳng khác nào nói "năm hai mươi tuổi, ông tôi không nâng được hòn đá, đến năm sáu mươi tuổi, ông tôi cũng không nâng được hòn đá đó chứng tỏ ông tôi lúc hai mươi không khoẻ hơn lúc sáu mươi tuổi." (2)Thứ Hai: Có nhiều tiến sỹ của Mỹ có thể không có bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế, nhưng họ cũng có thể được đăng bài trên các tạp chí khoa học của Mỹ. Khoan nói đến số lượng chứ chất lượng thì tôi tin các tạp chí khoa học của Mỹ không thể nói là kém chúng ta được. (3)Thứ Ba: Ở Mỹ những người mà sau hai năm không có một bài báo khoa học nào trên tạp chí quốc gia thì bằng tiến sỹ của người đó không có giá trị trong giới học giả. Ngay cả những người đó, tôi tin là họ cũng đã hơn khối tiến sỹ của chúng ta rồi. Tôi xin góp ý thêm, trong bài, bạn nói "Chương trình quốc gia về Nghiên cứu và Phát triển khoa học cần đề ra các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn dựa trên tiêu chuẩn Chỉ số quốc gia về ISI (Institute for Scientific Information)." Đề xuất này của bạn rất chung chung, chẳng khác nào một ông bộ trưởng của Việt Nam đứng trước bàn dân thiên hạ và nói "chúng ta cần phải trồng cây gì đó và nuôi con gì đó." Đề xuất thứ hai của bạn gợi tôi nhớ đến thờ trước đổi mới khi Trung Quốc lập kế hoạch đúc thép rồi chẳng để làm gì. Cái quan trọng nhất để người ta phấn đấu nghiên cứu đó là Recognition (Sự được công nhận). Sở dĩ người Mỹ có thể vượt trội như hiện nay là vì họ là một xã hội "merit-based," tức là công nhận một con người công bằng miễn là họ có thành tích. Sỡ dĩ người Mông Cổ đã từng bá chủ một nửa thế giới chính là sự thưởng phạt công minh.Thành thật mà nói, tôi nghĩ những người lãnh đạo hiện tại của Việt Nam biết họ cần phải làm gì để đất nước tiến lên, cái quan trọng là họ có dám làm hay không thôi. Về những đề xuất khác của bạn, tôi rất ủng hộ đề xuất số (5) bởi vì đó thể hiện chính xác những điều tôi nói ở trên.