(VietNamNet) - "Chất lượng đào tạo tiến sĩ (TS) thấp. Nhiều đề tài nghiên cứu trùng lặp không gắn với thực tế. Thậm chí, nhiều đề tài viết dài dằng dặc nhưng không thấy có thông tin mới..." Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long bức xúc tại hội thảo tìm lời giải cho "bài toán" nâng chất lượng đào tạo TS kinh tế tổ chức sáng 14/12, tại Hà Nội.
GĐ ĐH Đà Nẵng Bùi Văn Ga: "Ở các nước, người ta tập trung đào tạo 3 năm ròng rã còn chưa được, trong khi ở ta chỉ đào tạo theo bán thời gian thì làm sao có chất lượng?" (Ảnh: HC)
Gần 70% nhà quản lý "đổ xô" kiếm bằng TS...
GS.TS Đỗ Kim Chung, Trưởng khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn (Trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội) nêu thực tế, nhận thức của xã hội về đào tạo TS kinh tế có nhiều lệch lạc.
Cụ thể, học vị TS được coi là tiêu chuẩn để cất nhắc và bổ nhiệm các chức vụ quản lý của công chức. Dẫn đến, nhiều cấp/ngành đã có nhận thức xã hội chưa đúng về văn bằng TS và sử dụng trình độ học vấn TS.
Ông dẫn dụ, kết quả khảo sát của Hội đồng GS nhà nước cho thấy 70% người tốt nghiệp TS làm quản lý. Chỉ chưa đầy 30% làm nghiên cứu và giảng dạy...
Bất cập nữa là đánh giá của xã hội về TS làm quản lý cao hơn TS làm chuyên môn. Điều này đã khiến 68% cán bộ quản lý không có nhu cầu nghiên cứu mà "đổ xô" tìm kiếm văn bằng. Bên cạnh đó cũng không ít người nhìn nhận, khi nhận học vị TS được coi là kết thúc "sự nghiệp" nghiên cứu. Không loại trừ suy nghĩ của một số người muốn có bằng TS là để "trang sức" cho việc thăng tiến hơn là có kỹ năng nghiên cứu.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Phan Công Nghĩa cho rằng, mặc dù chất và lượng được nâng lên trong mấy năm gần đây như so với thế giới vẫn còn khoảng cách lớn. Điểm khác biệt của Việt Nam là không có quy định về đạt đến trình độ nào, chuyên ngành gì thì được đào tạo TS mà tất cả mọi người đều có thể làm TS. Mà cứ đào tạo là đậu!?
Không học vẫn bảo vệ TS thành công
Số đông đại biểu đồng quan điểm, vấn đề bị phê phán nhiều đối với quy trình đào tạo TS ở Việt Nam là thủ tục hành chính quá rườm rà.
PGS.TS Trần Thọ Đạt, Viện đào tạo Sau ĐH (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) dẫn dụ, từ lúc nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển NCS, được công nhận trúng tuyển...đến khi được cấp bằng TS ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân thì trung bình 1 NCS phải trải qua khoảng 300 loại văn bản và báo cáo thống kê với xấp xỉ 400 chữ ký các loại. Trong đó, có gần 200 văn bản cần dấu của cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý NCS.
Mặc dù dự thảo quy chế đào tạo TS đã khẳng định việc giao quyền tự chủ trong đào tạo cho các trường ĐH. Tuy nhiên, theo những điều khoản đưa ra vẫn còn một số quy định mang tính áp đặt và rườm rà. Ví như, đòi hỏi bộ môn "đề xuất với Thủ trưởng cơ sở đào tạo danh mục các tạp chí khoa học chuyên ngành mà NCS phải gửi công bố kết quả nghiên cứu" và cơ sở đào tạo "phê duyệt danh mục các tạp chí đăng tải kết quả luận án cho từng chuyên ngành đào tạo" là không cần thiết..., ông Đạt đề xuất.
Các môn học của chương trình cần xây dựng, sắp xếp và tổ chức giảng dạy khoa học với quan điểm không học lại các môn học ở trình độ cử nhân, thạc sĩ...Vì nhước điểm dễ nhận thấy trong các chương trình đào tạo từ trình độ ĐH trở lên ở Việt Nam là sự trùng lặp kiến thức giữa các bậc học.
Một thực tế của Việt Nam trong đào tạo TS hiện nay chẳng giống các nước: đơn giản và dễ rãi. Tại nhiều cơ sở đào tạo, NCS chỉ phải thực hiện 3 chuyên đề TS rồi tự làm luận án "tại nhà hay tại cơ quan". Thậm chí có trường hợp NCS trong 3 năm đào tạo hầu như không có mặt tại cơ sở đào tạo, không nghiên cứu, sinh hoạt chuyên môn...nhưng vẫn bảo vệ thành công luận án TS!
Không thay đổi chất lượng = mất thị trường
Theo GS.TS Đỗ Kim Chung, trước xu thế hội nhập, mở cửa của thị trường giáo dục và đào tạo dẫn đến tính cạnh tranh cao. Do vậy, giáo dục đào tạo TS trong nước nên không nâng chất lượng rất dễ mất thị trường. Bởi, nhiều trường nước ngoài vào Việt Nam mở lớp đào tạo TS với mức học phí cao nhưng vẫn "hút" người học...
