(VietNamNet) - "Việc thí điểm áp dụng tiêu chuẩn đánh giá và xếp hạng các trường ĐH thông qua các tiêu chí đảm bảo chất lượng có định lượng thực hiện trong năm học 2007-2008. Việc "chấm điểm" nhằm đánh giá chất lượng các trường đứng ở đâu...", Vụ trưởng Vụ ĐH&Sau ĐH (Bộ GD-ĐT) Trần Thị Hà cho biết sáng 4/1.
Phần lớn các trường được lựa chọn trong số 20 trường ĐH tham gia kiểm định thí điểm là những trường ĐH thuộc tốp trên của Việt Nam nhưng những kết quả cho thấy còn nhiều khiếm khuyết cần phải đầu tư khắc phục mới có thể theo kịp các trường ĐH của các nước khác ở trong khu vực và trên thế giới.
Ảnh Lê Anh Dũng
Nguyên nhân khiến chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam còn hạn chế do: các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng trong giáo dục ĐH chưa cụ thể và không rõ ràng, chưa có quy định cụ thể về kiến thức, kỹ năng cũng như thái độ cần thiết cho từng trình độ đào tạo, thiếu tiêu chuẩn giảng viên.
Hoạt động đánh giá và kiểm định các điều kiện đảm bảo chất lượng vẫn đang ở giai đoạn đầu, còn gặp nhiều khó khăn do thiếu đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm, chưa có cơ chế động viên khuyến khích, huy động chuyên gia trong và ngoài nước tham gia đánh giá. Chưa hình thành được các tổ chức kiểm định độc lập.
Mặt khác, chưa chú trọng đến nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH. Nhiều đề tài khoa học và công nghệ chỉ dừng lại ở kết quả nghiên cứu lý thuyết, không có điều kiện chế tạo thử và đưa vào sản xuất...
Các điều kiện đảm bảo chất lượng còn nhiều hạn chế. Thiếu các nhà khoa học đầu ngành trong các trường ĐH. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ và chưa đồng bộ về cơ cấu.
Cơ chế tài chính, đầu tư cơ sở vật chất và chế độ học phí còn bất cập. Đất đai, khuôn viên của nhiều trường đại học, kể cả các trường trọng điểm chưa đáp ứng được yêu cầu.
Có 27 trong số 284 trường có diện tích dưới 1 ha, chiếm tỉ lệ 9,51% trong tổng số trường. Quy mô đào tạo tương ứng của 27 trường này gần 57.000 SV. Như vậy diện tích đất bình quân/1 SV của 27 trường này chỉ đạt 2,67 m2.
Năm trường có diện tích nhỏ nhất trong hệ thống các trường ĐH là: Trường ĐH dân lập (DL) Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (0,30 ha); Trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng (0,35 ha); Nhạc viện TP.HCM (0,35 ha); Viện ĐH Mở Hà Nội (0,37 ha); Trường ĐH DL Hùng Vương (0,40 ha). Diện tích bình quân cho 1 SV của 5 trường chỉ 0.6 m2/SV.
Năm trường CĐ có diện tích nhỏ nhất gồm: Trường CĐ Tư thục Kinh tế-Công nghệ TP.HCM (0,15 ha); CĐ Phát thanh Truyền hình II (0,25 ha); CĐ Nghệ thuật Hà Nội (0,30 ha); CĐ DL Kinh tế kỹ thuật Đông du Đà Nẵng (0,30 ha); CĐ DL công nghệ thông tin TP.HCM (0,32 ha). Diện tích bình quân cho 1 sinh viên của 5 trường này là: 1.4 m2/SV
Số trường có diện tích từ 10 ha đến dưới 30 ha là 61 trường (ĐH là 31 trường và CĐ là 30 trường), chiếm tỷ lệ 21,5 % tổng số trường. Số trường có diện tích từ 30 ha trở lên là 30 trường (22 trường ĐH và 8 trường CĐ), chiếm tỉ lệ 10,6 %. Đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong thời gian tới, bà Hà nói.
Để nâng chất lượng giáo dục ĐH, trong năm 2008, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng tiêu chuẩn cụ thể trong việc tuyển chọn và sàng lọc giảng viên. Đồng thời, thí điểm áp dụng tiêu chuẩn đánh giá và xếp hạng các trường ĐH thông qua các tiêu chí đảm bảo chất lượng có định lượng. Các trường ĐH có trách nhiệm tham gia vào hoạt động này. Ban hành tiêu chí phân cấp trường ĐH, thực hiện việc phân cấp đối với các trường ĐH trọng điểm...
-
Kiều Oanh