Ông Phan Công Nghĩa nhìn nhận, chất lượng đào tạo TS thấp do phương pháp đào tạo chậm đổi mới. Mặc dù, chương trình đào tạo TS đã có nhích lên một chút nhưng có người ví von "nếu đào tạo ĐH là cấp 4 thì chương trình đào tạo sau ĐH là cấp 5..." Chương trình đào tạo xa rời thực tế nên đòi hỏi có cái mới trong nghiên cứu là rất khó.
Hiện nay giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các trường ĐH mới đạt 14,7%; CĐ là 1,4%.
Tỷ lệ này đến năm 2010 phải đạt chỉ tiêu đối với ĐH là 20% giảng viên có trình độ tiến sĩ và CĐ là 5%. Sẽ xây dựng 20 trường ĐH nghiên cứu; trong đó, giảng viên có trình độ TS phải đạt 75% trở lên. Vụ trưởng Vụ ĐH&Sau ĐH Trần Thị Hà cho biết ngày 14/12 |
Để nâng chất lượng, ông Chung kiến nghị, trong phân công giáo viên hướng dẫn NCS Bộ GD-ĐT không nên quy định "cứng" mà nên theo năng lực. Việc quy định "cứng" là không coi trọng nguyện vọng của NCS và giáo viên. Hơn nữa, Bộ không thể kiểm soát được 1 giáo viên trường A còn bao nhiêu "quota" để nhận NCS trường khác để hướng dẫn.
Thực tế, đã có giáo viên phải hướng dẫn các đề tài ít phù hợp với chuyên môn dẫn đến là chất lượng đề tài thấp, không khuyến khích giáo viên tham gia hướng dẫn NCS.
Cùng với đó, không nên quy định cứ phải chương trình ĐH có gì thì cao học mới được đào tạo. Vì như vậy là bó hẹp cơ hội lựa chọn chuyên ngành nghiên cứu của NCS và ngược với thế giới, ông Chung bày tỏ. Để đào tạo thực sự có chất lượng nên có một chương trình đào tạo chuẩn. Chứ chương trình đào tạo cao học của Việt Nam hiện nay mới chỉ là "chương trình thu nhỏ của ĐH" mà thôi.
Bỏ thi tuyển, đào tạo tập trung
Ngoài những lý do đề cập đến bất cập trong chương trình đào tạo, thủ tục quá rườm rà, nhiều ý kiến cũng lên tiếng kinh phí cho 1 NCS hiện là quá ít.
GS.TS Đỗ Kim Chung cho biết, kinh phí đào tạo quy định từ năm 1994 đến nay vẫn chưa có thay đổi. Nghĩa là 1 NCS được cấp từ 4,5 - 5 triệu đồng / năm, cộng với tiền đóng thêm lên đến 9 triệu đồng / 1 NCS là không đủ trang trải cho quá trình tổ chức đào tạo.
Trong khi đó, mức kinh phí cho các lưu học sinh (LHS) Việt Nam ở các trường ĐH trên thế giới lên tới 20.000 - 30.000 USD/ năm. Ông so sánh, mức kinh phí 1 LHS được cấp gấp gần 100 lần NCS trong nước.
Tại Trường ĐH Nông nghiệp 1, các NCS trong nước hoàn thành luận án thì chi phí thấp nhất khoảng 50-80 triệu đồng, cao nhất là 300 triệu đồng. Chi phí bình quân cũng từ 120-150 triệu chưa tính các khoản có thể tự làm... Do vậy, kinh phí không đủ là "rào cản" lớn cho các NCS trong quá trình thực hiện đề tài.
Vụ trưởng Vụ ĐH&Sau ĐH (Bộ GD-ĐT) Trần Thị Hà cho biết, trong Đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ có đề xuất mức đầu tư tối thiểu cho 1 NCS trong thời gian tới là 110 triệu đồng. Đối với NCS đào tạo trong nước sẽ có từ 3 đến 6 tháng khảo sát, nghiên cứu ở nước ngoài...để nâng chất lượng.
Quy chế đào tạo TS mới cũng sẽ có nhiều thay đổi phù hợp với thực tế. Cụ thể, trong tuyển sinh đào tạo tiến sĩ tới đây quy chế mới quy định sẽ không còn thi tuyển. Đồng thời, Bộ GD-ĐT sẽ phân cấp mạnh cho các trường. Các cơ sở đào tạo được quyền phê duyệt danh sách thí sinh trúng tuyển, được toàn quyền trong mọi hoạt động đào tạo NCS và cấp bằng TS.
Điểm thay đổi có tính "đột phá" để nâng chất lượng trong đào tạo TS tới đây là bãi bỏ hình thức học không tập trung, buộc NCS phải học tập trung. Đổi mới này nhằm ngăn chặn kiểu TS "tại chức" đang là khiếm khuyết gây nhiều bức xúc hiện nay.
Việc đánh giá năng lực NCS tới đây sẽ chú trong đến khả năng hoàn thành đề tài đến đâu và mức độ nào. Chứ hiện nay chỉ chú trọng đến có bài báo công bố nhưng trong đánh giá năng lực lại không đánh giá có hoàn thành đề tại hay không, Bà Hà khẳng định.
-
Kiều Oanh